Ý TƯỞNG DỊCH VỤ BÁN HÀNG (SNYT 6)

Ý TƯỞNG DỊCH VỤ BÁN HÀNG (SNYT 6)

Ý TƯỞNG DỊCH VỤ BÁN HÀNG (SNYT 6)

05:54 - 06/02/2018

Nhiều người có sản phẩm/dịch vụ tốt nhưng lại không làm tốt công tác thị trường, trong khi đó muốn phát triển thì phải bán được nhiều sản phẩm/dịch vụ, bạn có cho rằng nên có một tổ chức chuyên nghiệp nào đó giúp những người như vậy bán được hàng?

Ý TƯỞNG KHU VUI CHƠI GIẢI TRÍ (SNYT 1)
Ý TƯỞNG ẨM THỰC KIỂU MỚI (SNYT 2)
Ý TƯỞNG DỊCH VỤ QUẢNG CÁO (SNYT 3)
Ý TƯỞNG THIẾT KẾ CẢNH QUAN (SNYT 4)
Ý TƯỞNG CHUỖI ẨM THỰC NHANH (SNYT 5)
Ý tưởng dịch vụ bán hàng

VÀI NÉT SƠ LƯỢC VỀ Ý TƯỞNG

Nhiều người có sản phẩm/dịch vụ tốt nhưng lại không làm tốt công tác thị trường, trong khi đó muốn phát triển thì phải bán được nhiều sản phẩm/dịch vụ, bạn có cho rằng nên có một tổ chức chuyên nghiệp nào đó giúp những người như vậy bán được hàng?

Cái tổ chức chuyên nghiệp mà tôi nói đến đó sẽ lập ra một website và văn phòng giao dịch, thông qua website và văn phòng giao dịch này họ sẽ làm những công việc sau:

+ Quảng cáo sản phẩm/dịch vụ cho người có nhu cầu thông qua nhiều cách thức khác nhau.

+ Cung cấp thông tin sản phẩm/dịch vụ cho người tiêu dùng. Ở hoạt động này, tổ chức làm dịch vụ bán hàng sẽ nhận tư vấn, hướng dẫn mua hàng miễn phí cho người tiêu dùng. Có sao nói vậy để người tiêu dùng tín nhiệm. Chúng ta không lấy phí của người tiêu dùng mà chỉ lấy hoa hồng của người nhờ chúng ta bán hàng giùm.

+ Cung cấp tài liệu hướng dẫn mua hàng và bán hàng. Ví dụ như cách chọn mặt bằng, cách trưng bày sản phẩm … Tài liệu hướng dẫn mua hàng thì miễn phí nhưng tài liệu hướng dẫn bán hàng đôi khi lấy phí.

+ Tư vấn, hướng dẫn bán hàng.

+ Nhận đào tạo đội ngũ bán hàng.

+ Nhận lo thủ tục pháp lí về mua hàng, bán hàng.

+ Nhận phát triển các kênh bán hàng.

+ Nhận bán hàng giùm hưởng hoa hồng. Chúng ta sẽ tự mình phát triển các kênh bán hàng (có thể có sự hỗ trợ từ phía người nhờ bán hàng giùm) để bán được hàng (ở đây tôi không trình bày phát triển các kênh bán hàng như thế nào).

…………

Không giống các trang rao vặt, chợ online … trên mạng, người muốn bán hay mua sản phẩm/dịch vụ phải tự mình đăng quảng cáo lên đó. Dịch vụ bán hàng hoạt động chuyên nghiệp hơn. Sau những thỏa thuận kí kết với người có nhu cầu bán sản phẩm/dịch vụ thì chúng ta sẽ thực hiện các nghiệp vụ cần thiết để bán sản phẩm/dịch vụ cho họ. Ví dụ, chúng ta có thể mở ra một đại lí để tiêu thụ mặt hàng nào đó với sự hỗ trợ của người nhờ chúng ta bán hàng giùm, nếu chúng ta không làm đúng cam kết chúng ta sẽ bồi thường, còn nếu chúng ta làm vượt chỉ tiêu chúng ta sẽ được hưởng hoa hồng theo thỏa thuận. Điều này có nghĩa người nhờ chúng ta bán hàng giùm không phải lo nghĩ về việc bán hàng hóa của họ ra sao.

(TBKTSG Online) - Gần 15% trong tổng số 26.000 doanh nghiệp ngừng hoạt động tính đến thời điểm này có nguyên nhân từ việc không bán được hàng, theo Bộ Công Thương. Ông Trần Hữu Linh, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin thuộc Bộ Công Thương, tại hội thảo “Hỗ trợ doanh nghiệp bán hàng và tiếp thị trực tuyến trên nền tảng điện toán đám mây” diễn ra ở TPHCM sáng 10 - 7 đã dẫn một báo cáo của Bộ Công Thương nhận định như trên.

Theo ông Linh, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến việc 26.000 doanh nghiệp ngưng hoạt động trong thời gian qua. Trong đó, nguyên nhân không bán được hàng chiếm vị trí thứ 3 sau thua lỗ, thiếu vốn khi có đến 14,7% doanh nghiệp gặp tình trạng này. Nguyên nhân đầu tiên là thua lỗ với 69% và kế đến là thiếu vốn với 28,2% trong số doanh nghiệp ngưng hoạt động. Cũng theo ông Linh, so với cùng kì, số doanh nghiệp đăng kí mới giảm 12,5% nhưng số doanh nghiệp ngưng hoạt động lại tăng 5,4%. Số doanh nghiệp giải thể cũng tăng 35,4% so với cùng kì. Vì vậy, theo ông Linh, việc hỗ trợ doanh nghiệp giải phóng hàng tồn kho, bán được hàng trong giai đoạn này là rất quan trọng. Hiện tại, Bộ Công Thương đang nghiên cứu để triển khai nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp bán hàng, trong đó chú trọng đến việc đổi mới phương thức bán hàng, xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường …

Bộ Công Thương vừa khai trương dịch vụ thiết kế website bán hàng trực tuyến eKip để hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện bán hàng qua internet với chi phí thấp, tiết kiệm thời gian nhằm góp phần giải phóng hàng tồn kho trong giai đoạn hiện nay. Dịch vụ thiết kế website bán hàng trực tuyến eKip với địa chỉ www.eKip.vn do Trung tâm Phát triển thương mại điện tử (EcomViet) của Bộ Công Thương cung cấp. Dịch vụ này cho phép doanh nghiệp khởi tạo một trang web bán hàng trực tuyến theo nhu cầu trong một khoảng thời gian ngắn nhờ các nền tảng kĩ thuật lập trang web có sẵn, hoàn thiện và có đầy đủ các tính năng của một hệ thống bán hàng qua internet. Bên cạnh đó, doanh nghiệp có thể lựa chọn giao diện với thư viện mẫu 60 giao diện hiện có. Chi phí sử dụng dịch vụ từ 99.000 đến 599.000 đồng/tháng tùy số lượng hàng hóa trên trang và dung lượng sử dụng. Theo ông Nguyễn Kỳ Minh, Phó giám đốc EcomViet, eKip giúp doanh nghiệp tiết kiệm về thời gian và chi phí trong quá trình xây dựng trang web bán hàng qua mạng nhờ không phải quan tâm đến kĩ thuật. Bên cạnh đó, eKip có những ưu điểm về công cụ thanh toán, tìm kiếm và lưu trữ dữ liệu để doanh nghiệp vận hành, sử dụng dễ dàng, đạt hiệu quả cao. Hiện tại, doanh nghiệp được dùng thử dịch vụ miễn phí trong 15 ngày và được giảm giá dịch vụ.

Có thể nói cuộc cách mạng về internet đã đem lại nhiều tiện ích cho xã hội loài người. Mấy năm gần đây nhiều người bắt đầu nhận thức ra internet đã giúp họ giao lưu, mở ra nhiều cơ hội giàu có. Họ thi nhau lập blog, web. Việc lập blog, web bây giờ không chỉ là nhu cầu của tổ chức mà còn là của cá nhân. Blog, web đã trở thành phương tiện để giao lưu với thế giới bên ngoài. Mặc dù vậy, không phải ai cũng có những kiến thức cần thiết để thiết kế, duy trì hoạt động, xây dựng chiến lược phát triển cho một blog, web. Việc này đòi hỏi phải có kiến thức chuyên sâu, kĩ năng chuyên biệt, kinh nghiệm tích lũy … mới làm được. Đối với cá nhân hay tổ chức mù mờ về công nghệ thông tin thì họ phải bỏ ra rất nhiều thời gian, công sức mà chưa chắc đã có một blog, web đẹp, hoành tráng, hiệu quả. Dịch vụ bán hàng với đội ngũ am hiểu về công nghệ thông tin cũng như các lĩnh vực khác như kinh tế - xã hội, tâm lí khách hàng … sẽ giúp khách hàng thực hiện được mục đích của mình. Khách hàng chỉ phải trả phí cho Dịch vụ bán hàng còn tất cả những công việc khác đã có Dịch vụ bán hàng lo.

Từ trước đến nay ai sản xuất ra sản phẩm/dịch vụ thì phải tự tìm cách bán sản phẩm/dịch vụ của mình, nhưng nếu có người thực hiện ý tưởng Dịch vụ bán hàng thì mọi chuyện sẽ khác: Người nào chuyên tâm vào việc nấy! Những người sản xuất ra sản phẩm/dịch vụ tốt nhưng không có kiến thức, kinh nghiệm, năng lực … bán hàng sẽ không sợ bị phá sản. Điều này sẽ khiến cho đời sống con người ngày càng được nâng cao, xã hội từ đó cũng phát triển hơn.

NHỮNG LƯU Ý TRƯỚC KHI THỰC HIỆN

+ Để thành công bạn cần chuẩn bị kĩ càng trước khi khởi nghiệp. Một trong những công việc bạn cần đầu tư kĩ lưỡng, bài bản là bản kế hoạch kinh doanh. Không có kế hoạch trước khi làm bất cứ điều gì bạn cũng khó thu lại kết quả cao. Khi bắt tay vào hoàn thiện bản kế hoạch kinh doanh của mình, bạn cần phải:

  • Liệt kê cụ thể những đối thủ cạnh tranh ở nơi bạn kinh doanh. Đó là những đối tượng cụ thể nào? Lập bảng so sánh điểm mạnh, điểm yếu của họ so với mô hình kinh doanh của bạn, để từ đó hoạch định ra sách lược đánh bại họ.
  • Liệt kê cụ thể những nhà cung cấp và những thông tin liên quan đến họ (ở đâu, cung cấp gì, kĩ thuật sản xuất ra sao, tiêu chuẩn chất lượng thế nào …?).
  • Lên danh sách tuyển dụng những người phù hợp.
  • Lên danh sách những nguồn lực tài chính. Chúng hiện có bao nhiêu? Và cách để huy động chúng? …
  • Lên danh sách những nguồn lực. Chúng là gì? Có bao nhiêu? Hiện trạng thế nào? …
  • Bạn cần soạn ra chính sách, lập ra sơ đồ quản lí nhân viên.
  • Bạn cần soạn ra chính sách đãi ngộ nhân viên. Lương? Ngoài giờ? Phụ cấp? Thưởng? Hỗ trợ? Phải thật cụ thể.
  • Bạn cần soạn ra những qui định làm việc: Giờ giấc? Đồng phục? Trang thiết bị? Thậm chí soạn cả những qui định chi tiết trong từng công việc cụ thể.

+ Chú trọng xây dựng thương hiệu ngay từ đầu. Xây dựng thương hiệu ở đây phải hiểu là xây dựng hình ảnh tổ chức từ những điều nhỏ nhất. Xây dựng thương hiệu phải gắn liền với xây dựng văn hóa tổ chức. Khi xây dựng thương hiệu, bạn phải làm cho khách hàng nhận ra bạn là ai, thế mạnh của bạn là gì (bạn đem lại lợi ích gì cho khách hàng mà những đối thủ khác không bằng bạn). Nói chung, bạn phải làm nổi bật thương hiệu của bạn trong tâm trí khách hàng ở những “điểm nhấn” do chính bạn tạo ra. Bạn nên định vị thương hiệu dựa vào những gợi ý dưới đây:

  • Dịch vụ của bạn đem đến cho khách hàng lợi ích gì?
  • Bạn phục vụ khách hàng như thế nào?
  • Khách hàng cảm nhận được điều gì khi đến với bạn?

+ Để giảm chi phí, tôi khuyến khích bạn phát huy thế mạnh từ những gì mình có; tìm những giải pháp tiết kiệm mọi thứ ngay từ đầu.

+ Chú ý kết nối với nhiều cá nhân, tổ chức để lấy đơn hàng. Bạn cũng nên dành nhiều ưu đãi cho những khách hàng sử dụng dịch vụ của bạn nhiều lần.

+ Theo thời gian các yếu tố như nhu cầu, tâm lí … của khách hàng thay đổi, bạn cần biết thay đổi phương pháp, dịch vụ … Luôn luôn nghiên cứu phát triển thì sự nghiệp của bạn mới trường tồn.

+ Phải hiểu rõ nguồn lực của mình, đặt ra mục tiêu rõ ràng mà mình có thể đạt được, sau đó phân bổ nguồn lực của mình vào từng công việc cụ thể một cách hợp lí.

+ Để mô hình kinh doanh phát triển, ngay từ đầu phải chuẩn hóa dịch vụ. Ví dụ, phong cách, thái độ, cư xử, hành động … của nhân viên phục vụ khi tiếp khách hàng ở từng trường hợp cụ thể như thế nào. Không chuẩn hóa được dịch vụ sẽ không thể đảm bảo được chất lượng dịch vụ khi qui mô tổ chức ngày càng lớn mạnh. Ngoài ra còn phải chuẩn hóa tất cả công việc có liên quan đến mô hình kinh doanh này.

+ Tạo những nền tảng vững chắc ngay từ đầu để tổ chức phát triển lâu dài. Ví dụ:

  • Tìm kiếm, tạo ra nguồn nhân lực tốt nhất.
  • Tìm kiếm nhà cung cấp, tạo ra cơ sở vật chất … tốt nhất phục vụ mô hình kinh doanh. Kết nối mọi người (từ người bình thường đến người xuất sắc) để mô hình kinh doanh phát triển mạnh mẽ. Ngoài ra còn tăng cường đầu tư ngoài ngành để tài chính vững chắc.
  • Tìm kiếm, nghiên cứu, đầu tư vào nhân tài, công nghệ, dịch vụ để luôn là người dẫn đầu trong lĩnh vực kinh doanh của mình.

+ Đặt ra chỉ tiêu, lập ra kế hoạch, đưa ra phương pháp, hoạch định chiến lược, chuẩn bị nguồn lực, đầu tư kĩ càng … trước khi bán hàng. Chú trọng tìm kiếm, bồi dưỡng, đãi ngộ … đội ngũ bán hàng để tổ chức ngày càng phát triển. Bên cạnh đó, không được quên tầm quan trọng của hoạt động bán hàng qua mạng vì thời buổi này là thời buổi công nghệ thông tin. Nếu có thể hãy nghiên cứu viết ra các ứng dụng giúp cho việc bán hàng và mua hàng trở nên tiện lợi, nhanh chóng … hơn.

+ Đẩy mạnh quảng bá hình ảnh của tổ chức. Phải coi trọng hoạt động quảng bá và phải quảng bá tích cực, thường xuyên. Làm sao để tổ chức của bạn có thể phục vụ được nhiều người là bạn thành công.

+ Trong buổi đầu khởi nghiệp bạn chú ý áp dụng các chính sách sau:

  • Tập trung phục vụ tốt khách hàng ở nơi kinh doanh.
  • Phát triển nhiều kênh và phương pháp bán hàng hiệu quả tấn công thị trường.

+ Để có thể trả lời được câu hỏi “Ngân sách marketing bao nhiêu?”, bạn cần phải liệt kê chi tiết mọi thứ, sau đó phân tích kĩ lưỡng trước khi quyết định. Trách nhiệm này thuộc về người đứng đầu doanh nghiệp.

Chủ doanh nghiệp giỏi sẽ trả lời được những câu hỏi:

  • Cần chi ở đâu? Hãy xác định những “điểm chi” hiệu quả và chỉ chi cho những “điểm chi” đó! Thậm chí tìm ra cách để không phải chi.
  • Chi bao nhiêu?
  • Chi như thế nào (lập kế hoạch chi)?

+ Dựa vào sách lược marketing đưa ra, bạn bắt đầu lên kế hoạch marketing cụ thể. Đầu tiên doanh nghiệp làm gì, sau đó làm gì nữa, chi phí cho những công việc ấy bao nhiêu …?

Marketing về cái gì? Ở đâu? Ra sao? Ba nguyên tắc cơ bản cần nắm trước khi lập một kế hoạch marketing là: Segment (phân loại khách hàng); Target (chọn khách hàng mục tiêu); Position (định vị thương hiệu của bạn trong tâm trí khách hàng). Khách hàng phải là điểm xuất phát đồng thời là điểm cuối cùng của mọi hoạt động marketing.

Nên lập kế hoạch marketing dựa theo 4P (Product (sản phẩm), Price (giá cả), Place (địa điểm), Promotion (xúc tiến)). Dịch vụ là cái bạn định đem bán. Nó như thế nào? Giá cả là số tiền bạn mong muốn khách hàng trả khi sử dụng dịch vụ của bạn. Để định giá dịch vụ bạn phải nắm được nhiều vấn đề, trong đó có 3 vấn đề cơ bản là chi phí bạn phải bỏ ra, mức giá khách hàng chấp nhận, giá của các đối thủ. Giá dịch vụ của bạn có cạnh tranh nổi với giá dịch vụ của các đối thủ? Tại sao họ bán giá rẻ hay đắt hơn bạn? Địa điểm là nơi diễn ra hoạt động kinh doanh. Liệu địa điểm diễn ra hoạt động kinh doanh có đem lại hiệu quả kinh doanh như mong đợi? Nếu khách hàng ở xa thì bạn có giao hàng đến tay họ hay không? Xúc tiến là hoạt động lôi kéo khách hàng sử dụng dịch vụ của bạn. Bạn có những hoạt động xúc tiến nào để lôi kéo khách hàng?

+ Bạn hãy lên kế hoạch bán hàng dựa vào những câu hỏi dưới đây:

  • Mục tiêu của bạn là gì?
  • Bạn sẽ triển khai bao nhiêu kênh bán hàng, điểm bán hàng? Ví dụ: Mở cửa hàng, mở điểm bán, lập trang web …
  • Những kênh bán hàng đó được triển khai cụ thể ra sao? Ví dụ: Làm cái gì? Tuyển những ai? Đào tạo ra sao? …
  • Trong thời gian bao lâu (đưa ra các mốc thời gian cụ thể cho từng công việc cụ thể)?
  • Chi phí để triển khai các công việc cụ thể?
  • Những hoạt động hỗ trợ bán hàng?
  • Cách thức phòng ngừa rủi ro?

+ Một trong những nguyên nhân hàng đầu khiến cho những người khởi nghiệp thất bại là không quản lí tài chính chặt chẽ. Muốn quản lí tài chính chặt chẽ bạn phải tuân thủ các nguyên tắc sau:

  • Trước khi chi tiêu bạn phải lập ra kế hoạch chi tiêu. Trong kế hoạch chi tiêu bạn phải trả lời được các câu hỏi: Chi tiêu vào cái gì? Tại sao lại chi tiêu vào cái đó? Có cách nào để không chi tiêu vào cái đó mà vẫn đạt được mục tiêu hay không? Nếu phải chi tiêu vào cái đó thì cách thức chi tiêu nào là tối ưu? Làm sao chi tiêu không gặp rủi ro, thu hồi được vốn và sinh lợi? Chi lúc nào? Chi bao nhiêu?
  • Khi đồng tiền chạy đến tay bạn phải lập ra kế hoạch quản lí đồng tiền sao cho không thất thoát. Trong kế hoạch quản lí đồng tiền bạn phải trả lời được các câu hỏi: Tại sao phải quản lí đồng tiền? Quản lí đồng tiền như thế nào, bằng phương pháp nào? Làm sao để quản lí đồng tiền không gặp rủi ro?
  • Cuối cùng, bạn phải có kế hoạch tái đầu tư đồng tiền sao cho hiệu quả. Bạn phải lập ra kế hoạch đầu tư đồng tiền. Trong kế hoạch đầu tư đồng tiền bạn phải trả lời được các câu hỏi: Đầu tư vào cái gì? Tại sao lại đầu tư vào cái đó (nếu đầu tư vào cái đó mà không đem lại hiệu quả sẽ không đầu tư nữa)? Làm sao đầu tư không gặp rủi ro, thu hồi được vốn và sinh lợi tối ưu? Đầu tư lúc nào? Đầu tư bao nhiêu?

+ Hồi nhỏ tôi đã mơ ước sau này lớn lên mình có thể thành lập một trung tâm chuyên bán hàng giùm, vì nhiều lí do cho đến nay tôi vẫn chưa thực hiện được ước mơ của mình. Bán hàng là công việc vô cùng nghiêm túc và vất vả. Bất cứ ai muốn trở nên giàu có cũng cần phải học cách bán hàng giỏi, thế nhưng nhiều người khởi nghiệp lại coi thường công tác này. Họ cho rằng cứ sản xuất ra hàng hóa, mở cửa hàng … là khách hàng ghé thăm họ. Sai lầm này đã khiến cho họ phải trả giá rất đắt. Nếu bạn thực hiện ý tưởng này thành công thì bạn chính là người đem lại vinh quang không những cho mình mà còn cho nhiều người khác.

*Bạn nào quan tâm đến Ý tưởng này, vui lòng liên hệ với chúng tôi theo địa chỉ email: contact@anastar.vn | anastar1512@gmail.com hoặc số điện thoại: 0928.53.80.89 | 0389.35.79.85 để biết thêm chi tiết! Hoặc cách khác, bạn cũng có thể gửi câu hỏi / yêu cầu cụ thể qua Bản đăng kí sau đây: http://bit.ly/TuVanKhoiNghiep

Chúc các bạn những điều tốt đẹp nhất trong cuộc sống!

BÌNH LUẬN BẰNG MAIL

BÌNH LUẬN FACEBOOK