NĂM BÀI HỌC QUẢN LÍ CON NGƯỜI

NĂM BÀI HỌC QUẢN LÍ CON NGƯỜI

NĂM BÀI HỌC QUẢN LÍ CON NGƯỜI

15:23 - 21/10/2020

Phàm đã là con người ai cũng có ưu, có khuyết. Khi sử dụng con người điều quan trọng nhất là bạn phải lựa chọn được người có năng khiếu, sở trường … thích hợp với lĩnh vực mà họ sẽ hoạt động. Nói một cách ngắn gọn là bạn phải lựa chọn được người phù hợp. Phù hợp nhất chứ không phải giỏi nhất.

GIÀU CÓ HẠNH PHÚC?
TỪ ƯỚC MƠ ĐẾN HIỆN THỰC
10 thói quen không sửa ngay đời bạn sẽ xuống dốc
Năm 2018, bạn trẻ hãy thay đổi thói qua loa
TIẾN TỪNG BƯỚC VỮNG CHẮC
Năm bài học quản lí con người

1. BÀI HỌC THỨ NHẤT: BÀI HỌC VỀ CÁCH LỰA CHỌN CON NGƯỜI

Sức mạnh của sự hợp tác

Trong một khu rừng nọ có rất nhiều muông thú sinh sống. Một hôm muông thú tụ tập ở một bãi cỏ để vui chơi thì một con lên tiếng:

+ Nước nào cũng có vua chúng ta nên bầu ra một người làm chúa tể khu rừng này!

Muông thú nghe thấy có lí nên bắt đầu tranh luận để xem ai xứng đáng nhất. Một con lên tiếng:

+ Thỏ là người thông minh nhất khu rừng này, chúng ta nên bầu thỏ là chúa tể.

Một con khác gạt phắt đi:

+ Đúng là thỏ là người có nhiều mưu mẹo nhất khu rừng này nhưng thỏ lại rất nhát, nếu chẳng may chúng ta bị các con thú khác tấn công thì thỏ có dũng cảm đứng ra bảo vệ chúng ta không?

Nghe có lí, một con khác chen vào:

+ Hay là ta bầu voi? Voi có sức khỏe hơn người có thể làm các con thú khác khiếp sợ.

Nghe thế một con cười nói:

+ Voi tuy khỏe nhưng lại chậm chạp. Chẳng ai lại sợ một người chậm chạp cả!

+ Thế thì hổ vậy. Một con thốt ra.

+ Hổ à? Hổ tuy khỏe, thông minh, gan dạ nhưng hổ lại không biết tập hợp bầy đàn và có phong thái của một vị vua. Một con ra vẻ hiểu biết.

………..

Cuộc tranh luận ngày càng diễn ra gay gắt vì ai cũng muốn bảo vệ quan điểm của riêng mình, cuối cùng muông thú lao vào đánh nhau vì tức giận. Cuộc ẩu đả đang hồi gay cấn chợt muông thú dừng tay khi nghe tiếng gầm của sư tử đực. Ai nấy đều như bất động. Từ trong bụi rậm một bầy sư tử dũng mãnh đi ra, đi đầu là con sư tử đực với cái bờm đầy uy lực, trông nó rất đĩnh đạc và hiểu biết. Sư tử đực nói:

+ Tại sao các bạn lại đánh nhau khi chúng ta đang cần sự đoàn kết?

Muông thú như bừng tỉnh và dường như mọi người đều hiểu ra: Sư tử là người xứng đáng nhất ở vị trí chúa tể khu rừng này!

Kết luận: Khi lựa chọn người lãnh đạo/quản lí một tổ chức, trước tiên chúng ta phải lựa người có tố chất làm người lãnh đạo/quản lí, tiếp đến là năng lực (quản lí, chuyên môn …). Cho dù bạn giỏi như thế nào đi chăng nữa nhưng không có tố chất làm người lãnh đạo/quản lí thì cũng không thể đứng ở cương vị này. Nói không ai nghe, dạy không ai hiểu … thì làm người lãnh đạo/quản lí thế nào? Những tố chất quan trọng mà người lãnh đạo/quản lí cần có là chín chắn (điềm đạm, nghiêm túc…), trách nhiệm, uy tín, đạo đức, tâm lí (để đắc nhân tâm, thu phục con người) … Về năng lực, quan trọng nhất là năng lực quản lí (đặc biệt là năng lực sử dụng con người), giao tiếp, sư phạm, tự học, sáng tạo …, sau đó mới tới chuyên môn. Người lãnh đạo/quản lí phải giỏi về hoạch định chiến lược, thiết lập kế hoạch, chính sách, đưa ra qui định/qui tắc/tiêu chuẩn … Người lãnh đạo/quản lí phải có tầm nhìn (con mắt bao quát, nhìn xa trông rộng), tư duy sâu sắc, nắm vững chuyên môn … Bạn nên nhớ rằng: Công việc chính của người lãnh đạo/quản lí là sử dụng tố chất, năng lực của bản thân để huy động sức mạnh của tập thể nhằm đạt được mục đích chung. Người nào có tố chất, năng lực nhưng không làm được điều này không thể trở thành nhà lãnh đạo/quản lí tốt được.

2. BÀI HỌC THỨ HAI: BÀI HỌC VỀ CÁCH SỬ DỤNG CON NGƯỜI

Bai-hoc-ve-su-dung-con-nguoi

A Lưu là một tên tiểu đồng nhà ông Chu Nguyên Tố. Nó thực là ngây ngô, không được việc gì cả, mà ông Nguyên Tố vẫn nuôi nó suốt đời. Lúc ông bảo nó quét nhà, nó cầm chổi quanh quẩn suốt buổi mà không sạch được một cái buồng con. Ông giận mắng, thì nó quăng chổi xuống đất, lẩm bẩm nói: "Ông quét giỏi, thì ông phiền tôi làm gì?". Khi ông đi đâu vắng, sai nó chực ngoài cửa, dù khách quen đến, nó cũng không nhớ được tên ai. Có hỏi thì nó nói: "Người ấy lùn mà béo. - Người ấy gầy mà lắm râu. - Người ấy xinh đẹp. - Người ấy tuổi tác và chống gậy …". Ðến lúc liệu chừng nhớ không xuể thì nó đóng cửa lại không cho ai vào nữa.

Trong nhà có chứa một ít đồ cổ như chén, lọ, đỉnh, đôn. Khách đến chơi, nó đem bày ra cho xem. Lúc khách về nó lén đến gõ các thứ ấy mà nói: "Những cái này có khi bằng đồng mà sao lại đen xì thế này?". Rồi nó chạy đi lấy cát, lấy đá, lấy nước để đánh. Nhà có cái ghế gãy chân, ông sai đi chặt cành cây có chạc để chữa lại thì nó cầm búa, cầm cưa đi khắp vườn. Hết ngày về nó chìa hai ngón tay làm hiệu và nói: "Cành cây có chạc đều chỉa lên trời cả, không có cành nào mọc chúc xuống đất". Cả nhà ai cũng phải phì cười. Trước sân có vài cây liễu mới trồng. Ông sợ trẻ láng giềng đến nghịch hỏng, sai nó trông nom giữ gìn, đến lúc vào ăn cơm nó nhổ cả cây lên mà cất đi một chỗ. Những việc nó làm đều đáng cười như thế cả.

Ông Nguyên Tố là một người viết chữ chân tốt mà vẽ lại giỏi lắm. Một hôm ông hòa phấn với mực để vẽ, thấy A Lưu ngồi xem ông nói đùa với nó rằng: "Mày có vẽ được không?". A Lưu đáp: "Khó gì mà không vẽ được!". Ông bảo vẽ thì A Lưu vẽ nét đậm, nét nhạt, nét xa, nét gần, như người vốn biết vẽ. Ông thấy vậy thử luôn mấy lần, lần nào A Lưu cũng vẽ được như ý cả. Từ đó ông dùng A Lưu luôn không lúc nào rời ra nữa. Sau A Lưu trở thành một nhà danh họa nổi tiếng (trích Chuyện A Lưu trong Cổ học tinh hoa).

Kết luận: Phàm đã là con người ai cũng có ưu, có khuyết. Khi sử dụng con người điều quan trọng nhất là bạn phải lựa chọn được người có năng khiếu, sở trường … thích hợp với lĩnh vực mà họ sẽ hoạt động. Nói một cách ngắn gọn là bạn phải lựa chọn được người phù hợp. Phù hợp nhất chứ không phải giỏi nhất. Nếu bạn chỉ chăm chắm nhìn vào khuyết điểm của con người để chê bai, nhục mạ … họ, bạn sẽ không thể sử dụng con người tốt. Hãy nhớ rằng: Sử dụng con người là mình sử dụng cái tốt của người ta, còn cái xấu thì phải tìm cách khắc chế nó. Đừng bao giờ cho rằng có người hoàn hảo 100% và cũng đừng bao giờ can thiệp quá sâu vào đời tư của người khác khi điều đó không cần thiết cho công việc. Cái bạn cần là họ đáp ứng tốt yêu cầu công việc trong giờ làm việc, còn ngoài giờ làm việc nếu muốn nhắc nhở thì hãy xem họ như là người bạn của mình.

3. BÀI HỌC THỨ BA: BÀI HỌC VỀ CÁCH ĐÁNH GIÁ CON NGƯỜI

Nhìn vào Bảng tổng sắp huy chương Seagames 28 bên dưới bạn thấy Malaysia (vị trí thứ 4) và Indonesia (vị trí thứ 5) có số huy chương bạc hơn Việt Nam nhưng vẫn xếp sau Việt Nam. Tại sao lại có điều này? Bởi vì tiêu chuẩn để xếp hạng/đánh giá con người chính là chất lượng công việc. Hai người cùng làm việc trong thời gian như nhau thì ai cho ra số lượng sản phẩm/dịch vụ đạt chất lượng hơn người khác người đó chính là người được đánh giá cao hơn.

Bai-hoc-quan-li-con-nguoi


Nâng cao chất lượng để phát triển bền vững, tầm nhìn này đã được thực tiễn chứng minh luôn luôn đúng trong bất kì thời đại nào.

Xã hội văn minh để làm gì? Để chúng ta vươn đến một cuộc sống chất lượng hơn. Nếu như sống lâu mà không có ích thì thà chọn cuộc sống ý nghĩa. Trong làm ăn kinh tế, bạn phải đặc biệt chú trọng và ưu tiên nâng cao chất lượng sản phẩm/dịch vụ. Nếu như sản xuất nhiều mà chất lượng không đảm bảo thì một ngày nào đó sự nghiệp của bạn sẽ tiêu tan.

Hãy nhìn vào chiến lược phát triển của các nước giàu, ví dụ như Nhật Bản, Đức, Mĩ …, họ gia tăng số lượng nhưng tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm/dịch vụ tối ưu. Chính vì lẽ đó họ luôn là những nước có nền kinh tế phát triển bền vững. Trong khi đó Trung Quốc chạy theo số lượng dẫn đến hiện tượng hàng phẩm chất kém tràn lan thị trường, ngay chính người dân Trung Quốc còn tẩy chay hàng của họ thì làm sao các nước khác không tránh xa. Lối làm ăn tự hủy hoại thanh danh, sức khỏe, túi tiền … của mình, thử hỏi đó có phải là con đường làm giàu chân chính?

Xã hội ngày càng cạnh tranh khốc liệt giữa dân tộc này và dân tộc khác, cá nhân này và cá nhân khác … Trong tất cả các cuộc cạnh tranh đó thì cuộc cạnh tranh về chất lượng bao giờ cũng dẫn đầu. Muốn gia tăng chất lượng đâu phải dễ. Bạn phải có chất xám, công nghệ, phương pháp … hơn người. Cuối cùng thì yếu tố giữ vai trò quyết định đến chất lượng vẫn là con người.

Hầu hết những người thành công trong cuộc sống đều chỉ giỏi một ngón nghề duy nhất. Ví dụ như võ sĩ quyền anh hạng nặng thế giới Mike Tyson sở trường là cú móc tay trái, huyền thoại võ thuật Lí Tiểu Long sở trường là cú đá ngang … Gần đây nhất trên internet nổi đình nổi đám hiện tượng Mark Zuckerberg chỉ mới 23 tuổi mà đã trở thành tỉ phú. Để có được thành công này Mark Zuckerberg chỉ có công sáng lập ra một trang mạng duy nhất là Facebook …

“Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”. Tại sao ông bà ta lại nói như vậy? Bởi khi bạn làm cái gì hoài thì bạn sẽ trở nên giỏi cái đó, mà trở nên giỏi cái đó thì bạn sẽ được hưởng vinh hiển, phú quí … từ nó. Sâu xa câu nói này nhắc nhở chúng ta khi làm bất cứ cái gì phải chú ý đến chất lượng. Nếu chẳng may bạn làm nhiều mà vẫn không “tinh” thì chắc chắn thân bạn sẽ không “vinh” rồi!

Trong cuộc sống có nhiều người thích vơ vào, ôm đồm ... Làm cái gì cũng muốn thêm râu thêm ria mà không chú ý đến vấn đề chất lượng. Kiểu làm đó là kiểu làm của những người có trí tuệ kém, phẩm chất tồi. Hãy làm thật tốt việc này sau đó mới làm việc khác. Nhiều khi chỉ cần làm tốt một việc thôi bạn đã tạo ra kì tích rồi.

Tại sao “nhân vô thập toàn” bởi vì mỗi chúng ta là một cá nhân nhỏ bé trong xã hội. Chúng ta không thể giỏi hết các lĩnh vực. Những ai tay trắng nhận thức ra điều này phải biết chuyên tâm phát huy sở trường của mình thì mới hơn người khác. Chúng ta không có quá nhiều thời gian để làm tốt mọi thứ trên đời.

Song song với việc nâng cao chất lượng sản phẩm/dịch vụ, bạn phải biết tạo ra những sản phẩm/dịch vụ có chất lượng đồng nhất. Để làm được điều này bạn phải biết đầu tư nghiên cứu, áp dụng công nghệ … trong quá trình sản xuất kinh doanh. Không thể sản phẩm/dịch vụ này thì đạt chuẩn, sản phẩm/dịch vụ kia thì khiếm khuyết. Kinh doanh theo kiểu hên xui như vậy khó mà tiến xa được.

Cuối cùng, nên nhớ chất lượng là tiêu chuẩn để đánh giá cá nhân nói riêng và tập thể nói chung. Chính vì vậy, cần cố gắng giáo dục ý thức về chất lượng cho mọi người biết.

4. BÀI HỌC THỨ TƯ: BÀI HỌC VỀ CÁCH ĐÀO TẠO/GIÁO DỤC/HUẤN LUYỆN CON NGƯỜI

Giup-nguoi-khac-phat-trien

Có một công ty nọ gia công bản mạch điện tử cho khách hàng. Vì là sản phẩm công nghệ cao nên tất cả các công đoạn đều được làm bằng máy móc tự động. Tuy nhiên, con người vẫn giữ vai trò chính. Hầu hết công nhân đều được đào tạo khá bài bản về cách vận hành máy móc, khắc phục sự cố … Thế nhưng có một hôm ở dây chuyền sản xuất nọ có một sự cố đáng tiếc xảy ra khiến uy tín của công ty bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Chuyện là thế này: Hôm ấy khi dây chuyền đang vận hành thì máy liên tục báo sự cố và dừng lại. Người vận hành máy liền tới kiểm tra. Dù cố xem xét tất cả mọi yếu tố nhưng anh ta vẫn không thấy gì bất thường nên cho máy tiếp tục hoạt động. Suốt ca hôm đó máy báo và dừng đến 200 lần mà anh ta vẫn cho qua. Mấy ngày sau khi thành phẩm đến tay khách hàng thì họ phát hiện ra lỗi và trả hàng lại cho công ty kèm theo nhiều lời trách mắng. Ban giám đốc lập tức triệu tập tất cả những người liên quan. Khi được hỏi tại sao thấy máy báo và dừng đến 200 lần mà vẫn cho qua, người vận hành máy liền trả lời: “Tại vì không có qui định phải báo cáo cấp trên khi có sự cố như vậy xảy ra”. Tất cả ban giám đốc dường như chết lặng. Thiếu sót nhỏ trong ban hành những qui chuẩn đào tạo nhân viên đã gây ra tổn thất nặng nề.

Kết luận: Song song với việc đào tạo/giáo dục/huấn luyện con người trên lí thuyết, bạn phải ban hành những kĩ thuật, phương pháp, tiêu chuẩn, qui định … để con người tuân theo. Phương pháp đúng đắn, điều kiện đáp ứng, luôn luôn nhắc nhở, thường xuyên giám sát, thưởng phạt nghiêm minh nhất định sai sót sẽ được giảm thiểu. Ví dụ, xây một bức tường xong bị đổ. Bạn cần xem lại: Phương pháp xây đã đúng chưa? Nếu phương pháp xây đã đúng thì xem điều kiện đã đáp ứng tốt chưa. Xây tường mà không có phương tiện làm sao xây? Pha hồ non quá làm sao được? Nếu tất cả điều kiện đã đáp ứng tốt thì tiếp tục xem người quản lí có thường xuyên nhắc nhở, giám sát công nhân không. Nếu không nhắc nhở, giám sát công nhân họ làm ẩu thì chất lượng sản phẩm kém là điều đương nhiên. Bạn nên nhớ rằng không ai tự giác nếu không được nhắc nhở, giám sát thường xuyên. Con người chỉ làm tốt khi họ nhận ra lợi ích của việc mình làm và nếu không làm tốt thì lợi ích đó sẽ bị ảnh hưởng như thế nào. Chúng ta quen hô hào những khẩu hiệu suôn như kêu gọi mọi người bảo vệ môi trường đang sống, chấp hành luật lệ giao thông, ăn mặc đúng nơi công cộng …, nhưng chúng ta lại bỏ qua những biện pháp chế tài, hình phạt cụ thể. Chính vì vậy, chuyện mong đợi một đất nước văn minh, tiến bộ vẫn là một viễn cảnh rất xa vời.

5. BÀI HỌC THỨ NĂM: BÀI HỌC VỀ CÁCH HÀNH XỬ VỚI THUỘC CẤP

Giup-nguoi-khac-tien-boCách đây không lâu có một bạn ở cương vị quản lí trong công ty có hỏi tôi: Khi có bạn không chấp hành qui định của công ty em phải hành xử với họ như thế nào?

Bạn nên biết rằng khi vào công ty làm việc mỗi người ở một vị trí, cương vị. Chính vì vậy, mỗi người có một nhiệm vụ, công việc khác nhau. Có thể bạn là cấp trên của ai đó trong công ty, nhưng khi ra ngoài đời thì bạn và người đó đều bình đẳng. Mối quan hệ giữa cấp trên và cấp dưới là mối quan hệ vì công việc trong phạm vi nào đó. Đây hoàn toàn không phải là mối quan hệ cá nhân. Bạn và cấp dưới phải đặt mình trong mối quan hệ vì công việc để phục vụ cho lợi ích của công ty. Do đó, khi hành xử với thuộc cấp bạn không được lấy cái tôi của mình ra lất át, bôi nhọ, sỉ nhục … cái tôi của họ. Tuyện đối không được làm tổn thương người khác. Khi thuộc cấp làm sai, việc bạn cần làm đầu tiên là phải tìm hiểu “Tại sao họ lại sai?”. Bạn có thể nhẹ nhàng hỏi họ về lí do dẫn đến cái sai ấy. Sau khi lắng nghe, thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng, ý chí của họ, bạn sẽ giải thích cho họ hiểu “Tại sao họ cần phải tuân thủ những qui định của công ty?”. “Công ty” chính là một tập thể lớn, là người trả lương để thuê thuộc cấp của bạn và người đó phải có trách nhiệm chấp hành những qui định mà công ty đề ra trong môi trường làm việc. “Công ty” chính là người sẽ thay thế bạn “áp đặt” mệnh lệnh lên thuộc cấp, bắt thuộc cấp phải tuân thủ và nếu như không tuân thủ thì chính “công ty” sẽ loại bỏ người đó chứ không phải là bạn. Bạn chỉ cần hỏi, lắng nghe và giải thích. Nếu sau khi giải thích xong mà thuộc cấp của bạn vẫn không chấp hành qui định của công ty, bạn nên khéo léo đề nghị người đó lựa chọn hướng giải quyết hoặc đưa vấn đề của người đó ra cho tập thể hoặc cấp trên quyết định. Việc loại bỏ “con sâu” ra khỏi tổ chức cần có sự đồng tình của cả tổ chức, bạn không nên gánh vác hết trách nhiệm khi chọn cách cá nhân đối đầu với cá nhân. Ý chí, trí tuệ của bạn sẽ phát huy tác dụng cao nhất khi bạn biết lợi dụng sức mạnh của tập thể. Hãy lợi dụng sức mạnh tập thể để đạt được mục đích của mình, chứ đừng hành xử ở vai trò cá nhân vì sẽ gây ra sự thù hận, oán ghét giữa cá nhân này và cá nhân khác. Điều này thật sự không tốt!

Chat Master (Anastar)

BÌNH LUẬN BẰNG MAIL

BÌNH LUẬN FACEBOOK