Viết giản dị và sâu sắc

Viết giản dị và sâu sắc

Viết giản dị và sâu sắc

10:50 - 27/10/2020

Giản dị và sâu sắc liên hệ rất mật thiết với nhau. Những gì sâu sắc thường rất giản dị.

GIÀU CÓ HẠNH PHÚC?
TỪ ƯỚC MƠ ĐẾN HIỆN THỰC
10 thói quen không sửa ngay đời bạn sẽ xuống dốc
Năm 2018, bạn trẻ hãy thay đổi thói qua loa
TIẾN TỪNG BƯỚC VỮNG CHẮC
Viết giản dị và sâu sắc

Chào các bạn,

Bài này là để trả lời câu hỏi, Làm thế nào để viết giản dị và sâu sắc?

Giản dị và sâu sắc liên hệ rất mật thiết với nhau. Những gì sâu sắc thường rất giản dị. Ví dụ: Chàng nói với nàng, “Anh yêu em”- tất cả những bó hồng nhung của thế giới, tất cả thi ca của thế giới, tất cả âm nhạc của thế giới vẫn không làm đầy được ba chữ “Anh yêu em.”

Nhưng, sâu sắc và giản dị là hai kỹ năng khác nhau. Sâu sắc là suy tư. Giản dị là giải bày, hoặc bằng lời nói hoặc bằng lời viết. Trong phần sau đây, chúng ta sẽ nói đến sâu sắc trước, rồi sẽ nói đến viết giản dị sau.

I. Làm thế nào để suy tư sâu sắc?

Thực ra từ “sâu sắc” rất tương đối - sâu sắc với người này, vẫn có thể là nông cạn với người kia. Nhưng tại đây ta không cần quan tâm đến chuyện đó; chỉ cần biết là hôm nay ta sâu sắc hơn ta hôm qua là đủ rồi.

Muốn suy tư sâu sắc ta chỉ cần nắm vững 3 điều thôi:

Tu-duy-sau-sac-van-de
1. Càng suy nghĩ và kinh nghiệm về một việc gì, ta càng sâu sắc về việc ấy. Sâu sắc đến từ suy tư và kinh nghiệm. Nhưng, kinh nghiệm không phải là một cái gì nằm ngoài tiến trình suy tư, kinh nghiệm là 50% của suy tư, vận dụng não bộ để suy tư là 50% còn lại. Có những điều mình đọc năm 18 tuổi, đến 40 tuổi mới “ngộ” được nó, không phải là vì IQ của mình cao hơn ở 40, nhưng vì kinh nghiệm sống cao hơn.

Nhưng nói đến kinh nghiệm thì các bạn trẻ cảm thấy hơi thiệt thòi rồi. Nhưng không sao. Người lớn tuổi hơn thì đã phải “trả nợ đời” (pay their dues) nhiều lắm rồi, biết hơn một tí cũng là công bình thôi. Hơn nữa, mình trẻ hơn thì mình lại có sức mạnh khai phá của người tiên phong cầm rìu rựa phá rừng thành rẫy. Nếu mình làm việc với người lớn tuổi hơn, lấy kiến thức của họ về con đường cũ làm kiến thức tạm của mình, và mình dấn thân vào khai phá con đường mới, thì mình có thể nắm được cả quá khứ đến tương lai.

Dù sao đi nữa thì suy tư là suy tư và sống. Cho nên đọc sách, nghiên cứu, thảo luận là một chuyện; nhưng cũng cần phải “đi ra ngoài và làm gì đó” (Go out and do something!).

2. Phải vượt thoát các “công thức suy tư”

Chúng ta không tự nhiên mà biết suy tư. Từ bé ta đã được học hàng nghìn công thức suy tư cho hàng nghìn vấn đề. Ví dụ: Đi thưa về trình - không làm như thế là vô lễ. Con gái thì phải thùy mị, không chơi trò bắn súng đánh nhau. Chửi thề là quyền ưu tiên cho đám con trai. Đó là tiến trình “văn minh hóa” của một con người. Nếu không học được những công thức suy tư như thế thì chúng ta có lẽ là không khác gì chú khỉ trên rừng.

Nhưng những công thức suy tư cần thiết cho sự phát triển nhân cách, cũng có tiềm năng biến chúng ta thành những người máy robot khi lớn lên nếu chúng ta không biết cách “vượt lên tầng cao hơn” để suy tư thực sự tự do. “Vượt lên tầng cao hơn” không có nghĩa là phá bỏ mọi công thức, mà là biết khi nào dùng công thức, khi nào không, khi nào chính mình tạo ta công thức mới cho mình. Đó là mức sáng tạo của tất cả mọi loại nghệ thuật.

Ví dụ: Hoc vẽ thì lúc đầu là phải theo công thức màu gì trộn với màu gì ra màu gì, màu gì dùng để diễn tả tình cảm gì, cách nhìn và đo lường phối cảnh, luật quân bằng… Học viết thì văn phạm, chấm câu, bố cục… Học đàn thì ngồi thế nào, tay bấm thế nào, lúc nào mạnh yếu nhanh chậm ra sao… Học võ thì bước nào trước bước nào sau, một hai ba bốn thế nào… Một lúc nào đó người học trò đã thành thuộc các công thức và đã bắt đầu lên hàng thầy, thì hầu như là quên mất công thức, vì công thức đã vào máu mình rồi. Và bậc thầy thực sự là nguời có thể bỏ công thức và sáng tạo công thức mới khi thấy cần. Đây là mức sâu sắc của nghệ thuật.

Suy tư cũng thế thôi. Một lúc nào đó, ta cần có cái nhìn của một trẻ thơ để hỏi “tại sao?” trước những công thức suy tư đã giúp ta trưởng thành, để ta không bị ngục tù tư tuởng và có thể biến hóa sáng tạo. Ví dụ: Đi thưa về trình. Lúc còn nhỏ đó là công thức văn hóa. Nhưng bây giờ lớn một tí rồi thì “tại sao?” Lớn rồi có còn cần nó như hồi còn con nít hay không? À, có lẽ nó không còn mấy cần thiết như là một vấn đề lễ nghĩa, nhưng vẫn có thể cần đối với người trong nhà như là vấn đề an ninh. Thời đại này, đủ thứ bất an xảy ra ngoài đường, đi đâu nên nói cho ai đó trong nhà biết mình đang đi đâu và khi nào sẽ về, lỡ có chuyện gì người nhà còn biết đường mà mò. Về trễ thì gọi điện về báo tin để người nhà khỏi lo. Đó là suy tư sáng tạo. Hỏi “tại sao?” để thay đổi cái cũ thành cái mới, hoặc đôi khi xóa cái cũ nếu thấy nó thực sự chẳng cần thiết. (Các cô thư ký của mình luôn luôn biết mình ở đâu và khi nào về, kể cả khi mình đi restroom. Để nếu có thân chủ gọi đến, cô không phải trả lời: “Ông ấy ở đâu tôi cũng không biết và chẳng biết khi nào ông ấy về.” Thân chủ sẽ có cảm tưởng là văn phòng này chỉ lo du hí và chẳng ai biết “what is going on” hết).

Đừng bị đóng khung vào các công thức suy tư và ứng xử. Như vậy mới thực sự tự do sáng tạo. “Muốn vào nước thiên đàng thì hãy như trẻ thơ.” Muốn đến đỉnh cao thì hãy vượt khỏi khung công thức người lớn. Nhưng… nhưng… nhưng… một bậc thầy đã nhuần nhuyễn công thức nói là phải vuợt thoát công thức thì khác với một người học trò nhập môn chưa rành công thức nào. Chúng ta chỉ có thể vượt thoát công thức để sáng tạo khi đã nhuần nhuyễn công thức. Không học công thức nào và không rành công thức nào, mà đòi gạt bỏ công thức, thì chưa làm học trò được, đừng nói là sẽ thành thầy sáng tạo.

3. Chú tâm vào quả tim con người

Tất cả mọi vấn đề lớn nhỏ trên đời, ngoại trừ toán học và khoa học thiên nhiên, đều qui vào quả tim con người và liên hệ giữa các con người - xã hội học, chính trị học, kinh tế học, thương mại, nhân chủng học, khảo cổ học, đạo đức học, luận l‎ý học, tôn giáo học, triết học v.v… Tất cả những sinh hoạt gì liên hệ đến con người đều có gốc rễ trong quả tim con người. Ví dụ: Chính trị cho người Việt. Nếu cứ lấy các thống kê và các công thức chính trị của Mỹ rồi giải thích chính trị Việt Nam thì hỏng bét. Các thống kê đó phải được hiểu với hiểu biết tâm lý người Việt. Tương tự như thế, các công thức mô hình chính trị các nước có thể là chẳng mấy liên hệ với khung cảnh và tâm lý người Việt. Kinh tế cũng thế, có thể có một tin chiến tranh ở đâu đó và giá vàng ở vài nơi trên thế giới xuống, nhưng giá vàng ở Việt Nam có thể lại lên, vì dân Việt có máu thích trữ vàng làm an ninh - cứ rục rịch là mua vàng.

Chú tâm vào quả tim con người là chú ‎ý quan sát quả tim của chính mình thường xuyên. Nếu biết quả tim mình thì mình biết được 90% quả tim của mọi người trên thế giới, vì sự khác biệt thực sự giữa mọi người rất ít. Mà quan sát thì cần một tí tĩnh lặng và nhìn.

Ví dụ: Nhìn trời mưa và đang muốn làm thơ, tự động là một công thức suy tư nhảy ra: “Mưa rơi mang mang buồn.” Nếu viết công thức này xuống, thì bài thơ có thể nghe chán phèo vì mấy triệu người đã víết công thức này cả trăm năm rồi. Thay vì thế, quan sát tâm mình một tí, có thể là mình đang nhớ đến ngày mưa năm đó hẹn nàng ở quán Hoài, nhìn mưa đợi nàng, như thường lệ, trễ hẹn. Vậy thì bắt đầu bằng, “Nước bay trước mặt quán Hoài, hàng xe lầm lũi bên ngoài phố mưa…” Hay hay dở thì chưa biết, nhưng chắc chắn là sáng tạo hơn công thức đã bị lạm dụng: “Mưa rơi mang mang buồn.” Mà sáng tạo thì có tiềm năng sâu sắc. Ít ra là sâu sắc hơn công thức có sẵn.

Tất cả các vấn đề triết l‎ý xã hội chính trị kinh tế cũng thế thôi. Dùng cái tâm mình làm thước đo trước, sau đó mang ra cho mọi người, không chính xác 100% vì người và ta khác nhau, nhưng ít ra cũng được 90%.

Tóm lại, muốn suy tư sâu sắc, ta nên chú trọng vào 3 điều: 1. Suy tư và sống. 2. Vượt thoát các công thức. và 3. Quán sát tâm mình.

II. Làm thế nào để viết giản dị

Trong các dịp huấn luyện các luật sư mới ra trường viết lách, mình luôn luôn nhắc đến 3 qui luật viết: 1. Giản dị. 2. Giản dị. Và 3. Giản dị.

Giản dị, vì viết là để chia sẻ với người khác, nếu không giản dị người đọc sẽ không hiểu mình viết gì, và như thế là mình đã thất bại trong việc chia sẻ. (Nếu viết chỉ để cho mình đọc, như là làm thơ chẳng hạn, thì không cần ai hiểu. Nhưng nếu đã đăng ra ngoài mà còn nói là tôi viết để chỉ cho tôi đọc, thì đó là không thành thật. Chỉ cho tôi đọc sao lại đăng ra ngoài?)

Nguyên tắc viết giản dị đòi hỏi ta chú tâm đến các điểm sau:

Nguyen tac viet gian di
1. Biết người đọc mình nhắm đến là ai: Giản dị với các vị cử nhân thì khác với giản dị với các vị mới chỉ học xong lớp năm. Cho nên, nghĩ đến độc giả mình nhắm đến, trong khi viết.

Nếu độc giả có thể có đủ mọi trình độ, ví dụ từ lớp 10 đến tiến sĩ (như ĐCN chẳng hạn), thì ta phải viết đủ giản dị để người học lớp 10 cảm thấy mình hiểu hết bài viết, và người tiến sĩ cũng hiểu hết bài viết nhưng sâu hơn vài tầng. Điều này cũng không khó mấy, chỉ cần thêm vào bài cho người lớp 10 vài từ có vẻ vô thưởng vô phạt cho lớp 10, nhưng mang l‎ý lẽ sâu xa cho người cấp tiến sĩ. Ví dụ: “Yêu người thì thường được người yêu lại.” Câu này thì lớp 10 hiểu được ngay, nhưng người mức tiến sĩ thì thấy sự quan trọng của chữ “thường” - À chị này nói thế có ý là lâu lâu cũng có ngoại lệ, yêu người thì được nguời đâm sau lưng. 

Ngay cả khi viết cho người có trình độ cao, ta vẫn phải tưởng tượng là họ chẳng biết gì mấy, viết như viết cho người có trình độ thấp hơn một tí vì: (a) Người bận việc đọc rất nhanh và không muốn đọc lại. Viết càng giản dị càng giúp họ trong việc đọc. (b) Trong các việc ta đã suy nghĩ và nghiên cứu nhiều, người đọc không rành việc ấy bằng ta, cứ xem như là ta đang giải thích cho học trò là chắc ăn nhất. Ví dụ: Viết một về vụ án gửi lên thẩm phán, bạn đã tốn mấy tháng liền, mỗi ngày 12 tiếng, nghiên cứu vụ này. Trong vụ này bạn là thầy ông thẩm phán, ông ta chẳng biết ất giáp gì hết, vậy thì khi viết cho thẩm phán cứ viết thật giản dị như viết cho học trò của bạn.

2. “Nếu tôi viết, bạn đọc mà không hiểu, thì đó là do tôi viết tồi, chứ không phải vì bạn đọc tồi.” Luật này là luật viết quan trọng số 1.

3. Chỉ viết về một điểm chính cho một bài. Hai điểm chính, như bài này - suy tư sâu sắc và viết giản dị–là đã hơi quá nhiều. Ba điểm là giới hạn tối đa. Bốn điểm là no-no.

4. Dùng từ giản dị. Đừng dùng từ phức tạp, trừu tượng và chuyên môn.

Từ giản dị là từ dùng thường ngày. Ví dụ: “Đừng xả rác ngoài đường” thì dễ hiểu và mạnh mẽ hơn là “Phải đề cao ‎ý thức y tế cộng đồng.” (Nói gì vậy??). “Anh yêu em” thì rõ ràng hơn là “Anh xúc cảm tràn dâng trong tâm tưởng với ảnh hình dấu ái tuyệt vời của em.” (What is that?? Muốn gì thì nói thẳng ra đi cha nội :-))

Từ cụ thể thì dễ hiểu và mạnh mẽ hơn từ trừu tượng. Ví dụ: “Hãy vun trồng nước non sông núi này; hãy tưới nước cho hoa nở trên mọi cánh đồng” thì mạnh mẽ và dễ hiểu hơn là: “hãy nâng cao lòng ái quốc và tình yêu xứ sở.”

Từ chuyên môn chỉ nên dùng với người cùng ngành chuyên môn. Ví dụ, thay vì “Độc quyền kinh tế làm tăng giá, giảm cầu và giảm hiệu năng kinh tế quốc gia” thì nên viết “nhà độc quyền có quyền bán ít hàng để có thể tăng giá đến mức cắt cổ, làm người tiêu thụ rất bị thiệt thòi.”

5. Viết câu ngắn. Ví dụ:

“Ai cũng bảo xòe bàn tay ra, trong ấy có cả quá khứ vị lai. Tôi thì không tin rằng chỉ cần ngồi lẩm nhẩm với mình mà đọc được cái gì chưa đến. Còn quá khứ thì đâu chỉ nằm trong lòng bàn tay. Tôi vay ngân hàng ba mươi triệu, quá khứ của tôi nằm ở ngân hàng. Tôi vay của người hàng xóm đôi lời chì chiết. Quá khứ giờ đang nằm ở nhà hàng xóm. Tôi vay em một thời yêu thương. Chuyện này thì cầu mong quá khứ còn náu mình đâu đó nơi em.” Kể Chuyện Tôi, Tấn Ái.

6. Dùng các dấu chấm câu để giảm vận tốc đọc của người đọc. Ví dụ:

“Nếu bạn hỏi tôi thích làm gì nhất, câu trả lời chắc chắn sẽ là: ‘Tôi thích chăn bò!’. Có thể bạn không tin, nhưng thật tình, tôi thích chăn bò lắm! Tôi rất thích nhìn vào đôi mắt to trong veo của con bò nhà tôi, đen láy và ướt át, chúng luôn khẽ khàng nấp dưới hàng mi dài cụp xuống. Trong đời, tôi chưa bao giờ nhìn thấy một đôi mắt nào buồn đến thế. Nó toát lên vẻ ẩn nhẫn, cam chịu, và hiền lành khiến cho tâm hồn trẻ thơ ngập tràn thương cảm. Một tình bạn thầm lặng bắt đầu từ đó!” Hãy đến tìm tôi giữa một cánh đồng, Đông Vy.

7. Dùng các từ nối kết - nhưng, và, vì thế, do đó, vậy thì, thế thì…– để nối kết những chuỗi lý luận với nhau. Ví dụ:

“Tư duy là bên trong và hành động là bên ngoài. Tư duy chi phối hành động. NHƯNG cuộc đời đưa ta đến bao tình huống khác nhau mỗi ngày, đòi hỏi những hành động khác nhau cho từng tình huống. Hành động thì khi nhanh khi chậm, khi như sâu lắng suy tư, khi như ánh chớp như thể không kịp suy tư, khi thì dịu dàng, khi thì dũng mãnh… VẬY THÌ tâm tư ta thế nào trong những tình huống như vậy? Tâm tư ta cũng biến chuyển vô thường như hành động theo từng tình huống hay sao?” Liên hệ giữa tư duy và hành động.

8. Đặt mỗi “đơn vị ý tưởng” (thought unit) trong một đoạn (paragraph) riêng. Nhưng nếu đoạn này quá dài thì cắt ra thành hai ba đoạn cho đỡ rậm mắt và nhức đầu người đọc.

Hoặc, nếu một câu nào đó mà ta muốn nhấn mạnh, thì tách câu đó ra thành một đoạn. Ví dụ:

“Tâm tính của mỗi người là một bộ máy tâm sinh lý đặc biệt, cứ như thế mà vui buồn yêu ghét. Không phải muốn đổi tâm tính là có thể làm xong trong một ngày, một tuần. Nếu cơ thể cần được tập luyện mỗi ngày, khá lên mỗi ngày một tí, vài ba năm mới được như vận động viên, thì tâm tính cũng thế, cũng phải được rèn luyện mỗi ngày, không, mỗi phút giây ta sống. Và phải kiên nhẫn một thời gian thì mới có được kết quả ‘trông thấy’.

Nhưng tại sao ta phải suy tư tích cực? Trời sinh sao để vậy không được sao?

Trước hết, tâm tính của ta không phải do trời sinh. Các yếu tố di truyền có dự phần một tí, như là sinh ra thì có hai tay hai chân, nhưng có đai đen Judo hay một cơ thể èo ọt bệnh hoạn là do ta. Trí lực và tâm lực cũng thế, trời sinh ra có tâm trí, tích cực hay tiêu cực là do ta.” Tư duy tích cực là gì?

9. Nếu được thì nên đánh số 1,2,3, a,b,c như dàn bài cho các đơn vị ý tưởng (như bài này đây).

10. Bất kỳ bài nào, dù là viết kiểu gì, đều có 3 phần: Mở đầu, thân bài và kết luận. Có khác nhau là chỉ về hình thức một tí thôi. Mở đầu là để giới thiệu mình muốn nói về việc gì. Thân bài là phân tích, l‎ý luận, giải bày. Kết luận là để mình muốn độc giả nghĩ gì, cảm xúc gì, làm gì, chia sẻ gì. Ví dụ:

Mở đầu:

“Nếu bạn hỏi tôi thích làm gì nhất, câu trả lời chắc chắn sẽ là: “Tôi thích chăn bò!”. Có thể bạn không tin, nhưng thật tình, tôi thích chăn bò lắm! …”

Kết luận: “Để bây giờ, rất nhiều khi thấy chán chường những con đường chen chúc người xe và khói bụi, mệt mỏi với cuộc sống vội vã đua tranh, tôi lại thèm quá những ngày huy hoàng cũ, khi tôi còn là một cô bé chăn bò. Bởi thế, nếu một ngày nào đó không tìm thấy tôi trong chốn đô thị bon chen, bạn hãy đến tìm tôi giữa một cánh đồng …” Hãy đến tìm tôi giữa một cánh đồng, Đông Vy.

11. Duyệt lại. Nếu bạn là chuyên gia về kinh tế viết một bài về kinh tế cho độc giả không phải là dân kinh tế, thì sau khi viết xong, đưa bài cho một người bạn chưa biết đánh vần chữ “tiền” đọc lại. Nếu bạn này nói chỗ nào không hiểu thì viết lại chỗ đó, cho đến khi bạn đó nói là thực sự hiểu toàn bài.

Viết là một nghệ thuật. Càng viết nhiều thì nghệ thuật càng nâng cao và càng có nhiều kỹ năng để nghiên cứu thêm. Nhưng hy vọng các qui luật căn bản trên đây cũng có thể giúp các bạn đi được một đoạn khá dài.

Điều cuối cùng mình muốn nhấn mạnh trong liên hệ giữa suy tư sâu sắc và viết giản dị là: Chỉ khi bạn hiểu được một vấn đề rất sâu sắc bạn mới đủ khả năng để trình bày vấn đề đó rất giản dị. Nếu bị lúng túng quá trong việc giản dị hóa một vấn đề, có thể là bạn phải nghiên cứu và suy nghĩ thêm về vấn đề đó, cho đến lúc nắm vững đủ để trình bày được cho cả các em bé tiểu học, nếu cần.

Chúc các bạn một ngày vui.

* Nguồn: Trần Đình Hoành | Đọt chuối non (dotchuoinon.com)

BÌNH LUẬN BẰNG MAIL

BÌNH LUẬN FACEBOOK