SỨC MẠNH CỦA TRI THỨC
18:31 - 01/06/2018
Tại sao cũng sống trên đời mà người này thấy hạnh phúc trong khi người kia thấy bất hạnh? Tại sao cũng sống trên đời mà người này luôn vui vẻ trong khi người kia cứ than van? Tại sao cũng sống trên đời mà người này không thiếu việc trong khi người kia lại rảnh rỗi?… Bạn hãy một lần hỏi mình những câu hỏi này và nghiền ngẫm trả lời.
TỪ ƯỚC MƠ ĐẾN HIỆN THỰC
10 thói quen không sửa ngay đời bạn sẽ xuống dốc
Năm 2018, bạn trẻ hãy thay đổi thói qua loa
TIẾN TỪNG BƯỚC VỮNG CHẮC
1. Bạn hai bàn tay trắng ư? Có tri thức có thể làm giàu!
Tôi là một người đặc biệt thích làm giàu. Hồi nhỏ tôi thường hay mong muốn mình phải làm một cái gì đó để giàu có. Tôi thấy người ta bán cái này mua cái kia thế là lao vào buôn bán giống họ. Tôi thấy người ta học cái này học cái kia thế là lao vào bắt chước làm theo. Tôi thấy người ta trở thành ông này bà kia thế là mong ước mình cũng sẽ là như vậy. Tôi thấy người ta mở công ty thế là nuôi hi vọng sẽ trở thành giám đốc … Nhưng khi lớn tôi nhận thức ra hai điều:
Thứ nhất, hoàn cảnh và năng lực mỗi người khác nhau. Chính vì vậy, việc bắt chước làm giống người khác không thể thành công giống họ!
Thứ hai, giả định tôi là một người có đầy đủ phẩm chất để trở thành người giàu, vậy nếu không có tiền vốn tôi có thể giàu có không? Có nguyên tắc nào giải quyết khó khăn của tôi không?
Trải qua quãng thời gian dài lăn lộn trên thương trường và tìm hiểu trên các phương tiện thông tin, tôi lại nhận thức ra nguyên nhân thất bại chính của hầu hết các chủ doanh nghiệp đó là: Không đưa được sản phẩm ra thị trường!
Nhận thức ra điều đó cũng chưa giúp tôi nhiều trong vấn đề giải quyết câu hỏi trên của mình. Sau nhiều năm tháng bôn ba ở các nước tôi lại nhận thức ra một điều vô cùng quan trọng nữa: Hầu hết các sản phẩm (kể cả các sản phẩm hiện đại nhất) đều lấy nguyên liệu từ cuộc sống! Các sản phẩm đó chỉ khác nhau ở chỗ “nêm nếm” về chất xám, sức lao động mà thôi!
(Ảnh: pixabay.com)
Phát hiện ra điều này tôi chợt đặt ra câu hỏi: Vậy những nguyên liệu không có giá trị gì trong cuộc sống (như đất chẳng hạn) có thể trở thành sản phẩm đắt giá được không? Khi hỏi câu hỏi này tôi đã có lí luận sau đây để giải thích cho mình:
Thật ra bất cứ một vật nào tồn tại trên thế gian này đều có hai loại “giá trị”. Một là “giá trị sử dụng”, hai là “giá trị trao đổi”. Một vật có “giá trị sử dụng” cao phụ thuộc nhiều yếu tố khách quan và chủ quan, nhưng vai trò của con người không thể xem nhẹ. Khi một vật đem ra trao đổi thì vật đó mới có “giá trị trao đổi”. “Giá trị trao đổi” cũng phụ thuộc hai yếu tố khách quan và chủ quan, nhưng con người có thể tác động làm giá trị này thay đổi theo ý mình. Như vậy có thể kết luận: Con người có thể làm một vật không giá trị thành có giá trị! Nghĩ đến đây tôi mới ồ lên rằng: Vậy để giàu có khi không có tiền vốn tôi phải giải quyết được hai vấn đề của bài toán hóc búa này: Một là, phải biến vật không giá trị thành giá trị. Hai là, phải đưa được vật đó ra thị trường. Muốn làm được điều này tôi phải có tri thức rất lớn! Nhưng tri thức đó là tri thức nào?
Tôi đặt giả thuyết tôi muốn biến cục đất sét thành hàng hóa có giá trị cao. Thứ nhất, tôi phải hiểu về tính năng của cục đất sét đó, có nghĩa là tôi phải có kiến thức về khoa học kĩ thuật. Thứ hai, để đưa cục đất sét đó ra thị trường tôi phải có kiến thức về kinh doanh. Nói đến đây có thể bạn sẽ hỏi tôi nếu có kiến thức mà không có vốn thì cũng đâu mua thiết bị, dây chuyền sản xuất … được? Làm sao thực hiện được giấc mơ làm giàu?
Ồ, bạn nói khá đúng đó! Nhưng vấn đề mà bài viết trình bày lại không nằm theo hướng bạn nói. Tôi muốn bàn đến cách làm giàu phù hợp với hoàn cảnh và bản thân của mỗi người, không bàn đến cách “làm giàu trong trí tưởng tượng”. Việc bạn không có tiền vốn mà bạn lại đi tưởng tượng ra cách làm phi thực tế, cho thấy rằng bạn chẳng có chút kiến thức nào về làm giàu cả. Mục đích làm giàu phải phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện của bản thân. Không có tiền vốn thì bạn phải chọn một trong hai cách: Hoặc là vay vốn, hoặc là từ từ! Không có vốn mà ngồi mơ mộng và đổ lỗi cho hoàn cảnh, điều kiện là không được. Ai nói không có tiền vốn thì không kinh doanh bất động sản được? Ai nói không có tiền vốn thì không mua bán máy tính được? Hoạt động kinh doanh là hoạt động mua bán, nhưng liệu không mua có bán được không? Tri thức dùng làm giàu không phải loạt tri thức học vẹt trong sách vở, nó là tri thức sâu sắc xuất phát từ thực tiễn và rất sáng tạo.
Bạn có thấy trong cuộc sống có rất nhiều sản phẩm có giá trị nhưng lại có nguồn gốc từ vật dụng bỏ đi chưa? Từ những chiếc đĩa CD cho đến những tác phẩm nghệ thuật đáng giá hàng triệu USD, đâu đâu cũng xuất hiện điều này. Nguồn gốc của giàu có trước tiên xuất phát từ cuộc sống. Vàng ở đầy rẫy quanh ta, đâu đâu cũng có vàng nếu bạn biết cách khai thác nó. Một người có thể lấy khúc củi bỏ đi làm thành bức tượng đẹp, một người có thể lấy gốc tre bỏ đi làm thành hàng mĩ nghệ, một người có thể lấy cát pha màu làm thành tranh đặc sắc …
Vấn đề ở đây là cũng cục đất sét mà sao tôi làm bán được 5.000 VND, trong khi bạn làm chỉ bán được 1.000 VND? Mấu chốt nằm ở kĩ thuật chế tác và cách thức đưa sản phẩm ra thị trường. Với vỏ trứng vứt đi có người chế tác thành vỏ bóng đèn điện bán 500 VND, nhưng lại có người vẽ tranh, làm thơ, thậm chí viết thư pháp lên đó rồi bán giá cao hơn. Tại sao vậy?
Bạn không có tiền bạn có thể vay tiền? Bạn hỏi tôi vay bằng cách nào ư? Tôi không chỉ được vì mỗi người có hoàn cảnh khác nhau! Bạn không có tiền bạn vẫn có thể bán hàng? Bạn không có tiền bạn vẫn có thể sản xuất? Hãy làm giàu từ những gì đơn giản nhất quanh mình và phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện của bản thân! Hãy mạnh dạn dùng đất sét trộn với màu rồi biến nó thành cái gì đó đem đi bán thử. Hãy mạnh dạn trồng rau muống trên giàn thành rau sạch rồi đem bỏ mối … Bạn sẽ biết được thế nào là sức mạnh của tri thức. Bạn không tin ư? Bạn không tin cũng phải, vì sức mạnh của tri thức chỉ thể hiện ra khi hành động mà thôi!
2. Bạn muốn thành đạt ư? Tri thức có thể giúp bạn!
Cha tôi hi sinh suốt cuộc đời vì con cái. Ông luôn coi sự thành đạt của chúng tôi như một niềm vinh dự. Lúc nào ông cũng bắt chúng tôi phải rèn luyện sức khỏe và học tập không ngừng. Chỉ tiếc là khi chúng tôi thành đạt thì ông cũng không còn.
Tôi bắt tay vào viết bài này khi tôi đã trải qua quá nhiều thăng trầm trong cuộc sống. Mỗi khắc trôi qua, mỗi bước chân tôi đi tới luôn thấm đẫm mồ hôi và nước mắt … Với chí nguyện của cha và lòng khát khao hạnh phúc không cho phép tôi ngơi nghỉ dù chỉ một phút. Ngay từ nhỏ tôi đã xác định mình phải thành đạt, và đến tận bây giờ tôi mới thấu hiểu thành đạt phải trả giá như thế nào. Nhiều khi tôi buồn tự nhủ rằng: Tại sao không bao giờ tôi gặp may mắn, tất cả những điều gì đến với tôi đều do tôi dày công tạo dựng? Và một câu trả lời rất đơn giản rằng: Tôi là người giàu nghị lực và giỏi giang! May mắn đến với mọi người nhưng dường như rất ít đến với người giàu nghị lực và giỏi giang. Tại sao vậy? Tại vì chỉ có trong khó khăn, nghiệt ngã thì người giàu nghị lực và giỏi giang mới thể hiện được mình, và chỉ có vượt qua khó khăn, nghiệt ngã thì con người mới thành đạt mà thôi! Từ khi biết được điều này, khái niệm về may mắn một cách tự nhiên đã không còn tồn tại trong tôi. Tôi luôn hoàn thiện và chỉ tin vào bản thân mình!
(Ảnh:flickr.com)
Khái niệm thành đạt đôi khi lạ lẫm đối với nhiều người. Họ chỉ biết đấu tranh để sinh tồn, để vui thú chứ không có mong muốn cao hơn. Ở một số người khác thì họ lại coi thành đạt giống như cái bóng của mình, nhìn thấy mà không bao giờ giẫm được lên nó. Đối với hai loại người này thì thành đạt đều là ảo vọng. Vậy thành đạt là gì? Thế nào gọi là thành đạt?
Khi bàn đến khái niệm thành đạt chúng ta phải gắn nó với một con người cụ thể, trong hoàn cảnh cụ thể. Vì hai người khác nhau, sống trong những điều kiện khác nhau, nên chúng ta không thể lấy thành đạt của người này so sánh với người kia. Thành đạt là đạt được một thành quả nào đó do chúng ta đặt ra, phù hợp với bản thân và hoàn cảnh. Nhiều người đặt ra một mục đích quá cao, cho nên đối với họ là chưa thành đạt, nhưng đối với người khác lại là một niềm mơ ước. Mặt khác, bạn cũng cần phải biết rằng để thành đạt cần nhiều nhân tố chủ quan lẫn khách quan, không phải lúc nào nỗ lực cũng được đền đáp xứng đáng. Cuộc sống là một tiến trình chứ không phải là một điểm dừng. Điều quan trọng là bạn đang làm gì chứ không phải là bạn đạt được gì. Chẳng lẽ phải đạt được mục tiêu đề ra thì bạn mới sống có ích sao? Bạn có biết tương lai điều gì xảy đến với mình không? Hôm nay sức khỏe của bạn tốt hơn hôm qua, hôm nay bạn sống tốt hơn hôm qua, hôm nay bạn trưởng thành hơn hôm qua, hôm nay bạn yêu vợ, thương con hơn hôm qua … Điều đó cho thấy bạn đang đi trên con đường thành đạt. Thành đạt hiểu như vậy thì ai cũng có thể vươn tới được nếu có đủ sức khỏe, nghị lực và tri thức!
Để thành đạt cần có tri thức sâu sắc về cuộc sống đó là một điều tất yếu. Tri thức giúp bạn thành đạt là loại tri thức từ cuộc sống thực tiễn, nó luôn được trui rèn để ngày một sáng hơn.
Muốn thành đạt rất cần thiết bạn phải tuân thủ các bước sau:
Thứ nhất là nghiên cứu kĩ lưỡng về bản thân và hoàn cảnh. Muốn phát huy hết “công suất” của bản thân thì trước tiên bạn phải hiểu thật kĩ về bản thân, để tố chất của bản thân có thể “phối hợp” với hoàn cảnh thì phải hiểu thêm về hoàn cảnh nữa. Bạn không biết bạn thích gì, muốn gì, khát vọng … gì, bạn không biết điểm mạnh, điểm yếu của mình … thì làm sao bạn phấn đấu đây? Bạn không biết hoàn cảnh mà mình sống có cái gì, ra sao … thì làm sao bạn khai thác đây? Nếu bỏ qua bước này chưa làm bạn đã thất bại!
Thứ hai là đặt ra mục đích. Sau khi nghiên cứu kĩ bản thân và hoàn cảnh bạn phải đặt ra mục đích phù hợp với chúng. Trong quá trình thực hiện cũng cần phải linh động điều chỉnh mục đích để thích ứng với những biến đổi xảy ra hàng ngày. Không có mục đích bạn giống như cánh bèo, mặc gió hay nước đưa đi đâu thì đưa. Thiếu bước này phải khẳng định rằng chắc chắn bạn sẽ thất bại!
Thứ ba là chuẩn bị về sức khỏe, nghị lực, tri thức … Muốn thành đạt trong lĩnh vực nào thì phải chuẩn bị các “nguyên liệu” thích hợp với lĩnh vực đó. Không chuẩn bị kĩ mà lao vào làm luôn thì kết quả đạt được sẽ rất thấp, không nói là gần như bằng không. Hiện nay rất nhiều người đều muốn làm giàu, nhưng chỉ có vài người thành đạt do biết cách chuẩn bị. Cách mạng thành công hay không nằm phần lớn ở khâu chuẩn bị. Có thể nói khâu chuẩn bị giữ vai trò quyết định mọi thắng lợi!
Và cuối cùng là trong quá trình thực hiện phải luôn luôn nỗ lực hoàn thiện bản thân. Cuộc sống thì luôn thay đổi, đường đời thì lắm chông gai, hiểm trở … nếu không nỗ lực hoàn thiện bản thân sao có thể đạt được mục đích? Cần phải sáng tạo. Hãy tập suy nghĩ sâu sắc, thực tế, làm việc chăm chỉ, cẩn thận, nhạy bén nắm bắt cơ hội … thì mới đạt đến bến bờ thành công.
Trong 4 bước thực hiện trên thì tri thức luôn giữ vai trò rất quan trọng. Không có tri thức bạn sẽ không biết mình phải bắt đầu từ đâu.
Trước tiên bạn phải “muốn”, sau đó mới đi tìm “chìa khóa” để mở tung các cánh cửa. “Chìa khóa” thành đạt chính là tri thức!
3. Bạn muốn hạnh phúc ư? Tri thức luôn giữ vai trò rất quan trọng!
Mục đích riêng mà chúng ta đặt ra tuy khác nhau, nhưng mục đích chung thì chỉ có một, đó là sống sao để mình cảm thấy hạnh phúc thì thôi. Để có hạnh phúc ngoài những điều kiện căn bản khách quan và chủ quan (như sức khỏe, nghị lực …), chúng ta cần phải có tri thức. Ai cũng muốn hạnh phúc, song cách làm sai do nhận thức kém đã làm cho chúng ta không thể đạt được mục đích. Muốn hạnh phúc trước tiên bạn phải định nghĩa được nó, sau đó mới tới xác định cách sống để đạt được mục đích mình đề ra.
Tri thức có 3 chức năng chính giúp bạn có thể đạt được hạnh phúc:
Chức năng thứ nhất là nhận thức. Có tri thức bạn có thể nhận biết được đâu là đúng, đâu là sai, đâu là đủ để dừng và đâu là thiếu để thêm …
Hồi còn nhỏ tôi chưa biết được việc kiếm ra đồng tiền khó đến mức nào. Tôi nhận những đồng tiền từ tay cha mẹ tiêu xài, mà không hình dung ra đằng sau đồng tiền ấy là gì. Một ngày kia tôi được cha cho đi theo xem cha làm việc. Nhìn cha phải căng thẳng, vất vả, đắng cay như thế nào để có đồng tiền tôi đã thấu hiểu hơn giá trị của nó. Đó chỉ là một ví dụ nhỏ về ích lợi của tri thức.
Trong lĩnh vực tình yêu cũng vậy. Nhiều bạn trẻ khi bước vào yêu không hề biết yêu như thế nào cho đúng. Người con gái tuổi đôi mươi gặp người đàn ông tuổi xế chiều trong thời gian ngắn đã xao xuyến, tương tư … Người con gái không hề quan tâm người đàn ông là người như thế nào. Tình yêu lâu bền đâu phải bắt nguồn từ cảm giác như vậy. Nó còn cần rất nhiều thứ để tồn tại theo tháng năm. Vậy mà … Bạn than khóc ư? Bạn đau khổ ư? Bạn tuyệt vọng ư? Thường chúng ta sẽ nhận thức ra điều cần làm sau khi đã trả giá khá đắt. Tại sao vậy? Tại bạn sống vô trách nhiệm với bản thân và thiếu tri thức về tình yêu chứ sao nữa!
Nhiều người giống như những bông hoa ngạt ngào sắc hương, bạn chỉ có thể ngắm nhìn mà không thể nào sở hữu được. Niềm hạnh phúc ngọt ngào lại nằm ở những điều bình dị, giản đơn! Những bông cúc dại, những cây cỏ lau … hương đồng gió nội ấy vậy mà làm cho tâm hồn bạn thanh thản. Cuộc đời là một hành trình, không phải những giây phút thoáng qua. Bạn liệu có đủ sức để sống mãi với những quay cuồng vật chất, hào quang? Ôi! Ai mà hiểu những triết lí này nhỉ!?
Chức năng thứ hai là thấu hiểu, cảm nhận, cảm thông … Tri thức phong phú và sâu sắc về cuộc sống sẽ cho bạn một tâm hồn nhạy cảm. Đây có thể nói là báu vật vô giá mà không phải ai cũng may mắn có được.
Mỗi khi nhận những đồng tiền từ cha để đóng học phí, tôi cảm thấy mình phải có trách nhiệm sống xứng đáng với những gì cha dày công vun đắp. Đồng tiền vốn không có hồn nhưng bằng sự thấu hiểu, cảm thông sâu sắc, tôi đã yêu cha thật nhiều. Ngày cha mất, tôi khóc rất ít, nhưng hình ảnh của cha không bao giờ phai nhòa trong tâm trí. Tôi sẽ biến những tình cảm mà cha dành cho mình thành sức mạnh để làm bằng được những gì cha kì vọng.
Để mình thật sự hạnh phúc trong tình yêu tôi đã đặt ra nhiều nguyên tắc sống: Nào là chỉ yêu người nào sau khi tìm hiểu thật kĩ và hợp với chuẩn mực của mình, nào là chỉ yêu trọn vẹn và sống trọn vẹn với một người thôi, nào là luôn coi người bạn đời như một người bạn vào sinh ra tử và mình phải hi sinh nhiều hơn cho người ấy, nào là tất cả đều đặt lên bàn khi có những mâu thuẫn và khó khăn không thể giải quyết được …
Để mình thật sự thành công trong sự nghiệp tôi cũng đưa ra vô số cách làm: Nào là phải nghiên cứu kĩ trước khi làm; đề ra kế hoạch và phải nỗ lực hết mình để đạt được kế hoạch đó; phải chuẩn bị kĩ lưỡng; phải sáng tạo; suy nghĩ thực tế, sâu sắc; làm việc cẩn thận, siêng năng; nhạy bén nắm bắt cơ hội; coi mọi người đều là người giỏi …
Những nguyên tắc trên đều bắt nguồn từ việc nhận thức đúng đắn về bản thân và thế giới. Vì vậy không phải ngẫu nhiên mà ngày hôm nay tôi lần lượt chiếm lĩnh các mục tiêu của đời mình. Tôi thật sự cảm thấy hạnh phúc!
Chức năng thứ ba là điều chỉnh hành động. “Nhân vô thập toàn”, mỗi chúng ta luôn có rất nhiều điều cần phải hoàn thiện. Bạn suy nghĩ, hành động sai điều đó có thể chấp nhận, nhưng bạn không chịu học hỏi, rèn luyện để sửa cái sai đó thì thật đáng trách. Cuộc sống là cuộc ganh đua quyết liệt. Người kém cỏi phải chấp nhận tụt lại phía sau. Được gọi là “người” nhưng chúng ta vẫn mang tính “con” nhiều hơn. Bạn nói cuộc sống không công bằng ư? Bất công vẫn luôn tồn tại, vì vậy bạn phải có cách làm của mình để đạt được mục đích. Nhận thức không sâu sắc khó lòng đạt được điều mình muốn.
Tôi có một thói quen là dù trong tận cùng bất hạnh, khó khăn tôi vẫn đầu tư cho tương lai của mình. Tôi nhớ có năm tháng tôi rất nghèo, vậy mà tháng nào tôi cũng trích ra một khoản tiền để giúp đỡ người khác. Nhờ những khoản tiền nhỏ nhoi đó tôi đã giúp được biết bao người, và cũng nhờ họ mà tôi có ngày hôm nay.
Tại sao cũng sống trên đời mà người này thấy hạnh phúc trong khi người kia thấy bất hạnh? Tại sao cũng sống trên đời mà người này luôn vui vẻ trong khi người kia cứ than van? Tại sao cũng sống trên đời mà người này không thiếu việc trong khi người kia lại rảnh rỗi? … Bạn hãy một lần hỏi mình những câu hỏi này và nghiền ngẫm trả lời. Nếu suy nghĩ hoài mà vẫn chưa trả lời được tức là bạn đang thiếu tri thức về cuộc sống!
Chat Master (Anastar)