PHẨM CHẤT NGƯỜI GIÀU CHÂN CHÍNH
16:01 - 07/03/2018
Niềm tin ở bản thân lan tỏa sang cả người tiếp xúc. Niềm tin, niềm kiêu hãnh từ bản thân có thể lan truyền, nếu bạn không tin hãy thử tiếp xúc với một người có niềm tin đủ lớn xem. Ở bên một người có niềm tin đủ lớn, bạn sẽ thấy ấm áp và vững tin hơn rất nhiều.
TỪ ƯỚC MƠ ĐẾN HIỆN THỰC
10 thói quen không sửa ngay đời bạn sẽ xuống dốc
Năm 2018, bạn trẻ hãy thay đổi thói qua loa
TIẾN TỪNG BƯỚC VỮNG CHẮC
1. Phẩm chất đầu tiên: Biết tìm ra động lực đúng!
(Ảnh: Internet)
Hồi còn nhỏ tôi rất thích chơi tên lửa. Tôi hay chế tạo tên lửa bằng cách cuốn giấy thành ống tròn, rồi nhét thuốc pháo dưới đáy. Mỗi lần nhìn chiếc tên lửa bay vút lên không trung tôi vô cùng khoái chí. Từ việc quan sát trò chơi tên lửa, tôi đã nghiệm ra nhiều điều cho bản thân:
Thứ nhất, một câu hỏi nảy ra trong đầu tôi là làm sao tên lửa lại bay được? Và câu trả lời đó là do thuốc pháo cháy đã tạo ra lực đẩy. Nếu như không có thuốc pháo thì liệu tên lửa có bay nổi không nhỉ? Câu trả lời là không. Như vậy muốn bay lên tên lửa phải có một cái gì đó làm động lực. Từ suy nghĩ như vậy, tôi liên tưởng đến con người. Phàm tất cả chúng ta sinh ra ai cũng đều có thời gian, sức khỏe, trí tuệ … để có thể làm một cái gì đó, song chúng ta sẽ không cất cánh được nếu không biết chọn động lực đúng. Động lực càng đúng đắn, càng mạnh mẽ thì càng giúp chúng ta tiến nhanh và mạnh hơn. Tuy nhiên, đó là nói lí thuyết vậy thôi, chứ việc chọn động lực thật không đơn giản. Nếu tôi chọn động lực là quê hương, dân tộc …, những khái niệm này nghe có vẻ mơ hồ. Bởi hồi đó, như bao bạn trẻ khác tôi chẳng định nghĩa nổi quê hương, dân tộc … là gì. Nếu may mắn bạn lớn lên trong tình yêu thương đùm bọc của nhiều người thì khái niệm này có vẻ gần gũi; nhưng nếu như bất hạnh thay bạn lại chứng kiến toàn cảnh người khác “chà đạp” người khác để vươn lên, thì trong lòng bạn khó mà nói lên tiếng yêu người khác. Không yêu quê hương dân tộc thì yêu cha mẹ vậy! Câu nói này có lẽ được nhiều người ủng hộ, vì cha mẹ luôn là người gần gũi và mình mang ơn. Nhưng thật trớ trêu nếu bạn nào phải sống trong cảnh mồ côi, thiếu tình thương cha mẹ, hay không được cha mẹ giáo dục về đức tính này. Nếu không thì yêu người yêu, yêu vợ hay chồng mình. Câu này cũng có lí. Thật may mắn cho ai có được một người yêu lí tưởng làm bạn đời và cũng là người tri kỉ. Song hồi đó tôi còn nhỏ lắm, nhà nghèo nên bạn trai còn hiếm huống hồ bạn gái. Suy nghĩ rất nhiều ngày cuối cùng thì tôi cũng nghĩ ra. Động lực chân chính ấy không gì ngoài bản thân tôi. Chỉ có yêu bản thân, tôi mới khao khát sống, khao khát thành đạt, hướng thiện và tìm ra con đường đúng đắn để đi. Và chỉ khi tôi thành đạt thì tôi mới giúp được quê hương, dân tộc, gia đình, người yêu … được nhiều hơn. Từ suy nghĩ ấy, khi làm bất cứ điều gì tôi cũng tự hỏi liệu làm vậy tôi có được hạnh phúc không? Tôi cân nhắc từng việc làm, cẩn trọng từng lời nói, quí trọng từng phút giây … cố gắng làm sao để sống ý nghĩa nhất và mau mau thành đạt. Đó là mục đích chung, thế nhưng để làm giàu tôi cần phải xác định được một mục tiêu thật cụ thể để tiến bước. Hồi đó tôi cũng hay đọc sách báo, nhất là mấy loại sách báo nói về tấm gương mấy người thành đạt. Tôi ước mơ mình sẽ là triệu phú như họ. Tôi nhẩm tính nếu là triệu phú ít nhất tôi cũng phải có mười mấy tỉ đồng Việt Nam. Thế là tôi viết số tiền ấy ra giấy và cất đi. Tôi còn lấy một cây kim khâu chích vào ngón tay mình để máu chảy ra. Tôi lấy máu đó hòa với mực rồi viết lên một tấm vải trắng khẩu hiệu: “Thành công hay là chết!”. Viết xong tôi cẩn thận cất tấm vải đó vào một cái lọ. Đã rất nhiều năm trôi qua mỗi khi ngã lòng tôi lại lấy tấm vải cũ ra xem. Tấm vải nhắc tôi nhớ đến một lời hứa với bản thân: Nhất định tôi phải thành đạt!
Thứ hai, như bạn biết đâu phải tên lửa nào cũng bay thẳng được. Có động lực, đích đến đúng là tốt, song để thành công cần nhiều thứ khác. Tên lửa bay được thẳng là do thân tên lửa cân bằng, một người muốn thành đạt cũng phải biết phát triển hài hòa. Sự hài hòa ở đây phải được hiểu là hài hòa so với mục đích của mình. Hồi đó tôi còn có một ý nghĩ quái lạ như thế này, giá mà tôi có nhiều cái đầu. Một đầu tôi sẽ học toán, một đầu tôi sẽ học văn …, nói chung là mỗi đầu tôi sẽ học một loại kiến thức, để làm sao cái gì tôi cũng biết hết. Nghĩ vẩn vơ nhiều ngày như vậy, cuối cùng tôi đã tìm ra câu trả lời. Nếu không có nhiều đầu thì tôi phải sử dụng người khác làm thay cho mình. Đây là đáp án đúng, ngặt một điều việc sử dụng người khác quả không đơn giản. Tôi phải có phẩm chất làm sao, tôi phải có kiến thức như thế nào … mới có thể làm được điều đó. Những câu hỏi này đã day dứt tôi mãi đến tận năm cuối cấp ba. Chắc cũng vì ý muốn đậu bằng được đại học đã làm tôi lao vào học như điên, như khùng. Tôi chọn cho mình một ngành tự nhiên nên phải học thật giỏi ba môn toán, lí, hóa mới thi đậu được. Trong quá trình học toán tôi phát hiện ra một điều thú vị: Mặc dù không biết cách lập một đẳng thức, nhưng tôi có thể chứng minh được đẳng thức đó đúng hay sai. Không nhất thiết tôi phải có kiến thức về âm nhạc, nhưng tôi có thể biết ca sĩ đó hát hay hay dở; không nhất thiết tôi phải ra thị trường, song tôi có thể biết phương án tiếp thị của cấp dưới trình bày là đúng hay sai … Đây là loại kiến thức gì? Như bạn biết, tất cả sự vật tồn tại trên thế gian này nói chung và suy nghĩ của chúng ta nói riêng, đều tuân theo những qui luật nhất định. Nếu nắm được qui luật vận động này, sẽ không khó khăn gì phát hiện ra cái sai của quá trình vận động đó. Nói đến đây chắc các bạn đã hình dung ra tôi phải làm cái gì, phải học cái gì rồi chứ!
Có hai câu chuyện tôi muốn kể thêm để làm sáng tỏ phẩm chất đầu tiên này:
Câu chuyện thứ nhất: Hồi năm cấp hai tôi có đọc được một mẩu chuyện. Mẩu chuyện đó kể về một nhà sư. Nhà sư đó đi đâu cũng đeo chiếc quan tài nhỏ ở cổ. Khi mọi người hỏi nhà sư đó rằng tại sao ông lại đeo chiếc quan tài ấy, thì ông ta đã trả lời như vầy:
- Ta đeo chiếc quan tài này để khi ta đứng trước một điều khó xử trong cuộc sống ta sẽ nghĩ đến lẽ sống chết, chỉ khi thấu hiểu thế nào là lẽ sống chết ở trên đời ta mới tìm ra cách cư xử đúng.
Câu trả lời của nhà sư có lẽ rất cao siêu, tôi nghĩ rằng bạn phải nghiền ngẫm rất nhiều lần trong cuộc đời mới hiểu được.
Câu chuyện thứ hai, có một bạo chúa muốn trả thù kẻ thù của mình. Ông ta sai bịt mắt và nhốt 10 tráng sĩ trong ngục tối. Suốt nhiều tháng trời ông ta dùng nhục hình hành hạ 10 tráng sĩ đó, ông ta nói rằng ông ta muốn đào tạo họ thành những kẻ sát thủ, mà một kẻ sát thủ thì phải có một mối thù đến tận xương tủy. Do đó mà ông ta đã làm vậy. Sau nhiều ngày tháng hành hạ, ông ta mở mắt cho họ và nói cho họ biết kẻ thù của họ là ai (tất nhiên là kẻ thù của ông ta). Ông ta cho 10 người họ đánh lẫn nhau để tuyển ra một người duy nhất. Khi chín người lao vào đánh nhau chí tử, thì một người vẫn đứng ngoài cuộc. Đến khi còn một người duy nhất thì anh ta mới ra tay hạ người đó. Khi hạ xong người đó, bạo chúa đã hỏi anh ta làm sao anh ta lại có thể chiến thắng được tất cả họ, anh ta điềm đạm trả lời: Tôi chiến thắng được họ là do tôi muốn sống và biết chọn đúng thời cơ để ra tay.
Câu chuyện trên đã góp một cái nhìn rõ nét hơn cho những ai muốn theo đuổi nghiệp kinh doanh. Ý chí kinh doanh phải lớn như lòng căm thù và khao khát sống của anh chàng trong câu chuyện, nhưng để thắng lợi cần phải biết chọn đúng thời cơ để “ra tay”. Lòng căm thù ở đây không nên hiểu theo nghĩa tiêu cực mà là tích cực. Nghèo đói, nhục nhã … chính là kẻ thù của chúng ta. Nếu ai có lòng “căm thù” không đủ lớn, người đó không thể trở thành một nhà kinh doanh lớn được!
2. Phẩm chất thứ hai: Tập yêu lao động, không ngại khó, ngại khổ để luyện cho đức tính nghị lực ngày càng lớn, biến ý chí thành sắt thép.
(Ảnh: Pixabay.com)
Có người nói: “Trên bước đường thành công không có dấu chân của kẻ lười biếng”! Nhiều bạn trẻ chưa từng trải khi nghe câu nói này có vẻ rất khó hiểu. Thôi thì tôi liên hệ đến bản thân tôi cho bạn dễ hình dung hơn.
Nhà tôi vốn đông anh em, để giáo dục các con có ý thức lao động, ba tôi ra một qui định: Mỗi sáng anh em phải phân công nhau quét nhà, mỗi người sẽ rửa chén bát trong vòng một năm, sau đó đến người kế tiếp. Ban đầu anh tôi rửa chén bát một năm, sau đó đến tôi. Khi hết hạn một năm, tôi bàn giao lại cho em gái tôi, thế nhưng cuộc bàn giao gặp “một sự cố”. Em gái tôi đang bận học luyện thi, công việc học rất quan trọng nên nó chỉ tập trung vào học mà thôi. Nghĩ thôi để nó tập trung vào học, cộng với sự động viên của ba là hãy làm giùm em nó một năm rồi năm sau nó sẽ làm, tôi chấp nhận “kéo dài hợp đồng có kì hạn”. Ngày nào tôi cũng phải rửa ít nhất là ba lần chén bát, ban đầu thì tôi thấy rất gượng ép, nhưng lâu dần nó trở thành một thói quen. Cùng thói quen rửa chén bát, nhiều thói quen khác cũng hình thành trong tôi. Lâu dần tôi thấy sống trên đời được làm việc thật thú vị. Tôi trở nên yêu lao động lúc nào không hay. Chính vì yêu lao động, tôi lao vào làm hết việc này đến việc kia, không chỉ làm cho mình mà còn giúp đỡ người khác. Thói quen lao động đã đem lại cho tôi rất nhiều lợi ích:
+ Tôi được mọi người rất yêu mến. Chính điều này đã đem lại cho tôi nhiều cơ hội lớn lao trong cuộc đời.
+ Tôi trở thành một người đàn ông lí tưởng mà nhiều người hằng mong ước.
+ Đầu óc sáng tạo trong tôi ngày càng nảy nở. Tôi đã cải tiến việc rửa chén bát mất khoảng nửa tiếng xuống còn vài phút. Có lần mẹ tôi nhờ tôi chà vẩy một kg cá bống kèo. Nếu cầm từng con mà chà xuống cát thì ít nhất tôi cũng phải mất khoảng hai tiếng đồng hồ. Ấy vậy mà bằng việc đổ tất cả chúng vào một cái túi vải có cát rồi chà tôi chỉ mất có 5 phút. Đây là món quà tuyệt vời nhất từ lao động. Chỉ có lao vào làm việc thì cơ hội và trí sáng tạo của chúng ta mới nảy nở mà thôi.
+ Nghị lực của tôi ngày càng lớn. Đức tính lao động bền bỉ đã giúp tôi có thật nhiều nghị lực để vượt qua biết bao nhiêu chông gai sau này.
+ Ý chí ngày càng được hun đúc. Điều đặc biệt đối với người có ý chí lớn là họ thường hành động. Nhìn một người có ý chí lớn bạn rất khó nhận ra, bởi ý chí không thể hiện ra bên ngoài, nhưng theo dõi cách họ phấn đấu thì bạn sẽ hiểu. Cuộc sống có thể làm người có ý chí thất bại nhưng không thể đè bẹp sự vươn lên của họ – đức tính tuyệt vời nhất của một người có ý chí.
+ Niềm tin ở bản thân lan tỏa sang cả người tiếp xúc. Niềm tin, niềm kiêu hãnh từ bản thân có thể lan truyền, nếu bạn không tin hãy thử tiếp xúc với một người có niềm tin đủ lớn xem. Ở bên một người có niềm tin đủ lớn, bạn sẽ thấy ấm áp và vững tin hơn rất nhiều.
+ Và một điều hết sức quí báu nữa mà lao động đem lại cho chúng ta đó là sức khỏe. Người lười biếng có một tinh thần bạc nhược, một sức khỏe suy đồi, trong khi người yêu lao động luôn sống lạc quan và khỏe khoắn.
Con đường của người thành đạt không trải thảm hoa, để sống ý nghĩa, không sa ngã thì yêu lao động là phẩm chất cao quí nhất của con người!
3. Phẩm chất thứ ba: Biết tiết kiệm, sống giản dị, không phô trương.
(Ảnh: Internet)
Như đã nói, phẩm chất đầu tiên của một nhà kinh doanh là phải biết tìm ra động lực đúng. Bạn không thể bắt chước tôi và tôi cũng không thể bắt chước bạn. Động lực mà bạn tìm ra chỉ có thể đúng với bạn mà không đúng với tôi. Tuy nhiên, một động lực đúng là một động lực sẽ làm bạn trở nên mạnh mẽ hơn. Trong phần một, tôi cũng đề cập đến việc chọn ra một mục tiêu cụ thể cho cuộc đời mình. Bạn nào khôn ngoan sẽ chọn được mục tiêu phù hợp với sức mình, nhưng bạn nào thiếu kiến thức sẽ biến con đường làm giàu thành con đường đi vào tử ngục. Chúng ta đi làm giàu để cuộc sống của chúng ta hạnh phúc hơn. Nếu con đường giàu có biến chúng ta thành nô lệ, thành kẻ dã tâm, thành người mất hết hạnh phúc, niềm vui …, thì e rằng đó không phải con đường làm giàu chân chính.
Con người không so sánh với loài vật, song tôi thấy nhiều kẻ sống trong xã hội đã hiểu sai về sự giàu có. Họ nói có tiền là có tất cả. Họ lao vào kiếm tiền, khi có tiền thì họ lại không biết quí đồng tiền. Nhiều người lóa mắt vì đồng tiền, họ bán rẻ lương tâm, hạnh phúc, tình thân … Nhiều người lại cảm thấy hạnh phúc khi được người khác khen ngợi, tôn vinh, tán thưởng … Cuộc sống chỉ vì miếng ăn, cái mặc, sự hào nhoáng bên ngoài e rằng đó không phải là cuộc sống hạnh phúc. Tạo hóa rất công bằng khi cho chúng ta cái này lại lấy đi cái khác. Không gì trên đời không có cái giá của nó, chính vì vậy, để trở thành người giàu có và hạnh phúc thật sự chúng ta phải biết sống thật khôn ngoan.
Hồi còn nhỏ cha tôi đã dạy tôi hai bài học lớn, mà cho đến tận bây giờ tôi vẫn còn khắc cốt ghi xương. Cha tôi bảo có hai bài học mà tôi phải học tập suốt đời nếu tôi muốn có cuộc sống giàu có và hạnh phúc:
Bài học thứ nhất là giao tiếp. Hơn 90% thời gian chúng ta sống trên đời là dành cho giao tiếp, chính vì vậy, ai muốn giàu có và hạnh phúc phải rèn luyện điều này thường xuyên. Người này giỏi ắt có người khác giỏi hơn. Trong giao tiếp kị nhất là phô trương. Hãy đơn giản hóa, sống giản dị bạn sẽ có cuộc sống thật nhẹ nhàng. Thật khó nói hết ý nghĩa của từ “giản dị”. Nhiều bạn không hiểu cho rằng ý tôi muốn nói là sống mà không tiêu xài nhiều chứ gì. Ý nghĩ đó hoàn toàn sai lầm. “Giản” ở đây có nghĩa là giản đơn. Giản đơn không có nghĩa là nghèo nàn. Nghèo nàn tức là thiếu thốn, song giản đơn thì vẫn đầy đủ. “Dị” ở đây có nghĩa là gần gũi. Thường những người tài giỏi, giàu có thật sự người ta không cần phô trương. Tại sao? Tại trong bản thân người ta đã có nhiều năng lực và tố chất làm toát lên điều ấy rồi. Chỉ những kẻ thùng rỗng kêu to mới cần rắc kim tuyến lên mình thôi. Người có cuộc sống giản dị biết thế nào là đủ để dừng, kẻ phô trương thì quá lố nên gặp nhiều tai họa. Cho nên người càng giỏi, càng giàu thì càng phải sống giản dị để giữ mãi cái giỏi, cái giàu đó.
Đặt trường hợp bạn chưa giàu hãy tập sống như bạn đang là một người giàu thật sự. Có nghĩa là sống giản dị. Tôi nghĩ rằng một ngày không xa nữa ắt bạn sẽ giàu. Tại sao? Bởi để có thể sống được như tôi nói, bạn phải cư xử khác, tiêu xài cũng cân nhắc, tính toán hơn. Nếu giữ thói quen này lâu nó sẽ giúp bạn cắt giảm không những tiền bạc mà còn rất nhiều lo toan. Một điều quan trọng nữa là, người có phong cách sống giản dị cái tâm rất điềm đạm, mà điều này rất quan trọng để trở thành một người giỏi, một nhà lãnh đạo xuất sắc. Không phải ai cũng làm được những điều tôi nói đâu, chính vì vậy mới rất hiếm người giàu có chân chính.
Khi bạn nghèo bạn lao vào kiếm tiền, khi bạn đói bạn lao vào ăn, nhưng khi bạn giàu tiền trở nên rất bình thường, còn đồ ăn thì còn tệ hơn như vậy nữa. Cái hay của người thành đạt là người ta có chí lớn và đầu óc tư duy sâu sắc ngay từ nhỏ. Nếu như bạn đang thiếu tiền, đang đói mà bạn vẫn cư xử với phong cách như bạn đã giàu có, tôi dám đoan chắc tương lai bạn sẽ trở thành người tài ba. Có một câu nói đại loại như thế này: Kẻ không muốn làm tìm lí do, kẻ muốn làm tìm biện pháp. Những kiến thức tôi viết ra sẽ là báu vật dành cho những ai thật sự muốn vượt qua cái nghèo, cái nhục để thành đạt, nhưng nó sẽ chẳng là gì đối với những kẻ chỉ muốn hưởng thụ chẳng muốn làm.
Bài học thứ hai là sử dụng sức lao động. Chúng ta nghèo, nguyên nhân vì sao chúng ta nghèo? Mặc dù chúng ta vẫn làm ra nhiều của cải vật chất, song tại sao chúng ta lại vẫn nghèo? Một phần rất lớn là do chúng ta không biết cách sử dụng sức lao động của mình và của người khác. Chúng ta nên làm gì? Chỉ đạo, hay hướng dẫn người khác làm gì? Khi làm ra một đơn vị của cải vật chất, chúng ta sẽ sử dụng chúng vào việc gì? Thật không dễ trả lời đúng không?
Có thời gian tôi phải sống và làm việc bên Nhật Bản. Hồi đó tôi có sống chung với một nhóm tu nghiệp sinh. Tháng nào những tu nghiệp sinh này cũng phải bỏ tiền ra mua cục mút để rửa chén bát, số tiền đó không phải là nhỏ, mặc dù những người tu nghiệp sinh này lương không cao và đều có hoàn cảnh rất nghèo. Trong khi đó, tôi có mức lương cao hơn các tu nghiệp sinh này rất nhiều, nhưng không bao giờ tôi tốn một xu cho những thứ ấy. Đơn giản là tôi không rửa chén bát bằng mút mà bằng một miếng … lưới đánh cá. Như bạn biết, lưới đánh cá thì rất bền, tôi có rửa cả đời nó cũng chẳng bao giờ hư cả. Và còn rất nhiều chuyện xoay quanh chủ đề này nữa, tuy nhiên không tiện nói ra hết.
Tiết kiệm không có nghĩa là keo kiệt. Và muốn tiết kiệm được không hề đơn giản. Chúng ta phải suy nghĩ, phải sáng tạo rất nhiều.
Đợt khủng hoảng năm 2008 xảy ra, nhiều người lao vào thắt lưng buộc bụng, nhiều công ty hô hào tiết kiệm. Họ bắt nhân viên phải xài giấy cả hai mặt, họ không dám mở đèn chiếu sáng, chắt chiu từng giọt nước … Tại sao vậy? Tại sao khi chúng ta lâm vào hoàn cảnh khó khăn, chúng ta mới nhận thức ra tiết kiệm là đáng quí. Nhiều bạn trẻ bây giờ khi dắt chiếc xe máy ra đường không cần biết đích đến là nơi nào, ăn uống thì bỏ mứa … Những người giàu có chân chính không bao giờ làm như vậy, nếu bạn muốn mình như họ hãy bắt đầu tập đức tính này ngay từ bây giờ!
Chat Master (Anastar)
*Tải về Phần A - Hiểu biết để khởi nghiệp thành công