GIỚI THIỆU VỀ ANASTAR
Chào mừng các bạn đã đến với
Anastar!
Giúp bạn vươn xa!
A. Lý do ra đời?
Tôi “may mắn” được sinh ra trong một gia đình nghèo khó. Chính cái nghèo khó đã hun đúc cho tôi một niềm khát khao giàu có ngay từ khi còn rất nhỏ. Hồi đó, tôi luôn ao ước giá như mình gặp được một người có đủ kiến thức dẫn dắt mình, thế nhưng tôi đã không có được diễm phúc đó. Người thầy duy nhất của tôi là cha. Ông có những tư tưởng và suy nghĩ khá sâu sắc về cuộc sống, ngặt một điều ông lại là nông dân chính gốc nên không có chút kiến thức gì về kinh doanh. Ông cần cù lao động vô cùng. Cả cuộc đời ông dường như chẳng biết lừa gạt ai. Ông tuyệt đối tin vào lẽ phải, vào công lí và những chuẩn mực đạo đức đương thời. Ông cố gắng vắt kiệt sức mình chỉ để mong vợ con có cuộc sống hạnh phúc… Nghĩ về ông, đã không ít lần tôi đầm đìa nước mắt và tự hỏi: Tại sao một người như cha mà suốt đời chỉ có nghèo là nghèo?!
Không tìm được câu trả lời về giàu có từ cha, tôi đã mò mẫm tìm nó bằng mọi cách. Lúc nào trong đầu tôi cũng vang lên câu hỏi: Làm sao để giàu có? Nhiều lần câu hỏi đó đã khiến tôi phát điên. Có một dịp cha đã hỏi tôi mục đích sống của tôi là gì, khi đó tôi bèn trả lời là tiền. Nghe vậy ông bèn nói nếu một người chỉ biết sống vì tiền thôi thì người đó thật tồi. Tôi đã không đồng ý với phán xét ấy, và cố gân cổ lên biện minh rằng nếu con không xác định rõ mục đích con sẽ không thể đạt được nó. Thật ra tôi là đứa trẻ tốt và cha cũng không sai. Tôi chỉ muốn kiếm nhiều tiền để giúp đỡ gia đình. Nghèo thường đi đôi với hèn. Chính nó là thủ phạm đã đem lại cho gia đình tôi nhiều bất hạnh, đem lại cho tuổi thơ tôi đầy nước mắt… Và cho đến lúc trưởng thành, nhiều bạn bè đôi khi còn chỉ vào mặt tôi mà xối xả rằng: Mày cứ cho là mày giỏi tại sao mày vẫn cứ nghèo? Đấy, thế đấy! Khi bạn nghèo bạn chẳng khác con vật là mấy. Mọi quyền lợi, danh dự, hạnh phúc… của bạn hầu như đều bị chà đạp. Tôi căm thù nghèo đói!
Tôi đã quan sát mọi người rất kĩ, cố gắng nhật xét thật tinh tế, tự nghiền ngẫm để đưa ra những suy nghĩ thật sâu sắc… Tôi đã lắng nghe, đọc biết bao nhiêu là sách làm giàu… Tôi đã lăn lộn kiếm tiền từ khi còn học cấp hai… Tôi đã tự rèn luyện để trở thành một người cực kì siêng năng, cực kì mạnh mẽ… Tôi đã lần lượt ứng dụng vào cuộc sống vô vàn ý tưởng, sáng kiến, kế hoạch, đề án… Nhưng hầu như tôi vẫn cứ nghèo. Kết quả mà tôi đạt được không cao, số tiền kiếm được nhích một cách chậm chạp theo năm tháng. Tôi tự hỏi chả lẽ trên đời này không có cách nào để làm giàu từ hai bàn tay trắng hay sao?
Dẫu biết rằng để giàu có phải giải được “phương trình” gồm nhiều “ẩn số”, song tôi vẫn không tin vào định mệnh. Càng phấn đấu tôi càng gặp nhiều khó khăn, nhục nhã, nhiều lúc tưởng như mình không thể vượt qua nổi, nhưng từ trong sâu thẳm bản ngã tôi quyết không lùi bước. Chắc điều này có được là do tôi được tôi luyện trong hoàn cảnh nghiệt ngã. Lời thề không đội trời chung với nghèo đã ăn sâu vào tận xương tủy tôi. Giá mà lúc đó có ai nói cho tôi biết tôi phải làm gì, nhưng bốn bề vẫn lạnh lùng im lặng.
Tôi nghe người ta nói muốn giàu có phải siêng năng, cần cù… Trời ơi! Bài học về cha còn sờ sờ ra đấy, cả đời ông siêng năng mà có giàu đâu! Tôi không có ý phủ định điều này, song hình như nó chưa phải là nhân tố quyết định. Với thời đại khoa học kĩ thuật phát triển, tất cả đều làm bằng máy móc, người ta đã không quan tâm bạn siêng năng hay lười biếng, mà quan tâm đến hiệu quả công việc bạn đem lại. Bạn chăm chỉ ư? Nhưng nếu bạn đầu tư sự chăm chỉ ấy sai chỗ liệu có mang lại kết quả như mong đợi? Điều này càng được khẳng định hơn khi tôi chứng kiến cuộc sống của người nông dân nước mình. Họ phải bỏ ra rất nhiều công sức, thời gian và tiền bạc mới có sản phẩm để bán, thế nhưng khi họ trúng mùa thì điệp khúc mất giá lại diễn ra. Một số người còn đầu tư sai khiến cho sản phẩm làm ra nhiều nhưng không tiêu thụ được do không đạt chất lượng, mẫu mã hoặc không đúng thị hiếu người tiêu dùng… Nghe thật chua chát!
Tôi lại nghe người ta nói làm giàu phải biết liều! Thật sự mà nói từ “liều” ở đây chỉ có thể sử dụng cho kẻ ngu dốt. Người giỏi thật sự chỉ trông đợi vào may mắn khoảng 10%, trong khi kẻ thiếu kiến thức lại trông đợi vào nó đến 90%. Thực tế đã chứng minh, rất ít kẻ ngu dốt giàu có!
Tôi lại nghe người ta nói muốn giàu có phải học thật giỏi. Tôi cố gắng học giỏi, nhưng tôi lại thấy nhiều người học giỏi nhưng họ có giàu đâu. Nhiều nhà bác học, nhiều người đoạt các giải thưởng quốc tế vậy mà nghèo vẫn hoàn nghèo. Ôi đau đầu!
Tôi lại nghe người ta nói muốn giàu có phải học ngoại ngữ. Tôi cắm đầu vào học ngoại ngữ, cuối cùng đầu óc tôi trở nên tư duy rất hời hợt. Tôi suy nghĩ không thể sâu được vì suốt ngày tôi cứ lải nhải nói ngoại ngữ hoài.
Tôi lại nghe người ta nói muốn giàu có phải có trong tay một nghề gì đó thật vững chắc. Tôi thử đi học nghề. Khi học nghề xong tôi đã không biết mình phải bắt đầu từ đâu, thế là tôi đành đi xin việc để sống qua ngày.
Tôi lại nghe người ta nói muốn giàu có phải có kiến thức về kinh tế. Tôi lao vào nghiên cứu kinh tế quên ăn quên ngủ. Kinh tế đã trở thành máu trong cơ thể tôi. Tôi ăn cũng kinh tế, nói cũng kinh tế, ngủ cũng kinh tế… Thế nhưng làm giàu đâu chỉ cần có kiến thức lí thuyết!
Tôi lại nghe người ta nói muốn giàu có phải có vốn. Tôi đi làm tích góp được bao nhiêu tiền dồn hết vào mở một cửa hàng kinh doanh, kết quả tôi trắng tay. Đồng vốn quá ít cộng với kinh nghiệm trận mạc non nớt là nguyên nhân thất bại. Thất bại là mẹ thành công mà! Ừ, có lẽ đây là câu nói của những người biết an ủi người khác! Tôi phải thất bại đến bao nhiêu lần nữa thì thành công mới đến với tôi? Tôi chỉ sợ chưa tới lúc đó thì tôi đã chết rồi! Bạn cho rằng tôi quá bi quan ư? Không! Khi bắt tay vào làm bất cứ cái gì ai cũng muốn thành công không ai muốn thất bại cả. Thất bại càng nhiều thì tổn thất càng lớn. Càng thất bại thì càng đau khổ! Kinh nghiệm ư? Kinh nghiệm thì có đó, song chả lẽ chỉ có thất bại mới cho bạn kinh nghiệm sao? Kinh nghiệm có làm bạn giàu có không? Có ư? Ừ đúng đó, nhưng đối với một người hai bàn tay trắng như tôi điều đó nghe có vẻ “tiểu thuyết” quá! Tôi nghĩ thực tế hơn: Muốn thành công phải hạn chế thất bại ở mức thấp nhất!
Tôi lại nghe người ta nói muốn giàu có phải biết lừa đảo, trốn thuế, buôn lậu, lấy vợ giàu… Ôi, chỉ nghe nói thôi đã có thể đoán được hậu quả của những việc làm đó. Tôi muốn giàu có để hạnh phúc chứ không muốn giàu có trong lao tù, bất hạnh.
Tôi lại nghe người ta nói “Buôn thuyền bán bè không bằng ăn dè hà tiện”. Nhưng nếu mình không kiếm ra tiền thì để dành tiền làm sao đây? Hai việc này cần phải làm song song mới được.
Tôi lại nghe người ta nói muốn giàu có phải biết đầu tư? Ôi lí thuyết bao giờ cũng tuyệt vời! Đầu tư vào cái gì và làm sao không phải ai cũng biết và có cơ hội thực hiện nó. Hầu như 100 người đầu tư thì hết 99 người thất bại. Khó thật!
Tôi lại nghe người ta nói muốn giàu có phải có tư duy làm giàu. Tư duy đó là tư duy thế nào và áp dụng ra sao? Có lẽ câu nói đó từ những người thành đạt, họ đã làm được nên mới mạnh miệng, nếu họ thất bại họ cũng sẽ hoang mang không biết nên làm thế nào. Mỗi người đều có hoàn cảnh riêng, cơ hội riêng, khó khăn riêng… không thể áp dụng giống nhau như đúc. Khi quyết định được đưa ra, chúng ta chỉ có thể biết đúng hay sai khi kết quả hiện diện. Lí thuyết muôn đời vẫn là lí thuyết, bạn chỉ có thể hạn chế thất bại của mình bằng cách trang bị thật nhiều qui luật suy nghĩ chung, đúng đắn. Nếu không có ánh sáng của những môn như triết học, logic học, tâm lí học… thì mãi mãi bạn cũng chỉ sờ soạng trong bóng đêm. Đôi khi bạn làm đúng qui luật suy nghĩ, nhưng kết quả lại xảy ra hoàn toàn ngược lại. Bốn bề tối đen đâu là con đường cho bạn? Phải thật sâu sắc và sâu sắc hơn nữa mới hiểu mình cần phải làm gì để thành đạt!
Tôi lại nghe người ta nói muốn giàu có phải có người thầy cực giỏi dẫn dắt! Ừ đúng đó! Nhưng tìm người đó ở đâu và làm sao bạn biết người ta là người giỏi? Lưu Bị phải mấy lần lên núi mời Khổng Minh xuống giúp, bạn liệu có phẩm hạnh và đầu óc nhìn người như Lưu Bị? Tôi đã không tìm ra người thầy, cho nên tôi coi bản thân là người thầy. Lúc nào cũng suy nghĩ hoàn thiện mình đó là cách làm tốt nhất!
Tôi còn nghe người ta nói rất nhiều, rất nhiều nữa. Họ nói rằng muốn giàu có phải thế này thế kia, song hình như những lí thuyết ấy còn nhiều khiếm khuyết. Chúng chỉ là một phần góp nhặt cho vinh quang của bạn. Tôi muốn câu trả lời thật cụ thể để tôi có thể sờ tay vào giàu có khi thực hiện nó ngay kia!
Tôi thấy nhiều bạn bây giờ thích làm chủ, nhưng làm chủ không phải đơn giản đâu! Bạn làm chủ khi trong tay không có đồng vốn nào ư? Bạn nói bạn để dành tiền à? Ừ, để dành tiền thì được đó, nhưng để trong bao lâu và bao nhiêu thì đủ? Quá trình bạn đi làm thuê góp nhặt từng đồng thành vốn liếng sao mà lắm gian nan. Liệu ra kinh doanh chỉ với vốn bạn có thành công không? Làm chủ bạn phải biết tính toán, quyết định, quản lí… Rồi hàng hóa sản xuất là gì chứ? Khi sản xuất ra liệu có bán được không? v.v… Quá trình này quả lắm gian nan gấp khúc, phải mất bao nhiêu thời gian bạn mới đụng đến giàu có. Lí thuyết nghe ra rất đơn giản, song nếu ai chịu suy nghĩ sẽ thấy làm chủ quả không dễ dàng. Ấy thế mà nhiều bạn chẳng cần đắn đo đã xin giấy phép thành lập công ty khi trong tay chỉ có vài chục triệu đồng. Thực tế thì rất nhiều người vẫn thành đạt từ hai bàn tay trắng, nhưng họ không làm giống bạn. Một khi vốn ít mà chọn con đường dài thì rủi ro và tổn thất sẽ lớn. Khi qui mô mở rộng, nhu cầu bản thân, áp lực công việc, chi phí kinh doanh… tăng theo, liệu một người với tầm nhìn và phẩm chất kém có thể gánh vác được trọng trách? Nếu như trong quá trình thực hiện một khâu hay thao tác nào đó trật đường rầy thì công sức gây dựng bao lâu nay sẽ đổ sông, đổ biển. Bên cạnh đó, với hai bàn tay trắng ôm đồm quá nhiều việc khó tập trung sức lực, trí tuệ để đạt đến độ sắc sảo. Biết đúng, biết sai, biết đủ, biết dừng… luôn luôn là đòi hỏi cao nhất của người lãnh đạo. Cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008 rút ra bài học xương máu cho mọi người: Ai cũng có thể gãy đổ bất cứ lúc nào nếu không hiểu rõ qui luật phát triển. Ngày xưa phải gây chiến thì mới cướp đoạt được của cải từ tay kẻ khác, nhưng ngày nay vũ khí của các nước giàu chính là giao thương. Chúng ta không ai ngờ rằng thị trường bất động sản của Mĩ lại trở nên bi đát đến như vậy, có lẽ vì thế mà hàng loạt ngân hàng phải phá sản. Khi nghe tin tập đoàn General Motor lừng danh thế giới giải thể nhiều người đã không tin đó là sự thật. Tại sao lại có chuyện lạ lùng như vậy?
Tôi đã tìm câu trả lời này sau rất nhiều năm trăn trở, cộng với việc nghiên cứu lịch sử kinh tế thế giới. Vào cái thời “ăn lông ở lỗ”, phương thức sản xuất của chúng ta chỉ là hái lượm, săn bắt, khi đó công cụ lao động của chúng ta cũng không có nhiều. Khi nhu cầu con người ngày càng tăng cao, việc đầu tiên chúng ta nghĩ đến là cải tiến công cụ lao động. Trải qua nhiều thế kỉ, nhờ khoa học kĩ thuật phát triển công cụ lao động đã phát triển thật dữ dội. Lúc này cái từ “công cụ lao động” đã biến tướng không thể tưởng nổi. Từ cái rìu, cái búa…, bây giờ công cụ lao động là robot, thậm chí cả con người. Các nước chạy đua nhau sáng chế ra nhiều công cụ lao động tân tiến nhằm sản xuất ra nhiều của cải vật chất với độ tinh xảo và lượng “chất xám” tồn tại trong nó rất cao. Những nước như vậy tất nhiên là những nước giàu. Một sản phẩm họ sản xuất trong vài phút nhiều khi bạn phải làm cả năm mới đủ tiền mua. Công cụ lao động đã giúp họ gom tiền nhanh chưa từng có. Có công cụ lao động thì phải có phương thức sản xuất. Phương thức sản xuất chính là công nghệ, bí mật khoa học kĩ thuật… Trung Quốc thì có công nghệ sản xuất hàng siêu rẻ, siêu bắt chước, siêu nhanh. Không ai có thể tin chi phí sản xuất một chiếc xe máy Trung Quốc chỉ có vài triệu đồng. Nhật thì nổi tiếng với hàng chất lượng cao. Nói đến Nhật người ta nghĩ ngay đến chất lượng. Thái Lan thì có công nghệ du lịch. Họ đã đưa một đất nước thua kém chúng ta khá nhiều về tiềm năng, thành một đất nước chuyên phục vụ du khách thập phương. Phương Tây thì lại khẳng định mình bằng cách đầu tư vào các ngành công nghiệp nặng và tạo ra phong cách làm việc chuyên nghiệp. Còn Việt Nam chúng ta? Chúng ta có phát triển về khoa học kĩ thuật để tạo ra nhiều công cụ lao động tốt? Chúng ta có công nghệ gì để tạo ra thế mạnh cho mình hay không?
Mặc dù rất giàu có, song Nhật Bản và Mĩ lại là những nước gặp nhiều khủng hoảng? Một khi chúng ta sản xuất ra nhiều hàng hóa, thì công việc cuối cùng của chúng ta là bán chúng đi! Đây là lời giải cho bài toán giàu có! Không bán được hàng hóa, dịch vụ của mình làm sao mà bạn giàu được cơ chứ? Bạn chỉ tập trung vào sản xuất ra hàng hóa, lượng sản xuất và lượng bán ra không cân đối tất yếu dẫn đến khủng hoảng!
Đất nước chúng ta nghèo ư?
Việt Nam chúng ta muốn phát triển hùng mạnh phải tạo dựng được “tam giác phát triển” mà ba cạnh của nó chính là: Khoa học - sản xuất - giao thương hay khoa học - ứng dụng – thương mại.
Muốn giàu có phải sản xuất ra nhiều của cải vật chất, tinh thần. Hoạt động sản xuất chỉ thật sự phát triển khi được sự trợ giúp đắc lực của khoa học kĩ thuật. Ngược lại, khoa học kĩ thuật phát triển là để phục vụ cho sản xuất. Muốn đất nước phát triển việc đầu tiên cần làm là đầu tư vào đội ngũ nghiên cứu khoa học kĩ thuật. Đội ngũ này đảm nhận vai trò như những người đi tiên phong, hướng đạo toàn bộ quá trình phát triển đất nước. Nhật Bản phát triển cũng nhờ xây dựng được đội ngũ như vậy còn đa số người dân chỉ dừng ở trình độ “ứng dụng” mà thôi!
Sản xuất ra thì phải trao đổi. Nó chỉ phát triển khi giao thương phát triển tốt. Ngược lại, muốn giao thương phát triển chúng ta phải làm tốt từ khâu sản xuất. Giao thương là kim chỉ nam định hướng, chỉ đạo hoạt động sản xuất. Mối quan hệ giữa giao thương và sản xuất là mối quan hệ biện chứng không thể tách rời.
Giao thương được sự hỗ trợ của khoa học kĩ thuật, ngược lại khoa học kĩ thuật định hướng được hoạt động của mình là nhờ giao thương.
Mối quan hệ giữa khoa học kĩ thuật, sản xuất và giao thương là mối quan hệ hai chiều trong một “tam giác phát triển” khép kín.
Tam giác Khoa học – Sản xuất – Giao thương
(hay Khoa học - Ứng dụng – Thương mại)
Đất nước chúng ta là một đất nước nông nghiệp. Nông nghiệp là thế mạnh của Việt Nam, thế nhưng loay hoay suốt bao năm mà đất nước chúng ta vẫn không thể phát huy được thế mạnh của mình. Điệp khúc “được mùa mất giá” vẫn là nỗi lo thường trực của người nông dân. Rất nhiều người đủ điều kiện làm giàu từ nghề nông nhưng đành rời bỏ nguồn lực của mình đi làm công nhân hoặc nghề khác vì nếu làm nông họ không thể ngóc đầu lên được. Vì sao nông dân không muốn theo đuổi nghề nông và họ cũng không muốn con cháu mình theo đuổi nghề này?
Có rất nhiều người đã và đang cố gắng giải thích nguyên nhân khiến Việt Nam không thể cất cánh, nhưng dường như họ giải thích chưa đúng và không hành động quyết liệt để đưa đất nước tiến lên.
Lí giải nguyên nhân của tình trạng “được mùa mất giá, mất mùa được giá”, tiến sĩ (TS) Võ Mai, phó chủ tịch trung ương Hội Làm vườn Việt Nam, cho rằng tổ chức sản xuất theo kiểu “mạnh ai nấy làm” chính là vấn đề. Theo TS Võ Mai, lâu nay cứ làm kế hoạch theo kiểu cộng từ dưới lên trên mà không nghiên cứu xem trồng bao nhiêu hécta trái này trái kia, cây này cây nọ để làm gì, phục vụ trong nước bao nhiêu, xuất khẩu thế nào, chế biến ra sao … “Người nông dân cứ thấy hàng xóm trồng cái gì thì trồng theo, cây gì đang được giá thì chặt hết cây cũ để trồng rồi lại rơi vào cảnh rộ lên và mất giá. Kế hoạch của Nhà nước chưa được thực hiện theo nhu cầu của thị trường, không phải lỗi của người nông dân”, TS Võ Mai nêu ý kiến. Bà Mai đánh giá sở dĩ người trẻ bỏ nông thôn, bỏ ruộng vườn vì làm nông vất vả mà thu nhập lại bấp bênh. Nhiều người bỏ lên thành phố làm công nhân vì nhìn thấy sự chênh lệch giữa cuộc sống nông thôn và thành thị.
Thiếu định hướng trong sản xuất nông nghiệp chỉ là một nguyên nhân của tình trạng “được mùa mất giá, mất mùa được giá”. Theo tôi, lí giải trên chưa chính xác. Muốn nông nghiệp Việt Nam phát triển bền vững phải có một tổ chức giữ vai trò:
- Hướng đạo: Nghĩa là chỉ ra con đường và dẫn đường cho người khác đi theo. Ở Israel có tổ chức chuyên nghiên cứu những mô hình nông nghiệp hiệu quả rồi định hướng cho nông dân. Bất cứ ai muốn được tổ chức hỗ trợ đều phải tuân theo sự hướng dẫn của tổ chức. Cách làm này khiến ngành nông nghiệp Israel phát triển đúng hướng và tạo ra một khối đoàn kết vững mạnh.
Để ngành chăn nuôi/trồng trọt phát triển thì mỗi mô hình phải có người đầu tàu. Người đầu tàu không nhất thiết là người có nguồn lực lớn, mà là người đáp ứng tốt những tiêu chí phát triển. Tập trung nguồn lực, kĩ thuật… để người đầu tàu phát triển, sau đó người này sẽ dẫn dắt những người khác cùng phát triển theo định hướng đúng đắn. Không có người đầu tàu dẫn dắt ở mỗi hướng đi thì những thành viên sẽ phát triển tự phát, manh mún… Điều này gây ra sự hỗn loạn, thậm chí làm cho nền kinh tế suy yếu.
Chúng tôi sẽ giúp nông dân chọn đúng con đường thông qua những mô hình nông nghiệp hiệu quả mà chúng tôi đang nghiên cứu áp dụng vào thực tế. Nếu được, chúng ta sẽ chọn ra người đầu tàu để dẫn dắt người khác đi theo mô hình kinh tế nào đó. Như vậy, sự phát triển của chúng ta sẽ chuẩn xác hơn.
- Hướng dẫn: Như đã trình bày thì nguyên nhân chính khiến chúng ta làm kinh tế không hiệu quả chính là chúng ta thiếu kiến thức khoa học kĩ thuật. Không phải cứ lao vào chọn đại một mô hình kinh tế nào đó rồi thực hiện, mà phải có sự xem xét ở nhiều khía cạnh. Muốn chăn nuôi/trồng trọt thắng lợi thì phải có môi trường tốt. Môi trường phải có khí hậu, nhiệt độ, nguồn nước, thức ăn… phù hợp với đời sống vật nuôi/cây trồng. Ngoài ra, môi trường còn phải phù hợp với khả năng, qui mô đầu tư... Nếu chưa đủ điều kiện về môi trường thì phải tìm cách khắc phục, khắc phục được mới chăn nuôi/trồng trọt, còn khắc phục không được thì phải dừng lại. Thêm nữa, nếu khắc phục được nhưng chi phí khắc phục quá cao cũng không nên làm. Ai hợp với mô hình kinh tế nào thì thực hiện mô hình kinh tế đó. Làm giàu phải phù hợp với hoàn cảnh, qui luật và điều kiện thì thành công mới cao.
Sau khi chọn được mô hình kinh tế để phát triển thì việc ứng dụng triệt để kiến thức khoa học kĩ thuật vào mô hình là việc cần làm để mô hình kinh tế thật sự đem lại hiệu quả. Tại sao người ta cũng làm nông nghiệp mà chất lượng, số lượng sản phẩm của họ đều hơn mình? Để trả lời câu hỏi này chúng ta phải nỗ lực hết mình.
- Cung cấp: Người nông dân đôi khi do nguồn lực, kiến thức, kĩ thuật… hạn chế, họ không thể có những con/hạt giống, thuốc men, thức ăn, dụng cụ, máy móc, thiết bị, v.v… tốt. Nhiều mô hình kinh tế nếu có những nguyên vật liệu, dụng cụ, máy móc, thiết bị… tốt sẽ phát triển rất ghê gớm, nhưng hiện điều này còn rất hạn chế ở Việt Nam. Chúng tôi mong muốn là sẽ người cung cấp những điều này cho người nông dân.
- Kết nối: Làm kinh tế mà không đoàn kết sẽ không có sức mạnh chiến thắng những rào cản nhất thời. Giữ vai trò kết nối tất cả tổ chức, cá nhân làm kinh tế để hỗ trợ nhau cùng phát triển là nhiệm vụ rất khó khăn nhưng đầy vinh quang.
- Hỗ trợ: Người nông dân do hạn chế về vốn liếng, thông tin, sản phẩm, thị trường… nên không thể phát triển như vũ bão.
Có thể người chế biến nguyên liệu không phải là người đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng, nhưng nhất định phải có người chuyên trách về khâu phát triển thị trường. Phát triển kinh tế gồm nhiều khâu, mỗi khâu đều giữ vai trò quan trọng, nhưng phải gắn kết với nhau. Nhiều thương lái mua nguyên liệu ép giá nông dân, nhiều siêu thị mua sản phẩm ép giá doanh nghiệp nhưng lại chặt chém khách hàng, đây là cách làm tư lợi sẽ phải gánh chịu hậu quả về lâu dài. Xã hội loài người tồn tại được là do hỗ trợ lẫn nhau, nếu giẫm đạp lên nhau thì ngày nào đó trái đất sẽ không còn gì. Phải có tổ chức làm tốt khâu phát triển thị trường để sản phẩm nông nghiệp có chỗ đứng. Tuy nhiên, trước khi làm được vậy chúng ta phải làm tốt khâu phát triển sản phẩm. Một trong những nguyên nhân quan trọng khiến người nông dân không thể phát triển bởi họ không biết hoặc không đủ khả năng chế biến ra những sản phẩm giá trị từ nguyên liệu mình làm ra, do đó họ đành bán nguyên liệu thô cho người khác. Nếu lượng nguyên liệu làm ra quá nhiều mà không biết hoặc không có khả năng chế biến ra những sản phẩm giá trị thì niềm vui trúng mùa sẽ hóa thành nỗi buồn mất giá. Phải có người bắt tay với nông dân để nâng cao giá trị nguyên liệu. Sự hợp tác này phải thật bền chặt thì lợi ích của đôi bên mới ngày càng đi lên.
Nếu có một tổ chức như trên thì tổ chức ấy sẽ kiêm rất nhiều vai trò trong tam giác phát triển: Nghiên cứu ra mô hình kinh tế tối ưu nhất => Định hướng mô hình kinh tế đúng đắn => Hướng dẫn & Cung cấp & Kết nối & Hỗ trợ cho người nông dân phát triển. Đó chính là lí do Anastar ra đời!
Chúng tôi không chỉ giữ vai trò hướng đạo, hướng dẫn, cung cấp, kết nối, hỗ trợ mọi người khởi nghiệp ở lĩnh vực nông nghiệp mà còn ở nhiều lĩnh vực kinh tế khác. Ngoài hoạt động hướng đạo, hướng dẫn, cung cấp, kết nối, hỗ trợ mọi người khởi nghiệp, chúng tôi còn cung cấp kiến thức, thông tin về lĩnh vực học tập, cuộc sống, nghề nghiệp, v.v… Mục đích cuối cùng của chúng tôi là làm sao để mọi người có thể tiếp cận kiến thức, thông tin… tốt nhất nhằm thay đổi cuộc sống của bản thân và người khác theo chiều hướng tốt đẹp hơn.
B. Tuyên bố sứ mệnh:
Sứ mệnh chính của chúng tôi là nghiên cứu những ý tưởng, mô hình kinh tế tối ưu, sau đó áp dụng thí điểm vào thực tế, nếu đạt kết quả tốt sẽ phổ biến, hướng dẫn, cung cấp, kết nối, hỗ trợ thông tin, kiến thức, kĩ thuật, vốn liếng… để mọi người cùng phát triển.
Bên cạnh đó, chúng tôi còn nghiên cứu về những lĩnh vực như học tập, cuộc sống, nghề nghiệp… để đúc kết thành những bài viết, cuốn sách có giá trị gửi đến những ai cần chúng. Bất cứ ai có thắc mắc về những lĩnh vực trên cứ viết thư gửi về cho chúng tôi sẽ nhận được câu trả lời xác đáng.
Chúng tôi nguyện dốc toàn bộ sức lực, trí tuệ, thời gian… để phục vụ cộng đồng, vì một Việt Nam tươi sáng hơn trong tương lai!
C. Định hướng hoạt động:
+ Tất cả hoạt động đầu tư phải hiệu quả.
+ Mang lại lợi ích to lớn cho mọi người.
+ Nỗ lực không ngừng vượt qua mọi giới hạn.
+ Tốt nhất, đẹp nhất, nhiều nhất và nhanh nhất.
+ Coi trọng nguồn lực hữu hình lẫn vô hình.
D. Lĩnh vực hoạt động:
1. Phổ biến kiến thức, thông tin:
Mục đích của chúng tôi là phổ biến kiến thức, thông tin… đến mọi người, nhưng chúng tôi cho rằng không phải kiến thức, thông tin… nào cũng hữu ích, chính vì vậy, chúng tôi phải chọn lọc, tổng hợp, biên tập… lại. Một số bài viết của người khác xét thấy hợp lí, chúng tôi sẽ đăng nguyên văn lên website, nhưng có nêu nguồn trích dẫn để bạn tiện tham khảo. Một số bài viết chúng tôi phải nghiên cứu sau thời gian dài mới cho ra đời nên có thể không nhanh như bạn tưởng. Tóm lại, chúng tôi muốn những kiến thức, thông tin… mà chúng tôi phổ biến phải giúp bạn thay đổi được cuộc sống của mình và khẳng định được giá trị của chúng tôi. Những điều gì không làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn chúng tôi sẽ không làm.
2. Định hướng học tập, khởi nghiệp:
Cuộc đời của bạn giống như con thuyền, nếu bạn biết chọn cho mình con đường và đích đến bạn sẽ dễ huy động và phát huy toàn bộ nguồn lực để gặt hái thành công lớn hơn. Chúng tôi cho rằng định hướng trước khi học tập, làm việc, khởi nghiệp vô cùng quan trọng. Điều này có thể quyết định hơn 50% thành công của bạn. Chính vì vậy, bạn hãy viết thư về cho chúng tôi trình bày những nguồn lực của mình => hướng đi mình chọn + mục đích mình đặt ra. Qua phân tích những thông tin bạn cung cấp chúng tôi có thể cho bạn lời khuyên xác đáng. Nếu trong thư bạn chưa cung cấp đủ thông tin, chúng tôi sẽ gửi cho bạn bản câu hỏi gợi ý để làm rõ những thông tin chúng tôi cần biết. Trong trường hợp nào đó, chúng tôi cũng có thể gặp bạn trực tiếp để trao đổi hoặc đến tận nơi xem xét thêm. Nếu đã biết đến chúng tôi, đừng bao giờ quên hỏi trước khi dấn thân học tập, làm việc, khởi nghiệp…, vì điều này chỉ có lợi cho bạn. Thà bỏ chút thời gian tìm hiểu, hỏi han, suy xét… trước khi vào cuộc, còn hơn thất bại cay đắng không thể sửa được. Hạn chế thất bại ở mức thấp nhất là cách làm của người khôn ngoan.
3. Tư vấn, hướng dẫn khởi nghiệp:
Như đã trình bày, chúng tôi muốn trở thành một tổ chức hướng đạo, hướng dẫn, cung cấp, kết nối, hỗ trợ người khởi nghiệp, đặc biệt là người khởi nghiệp ở lĩnh vực nông nghiệp. Để làm được điều này, chúng tôi phải nghiên cứu ra rất nhiều mô hình kinh tế => thí điểm vào thực tế => nếu đạt hiệu quả sẽ hướng dẫn cho người có nhu cầu.
Thông thường chúng tôi phải định hướng cho người khởi nghiệp, gửi dự án về mô hình kinh tế nào đó cho họ để giúp họ hình dung ra con đường mình theo đuổi, lên kế hoạch kinh doanh cho họ trước khi hướng dẫn họ gián tiếp hoặc trực tiếp. Nếu bạn có ý định khởi nghiệp nghiêm túc thì bạn phải tuân thủ qui trình này. Đôi khi việc định hướng mất thời gian của cả hai nhưng chúng tôi cần tìm hiểu kĩ mới chỉ ra mô hình kinh tế phù hợp nhất với bạn. Chúng tôi rất bận rộn nhưng nếu không gửi cho bạn dự án, bạn sẽ không thể hình dung ra con đường bạn sẽ đi. Và nếu không có bản kế hoạch bạn sẽ không biết làm cái gì, làm thế nào, mất bao nhiêu… Một số người khởi nghiệp yếu và thiếu nhiều thứ. Bạn phải chuẩn bị đủ vốn liếng, kĩ năng, kiến thức… thì mới thành công. Chúng tôi sẽ giúp bạn hoàn thiện những gì còn thiếu.
4. Cung cấp sản phẩm, dịch vụ:
Chúng tôi sẽ cung cấp cho bạn những sản phẩm tốt nhất mà chúng tôi làm ra sau một thời gian dài phấn đấu hoặc của người khác mà chúng tôi biết được.
Chúng tôi không tham vọng cung cấp tất cả sản phẩm, dịch vụ, mà chỉ cung cấp những sản phẩm, dịch vụ từ những dự án của chúng tôi hoặc chúng tôi nghĩ chúng sẽ có lợi cho sự phát triển sự nghiệp của bạn.
5. Kết nối những người khởi nghiệp:
Chúng tôi mong muốn người Việt Nam nói riêng và người khởi nghiệp nói chung đoàn kết vươn lên trong cuộc sống. Chính vì vậy, chúng tôi mới làm cầu nối. Sẽ có người mạnh về điểm này, nhưng cũng có người yếu về điểm kia. Mọi người hỗ trợ nhau cùng phát triển. Như thế xã hội/thế giới chúng ta mới ngày càng đi lên.
6. Hỗ trợ những người xứng đáng:
Chúng tôi không phải là “gã khổng lồ”, nhưng chúng tôi có ưu thế riêng của mình. Có thể chúng tôi không hỗ trợ bạn nhiều về vật chất, nhưng chúng tôi có thể hỗ trợ bạn về kiến thức, thông tin…, thậm chí tinh thần. Trên bước đường khởi nghiệp đầy gian khó ai cũng cần người đồng hành cùng chung lí tưởng. Đó là lí do chúng ta đến với nhau!
E. Tầm nhìn tương lai:
Như trình bày ở trên, đất nước chúng ta muốn phát triển phải thiết lập được tam giác phát triển (Khoa học – Sản xuất (ứng dụng) – Giao thương (thương mại)) trong bất cứ lĩnh vực nào. Chúng ta cần có nhiều tổ chức nhận lãnh trách nhiệm này. Chúng ta không thể đổ lỗi cho người khởi nghiệp, người nông dân hay bất cứ ai khác là “Tại sao họ lại làm như vậy?”, bởi khi chưa có những tổ chức giúp họ nhận thức ra làm như thế là có lợi cho bản thân và người khác thì họ vẫn làm theo suy nghĩ, thói quen của họ. Muốn xã hội phát triển chúng ta phải biết tuyển chọn, đầu tư… vào những cá nhân, tổ chức có khả năng dẫn dắt xã hội theo hướng phát triển, từ việc nhỏ như làm sạch môi trường đến việc lớn như khởi nghiệp như thế nào. Tạo ra những “tinh tú” như vậy xã hội chúng ta sẽ phát triển thần kì không quốc gia nào sánh được!
F. Tên gọi Anastar:
“Anastar” là từ viết tắt của từ An Nam Star (Ngôi sao An Nam).
G. Ý nghĩa logo:
Chú thích:
+ Màu đỏ của chữ Anastar nói lên nhiệt huyết, quyết tâm và quyết thắng…
+ Biểu tượng màu xanh là chữ A, N, S cũng là quĩ đạo bay của ngôi sao. Ngôi sao bay từ dưới lên trên, lượn vòng xuống dưới, rồi tỏa sáng trên trời. Với cách bay như thế ngôi sao đã tạo ra lực xoáy cực lớn để có thể bay đến vị trí cao nhất. Màu xanh nói lên tuổi trẻ, sức sống, khát vọng… Nếu chỉ có nhiệt huyết, quyết tâm, quyết thắng, tuổi trẻ, sức sống, khát vọng…, chúng ta cũng không thể vươn đến đỉnh vinh quang nếu thiếu đi phương hướng, con đường, phương pháp… Đó chính là điều mà chúng tôi muốn nói (qua cách bay của ngôi sao).
+ Màu vàng (chanh) của ngôi sao tượng trưng cho sáng tạo, chiến thắng và kiêu hãnh… Nếu để ý bạn sẽ thấy trong hình ngôi sao có hai cánh quạt 5 cánh: Một cánh quạt màu vàng và một cánh quạt màu trắng => Ngôi sao bay lên không phải vì lực đẩy bên ngoài mà do nó đã trang bị cho mình một “cỗ máy” có thể biến mọi nguồn lực tự nhiên thành năng lượng khổng lồ và bất tận.
Chúng tôi tự hào mình là Anastar!
H. Ý nghĩa slogan:
Slogan của Anastar là: “Giúp bạn vươn xa!”
Thông điệp này muốn nói: Khi bạn đến với chúng tôi, chúng tôi sẽ giúp bạn cải tạo bản thân, hoàn cảnh; chuẩn bị những hành trang cần thiết để tiến xa hơn trên đường đời đầy gian khó và trở thành người có ích cho xã hội.
Hãy xem chúng tôi như người đi trước thân thiết có thể hỏi han bất cứ khi nào bạn cần. Chúng tôi sẽ hỗ trợ bạn về thông tin, kiến thức, kĩ thuật…, thậm chí cả vật chất để bạn vững bước hơn trên con đường lập nghiệp.
Anastar là nơi tập hợp những con người hiểu biết, giỏi giang, siêng năng, trách nhiệm, và uy tín… Chúng tôi muốn giúp mọi người có cuộc sống hằng ao ước.
Xin cầu chúc cho những ai đang miệt mài phấn đấu sớm đạt thành ước nguyện!
Xin tri ân đến những ai ủng hộ hoạt động của chúng tôi dưới nhiều hình thức!
Anastar
Website: http://www.anastar.vn
E-mail: (1) contact@anastar.vn; (2) anastar1512@gmail.com; (3) anastar1512@yahoo.com;
05/01/2018