Hữu xạ tự nhiên hương

Hữu xạ tự nhiên hương

Hữu xạ tự nhiên hương

14:46 - 11/05/2020

Khi lập công ty thì người chủ thường hay xem doanh nghiệp như một phần triển khai của con người mình. Cá nhân họ có thể là những người rất khiêm nhượng, kín đáo, nhưng nếu doanh nghiệp của họ lại cũng giữ cái phong cách ấy thì e rằng tuổi thọ của công ty sẽ không được bao lâu.

GIÀU CÓ HẠNH PHÚC?
TỪ ƯỚC MƠ ĐẾN HIỆN THỰC
10 thói quen không sửa ngay đời bạn sẽ xuống dốc
Năm 2018, bạn trẻ hãy thay đổi thói qua loa
TIẾN TỪNG BƯỚC VỮNG CHẮC
Hữu xạ tự nhiên hương

Khi mới tiếp xúc với người Mỹ, chắc hẳn nhiều bạn cũng nhận thấy họ có một điểm hơi khác thường. Khen tặng họ về một chuyện gì đó thì họ rất tự nhiên thốt ngay lời “thank you”.

Quái lạ, tại sao vị da trắng này lại không khiêm nhượng chút nào cả, bạn tự hỏi? Thông thường với người Việt, khi được ai khen mình thì dù cho trong lòng có “mừng như mở hội” đi chăng nữa, bên ngoài ta thường tỏ ra e dè và tìm cách từ chối lời khen. Thốt lên lời cám ơn một cách hết sức tự nhiên và thẳng thừng như thế thì quả là “rất Tây”.

Phản ứng này của chúng ta có lẽ đã bắt nguồn từ lối giáo dục gia đình. Khi còn nhỏ, cha mẹ thường dạy con cái luôn giữ cung cách khiêm nhường và không nên khoe khoang, phô trương về mình. Giáo dục ở nhà trường cũng không khác, và dần dần con trẻ chúng ta lớn lên với cái bản tính tương đối rụt rè, không những hay tránh nói nhiều về mình, và ngại ngùng khi nhận lời khen của người khác, mà còn tỏ ý xem thường những người hay phô trương, cho rằng họ “gáy” hơi nhiều hoặc “nổ” như kho đạn.

Khi bước vào con đường kinh doanh, đứng ra lập cơ sở làm ăn, buôn bán thì những doanh nhân trẻ của chúng ta sẽ mang theo cái phong cách này làm hành trang vào thương trường. Những bài học về đức tính khiêm nhượng từ thuở nhỏ có thể được thâu tóm trong năm chữ “hữu xạ tự nhiên hương”. Mang áp dụng vào thương mại thì câu châm ngôn này có nghĩa là “cứ chú tâm tạo ra những sản phẩm và dịch vụ thật tốt, với chất lượng thật cao, rồi tiếng thơm sẽ bay xa, và dần dà mọi người sẽ nghe danh mà tìm đến mình. Còn thì không cần phải tuyên bố ầm ĩ gì cả”.

Có lẽ cái tính khiêm nhượng này là một lý do khiến cho doanh nhân chúng ta thường không chú trọng nhiều đến mặt tiếp thị. Và nếu công ty có dành chút ngân sách cho tiếp thị, mỗi khi gặp khó khăn tài chính, cần cắt giảm chi phí thì hoạt động tiếp thị, quảng cáo bán hàng là mảng đầu tiên bị mang ra “tế thần”.

Văn hào Mỹ, Henry David Thoreau đã từng viết một câu bất hủ rằng: “Người nào làm được chiếc bẫy chuột tốt thì dầu cho người ấy có ở trong một túp lều heo hút nơi rừng thẳm, mọi người cũng sẽ đắp đường, khai lối để tìm đến tận cửa nhà anh ta”. Câu nói này có một thời đã là chỉ nam hoạt động của nhiều doanh nghiệp phương Tây. Tuy nhiên, có lẽ chỉ trong khoảng thời gian từ những ngày đầu của cuộc cách mạng kỹ nghệ cho đến sau đệ nhị Thế chiến, là lúc mà phương châm này của Thoreau tỏ ra thích hợp nhất với hoàn cảnh kinh tế lúc ấy. Thật vậy, sau Thế chiến thì hầu hết cơ sở sản xuất hàng tiêu dùng tại các nước hoặc đều bị tàn phá hoặc xuống dốc thê thảm. Hòa bình trở lại, mọi người bắt đầu xây dựng cuộc sống mới và đổ tiền ra mua sắm. Thị trường thế giới lúc bấy giờ hoàn toàn thiếu thốn những sản phẩm tiêu dùng nên hàng gì làm ra cũng đều bán được. Đây quả là thời kỳ vàng son của hoạt động sản xuất và “hữu xạ” thực sự đã nhanh chóng đưa đến “tự nhiên hương”. Tương tự như thế, trong những năm đầu đổi mới ở Việt Nam, thị trường trong nước còn khan hiếm hàng tiêu dùng và khách hàng vẫn còn bỡ ngỡ thì hầu như bất cứ sản phẩm nhập hoặc hàng trong nước nào có tiêu chuẩn kha khá cũng đều bán được.

Tuy nhiên, ngày nay thì thế cờ đã khác hẳn. Chỉ trong vòng mấy thập niên qua, thị trường thế giới đã hoàn toàn thay đổi. Những biến chuyển rộng lớn về mọi mặt, những phát triển mới mẻ về mặt truyền thông song song với khuynh hướng toàn cầu hóa, tất cả đã đưa đến một sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt trên thương trường. Trong nước thì khách hàng ngày nay không còn “dễ tính” như trước và đòi hỏi những sản phẩm và dịch vụ có tiêu chuẩn cao không kém các nước tiên tiến. Động lực thúc đẩy người tiêu dùng đã chuyển từ “cần thiết” sang “ham muốn”. Người ta không “cần” mua một cái tivi màn hình phẳng, nhưng chỉ vì thấy những mẫu quảng cáo đập vào mắt mỗi ngày và nhất là thấy anh hàng xóm vừa có cái tivi mới, nên muốn mình cũng phải có.

Thoreau thốt ra câu nói bất hủ trên vào năm 1854 và thế giới đã thay đổi quá nhiều suốt 160 năm qua. Ngày nay dù có làm cho được cái bẫy chuột tốt cách mấy đi nữa mà âm thầm mang ra ngay giữa chợ Sài Gòn để bán thì chắc cũng chẳng ai để ý đến. Làm ăn ngày nay mà không chú trọng đến tiếp thị thì cũng không khác gì đứng trong bóng tối mà nháy mắt với một cô gái đẹp. Chỉ riêng ta là người biết được mình muốn cô gái chú ý chứ nàng nào có thấy cái anh chàng đang đứng trong bóng tối đâu.

Dĩ nhiên là khi đi vào việc tiếp thị sẽ còn bao nhiêu chi tiết khác. Tuy nhiên trước hết, có lẽ các doanh nhân cũng nên nhận định rằng giữa cái “ta” của cá nhân, và cái “ta” của doanh nghiệp có một sự khác biệt lớn. Khi lập công ty thì người chủ thường hay xem doanh nghiệp như một phần triển khai của con người mình. Cá nhân họ có thể là những người rất khiêm nhượng, kín đáo, nhưng nếu doanh nghiệp của họ lại cũng giữ cái phong cách ấy thì e rằng tuổi thọ của công ty sẽ không được bao lâu.

Tình hình kinh tế khó khăn trong giai đoạn hiện tại chắc hẳn đã khiến cho nhiều doanh nghiệp cắt xén mảng tiếp thị và bán hàng. Tôi chỉ xin nhắc quý doanh nhân rằng bỏ quên mảng tiếp thị là làm mất đi một vũ khí thương mại vô cùng quan trọng. Đồng thời cũng xin nhắn rằng nếu có “nháy mắt” với ai thì cũng nhớ bật đèn cho sáng một tí.

* Nguồn: Võ Tá Hân (VnExpress)

BÌNH LUẬN BẰNG MAIL

BÌNH LUẬN FACEBOOK