1. "Hiệu ứng đá con mèo" và cách quản lý cảm xúc
Một người cha buồn bã vì công việc không suôn sẻ. Khi về nhà, anh thấy con nhảy nhót trên ghế sofa nên quát mắng. Bực mình, đứa trẻ quay lại và đá con mèo nằm gần đó. Con mèo sợ hãi chạy ra đường. Một tài xế lái xe tránh con mèo không kịp đã đâm vào một người đứng gần đó.
"Hiệu ứng đá con mèo" chỉ ra, sự lây lan của tâm trạng tồi tệ giống như việc lật đổ dãy quân cờ domino. Tự do trút giận có thể dẫn đến một vòng luẩn quẩn làm hại tâm trạng của bản thân và ảnh hưởng tới người khác. Do đó, cách tốt nhất để ngăn chặn "hiệu ứng đá con mèo" không phải là kìm nén cảm xúc mà là quản lý chúng.
2. "Hiệu ứng gợi ý" xây dựng động lực tích cực
Người Trung Quốc thường kể nhau nghe giai thoại về nhà văn Diệp Thánh Đào. Ông bị mất ngủ kinh niên và luôn khó chịu mỗi khi nhìn thấy các quảng cáo cải thiện giấc ngủ vì chúng nhấn mạnh những nguy hại khác nhau của chứng bệnh này. Sự lo lắng khiến các bệnh mất ngủ của ông ngày càng nghiêm trọng hơn.
Vợ ông nghĩ ra một mẹo. Bà nói mua được loại thuốc rất tốt, ai uống vào cũng chữa được triệt để chứng mất ngủ. Ông Diệp yên tâm uống ba viên mỗi ngày trước khi đi ngủ và thấy rất hiệu nghiệm. Thực ra, những viên thuốc đó chỉ là vitamin thông thường.
Các nhà tâm lý học giải thích, phương pháp của vợ ông Diệp chính là "hiệu ứng gợi ý". Đối mặt với những khó khăn không thể vượt qua, một thái độ lạc quan là liều thuốc tốt. Định luật Murphy: "Không có hoàn cảnh vô vọng, chỉ có trạng thái tâm trí vô vọng". Cần cho bản thân cơ hội đón nhận những gợi ý tích cực, giúp khơi dậy tiềm năng to lớn và thúc đẩy bản thân ngày càng trở nên tốt hơn.
3. Hiệu ứng "Điểm tới hạn" - Luôn đi đến cùng
Nước đến dưới 0 độ sẽ chuyển thành băng và nước trên 100 độ sẽ chuyển thành hơi. Đạt đến một giới hạn nhất định, bạn có thể nhận được kết quả hoàn toàn khác, đây gọi là hiệu ứng điểm tới hạn. Thông thường, thách thức càng lớn, cơ hội càng lớn. Bước qua các giới hạn, đạt được tới hạn, bạn có thể đạt được những thành tựu cao hơn trạng thái trước đó.
Có một câu nói: Chỉ cần bạn không từ bỏ hy vọng, hy vọng sẽ không từ bỏ bạn. Chỉ cần bạn kiên trì với con đường mình đi, một ngày, lên đến đỉnh núi, bạn sẽ có thể phóng tầm mắt xuống phía dưới và nhìn thấy những điều tốt đẹp.
4. "Hiệu ứng lồng chim" - Đơn giản hóa
Nhà tâm lý học người Mỹ William James cá cược với người bạn Carlson rằng sẽ khiến ông phải nuôi một con chim. Carlson không tin, lý do bởi ông chưa bao giờ thích nuôi chim.
Ngày sinh nhật sinh nhật Carlson, James tặng ông một chiếc lồng chim trống không. Những ngày sau đó, vị khách nào đến chơi cũng hỏi: "Con chim của ngài đâu? Nó chết rồi à?". Nghe hỏi mãi, giải thích không xuể, cuối cùng, Carlson đành mua một con chim bỏ vào lồng.
Hiệu ứng này chỉ ra một điều, áp lực theo đuổi sự hoàn hảo cũng như áp lực từ những người xung quanh có thể thúc đẩy chúng ta thu nhận nhiều thứ hơn chúng ta cần trong cuộc sống. Càng đeo đuổi và đáp ứng những kỳ vọng của người khác, bạn càng xa rời hạnh phúc. Do đó, đơn giản hóa cuộc sống, tránh bận tâm quá nhiều đến việc người khác đánh giá giúp bạn hạnh phúc hơn.
5. "Hiệu ứng Buridan" - Chủ động trong cuộc sống
Hiệu ứng này chỉ hiện tượng một người do dự và khó ra quyết định. Hiệu ứng bắt nguồn từ câu chuyện về những con lừa của nhà triết học người Pháp Buridan: Một con lừa đứng ở giữa hai đống cỏ khô có chất lượng ngang nhau và chết đói vì không thể đưa ra quyết định nên ăn đống cỏ khô nào. Thành ngữ "Con lừa Bulidan" được hình thành từ câu chuyện này được dùng để chỉ những người thiếu quyết đoán.
Hiệu ứng này chỉ ra, không có sự lựa chọn đúng đắn duy nhất, cố gắng là động lực lớn nhất để tiến bộ. Trong cuộc sống, bạn phải tin rằng bất kể bạn chọn điều gì, miễn là bạn kiên trì thực hiện nó, bạn sẽ đạt được kết quả nhất định. Nếu bạn do dự, bạn có thể mất đi cơ hội của chính mình. So với việc làm điều đúng đắn, dũng khí và khả năng làm tốt mọi việc có giá trị hơn.