Số phận của mình do mình định đoạt

Số phận của mình do mình định đoạt

Số phận của mình do mình định đoạt

06:27 - 24/04/2019

Bạn sẽ đạt được thành công mong muốn nếu bạn biết rõ ràng mục tiêu (kết quả), điều kiện (lí do) và phương thức (quá trình xảy ra kết quả) tiến hành!

GIÀU CÓ HẠNH PHÚC?
TỪ ƯỚC MƠ ĐẾN HIỆN THỰC
10 thói quen không sửa ngay đời bạn sẽ xuống dốc
Năm 2018, bạn trẻ hãy thay đổi thói qua loa
TIẾN TỪNG BƯỚC VỮNG CHẮC
Số phận mình do mình định đoạt

Triết gia Aristote đã khẳng định rằng thế giới chúng ta đang sống được chi phối hoàn toàn bằng những qui luật chứ không phải bằng sự may rủi. Theo ông, mọi việc xảy ra đều có lí do, mọi hành động đều cho một kết quả nào đó không phụ thuộc vào ý thức chủ quan của con người.

Làm gì cũng phải tìm ra nguyên nhân, kết quả. Nhận thức ra qui luật nhân quả vô cùng quan trọng. Phương Tây đã đi đúng hướng khi không ngừng tìm ra mối liên hệ nhân quả trong nhiều sự vật, hiện tượng …, nhờ vậy mà họ nhanh chóng vươn lên vị trí thống trị toàn thế giới. Nếu bạn còn chưa nhận ra qui luật này quan trọng thế nào đối với cuộc sống của mình thì số phận của bạn sẽ mãi mãi chìm trong tăm tối!

Tôi giả sử bạn ném một cục gạch làm bể đầu một người khác. Như vậy, muốn cho đầu người đó không bể thì bạn phải thay đổi một trong hai thông số sau đây: Đừng ném, hoặc thay đổi hướng đi của cục gạch. Tức là thay đổi nguyên nhân, hay quá trình xảy ra kết quả đó. Nói như vậy để bạn thấy rằng: Tất cả chúng ta đều có thể thay đổi số phận của mình thông qua suy nghĩ, hành động của chúng ta!

BẠN SẼ ĐẠT ĐƯỢC THÀNH CÔNG MONG MUỐN NẾU BẠN BIẾT RÕ RÀNG MỤC TIÊU (KẾT QUẢ), ĐIỀU KIỆN (LÍ DO) VÀ PHƯƠNG THỨC (QUÁ TRÌNH XẢY RA KẾT QUẢ) TIẾN HÀNH!

Bạn đặt vấn đề và xây dựng toàn bộ thế giới quan theo cách mà bạn suy nghĩ. Giá trị, ý nghĩa mỗi con người bạn gặp …, điều đó là xấu hay là tốt …, tất cả đều phụ thuộc vào suy nghĩ của bạn. Chính vì vậy, muốn thay đổi cuộc đời trước tiên phải thay đổi suy nghĩ!

Chúng ta hay thắc mắc tại sao người kia làm được điều đó còn ta thì không? Thật ra năng lực của bạn đâu có tồi đến vậy, đơn giản bởi vì bạn không biết bắt đầu từ đâu mà thôi. Bạn không thể ăn mặc hở hang như cô ca sĩ nào đó, bởi bạn cho rằng đó là lối sống vô đạo đức. Chính vì vậy, bạn làm sao có thể trở thành một người như cô ta? Muốn giàu có đôi khi bạn phải “bắt” mình suy nghĩ theo một hướng nào đó không theo lối suy nghĩ thông thường. Bạn cứ cho rằng phải trồng hoa để cắt cành bán, có khi nào trồng hoa để ăn mới bán được không? Thay đổi suy nghĩ bạn sẽ thấy cuộc đời mình khác đi rất nhiều.

Nói như vậy không có nghĩa là bạn muốn suy nghĩ sao thì suy nghĩ, mà suy nghĩ phải hướng đích. Mọi suy nghĩ và hành động của bạn chỉ để phục vụ cho việc đạt bằng được mục tiêu đề ra. Nếu bạn cho rằng mình là người giỏi, khi gặp khó khăn chắc chắn bạn sẽ không lùi bước, bởi đó không phải là đức tính của người giỏi. Cho nên thật không quá ngoa khi nói rằng: Bạn muốn mình trở thành người thế nào thì bạn sẽ trở thành người như vậy! Không phải những gì xảy ra với bạn mà chính cách bạn suy nghĩ về nó sẽ quyết định cách phản ứng hay cảm nhận của bạn. Nếu ý chí trong bạn quá lớn bạn sẽ tác động ngược lại làm thay đổi hoàn cảnh khách quan.

Mọi cảm xúc, cách cư xử của bạn hoàn toàn bắt nguồn từ nhận thức của bạn về thế giới xung quanh. Năng lực này gọi là năng lực diễn giải, hay năng lực giải thích. Năng lực này nằm trong tầm kiểm soát của bạn và bạn có thể đạt được thông qua quá trình học hỏi. Bạn có thể diễn giải sự việc theo cách khiến bản thân cảm thấy vui vẻ, lạc quan thay vì tức giận, thất vọng. Bạn có thể quyết định phản ứng mang tính xây dựng, tích cực thay vì bi quan, yếm thế. Tất cả tùy thuộc vào bản thân bạn.

Bạn nên nhớ rằng mọi hành động của bạn đều có nguyên nhân và dẫn đến những kết quả khác nhau. Muốn biết hành động mình chuẩn xác chưa bạn phải xem xét xem nguyên nhân xuất phát hành động ấy có hợp lí không, kết quả mà nó đạt tới là gì.

Tôi gọi Aa là kết quả mà hành động a gây ra. Ab là kết quả mà hành động b gây ra … Như vậy khi bạn gây ra n hành động (n là số nguyên dương) thì cũng sẽ có n kết quả xảy ra tác động ngược lại bạn. Một kết quả cũng có thể có nhiều nguyên nhân. Cho nên nếu thay đổi nguyên nhân tạo thành kết quả thì kết quả thu được sẽ khác đi. Lí thuyết thì đơn giản nhưng thực tế không hề đơn giản như thế. Tôi ví dụ, ra đường bạn cười với một ai đó. Đôi khi nguyên nhân rất khó phát hiện còn kết quả thì vô cùng biến hóa. Bạn cứ tưởng tượng khi bạn gây ra một kết quả Aa thì người nào đó cũng gây ra một kết quả A1 nào đó. Khi Aa tương tác với A1 thì nó sẽ sinh ra A2. A2 đi tương tác với A3 nào đó nữa thì sẽ sinh ra A4 … Cho đến khi Aa biến thành An nào đó thì bạn mới nhận được nó. Nghĩa là khi bạn gây ra một hành động a không có nghĩa là bạn phải nhận lại ngay kết quả là Aa, mà đôi khi nó phải biến đổi một thời gian thành An nào đó thì bạn mới nhận được.

Tôi ví dụ, bạn nuôi con lớn cứ nghĩ nó sẽ báo hiếu mình, ngờ đâu nó lại trở thành đứa không ra gì, bạn đừng quá lo lắng vì biết đâu cháu bạn nó lại nghĩ đến bạn. Một nguyên nhân bạn coi là tốt đôi khi không phải vậy vì tất cả đều có tính hai mặt, chính vì vậy, nó không thể cho ra một kết quả tốt như bạn mong đợi. Ví dụ, khi bạn cứu một con rắn nó lại cắn bạn chết.

Khi bạn nghĩ rằng (tôi dùng từ nghĩ rằng vì hoàn toàn là chủ quan) mình hành động tốt sẽ nhận được một kết quả tốt đôi khi bạn hoàn toàn thất vọng. Vì hành động mà bạn xem là tốt đó nhìn ở khía cạnh khác lại không tốt chút nào. Sự khác nhau đó là bởi vì “nồng độ” giữa xấu và tốt trong hành động của bạn khác nhau. Tôi ví dụ, bạn thương con, đó là hành động tốt, nhưng thương con quá lại trở thành hành động xấu. Trong hành động thương con lại có khái niệm thương như thế nào. Do vậy, “nồng độ” và “phương thức tiến hành” cũng góp phần làm cho kết quả khác đi. Để cho dễ hiểu tôi quay lại ví dụ bạn cứu con rắn. Bạn cứu con rắn nhưng bạn đứng đằng xa cầm cái cây thả nó đi thì có lẽ bạn không sao, nhưng nếu cứu xong mà bạn còn ngồi xem nó, ôm nó vào lòng thì bạn chết là phải.

Rất nhiều người hiểu qui luật nhân quả là qui luật gì, nhưng không phải ai cũng hiểu một cách sâu sắc để áp dụng nó vào cuộc sống nhằm đem lại hạnh phúc, giàu có cho mình. Trong thế giới vật chất không ngừng chuyển động, mọi sự vật, hiện tượng đều có mối liên hệ mật thiết, tác động qua lại với nhau. Sự phức tạp đến nỗi nhiều triết gia bên đạo Phật không thể giải thích nổi đành dùng từ “nhân duyên”. Nhân duyên được giải thích là nguyên nhân có từ kiếp trước tạo ra kết quả ở kiếp sau, theo quan niệm của đạo Phật. Có nghĩa là nhiều kết quả bạn nhận được do nguyên nhân có từ trước. Ví dụ, cha mẹ bạn có gen tốt sinh ra bạn có tư chất thông minh. Trong y học gọi đó là “di truyền” … Như vậy, để thay đổi số phận mình bạn phải hiểu được mình đang đứng ở đâu, được thừa hưởng những “nguyên nhân” nào nữa. Bạn không thể thay đổi được nguyên nhân, nhưng bạn có thể thay đổi được “quá trình xảy ra kết quả”. Ví dụ, cha bạn là người sống ác nhưng bạn có thể sống khác để không bị “quả báo”. Nguyên nhân không do bạn sinh ra nên việc thay đổi chúng dường như rất khó, nhưng thay đổi hướng di chuyển của nguyên nhân thì điều này nằm trong tầm kiểm soát của bạn. Ưu điểm (cũng là khuyết điểm) là một kết quả phải có nhiều nguyên nhân mới xảy ra được. Trong các nguyên nhân đó có nguyên nhân chính, nguyên nhân phụ … Đôi khi chỉ cần thiếu một nguyên nhân nào đó thôi thì kết quả lại xảy ra không như mong muốn, cho dù nguyên nhân đó là phụ. Chính vì vậy, để thành công bạn phải biết “tập hợp đủ nguyên nhân” để giải quyết một sự việc nào đó, và muốn triệt phá kết quả nào đó đôi khi chỉ cần bẻ gãy một nguyên nhân là nó không xảy ra như vậy.

Một điều cần chú ý nữa trong qui luật nhân quả là thời gian. Quá trình từ nguyên nhân đến kết quả cũng là một vấn đề cần xem xét. Bạn học nhưng học đến bao giờ mới xong? Bạn yêu nhưng khi nào mới ngỏ lời? … Tính toán được thời điểm gây ra kết quả sẽ giúp ta rất nhiều trong việc chuẩn bị tinh thần, vật chất đón nhận điều đó. Nhiều người làm giàu chết bởi không thể vượt qua cơn khủng hoảng, nhiều người đi đúng hướng nhưng không thể đến được cuối con đường vì kiệt sức. Vấn đề là cần bao nhiêu thời gian và với lượng thời gian đó ta có đủ sức để vượt qua không? Nếu phải một năm nữa mới bán được hàng thì tôi sẽ không dại gì mà mua hàng vào, nếu phải đợi quá lâu để em hiểu ra mình yêu em thì nên chia tay … Thời gian nhiều khi làm gục ngã mọi nghị lực, phá tan mọi âm mưu, xóa tan mọi hận thù … Nó thật ghê gớm!

Trong tình yêu, làm giàu, cách sống … tôi thấy nhiều bạn cứ than trách số phận hoặc đổ lỗi cho người khác mà không nghĩ rằng mình góp phần không nhỏ tạo ra số phận của mình. Mình yêu vội vàng quá, mình tồi quá … nên lấy phải anh chồng chẳng ra gì, âu cũng là kết quả từ những nguyên nhân (suy nghĩ, cách làm, lời nói …) tồi. Tạo hóa ban cho ta một người chồng/người vợ tức tạo hóa đã ban cho ta một món quà từ cuộc sống. Hoàn toàn ta có thể quyết định nhận hay không nhận, sử dụng nó thế nào … Vậy cớ gì ta cứ than thân trách phận? Tất cả là tại bạn cả thôi!

Nhiều người nhận thức thấp muốn trốn tránh qui luật nhân quả khỏe không muốn bệnh, già chẳng muốn chết, giàu không muốn nghèo, giỏi không muốn thua …, thử hỏi những người ấy có trốn tránh mãi được không? Trong thế giới này mỗi chúng ta chỉ là một hạt vật chất nhỏ bé. Chúng ta càng giết chóc thì chúng ta càng đau khổ, chúng ta càng giàu có thì chúng ta càng khổ tâm, chúng ta càng muốn giỏi thì chúng ta càng lao động, chúng ta càng vùng vẫy thì chúng ta càng khó khăn … Luật nhân quả giống như bánh xe. Chúng ta phải nương theo nó để dịch chuyển thế giới chứ cản nó thì nó đè lên ta.

Bạn có tin những gì bạn đang nghĩ, đang làm sẽ quyết định số phận của bạn sau khi đọc xong bài viết này không? Nếu vậy thì bạn đã hiểu những gì tôi nói rồi!

CHAT MASTER (ANASTAR)

BÌNH LUẬN BẰNG MAIL

BÌNH LUẬN FACEBOOK