Làm sao để tìm ra động lực chân chính?

Làm sao để tìm ra động lực chân chính?

Làm sao để tìm ra động lực chân chính?

09:27 - 11/07/2021

Động lực là “động cơ” thúc đẩy bạn tiến về phía trước, cho nên động lực càng lớn, càng thực và càng đẹp thì càng giúp bạn tiến về phía trước nhanh mạnh hơn.

GIÀU CÓ HẠNH PHÚC?
TỪ ƯỚC MƠ ĐẾN HIỆN THỰC
10 thói quen không sửa ngay đời bạn sẽ xuống dốc
Năm 2018, bạn trẻ hãy thay đổi thói qua loa
TIẾN TỪNG BƯỚC VỮNG CHẮC
Làm sao để tìm ra động lực chân chính?

Động lực là “động cơ” thúc đẩy bạn tiến về phía trước, cho nên động lực càng lớn, càng thực và càng đẹp thì càng giúp bạn tiến về phía trước nhanh mạnh hơn. Muốn tìm ra động lực chân chính, bạn phải trả lời được hai câu hỏi: Tại sao bạn phải làm điều đó? Và bạn làm điều đó vì người nào/điều gì? Càng hiểu rõ về những gì mình làm, càng định rõ đối tượng mình nhắm tới, càng giúp bạn tìm ra động lực chân chính.

Ví dụ: Khi lớn tuổi, sức khỏe của tôi ngày càng sa sút. Một lần ngồi ngắm nhìn vợ con đang vui đùa, tôi tự hỏi: Mình có thể sống được bao lâu? Mình có thể chứng kiến ngày vui của con không? … Vợ con xem mình là chỗ dựa, nếu mình có mệnh hệ nào thì vợ con sống sao đây? … Với quyết tâm sống khỏe, sống lâu để làm chỗ dựa cho vợ con, để có thể chứng kiến con trưởng thành, lập gia đình, để có thể thực hiện mục đích của mình …, tôi đã lên lịch tập luyện thể dục thể thao hàng ngày nhằm cải thiện sức khỏe. Bên cạnh đó, tôi cũng ý thức và nhận thức rõ ràng rằng: Vận động là nguồn gốc của sức khỏe, chỉ có tập luyện thường xuyên mới giúp tôi có một cơ thể tráng kiện. Thế là tôi lao vào tập luyện. Nhiều lúc cơ thể mệt mỏi, buồn ngủ …, thời tiết bất thường …, tôi vẫn cố tập vì nghĩ tới lí do mình cần phải tập và những người mà mình yêu thương. Nhờ kiên trì vậy mà giờ sức khỏe của tôi ngày càng tăng tiến …

Ôm ấp giấc mơ cao đẹp cùng nhiệt huyết mãnh liệt của tuổi trẻ, tôi lao vào cuộc sống tìm cách vươn lên, nhưng cuộc sống vốn nghiệt ngã, nó 5 lần, 7 lượt đẩy tôi đến bước đường cùng. Nhiều lúc như mất niềm tin vào bản thân, tôi muốn buông xuôi, nhưng khát khao đền đáp công ơn sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ khiến tôi phải tiếp tục cố gắng. Khi có cuộc sống ổn định, nhớ về thời xa xưa, tôi muốn giúp những bạn trẻ hướng thiện tìm ra chân lí sống nên bắt tay vào viết cuốn sách Làm chủ số phận. Tuy nhiên, phải rất kiên trì tôi mới vượt qua những khó khăn nhất thời để cuốn sách có mặt trên đời. Tôi muốn nhắn nhủ với độc giả của mình rằng: Đây không đơn giản là cuốn sách, nó là tâm huyết, tấm lòng … của một người gửi tặng bạn. Hãy cố gắng đọc cuốn sách càng nhiều lần càng tốt, bởi nếu bạn nhận ra những điều mà tôi muốn gửi gắm trong cuốn sách, bạn có thể làm chủ số phận của mình. Đây là một báu vật!

Động lực phải đúng đắn, thực tế (khả thi), cao đẹp mới giúp bạn vững bước trên đường đời đầy gian khó, bởi chúng “cung cấp” cho bạn sức mạnh, đức tin, phương hướng và mục tiêu … Đó là những tiền đề quan trọng giúp bạn đạt được thành công. Thông thường, những động lực như vậy nhắm đến đối tượng là “con người”, chứ không phải là “điều gì”, “cái gì” … “Điều gì” có vẻ chung chung, còn “cái gì” lại quá tầm thường, cả hai đều không thể đem lại cho bạn động lực đủ lớn. Ví dụ, nhiều bạn xác định động lực là “tiền bạc” và nhắm đến địa vị nào đó trong tương lai, nhưng nếu bạn sống đến cuối đời, bạn sẽ nhận ra tiền bạc không có giá trị lớn đến mức khiến bạn phải đánh đổi tất cả để có nó. Khi đó, có thể bạn sẽ hối hận, nhưng đã muộn màng … Mỗi người phải là người kiến tạo nên số phận của mình. Để làm được điều này, bạn phải tìm được động lực chân chính cho mình.

Một điều cần lưu ý nữa khi tìm động lực cho mình là: Khi xác định động lực, bạn phải chú ý đến hoàn cảnh, điều kiện, thời điểm …, xem nếu xác định động lực trong hoàn cảnh, điều kiện, thời điểm … đó thì tỉ lệ đạt được mục tiêu là bao nhiêu. Nếu tỉ lệ đạt mục tiêu quá thấp xem như bạn đã xác định sai động lực.

Việc xác định động lực vô cùng quan trọng, nếu thấy cần thiết, bạn nên tham khảo ý kiến những người có hiểu biết và kinh nghiệm, bởi nếu xác định sai động lực cuộc đời bạn sẽ đi vào ngõ cụt hoặc gặp nhiều bất hạnh.

Câu chuyện dưới đây sẽ cung cấp cho bạn đôi chút hiểu biết về việc xác định động lực:

Bạn tôi, có thể được coi là thành đạt ở Việt Nam khi giữ chức vụ trưởng phòng kinh doanh một tập đoàn, chồng có công ty riêng tuy nhỏ nhưng cũng đủ lo cho gia đình cuộc sống thoải mái về kinh tế, có của ăn của để. Gia đình họ là hình mẫu lí tưởng cho nhóm bạn bè chúng tôi cả về kinh tế lẫn sự ấm êm hạnh phúc. Đùng một cái nghe tin họ li dị, rồi cô bạn tôi nhanh chóng kết hôn với một ngoại kiều Úc và theo chồng mới sang đó định cư. Chồng cô ấy không lâu sau đó cũng xuất ngoại theo diện kết hôn và đích đến cũng là nước Úc. Hơn 2 năm sau hai con cũng lần lượt được cha mẹ đón qua đoàn tụ. Trước khi đưa hai con qua, cô ấy mời bạn bè hàn huyên tâm sự, lúc đó chúng tôi mới được biết, họ đã li hôn và làm kết hôn giả để cả nhà được qua Úc. Tôi hỏi bạn, có hài lòng với quyết định của mình không, cô ấy lắc đầu, mắt ngấn lệ nói nhỏ: "Coi như hi sinh vì con mày ạ!".

Câu chuyện của cô ấy cũng đã gần chục năm nhưng nó vẫn khiến tôi không khỏi băn khoăn quyết định của họ là đúng hay sai? Cho đến khi chính tôi bước chân vào trong cuộc, sống đời tha hương tôi mới hiểu hết …

Tôi lấy chồng Pháp, sinh sống cùng chồng ở Việt Nam nhiều năm trước khi quyết định qua Pháp và hiện tại đã gần 4 năm. Thời gian không quá dài nhưng cũng đủ để tôi vỡ ra nhiều điều. Nước Pháp hay bất cứ một nước phương Tây nào không phải là thiên đường như bạn nghĩ. Ở đó có đủ chua cay, đủ thử thách và không dành cho những ai mong manh, yếu đuối ...

Khi mới qua Pháp, sau khi làm các thủ tục giấy tờ cho việc tạm trú thì những người di dân như tôi lập tức được chính quyền (thông qua văn phòng quản lí các vấn đề về người nước ngoài) cho đi khám sức khỏe, cho đi học phổ cập kiến thức căn bản về văn hoá, xã hội, luật pháp của nước sở tại và sau đó tuỳ vào trình độ tiếng Pháp đến đâu mà được sắp xếp cho đi học tiếng, trung bình khoảng hai khoá học kéo dài từ 150 - 300 giờ. Khi hoàn tất các thủ tục giấy tờ định cư mỗi người sẽ được cấp một thẻ bảo hiểm y tế, thẻ này mỗi khi đi khám bệnh, mua thuốc theo toa chỉ cần đưa ra quẹt máy (có giá trị thanh toán như thẻ ngân hàng nhưng chỉ dành riêng cho lĩnh vực y tế và tỉ lệ thanh toán của thẻ trên tổng chi phí khám chữa bệnh là 60 - 75% tuỳ mức độ thuốc điều trị). Đối với trẻ em, chỉ cần được chấp nhận cho tạm trú thì dù quốc tịch gì cũng được nhập học miễn phí cho đến hết bậc trung học cơ sở. Hai khoản y tế và giáo dục không phải lo lắng đã đủ khiến tôi tự nhủ “mình đã không sai khi theo chồng qua đây, thiên đường là đây chứ đâu”. Khi cái lâng lâng sung sướng của những thứ miễn phí hoặc cận miễn phí qua đi thì thực tế cuộc sống bắt đầu cho tôi những bài học.

Trước hết là ngôn ngữ. Dù khá thông thạo tiếng Anh nhưng việc học tiếng Pháp cũng không đơn giản như tôi tưởng. Hơn 40 tuổi, tôi bị chi phối quá nhiều thứ nên không thể tập trung học tốt. Dù học ngày 7 tiếng, tuần 4 ngày rưỡi đấy nhưng kết thúc tất cả các khoá học thì trình độ tiếng Pháp của tôi cũng chỉ ở mức nghe và hiểu những câu giao tiếp đơn giản. Khi ngôn ngữ chưa thông thạo cũng đồng nghĩa với việc cơ hội kiếm việc làm trở nên thu hẹp. Tôi cần làm việc. Trước hết bởi nhu cầu của chính tôi là phải hoạt động, phải giao tiếp chứ không thể nhốt mình trong bốn bức tường chờ chồng mỗi ngày. Thêm nữa, chồng tôi dù có một công việc ổn định nhưng lương cũng chỉ ở mức vừa đủ xài, muốn có chút dư dả nhất định tôi phải góp phần. Nhưng ở Pháp phụ nữ tuổi trên 40 có con nhỏ như tôi thì đến người bản địa còn khó kiếm việc huống hồ một người chân ướt chân ráo mới qua, tiếng chưa rành, bằng không có (bằng cấp Việt Nam cấp không được chấp nhận). Tôi chỉ có thể kiếm những việc lao động chân tay như làm nail, phụ lau dọn nhà hàng (lau dọn thôi nha, phục vụ thì không đạt chuẩn ngôn ngữ, phụ bếp thì không phải ai cũng có khả năng) … Mà làm nail cửa cũng hẹp cho phụ nữ tuổi trên 40 vì mắt đã bắt đầu kém, sự tỉ mỉ không có, trừ khi bạn từng làm ở Việt Nam chứ qua đây học e rằng khó. Còn làm trong nhà hàng thì xác định luôn là phải làm việc vào những ngày, giờ nghỉ, sớm thì cũng phải 11g đêm mới được về nhà, chưa kể công việc rất vất vả cực nhọc ... Tính tới tính lui cuối cùng tôi quyết định mở một nhà hàng nhỏ tại nhà để kinh doanh.

Việc kinh doanh ban đầu có vẻ cực kì thuận lợi từ thủ tục cho đến khâu chuẩn bị. Nơi tôi ở chưa có nhà hàng Việt nên nhà hàng của tôi trở nên hút khách. Dù đã chọn loại hình kinh doanh là mua mang đi chứ không phục vụ tại chỗ nhưng những lúc cao điểm cũng phải 9 giờ đêm mới được ra khỏi bếp. Nhìn tiền thu về thì ham nhưng không ngăn nổi sự mệt mỏi đến rã trong người. Việc nhiều đến độ tôi nghĩ đến chuyện thuê thêm người phụ, nhưng tính đi tính lại thì không khả thi, bởi tại Pháp, để thuê một người lao động bị ràng buộc rất chặt chẽ về hợp đồng, chưa kể đủ loại thuế và bảo hiểm người chủ phải trả cho người lao động, tính ra nếu làm nhỏ mà thuê người thì coi như hết lãi. Tự nhủ thôi đành chịu cực, kiếm đồng lời đâu dễ. Sau năm đầu kinh doanh thấy cũng có lãi, so ra hơn đi làm thuê nên tôi phần nào yên tâm. Đến năm thứ hai kinh doanh ngày càng khá khẩm, chắc mẩm năm nay mình để dành được nhiều đây, nhưng cú sốc thuế đã hạ nock out tôi trong tích tắc. Hoá đơn thuế, bảo hiểm cuối năm gửi về với số tiền cao chóng mặt, gấp nhiều lần năm trước khiến tôi choáng váng, hỏi ra mới hay, năm đầu được ưu đãi thuế nên mới dễ thở thế, chứ từ năm thứ hai trở đi thuế chỉ có tăng không giảm. Tính đi tính lại huề vốn, coi như cả năm làm không công vì không được lương, đấy là còn không phải trả tiền nhà chứ nếu thuê mặt bằng thì cầm chắc lỗ. Hỏi thăm mấy người bạn kinh doanh bên này ai cũng bảo làm đủ ăn, đủ đóng thuế, đóng bảo hiểm là may rồi lấy đâu ra lãi. Pháp chẳng hổ danh là đất nước có nhiều loại thuế bậc nhất thế giới và được tự trào là “đánh thuế con gà vì nó sẽ đẻ trứng”.

Quay lại câu chuyện của bạn tôi, chúng tôi cũng cập nhật thông tin về nhau và bạn cũng mở lòng kể cho tôi nghe vì sao lại chọn con đường cả gia đình đi Úc.

Hồi đấy để được đi cả gia đình như thế bạn tôi đã phải chi ra số tiền không hề nhỏ, hàng trăm ngàn đô la, chưa kể tiền vé máy bay qua lại mấy lần cho hai người được thuê kết hôn cùng họ. Bán tháo hết tài sản qua đến Úc chỉ đủ mua cái nhà, cái xe và rồi sau đó hai vợ chồng kéo cày nuôi con. Cũng như tôi, bạn rất khó khăn để có thể xin được việc làm như ý vì bằng cấp không phù hợp, mà học lại để kiếm việc tốt hơn thì ai nuôi con nên đành chấp nhận làm chân lau dọn trong một nhà hàng thức ăn nhanh, chồng bạn thì xin làm trong một gara sửa xe, cuối tuần còn xin đi cắt cỏ mới có chút tiền để dành. Vất vả quá nên gia đình cũng chẳng hạnh phúc. Cái lí lẽ vì tương lai của con sao nghe đắng chát ... 

Qua câu chuyện trên, bạn có thể nhận thấy: Ở đâu cũng có thuận lợi và khó khăn; trước khi xác định bỏ hết mọi thứ ra nước ngoài để kiếm tiền, để gia đình, con cái được hưởng cuộc sống tốt đẹp, bạn phải xem xét xem bạn đang thực hiện điều ấy trong hoàn cảnh, điều kiện, thời điểm … nào, tỉ lệ đạt mục tiêu là bao nhiêu? Nếu không xem xét đến những yếu tố này mà vội vàng ra quyết định, khả năng bạn sai lầm là rất lớn. Nhiều người không phải không có cơ hội đổi đời mà là thiếu kiến thức nên đánh mất nhiều cơ hội. Đối với những người này mà nói, cho dù họ có cố gắng thế nào đi chăng nữa thì cuộc sống của họ cũng mờ mịt.

Động lực không đúng hẳn không tốt, nhưng không có động lực cũng chẳng khá hơn. Người không có động giống như chiếc xe không có động cơ, phải đẩy mới chạy nên chạy không nhanh, thích thì chạy, không thích thì dừng … Số phận những người không có động lực cứ “ba chìm, bảy nổi” như “bèo dạt, mây trôi”. Chán hết chỗ nói!

Dưới đây là bức thư tôi đọc được trên báo:                                                             

Cháu 24 tuổi, sống tại Hà Nội. Từ nhỏ, cháu vốn ốm yếu nên cả gia đình nội, ngoại đều xúm vào chăm và chiều mọi việc theo ý cháu. Có lẽ được yêu thương, chiều chuộng như vậy nên cháu không có động lực làm bất cứ điều gì. Nay cháu đã lớn, nhìn bạn bè bươn chải, đầy sức sống còn cháu thì cứ chui lủi trong nhà, sáng đi làm, tối về xem phim, không có động lực hay ước mơ gì thấy rất chán.

Về bản thân, cháu tự thấy mình sống chừng mực, hay cập nhật thông tin đa chiều để bàn luận với mọi người và biết để ý cảm xúc của người khác. Nhờ vậy mọi người luôn niềm nở bắt chuyện với cháu, dù cháu rất ngại ngùng và hiếm khi chủ động bắt chuyện với ai. Ngoại hình của cháu cũng xinh xắn và biết điều nên đi học, đi làm đều được mọi người để ý, tạo điều kiện. Hiện cháu đã đi làm với mức lương 7 triệu đồng một tháng, cuộc sống khá an nhàn, không phải lo nghĩ gì do nhà cửa đã có. Cháu cũng tự trích lương ra mua đồ dùng cho cả nhà, đóng tiền điện nước, chăm sóc cho mọi người từng bữa cơm ... Dù gia đình nhiều lần khuyên không cần làm vậy. Nhưng cháu chẳng cảm thấy vui buồn, hạnh phúc, sân si gì. Cháu chỉ biết làm những việc cháu nghĩ mình nên làm.

Cháu không có ước mơ, cũng không ghen ghét với ai nên cuộc sống ảm đạm vô cùng. Cháu không có nhiều tiền nhưng luôn tâm niệm "Khéo gói thì no, khéo co thì ấm", vật chất không phải động lực cho cháu cố gắng. Còn tình yêu thì sao? Cháu cũng từng có rất nhiều chàng trai theo đuổi, trong số đó người nào cháu thích cũng thích lại cháu. Sau một thời gian cháu lại cảm thấy không thích người ấy nữa. Hiện tại cháu tận hưởng cuộc sống độc thân, không muốn yêu đương gì cả. Về phần bạn bè, cháu có hai người bạn thân thiết, một hội nhóm trên 10 người thân với nhau họp thường xuyên và các hội nhóm đồng nghiệp, lớp đại học ... Nhưng cháu lúc nào cũng thấy cô đơn, thoải mái hơn khi ở một mình.

Trước kia cháu từng rất có sức sống, rất tự tin vào bản thân. Từ sau khi bố mẹ li dị, bố cháu tiến thêm bước nữa, chị cháu có người yêu ..., cháu dần cảm thấy tình cảm gia đình phai nhạt. Cháu từng khóc rất nhiều và sau đó không cảm thấy gì nữa. Nghi bản thân bị trầm cảm, cháu cũng đọc rất nhiều sách, tập thể dục, ăn uống cân bằng, đi chơi ..., thậm chí làm test trầm cảm nhưng không thấy bất thường. Cuộc sống cứ chầm chậm trôi, còn cháu như một ngọn núi lửa đã cháy tàn hết, không sao khởi động lại sức sống được nữa. Cháu còn rất trẻ, không muốn sống vật vờ như vậy một chút nào. Mong mọi người cho cháu lời khuyên, cháu xin cảm ơn thật nhiều. 

Bạn có đang ở trong tình trạng như bạn trên không? Làm sao để thoát ra tình trạng như vậy?

Cha mẹ là những người đầu tiên giúp con tìm ra động lực và luôn hun đúc động lực trong con lớn lên, nhưng nếu cha mẹ của bạn không làm được điều này thì bạn phải tự làm. Và đây là những bước đi cụ thể:

+ Khi bạn mất động lực sống cũng chính là lúc bạn thiếu quan tâm đến mình, sống không có mục đích, hoặc có mục đích nhưng mục đích đó không phải vì bạn. Chỉ khi nào bạn cảm thấy yêu mình, nhận ra mình cần phải sống vì mình thì bạn mới “hồi sinh”. Chính vì vậy, điều đầu tiên bạn cần làm để mình “hồi sinh” chính là quan tâm chăm sóc mình; tìm cho mình những lí do để sống tốt … Hãy bắt đầu từ những việc nhỏ nhất như lên kế hoạch tập luyện thể dục thể thao và kiên trì theo đuổi việc này lâu dài; tham gia các khóa học (như nấu ăn, trang điểm …), hội nhóm, hoạt động bổ ích (như làm từ thiện, đi du lịch …) … Và bạn phải tìm ra lí do thông qua những hoạt động này. Tại sao bạn làm những việc này? Bạn làm những việc này là vì ai?

+ Tiếp cận những “nguồn năng lượng tích cực”. Sở dĩ bạn bị “chìm” trong cuộc sống không có động lực, bởi bạn không biết tiếp cận những “nguồn năng lượng tích cực”. Đó có thể là những cuốn sách bổ ích hoặc những người “truyền lửa” cho bạn sống tốt hơn. Tình yêu được xem là động lực lớn để con người phấn đấu, không có tình yêu chân chính, tốt đẹp nhiều khi người ta chẳng biết sống để làm gì. Phải tìm ra người yêu thương mình cũng như mình yêu thương và cùng nhau xây đắp một gia đình hạnh phúc. Bên cạnh đó, thay vì ngồi than vãn, bạn hãy đứng lên và đi đến những nơi cần sự giúp đỡ hoặc có những con người ngày đêm làm việc có ích cho cộng đồng … Bằng cách tiếp cận những “nguồn năng lượng tích cực”, bạn sẽ dần thay đổi thái độ sống bị động của mình, nhận thức ra những điều hay ho về bản thân và thế giới. Hầu hết những người không có động lực sống đều kém cỏi trong việc nhận thức về bản thân và thế giới. Họ cũng không kết nối được bản thân với những “nguồn năng lượng tích cực”, từ đó không biết tại sao phải sống và sống để làm gì.

+ Cuối cùng, khi con người buồn chán, tuyệt vọng … họ không còn tâm sức để phấn đấu. Suốt ngày giam mình trong bốn bức tường, làm hoài một công việc hay bị tác động bởi nhiều yếu tố tiêu cực khiến cho con người mất dần ý chí vươn lên. Điều cần làm lúc này là thoát ra tình cảnh tồi tệ. Sau đó, đặt mình vào hoàn cảnh, điều kiện giúp mình có thể khai thác tối đa năng lực của bản thân. Chỉ có như vậy, bạn mới cảm thấy cuộc đời đáng sống.

Đến đây, chắc bạn đã hiểu rõ về động lực!

Trích "Làm chủ số phận" - Tác giả Chat Master (Anastar)

>> Đọc thêm giới thiệu về cuốn sách Làm chủ số phận: http://anastar.vn/gioi-thieu-cuon-sach-lam-chu-so-phan.html

>> Đăng kí tham khảo cuốn sách: http://bit.ly/LamChuSoPhan

BÌNH LUẬN BẰNG MAIL

BÌNH LUẬN FACEBOOK