Ý TƯỞNG KHU ẨM THỰC (SNYT 28)

Ý TƯỞNG KHU ẨM THỰC (SNYT 28)

Ý TƯỞNG KHU ẨM THỰC (SNYT 28)

00:44 - 11/03/2018

Kinh doanh ẩm thực tập trung dường như là xu hướng của tương lai, nếu có điều kiện bạn hãy cân nhắc thực hiện mô hình này!

Ý TƯỞNG KHU VUI CHƠI GIẢI TRÍ (SNYT 1)
Ý TƯỞNG ẨM THỰC KIỂU MỚI (SNYT 2)
Ý TƯỞNG DỊCH VỤ QUẢNG CÁO (SNYT 3)
Ý TƯỞNG THIẾT KẾ CẢNH QUAN (SNYT 4)
Ý TƯỞNG CHUỖI ẨM THỰC NHANH (SNYT 5)
Ý tưởng khu ẩm thực

VÀI NÉT SƠ LƯỢC VỀ Ý TƯỞNG

Kinh doanh ẩm thực tập trung dường như là xu hướng của tương lai, nếu có điều kiện bạn hãy cân nhắc thực hiện mô hình này!

Ở các nước láng giềng của Việt Nam, mô hình kinh doanh chuyên biệt về ẩm thực tập trung thành khu đã phát triển từ rất lâu đời. Có thể kể đến Singapore với khu ẩm thực Maxwell Food Center, Thái Lan với khu KhaoSan Road tại Bangkok, Đài Loan với phố ẩm thực Hoa Tây … Tại Việt Nam gần đây mô hình khu ẩm thực phát triển khá nhanh chóng. Hầu hết các khu ẩm thực đều tập trung gần trung tâm thành phố lớn. Ví dụ một số khu ẩm thực ở TP.HCM như:

- Hẻm 76 Hai Bà Trưng (quận 1): Hiếm có nơi nào mà chỉ với vài phút đi bộ đã thấy gần 20 món ăn thỏa mãn cơn đói mà giá cả lại rẻ. Có rất nhiều món như: Cơm chiên, bún Thái, bánh hỏi, cháo lòng, nui xào, bắp xào, súp cua, bún bò, xôi, bún thịt nướng … Mở cửa lúc 15h nhưng vì giá rẻ nên đến giờ cao điểm (16h30 – 17h) người mua đến đông nghịt, chừng một tiếng sau là đồ ăn trong con hẻm này bay biến hết. Hẻm nhỏ nên rất chật chội, tốt nhất khách hàng nên mua về hoặc đến một chỗ khác ngồi ăn.

- "Con đường trái cây đĩa" Nguyễn Cảnh Chân (quận 1): Món ăn này tại đây có 7 - 8 loại trái cây theo mùa. Yếu tố "ăn điểm" của mỗi hàng là những miếng rau câu nhiều màu sắc hay vị thơm, béo của mứt dừa non …

- Hồ Con Rùa: Phố ẩm thực hoạt động từ 16h hàng ngày với hàng trăm món ăn như món bắp xào, bánh tráng nướng, hồ lô nướng …

- Hẻm 284 Lê Văn Sỹ (quận 3): Con hẻm ăn vặt này nổi danh với các món đặc sản xứ Quảng như mì Quảng, cao lầu, bánh xèo ... Hầu hết món ăn đều còn giữ hương vị của vùng đất miền Trung, do chính người bản xứ chế biến.

- Phố bánh tráng nướng Cao Thắng (quận 3): Hoạt động từ 16h hàng ngày. Món ăn này tại đây có phần nhân phong phú. Giá cả tùy loại.

Hẻm số 51 Cao Thắng (Quận 3) từ lâu đã quá nổi tiếng và quen thuộc với những “tín đồ” mê ăn uống ở Sài thành bởi mức giá bình dân mà lại có đủ món ngon để lựa chọn. Hẻm ẩm thực này có đủ món từ ăn chơi đến ăn no, hay thậm chí là món ăn đặc sản. Các món ăn tiêu biểu ở hẻm này có thể kể đến như phá lấu, hột vịt lộn, trứng cút lộn, cá viên chiên, mì xào, há cảo, cháo tiều ... Nổi tiếng bậc nhất trong hẻm ẩm thực này phải kể đến quán cháo Tiều. Cháo Tiều với nhiều loại cháo ngon như cháo nấm thịt, cháo thập cẩm, cháo mực... Tuy nhiên cháo Tiều không rẻ. Phá lấu là món ăn quen thuộc của người Hoa nay trở thành món ăn vặt ưa thích của người Sài Gòn. Tại hẻm 51 Cao Thắng, món này ăn kèm với bánh mì. Từng miếng phá lấu được ninh mềm vừa tới, vẫn còn độ sừng sực khi ăn. Ngoài những món trên, còn nhiều món khác như sinh tố, canh bún, bánh tráng nướng, súp cua, bánh flan, các loại lẩu ...

- Phố ẩm thực Vĩnh Khánh (quận 4): Trong quá khứ, đường Vĩnh Khánh, quận 4 là một tụ điểm nổi tiếng của giới xã hội đen, trong đó nổi bật nhất phải kể đến trùm xã hội đen Năm Cam, nhưng hiện nay nơi đây đã trở thành một thiên đường ăn uống, đặc biệt là món ốc. Thưởng thức các món ăn đường phố tại đây, bạn sẽ có dịp được thưởng thức “âm nhạc” miễn phí, đến từ những ca sĩ đường phố, bên những chiếc xe kẹo kéo. Nổi tiếng nhất trong các quán ốc tại khu phố ẩm thực này là quán Ốc Oanh (số 534 đường Vĩnh Khánh). Quán có món ốc hương rang muối ớt và món sò điệp nướng mỡ hành rất ngon. Nếu các món hải sản không phải là món ăn yêu thích của bạn, thì quán BBQ Lúa (số 33 đường Vĩnh Khánh) sẽ cung cấp cho bạn vô số lựa chọn các món nướng như: Thịt bò, thịt lợn, dê và cá.

- Hẻm 200 Xóm Chiếu (quận 4): Khu Xóm Chiếu nói chung đã là một thiên đường ăn uống, nhưng làm thỏa mãn thực khách nhất thì không nơi nào khác ngoài con hẻm số 200. Bột chiên, gỏi cuốn, súp cua, đặc biệt là phá lấu, ốc tô là thứ có thể dễ dàng tìm kiếm ở nơi đây. Hẻm tấp nập từ 16h mỗi ngày và buôn bán rôm rả đến tận khuya.

- Phố ăn vặt An Dương Vương (quận 5), gần ngã ba An Dương Vương - Nguyễn Văn Cừ: Là điểm hẹn ăn vặt giá rẻ của học sinh - sinh viên các trường gần đó. Khách hàng có thể tìm thấy nhiều món ăn tại đây như bò bía, bạch tuộc nướng, sinh tố...

- Chợ Campuchia là tên gọi dân dã của chợ Lê Hồng Phong, Quận 10: Tập trung rất nhiều món đặc sản từ đất nước chùa tháp như chè Campuchia, hủ tiếu ốc ...

- Phố sủi cảo Hà Tôn Quyền (quận 11): Nằm ngay giữa khu vực sinh sống của cộng đồng người Hoa tại Sài Gòn, đây là nơi nhiều người thường tìm đến để thưởng thức sủi cảo ngon lành, đúng vị. Ở đây bạn có thể được thưởng thức sủi cảo với đủ cách chế biến, kết hợp phong phú. Sủi cảo nhân tôm thịt, kết hợp thêm với các nguyên liệu khác cho ra sủi cảo tôm, sủi cảo tim gan cật ... ăn kèm với nước dùng thanh thanh và rau cải. Một tô sủi cảo thập cẩm có thể làm thỏa mãn trí tò mò của những người đi ăn lần đầu. Các tiệm lớn như Thiên Thiên, Sủi cảo 193 đã bắt đầu bán sau 10h, đây cũng là hai tiệm đông khách nhất khu này. Các tiệm còn lại lần lượt mở cửa từ chiều đến tận giữa đêm. Về cơ bản, sủi cảo tại các quán có tạo hình tượng đương nhau vì lấy cùng nguồn hàng sủi cảo, mực khô. Bí quyết cạnh tranh là cách nêm nếm của từng quán.

- Phố ẩm thực Phan Xích Long (quận Phú Nhuận): Khách hàng có thể tìm thấy mọi món ăn từ bình dân đến sang trọng, từ vỉa hè đến nhà hàng máy lạnh trên con đường này.

- Đường Phan Văn Trị: Tuyến đường huyết mạch của quận Gò Vấp là nơi khách hàng có thể tìm thấy hàng trăm xe bán hàng hay quán ăn. Một số món nằm lòng của giới trẻ là bánh căn, mì Ho, mì cay ...

- Đại lộ Phạm Văn Đồng: Thu hút khách hàng với hàng trăm quán, xe bán đồ ăn từ bình dân đến sang trọng. Danh sách các món ăn yêu thích trên tuyến đường này trải dài từ cơm, bún đến lẩu, xiên nướng ...

- Khu ẩm thực sân bay Tân Sơn Nhất: Kéo dài từ đường Hồng Hà sang đường Yên Thế ... Bạn có thể tìm thấy món ăn của cả ba miền. Trong đó, món Bắc chiếm đa số như phở, bánh đa cua, bún đậu mắm tôm ...

- Phố bánh tráng trộn Nguyễn Thượng Hiền (quận 3): Trên con đường này có hàng chục xe, tiệm bánh tráng trộn để bạn mua và thưởng thức. Được yêu thích nhất là bánh tráng trộn chú Viên. Để mua được món ăn này tại tiệm chú Viên, bạn phải lấy số và chờ đến lượt.

- Khu Cô Giang, Quận 1: Qua con đường này sau 17h khách hàng sẽ thấy nhiều bếp nổi khói và mùi thơm tỏa ra. Đồ ăn ở đây khá đa dạng, trong đó các món dễ tìm nhất là cơm gà xối mỡ, bò né, bò nướng lá lốt, mì xào giòn … Quán Hoàng Yến (số 121 đường Cô Giang), không chỉ bán món bò lá lốt “siêu” ngon, mà giá vô cùng rẻ. Do nằm gần phố Tây Bùi Viện nên ngồi ăn trong quán không chỉ có người Việt Nam mà còn có khách nước ngoài.

- Chợ đêm Hạnh Thông Tây: Nếu muốn săn hàng giá rẻ thì khách hàng nên tới chợ Hạnh Thông Tây. Đến đây khách hàng không chỉ thỏa sức lựa chọn những món đồ ưng ý với giá cực rẻ, mà còn được khám phá khu ẩm thực thú vị. Những món ăn ở đây không phải là những món lạ nhưng khá ngon. 

- Chợ đêm Bến Thành: Chợ đêm Bến Thành là địa điểm quen thuộc và nổi tiếng. Chợ bắt đầu hoạt động từ 19h với rất nhiều món ăn đặc sắc. Bước vào khu ẩm thực bạn sẽ bị cuốn hút bởi mùi hương quyến rũ. Đặc biệt là khu đồ nướng, những món ăn được chế biến khá công phu và ngon miệng. Tuy nhiên giá đồ ăn ở đây so với mặt bằng chung có nhỉnh hơn một chút.

- Xóm nhà lá – 82 Nguyễn Huệ, quận 1: Rất nhiều quầy hàng kem, chè, trà sữa … được bán chung trong một không gian khá đáng yêu. Khách hàng có thể chọn bất kì món nào, tính tiền rồi ra khu vực ăn uống để thưởng thức, ăn xong đừng quên dọn dẹp chỗ ngồi của mình để không phiền người đến sau.

- Coco5 – Bangkok Street food market - 68 Nguyễn Huệ, quận 1: Đây là điểm đến cho các tín đồ ẩm thực Thái Lan, Coco5 bán tất tần tật những món ăn vặt Thái Lan, từ món mặn đến món ngọt, từ món đã quen thuộc tới món nghe là lạ. Coco5 cũng theo mô hình street food market khi mỗi món ăn được bày bán trong một quầy hàng riêng biệt, các quầy lại được trang trí vô cùng bắt mắt theo phong cách truyền thống.

Nhìn từ bên ngoài vào Coco5 khá khiêm tốn với chừng 4 - 5 quầy hàng. Tuy nhiên đây chỉ là khu vực bán đồ ngọt "take away" mà thôi, chịu khó vào bên trong sẽ có một khu vực rộng lớn bày bán đồ ăn mặn và bàn ghế cho khách hàng ngồi lại thưởng thức. Tất cả đều được trang trí "ton sur ton" rất lung linh. Giá đồ ăn ở đây không quá “chát”. Nhân viên ở đây sẵn lòng giới thiệu cho khách hàng từng món ăn hay dẫn khách hàng vào bên trong. Khách hàng cũng có thể đứng ngay tại quầy xem người phục vụ chế biến món ăn cho mình.

- Saigon Garden ở phố đi bộ Nguyễn Huệ: Gây ấn tượng với không gian sân vườn xanh mát và đồ ăn nhiều nước, từ bánh ngọt, cà phê đến các món ăn Nhật, Hàn phong phú. Nằm trên phố đi bộ nên khu ẩm thực với các tầng cao có view khá đẹp, được nhiều bạn trẻ check in.

- Phố ẩm thực (đường số 10, quận 6): Cách trung tâm thành phố khoảng 10km về cửa ngõ phía Tây, được xem là khu phố dành riêng cho kinh doanh ăn uống lề đường, vỉa hè đầu tiên ở TP. HCM.

Theo Phòng Kinh tế quận 6, trước đây khu vực này chỉ xuất hiện vài quán ăn hè phố với qui mô hộ gia đình. Tuy nhiên sau đó, do hạ tầng phát triển nên người dân tập trung về đây sống ngày càng nhiều, thu hút mọi người đổ về ăn uống.

Qua khảo sát, có đến 70% các căn hộ có mặt bằng ở đây đều tổ chức kinh doanh dịch vụ ăn uống.

Trước thực trạng các hộ gia đình sống trên đường này có mặt bằng đã mở hàng quán ồ ạt, điều này đã gây không ít ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự. Cơ quan chức năng quận sau khi khảo sát ý kiến người dân đã quyết định thành lập Phố ẩm thực.

Được biết, ban đầu chỉ vài hộ đăng kí tham gia vào Phố ẩm thực, nhưng đến nay đã có trên 50 hộ tự nguyện. Tuy nhiên, nếu tính chung cả con phố này thì hiện tại có khoảng gần 100 cửa hàng kinh doanh ăn uống.

Điều đặc biệt nhất tại Phố ẩm thực là các món ăn rất đa dạng phong phú khi hội tụ đủ món ăn đặc trưng của cả ba miền đất nước. Từ bún đậu mắm tôm (miền Bắc) đến bún bò Huế, hủ tiếu (miền Trung), cơm tấm (miền Nam) ... và có cả những món ăn của người Hoa nên thu hút rất đông thực khách đổ về đây ăn uống.

Các hộ kinh doanh món ăn của từng vùng miền được sắp xếp trật tự theo từng khu. Sự sắp xếp này là do người dân buôn bán tự chủ động bố trí để đảm bảo trật tự.

Việc thành lập Phố ẩm thực hợp pháp mang lại rất nhiều lợi ích cho người dân, tuy nhiên cũng gây không ít hạn chế khi xe máy vẫn để tràn lan từ vỉa hè ra tới lề đường. Mỗi khi khách đến Phố ẩm thực đông thì người đi bộ buộc phải đi giữa đường vì vỉa hè và lề đường đã chật kín phương tiện.

Phía quận 6 cũng đã xác định toàn bộ xe máy phải để trên vỉa hè vì hiện không có bãi đậu xe riêng. Theo quận 6, đây là mô hình quản lí cộng đồng, nên không thành lập Ban quản lí hay can thiệp hành chính khi vận hành Phố ẩm thực.

Hiện cơ quan chức năng cũng đang tìm giải pháp, bố trí bãi giữ xe cho người dân đến Phố ẩm thực.

Ngoài ra, UBND quận 6 cũng đang dự kiến mở thêm phố hàng rong riêng biệt có qui mô từ khoảng 100 gian hàng đổ lại cách Phố ẩm thực mấy trăm mét để cho những người mưu sinh với gánh hàng rong có hoàn cảnh khó khăn tập trung buôn bán hợp pháp.

- Chợ đêm làng đại học: Đối với những ai là sinh viên, thật thiếu xót nếu chưa từng xuống làng đại học. Về đêm, khu làng đại học cực kì đông đúc. Sinh viên bắt đầu bày quần áo, mĩ phẩm ra vỉa hè bán rất nhộn nhịp. Bến xe cũ được cải tạo thành khu ẩm thực đêm, mỗi lần đến đây là nhiều người “quên cả lối về”, món nào cũng thích và chẳng muốn bỏ qua món nào. 

- Chợ Tân Định: Chợ Tân Định là một trong những chợ lâu đời nhất ở Sài Gòn. Xung quanh chợ có rất nhiều hàng quán, các món ăn ở đây có giá hơi nhỉnh hơn so với chỗ khác nhưng chất lượng thì không tệ chút nào.

- Chợ Bà Chiểu: Khi chiều buông cũng chính là lúc hàng ngàn người đổ về chợ Bà Chiểu, mặt hàng kinh doanh chủ yếu ở đây là quần áo, giày dép và trái cây. Nói về ẩm thực thì ở đây không quá đặc sắc, tuy nhiên có hai địa điểm một khi đã thử thì sẽ muốn đến hoài chính là quán Xì Phố và Xôi gà Bà chiểu, quán lúc nào cũng đông khách ra vào bởi món ăn ở đây chất lượng mà giá lại phù hợp.

- Chợ Cây Gõ: Chợ Cây Gõ hay còn được gọi là chợ Minh Phụng có giờ hoạt động khá đặc biệt, từ 18h và đến mờ sáng hôm sau. Nếu khách hàng muốn tham quan và mua sắm tại nơi này, hãy nhớ tham khảo giá trước nếu không sẽ bị rơi vào tình trạng “trả giá nào cũng dính”.

- Chợ Gò Vấp: Chợ Gò Vấp nằm gần đại học Công Nghiệp, vào đêm khi khách hàng lượn quanh khuôn viên chợ sẽ bắt gặp được rất nhiều quán ăn với giá cực kì bình dân, nào là chè, bánh xèo, món ăn vặt ... Là những quán vỉa hè nên rất thoáng mát, tuy nhiên vào trời mưa thì hơi ẩm ướt.

- Chợ Bà Hoa: Chợ Bà Hoa hay còn được gọi là chợ người Quảng, nơi đây có bán dường như tất cả những món ăn đặc sắc của xứ Quảng như bánh nổ, bánh đập, bánh tổ hay những lọ ớt khô cay nồng, món mắm cái cá cơm dân dã, mắm chuồn thính mặn mòi.

- Chợ hoa Hồ Thị Kỷ: Giữa không gian nhộn nhịp của thành phố với các con phố ẩm thực, những địa điểm vui chơi náo nhiệt, lại có một địa điểm thú vị, lỗng lẫy bởi sắc màu và ngào ngạt hương thơm, đó là chợ hoa Hồ Thị Kỷ. Chợ hoa Hồ Thị Kỷ đông không chỉ vì người mua hoa mà ẩn bên trong đó còn là con phố ẩm thực rất đặc sắc. Đây là địa điểm tuyệt vời để khách hàng có những buổi tối tuyệt vời bên rừng hoa muôn sắc rực rỡ dưới những ngọn đèn. 

- Chợ đêm gần công viên Lê Thị Riêng: Công viên Lê Thị Riêng là nơi diễn ra của nhiều hoạt động vui chơi, giải trí dành cho các bạn trẻ. Với không gian rộng rãi, thoáng mát rất thích hợp để đi dạo, hẹn hò hay tụ tập bạn bè. Chính vì vậy, nơi đây cũng là điểm tập trung của khá nhiều các món ăn vặt thường thấy như bánh tráng trộn, cá viên chiên, nước mía … Đặc biệt, trong khuôn viên công viên còn có nhiều quán ăn vặt có không gian khá lịch sự, phục vụ nhiều món ăn chế biến sạch sẽ, thơm ngon, hấp dẫn.

- Khu ẩm thực lều bạt Rubik Zoo: Nằm tại khuôn viên Thảo Cầm Viên, Rubik Zoo có hơn 300 gian hàng đồ ăn, cà phê, quần áo trong các thùng container, lều bạt mang đến cho du khách trải nghiệm mới. Khu vực này đón khách từ sáng đến 23h, cao điểm đông khách là 20 - 21h. Các món ăn ở đây khá đa dạng, từ món nướng của Việt Nam, Thái Lan, Hong Kong đến đặc sản Nhật Bản, Hàn Quốc … với giá được cho là chấp nhận được.

- Chợ dưới tầng hầm công viên 23/9: Khu chợ hiện đại Sense Market dưới tầng hầm công viên 23/9 (quận 1) với các hoạt động ẩm thực đa dạng, nhà sách ... đáp ứng nhu cầu mua sắm, giải trí của nhiều người, đặc biệt là du khách nước ngoài.  Khu vực tầng hầm có diện tích 11.000 m2, trong đó 5.000 m2 tái hiện không gian văn hóa ẩm thực đường phố châu Á xưa với gần 100 gian hàng bán món ăn của Việt Nam, Lào, Campuchia, Ấn Độ, Nhật Bản … Khu chợ còn có quầy dịch vụ viễn thông để du khách có thể mua sim thẻ, đổi ngoại tệ.

- Phố ẩm thực Vạn Kiếp (giữa quận Phú Nhuận và quận Bình Thạnh): Nếu ai mong muốn được ghé thăm một khu phố ẩm thực, mà tại đó có bày bán những món ăn đường phố nổi tiếng như: Phở, bánh canh cua, bánh mì, bánh xèo, bún mắm, bún bò Huế, bún chả, nem nướng, chè … tất cả hàng quán chỉ nằm trong khu vực khoảng vài trăm mét, thì phố ẩm thực Vạn Kiếp là một điểm đến không nên bỏ qua. Trong khu phố ẩm thực này có quán bạch tuộc nướng Út Lang bày bán những món hải sản và thịt xiên nướng thơm ngon với giá cả rất phải chăng.

- Phố ẩm thực Sư Vạn Hạnh (quận 10): Phố ẩm thực đường Sư Vạn Hạnh thuộc khu vực chung cư Ngô Gia Tự và Nguyễn Chí Thanh, quận 10, luôn đông đúc và nhộn nhịp từ 17h hàng ngày. Ở đây bán rất nhiều những món ăn khác nhau, nhưng hai món chiếm ưu thế ở khu vực này là bánh xèo miền Trung và bột chiên. Khách hàng có thể đi về phía ngã tư Sư Vạn Hạnh, Ngô Gia Tự (đối diện trường học Trương Định) để thưởng thức bánh chuối, bánh bò, bánh da lợn … Sẽ chẳng có gì là đặc biệt nếu các loại bánh này không được rưới lên một lớp nước dừa đặc sệt, béo ngậy cộng thêm một ít mè rang vàng thơm lừng với giá rẻ. Nếu ai thích chè thì quán chè mâm với 16 món khác nhau tại đây sẽ vô cùng thú vị.

- Phố ẩm thực Phan Văn Hân, quận Bình Thạnh: Chỉ cần đi bộ vài trăm mét dọc con đường này bạn đã có thể thưởng thức đủ món ngon. Tiêu biểu là các món ốc (ở quán ốc Sinh Viên), kem các loại, bột chiên, chim cút chiên (góc đường Phan Văn Hân – Xô Viết Nghệ Tĩnh), hủ tiếu Nam Vang (góc đường Phan Văn Hân – Nguyễn Văn Lạc), bánh mì, trà sữa, cà phê, trái cây … Ngoài ra còn có nhiều món ăn chơi khác.

Kết luận: Nhìn chung, những khu ẩm thực vừa kể đều phát triển tự phát, chính vì vậy, cách thức hoạt động, phân bố của những khu ẩm thực này chưa khoa học, món ăn chưa thật sự vệ sinh, an toàn, ngon miệng … Nếu bạn ở vai trò nhà quản lí hoặc đầu tư bạn phải có cách làm khác mới có thể đưa mô hình này lên tầm cao mới.

Có hai hướng để hình thành mô hình kinh doanh này, đó là:

  1. Khu ẩm thực đã và đang hình thành nhiệm vụ của bạn là “chỉnh” cho khu ẩm thực này thành khu ẩm thực chuẩn. Nếu bạn là nhà đầu tư, bạn nên tập trung biến một số gian hàng của mình ở khu này thành chuẩn, sau đó bỏ công ra thuyết phục những người khác làm theo để tất cả cùng có lợi. Đây thật sự là một kì công nhưng nếu bạn làm được thì nhiều người sẽ biết ơn bạn.
  2. Khu ẩm thực chưa hình thành và bạn là người có ý định biến một khu nào đó thành khu ẩm thực chuẩn. Để thành công bạn cần nghiên cứu nhiều khía cạnh, trong đó quan trọng nhất là vị trí khu đất, nhu cầu người dân và mô hình áp dụng … Nếu bạn làm tốt thì khu ẩm thực này sẽ “đẻ ra trứng vàng” cho bạn qua nhiều hình thức như cho thuê mặt bằng, tự mình kinh doanh …

Tùy vào hoàn cảnh, điều kiện thực tế mà bạn vận dụng linh hoạt sao cho đạt hiệu quả tốt nhất thì thôi!

NHỮNG LƯU Ý TRƯỚC KHI THỰC HIỆN

+ Để thành công bạn cần chuẩn bị kĩ càng trước khi khởi nghiệp. Một trong những công việc bạn cần đầu tư kĩ lưỡng, bài bản là bản kế hoạch kinh doanh. Không có kế hoạch trước khi làm bất cứ điều gì bạn cũng khó thu lại kết quả cao. Khi bắt tay vào hoàn thiện bản kế hoạch kinh doanh của mình, bạn cần phải:

  • Liệt kê cụ thể những đối thủ cạnh tranh ở nơi bạn kinh doanh. Đó là những đối tượng cụ thể nào? Lập bảng so sánh điểm mạnh, điểm yếu của họ so với mô hình kinh doanh của bạn, để từ đó hoạch định ra sách lược đánh bại họ.
  • Liệt kê cụ thể những nhà cung cấp và những thông tin liên quan đến họ (ở đâu, cung cấp gì, kĩ thuật sản xuất ra sao, tiêu chuẩn chất lượng thế nào …?).
  • Lên danh sách tuyển dụng những người phù hợp.
  • Lên danh sách những nguồn lực tài chính. Chúng hiện có bao nhiêu? Và cách để huy động chúng? …
  • Lên danh sách những nguồn lực. Chúng là gì? Có bao nhiêu? Hiện trạng thế nào? …
  • Bạn cần soạn ra chính sách, lập ra sơ đồ quản lí nhân viên.
  • Bạn cần soạn ra chính sách đãi ngộ nhân viên. Lương? Ngoài giờ? Phụ cấp? Thưởng? Hỗ trợ? Phải thật cụ thể.
  • Bạn cần soạn ra những qui định làm việc: Giờ giấc? Đồng phục? Trang thiết bị? Thậm chí soạn cả những qui định chi tiết trong từng công việc cụ thể.

+ Chú trọng xây dựng thương hiệu ngay từ đầu. Xây dựng thương hiệu ở đây phải hiểu là xây dựng hình ảnh tổ chức từ những điều nhỏ nhất. Xây dựng thương hiệu phải gắn liền với xây dựng văn hóa tổ chức. Khi xây dựng thương hiệu, bạn phải làm cho khách hàng nhận ra bạn là ai, thế mạnh của bạn là gì (bạn đem lại lợi ích gì cho khách hàng mà những đối thủ khác không bằng bạn). Nói chung, bạn phải làm nổi bật thương hiệu của bạn trong tâm trí khách hàng ở những “điểm nhấn” do chính bạn tạo ra. Bạn nên định vị thương hiệu dựa vào những gợi ý dưới đây:

  • Sản phẩm/dịch vụ của bạn đem đến cho khách hàng lợi ích gì?
  • Bạn phục vụ khách hàng như thế nào?
  • Khách hàng cảm nhận được điều gì khi đến với bạn?

+ Để giảm chi phí, tôi khuyến khích bạn phát huy thế mạnh từ những gì mình có; tìm những giải pháp tiết kiệm mọi thứ ngay từ đầu.

+ Chú ý kết nối với nhiều cá nhân, tổ chức để lấy đơn hàng vào các dịp họ có nhu cầu. Bạn cũng nên dành nhiều ưu đãi cho những khách hàng sử dụng sản phẩm/dịch vụ của bạn nhiều lần.

+ Theo thời gian các yếu tố như nhu cầu, tâm lí … của khách hàng thay đổi, bạn cần biết thay đổi không gian, món ăn, cung cách, dịch vụ … Luôn luôn nghiên cứu phát triển thì sự nghiệp của bạn mới trường tồn.

+ Quản lí mô hình kinh doanh này rất phức tạp. Nếu chưa có kiến thức và kinh nghiệm thì bạn phải học tập, trải nghiệm mới có thể làm tốt.

+ Muốn làm ra những sản phẩm/dịch vụ chất lượng cao, bạn phải đầu tư học tập bài bản. Với những kiến thức, kinh nghiệm, kĩ năng … bạn đang có chắc chắn là chưa đủ.

+ Kinh doanh ẩm thực phải có lương tâm. Đó là thứ giúp bạn trường tồn. Chính vì vậy, bạn nên chọn những phương pháp đúng đắn, món ăn lành mạnh. Tuyệt đối không chơi trò “bẩn thỉu”. Công bằng với khách hàng thì họ mới tín nhiệm bạn.

+ Phải hiểu rõ nguồn lực của mình, đặt ra mục tiêu rõ ràng mà mình có thể đạt được, sau đó phân bổ nguồn lực của mình vào từng công việc cụ thể một cách hợp lí.

+ Để mô hình kinh doanh này phát triển, ngay từ đầu phải chuẩn hóa tất cả các công việc, như là:

  • Chuẩn hóa sản phẩm. Ví dụ, các món ăn phải đạt những tiêu chuẩn nào? Các tiêu chuẩn đó phải được các tổ chức uy tín chứng nhận. Sau đó công bố các tiêu chuẩn này ra công chúng. Các món ăn phải được chế biến làm sao? Làm thực nghiệm, sau đó lập ra công thức riêng, thao tác riêng … để huấn luyện cho nhân viên. Làm sao cho chất lượng tốt nhất và đồng nhất, chi phí (nhân công, thời gian, nguyên liệu …) tối ưu …
  • Chuẩn hóa dịch vụ. Ví dụ, phong cách, thái độ, cư xử, hành động … của nhân viên phục vụ khi tiếp khách ở từng trường hợp cụ thể như thế nào. Không chuẩn hóa được dịch vụ sẽ không thể đảm bảo được chất lượng dịch vụ khi qui mô tổ chức ngày càng lớn mạnh.

Phát triển sản phẩm, dịch vụ ngày càng tốt đẹp hơn, đặc sắc hơn, thậm chí phát triển nhiều sản phẩm phục vụ những nhu cầu riêng nào đó.

Ngoài ra, còn phải chuẩn hóa tất cả công việc có liên quan đến mô hình kinh doanh này.

+ Tạo những nền tảng vững chắc ngay từ đầu để tổ chức phát triển lâu dài. Ví dụ:

  • Tìm kiếm, tạo ra nguồn nhân lực tốt nhất.
  • Tìm kiếm, tạo ra nguồn nguyên liệu, cơ sở vật chất … tốt nhất phục vụ mô hình kinh doanh này. Kết nối mọi người (từ người bình thường đến người xuất sắc) để mô hình kinh doanh này phát triển mạnh mẽ. Đầu tư vào các mô hình chăn nuôi, trồng trọt … phục vụ trực tiếp và hỗ trợ gián tiếp mô hình kinh doanh này. Ngoài ra còn tăng cường đầu tư ngoài ngành để tài chính vững chắc.
  • Tìm kiếm, nghiên cứu, đầu tư vào nhân tài, công nghệ, sản phẩm, dịch vụ để luôn là người dẫn đầu trong lĩnh vực kinh doanh ẩm thực. Đừng bao giờ cho rằng ẩm thực chỉ gói gọn trong vài ba món ăn/uống, nguyên liệu nào đó, hãy cố gắng tìm tòi ra nhiều món ăn/uống, nguyên liệu mới để sự nghiệp thăng hoa.

+ Không phát triển ồ ạt, đồng loạt mà chọn ra những “đại biểu” rồi tập trung vào phát triển chúng đạt đến mức độ nào đó mới chọn tiếp những “đại biểu” khác. Ví dụ, trong khoảng thời gian nào đó, trong vùng địa lí nào đó, trong một không gian nào đó … chọn ra một số món ăn để phát triển chủ lực. Khi những món ăn này đạt mục tiêu đề ra sẽ chọn tiếp những món ăn khác để phát triển tiếp. Cách làm này sẽ giúp tổ chức vừa tinh nhuệ vừa tài hoa.

+ Đặt ra chỉ tiêu, lập ra kế hoạch, đưa ra phương pháp, hoạch định chiến lược, chuẩn bị nguồn lực, đầu tư kĩ càng … trước khi bán hàng. Chú trọng tìm kiếm, bồi dưỡng, đãi ngộ … đội ngũ bán hàng để tổ chức ngày càng phát triển. Bên cạnh đó, không được quên tầm quan trọng của hoạt động bán hàng qua mạng vì thời buổi này là thời buổi công nghệ thông tin. Nếu có thể hãy nghiên cứu viết ra các ứng dụng giúp cho việc bán hàng và mua hàng trở nên tiện lợi, nhanh chóng … hơn.

+ Đẩy mạnh quảng bá hình ảnh của tổ chức nói riêng và hình ảnh của ẩm thực Việt Nam nói chung. Phải coi trọng hoạt động quảng bá và phải quảng bá tích cực, thường xuyên. Bên cạnh đó, bạn còn phải liên tục áp dụng các chương trình khuyến mãi. Làm sao để tổ chức của bạn có thể phục vụ được nhiều người là bạn thành công.

+ Trong buổi đầu khởi nghiệp bạn chú ý áp dụng 3 chính sách sau:

  • Tập trung phục vụ tốt khách hàng ở nơi kinh doanh.
  • Ưu tiên phát triển những món ăn có thể phục vụ tốt nhu cầu nhiều đối tượng, sau đó mới phát triển những món ăn chuyên biệt.
  • Phát triển đội ngũ bán hàng trực tiếp tấn công thị trường.

+ Để có thể trả lời được câu hỏi “Ngân sách marketing bao nhiêu?”, bạn cần phải liệt kê chi tiết mọi thứ, sau đó phân tích kĩ lưỡng trước khi quyết định. Trách nhiệm này thuộc về người đứng đầu doanh nghiệp.

Chủ doanh nghiệp giỏi sẽ trả lời được những câu hỏi:

  • Cần chi ở đâu? Hãy xác định những “điểm chi” hiệu quả và chỉ chi cho những “điểm chi” đó! Thậm chí tìm ra cách để không phải chi.
  • Chi bao nhiêu?
  • Chi như thế nào (lập kế hoạch chi)?

+ Dựa vào sách lược marketing đưa ra, bạn bắt đầu lên kế hoạch marketing cụ thể. Đầu tiên doanh nghiệp làm gì, sau đó làm gì nữa, chi phí cho những công việc ấy bao nhiêu …?

Marketing về cái gì? Ở đâu? Ra sao? Ba nguyên tắc cơ bản cần nắm trước khi lập một kế hoạch marketing là: Segment (phân loại khách hàng); Target (chọn khách hàng mục tiêu); Position (định vị thương hiệu của bạn trong tâm trí khách hàng). Khách hàng phải là điểm xuất phát đồng thời là điểm cuối cùng của mọi hoạt động marketing.

Nên lập kế hoạch marketing dựa theo 4P (Product (sản phẩm), Price (giá cả), Place (địa điểm), Promotion (xúc tiến)). Sản phẩm/dịch vụ là cái bạn định đem bán. Nó có chất lượng, mẫu mã, màu sắc, kích cỡ, bao gói, dịch vụ kèm theo … như thế nào? Giá cả là số tiền bạn mong muốn khách hàng trả khi mua sản phẩm/dịch vụ của bạn. Để định giá sản phẩm/dịch vụ bạn phải nắm được nhiều vấn đề, trong đó có 3 vấn đề cơ bản là chi phí bạn phải bỏ ra, mức giá khách hàng chấp nhận, giá bán của các đối thủ. Giá bán sản phẩm/dịch vụ của bạn có cạnh tranh nổi với giá bán sản phẩm/dịch vụ của các đối thủ? Tại sao họ bán giá rẻ hay đắt hơn bạn? Địa điểm là nơi diễn ra hoạt động kinh doanh. Liệu địa điểm diễn ra hoạt động kinh doanh có đem lại hiệu quả kinh doanh như mong đợi? Nếu khách hàng ở xa thì bạn có giao hàng đến tay họ hay không? Xúc tiến là hoạt động lôi kéo khách hàng mua hàng của bạn. Bạn có những hoạt động xúc tiến nào để lôi kéo khách hàng?

+ Bạn hãy lên kế hoạch bán hàng dựa vào những câu hỏi dưới đây:

  • Mục tiêu của bạn là gì?
  • Bạn sẽ triển khai bao nhiêu kênh bán hàng, điểm … bán hàng? Ví dụ: Mở cửa hàng, mở điểm bán, lập trang web …
  • Những kênh bán hàng đó được triển khai cụ thể ra sao? Ví dụ: Làm cái gì? Tuyển những ai? Đào tạo ra sao? …
  • Trong thời gian bao lâu (đưa ra các mốc thời gian cụ thể cho từng công việc cụ thể)?
  • Chi phí để triển khai các công việc cụ thể?
  • Những hoạt động hỗ trợ bán hàng?
  • Cách thức phòng ngừa rủi ro?

+ Một trong những nguyên nhân hàng đầu khiến cho những người khởi nghiệp thất bại là không quản lí tài chính chặt chẽ. Muốn quản lí tài chính chặt chẽ bạn phải tuân thủ các nguyên tắc sau:

  • Trước khi chi tiêu bạn phải lập ra kế hoạch chi tiêu. Trong kế hoạch chi tiêu bạn phải trả lời được các câu hỏi: Chi tiêu vào cái gì? Tại sao lại chi tiêu vào cái đó? Có cách nào để không chi tiêu vào cái đó mà vẫn đạt được mục tiêu hay không? Nếu phải chi tiêu vào cái đó thì cách thức chi tiêu nào là tối ưu? Làm sao chi tiêu không gặp rủi ro, thu hồi được vốn và sinh lợi? Chi lúc nào? Chi bao nhiêu?
  • Khi đồng tiền chạy đến tay bạn phải lập ra kế hoạch quản lí đồng tiền sao cho không thất thoát. Trong kế hoạch quản lí đồng tiền bạn phải trả lời được các câu hỏi: Tại sao phải quản lí đồng tiền? Quản lí đồng tiền như thế nào, bằng phương pháp nào? Làm sao để quản lí đồng tiền không gặp rủi ro?
  • Cuối cùng, bạn phải có kế hoạch tái đầu tư đồng tiền sao cho hiệu quả. Bạn phải lập ra kế hoạch đầu tư đồng tiền. Trong kế hoạch đầu tư đồng tiền bạn phải trả lời được các câu hỏi: Đầu tư vào cái gì? Tại sao lại đầu tư vào cái đó (nếu đầu tư vào cái đó mà không đem lại hiệu quả sẽ không đầu tư nữa)? Làm sao đầu tư không gặp rủi ro, thu hồi được vốn và sinh lợi tối ưu? Đầu tư lúc nào? Đầu tư bao nhiêu?

*Bạn nào quan tâm đến Ý tưởng này, vui lòng liên hệ với chúng tôi theo địa chỉ email: contact@anastar.vn | anastar1512@gmail.com hoặc số điện thoại: 0928.53.80.89 | 0389.35.79.85 để biết thêm chi tiết! Hoặc cách khác, bạn cũng có thể gửi câu hỏi / yêu cầu cụ thể qua Bản đăng kí sau đây: http://bit.ly/TuVanKhoiNghiep

Chúc các bạn những điều tốt đẹp nhất trong cuộc sống!

BÌNH LUẬN BẰNG MAIL

BÌNH LUẬN FACEBOOK