Ý TƯỞNG KINH DOANH THỜI TRANG (SNYT 14)

Ý TƯỞNG KINH DOANH THỜI TRANG (SNYT 14)

Ý TƯỞNG KINH DOANH THỜI TRANG (SNYT 14)

09:51 - 09/02/2018

Nếu bạn có tay nghề may khá, có khiếu thiết kế thời trang, có khiếu thẩm mĩ, thích ăn mặc đẹp, muốn tìm một mô hình kinh doanh nhẹ nhàng, sạch sẽ, lời nhiều… thì nên lựa chọn ý tưởng này để khởi nghiệp.

Ý TƯỞNG KHU VUI CHƠI GIẢI TRÍ (SNYT 1)
Ý TƯỞNG ẨM THỰC KIỂU MỚI (SNYT 2)
Ý TƯỞNG DỊCH VỤ QUẢNG CÁO (SNYT 3)
Ý TƯỞNG THIẾT KẾ CẢNH QUAN (SNYT 4)
Ý TƯỞNG CHUỖI ẨM THỰC NHANH (SNYT 5)
Ý tưởng kinh doanh thời trang

VÀI NÉT SƠ LƯỢC VỀ Ý TƯỞNG

Nếu bạn có tay nghề may khá, có khiếu thiết kế thời trang, có khiếu thẩm mĩ, thích ăn mặc đẹp, muốn tìm một mô hình kinh doanh nhẹ nhàng, sạch sẽ, lời nhiều… thì nên lựa chọn ý tưởng này để khởi nghiệp.

Ở ý tưởng này tôi muốn hướng bạn đến việc mở chuỗi cửa hàng kinh doanh thời trang thiết kế (nếu ban đầu bạn không đủ vốn bạn có thể kinh doanh online nhưng cũng nên kinh doanh thời trang thiết kế chứ đừng kinh doanh thời trang may sẵn, bởi thời trang thiết kế là xu hướng của tương lai). Bạn có thể kinh doanh thời trang thiết kế theo ba cách: 1. Tự mình thiết kế từ A – Z; 2. Nhái những mẫu thời trang nhiều người có nhu cầu; 3. Làm đẹp hơn những mẫu thời trang đang bán chạy trên thị trường. Ở cách 3 này tôi sẽ nói rõ hơn: Thông thường mỗi nhà thiết kế thời trang có một phong cách riêng, chính điều này thu hút khách hàng nhưng cũng giới hạn khách hàng đến với họ. Để đa dạng phong cách thời trang của mình, bạn nên đặt hàng những mẫu thời trang của những nhà thiết kế thời trang khác, sau đó đem về chỉnh sửa, thiết kế lại cho đẹp hơn rồi bán ra thị trường. Với cách làm này cửa hàng của bạn sẽ chỉ có những mẫu thời trang đẹp khiến khách hàng phải thường xuyên lui tới.

Dưới đây là một bài báo mà tôi đọc được:

“Nếu bạn thật sự yêu thích thời trang và có phong cách riêng thì nên tìm tới thời trang thiết kế. Nhiều người nghĩ phải có tiền mới dám mặc đồ thiết kế, nhưng thật ra chỉ cần khoảng 400.000 – 800.000 đồng là có đồ ưng ý rồi”, Hoàng Anh (SV năm hai trường ĐH Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội) chia sẻ.

Là sinh viên tỉnh lẻ, không dư dả kinh tế nhưng vì đam mê thời trang nên Hoàng Anh thường dành dụm tiền để đặt may những bộ đồ vừa vặn với vóc dáng và mang phong cách của riêng cô. Để tiết kiệm, cô tìm tới địa chỉ chuyên may đồ thiết kế và trang phục biểu diễn cho học sinh sinh viên trên phố Lê Trọng Tấn (Thanh Xuân, Hà Nội). Chị Hiền, chủ hiệu may là người có nhiều năm kinh nghiệm, may được các thể loại trang phục từ quần áo, váy, đầm, vest … với công may từ 250.000 đồng/đầm và 150.000 đồng/quần hoặc áo.

Không chỉ may khéo, chị Hiền còn có thể phác họa các mẫu khá nhanh dựa trên mô tả của khách hàng, tư vấn khách chọn chất liệu vải và màu sắc phù hợp vóc dáng. Mỗi chiếc đầm thiết kế tại đây có giá 400.000 – 800.000 đồng. Chỉ nhận đặt hàng trực tiếp, trung bình mỗi ngày đón khoảng chục lượt khách sinh viên, nhân viên văn phòng tới đặt may, chị Hiền thu về hơn 30 triệu đồng/tháng.

Để tiện cho khách chọn kiểu, chủ hàng liên tục cập nhật những catalogue, hình ảnh các bộ sưu tập mới nhất và tư vấn cho khách cách lựa chọn chi tiết, phối hợp màu hiệu quả. Theo chị Hiền, muốn may giống mẫu catalogue nhất, khách chỉ nên chọn các mẫu đơn giản, chi tiết dễ nhận diện, tạo điểm nhấn ở những đường cắt cúp đẹp, tôn dáng và phối màu phù hợp. Cửa hàng của chị Hiền chỉ là một trong hàng trăm địa chỉ may đo thường xuyên được dân thủ đô rỉ tai nhau tìm đến. Một số cửa hàng may đo nhờ gắn mác thời trang thiết kế đã “lên đời”, trở thành “thương hiệu” hút khách.

Không được đào tạo bài bản về thời trang, thậm chí không học nghề, nhưng gần hai năm nay, các sản phẩm thời trang thiết kế của Bích Ngọc (SN 1988, Chùa Bộc, Hà Nội) lại được nhiều khách hàng nữ yêu thích. Lập tài khoản bán hàng online, Ngọc nhận đặt may thiết kế riêng, bán thời trang thiết kế may sẵn, hàng nhái các thương hiệu thời trang nổi tiếng … Công việc mỗi ngày của chị là xem các mẫu thời trang trên tivi, các website thời trang quốc tế, mày mò thêm mẫu trong catalogue, rồi kết hợp các thiết kế đẹp trên một tổng thể để cho ra đời những mẫu mới hợp gu khách hàng.

Nhờ có sự nhạy cảm về xu hướng, thẩm mĩ, biết cách phối màu hợp lí, sau hai năm, Bích Ngọc đã có những khách hàng quen, thậm chí chỉ chờ ra mẫu là chi tiền. Mình hướng tới đối tượng khách công sở, có thu nhập ổn định, sẵn sàng chi tiền để làm đẹp mỗi ngày”, Ngọc cho biết. Hàng thời trang thiết kế bán sẵn của Ngọc hiện có giá trung bình 800.000 - 1 triệu đồng/sản phẩm Hè – Thu, 1,5 – 3 triệu đồng/ sản phẩm Thu - Đông.

“Khách hàng tìm đến đầm thiết kế thường là những người chê hàng chợ, nhưng không đủ tiền hoặc không hợp với hàng hiệu, hàng nhập khẩu. Người Việt Nam có vóc dáng nhỏ, vai nhỏ nhưng eo bánh mì, chiều cao khiêm tốn nên có tiền mua hàng hiệu mặc cũng không đẹp. Chưa kể hàng thời trang mua về mà chỉnh sửa thì mất cả dáng lẫn giá. Nhờ vậy hàng thiết kế mới lên ngôi”, Bích Ngọc cho hay.

Để tránh hàng tồn, đối với hàng thiết kế bán sẵn, Bích Ngọc chỉ tạo mẫu theo phong cách freesize, kiểu dáng đơn giản với các gam màu cơ bản như đen, trắng, đỏ. Thuê thêm 4 nhân viên làm cùng, shop thời trang thiết kế online này không chỉ có những mẫu riêng theo phong cách freesize được nhiều chị em ưa chuộng mà còn liên tục cho ra đời những sản phẩm thời trang may sẵn “nhái” nhiều thương hiệu nổi tiếng như H&M, Zara, Asos, Mango… “Chị em văn phòng thường thích hàng fake vì thương hiệu, kiểu dáng thời thượng và sang trọng mà giá lại rẻ”.

Do đem lại lợi nhuận cao, một số địa chỉ bán hàng ngoại nhập có tiếng tại Hà Nội cũng dần lấn sân sang cả lĩnh vực thời trang thiết kế. N.M, chủ chuỗi cửa hàng thời trang xuất – nhập khẩu đình đám đất Hà thành hai năm nay cho hay: “Bán hàng thời trang thiết kế lãi gấp nhiều lần hàng xuất nhập khẩu, do vốn thấp, chủ động nguồn nguyên liệu, tự áp giá thành. Hàng hiệu nhập khẩu luôn có giá niêm yết công khai trên website của hãng, vốn nhập bỏ ra lớn lại ngốn chi phí vận chuyển, thuê mặt bằng, bảo quản … Đó là chưa kể tới việc khi lấn sân sang kinh doanh hàng thiết kế, mình có thể cho ra đời thương hiệu thời trang của riêng mình, có phong cách riêng, tuy nhiên phải thừa nhận thời gian đầu những mẫu thiết kế ấy chỉ là sản phẩm ăn theo, vay mượn ý tưởng của nhiều BST nổi tiếng”.

Chu Hương Giang, SV năm cuối chuyên ngành Thiết kế thời trang, trường ĐH Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội, đang nhận thiết kế và may đo cho bạn bè, khách hàng quen trong thời gian rảnh, cho biết một vài bạn học cùng lớp cô đã bỏ học vì … ham làm giàu từ kinh doanh thời trang. “Nhiều sinh viên chuyên ngành thiết kế chỉ cần hết năm thứ ba đã có thể ra nghề, thậm chí kiếm sống được từ nghề.

Khi chọn kinh doanh thời trang bạn nên kết hợp với kinh doanh mĩ phẩm, phụ kiện (bao gồm túi xách, giày dép …), hàng gia công (gối, nơ, thú nhồi bông, đồ chơi …) … Bạn sẽ sản xuất ra những loại mĩ phẩm thân thiện với con người, những phụ kiện do bạn nghĩ ra từ A – Z. Tôi có biết một công ty sản xuất giày nữ rất tốt nhưng họ lại yếu về khâu thiết kế và thị trường. Có rất nhiều tổ chức, cá nhân như thế. Tôi nghĩ bạn có thể tìm đến họ để đặt hàng theo ý bạn, sau đó mang về thiết kế lại, rồi bán ra thị trường. Công việc này giúp bạn gia tăng tốc độ sản xuất và số lượng sản phẩm tạo cho bạn nguồn thu khổng lồ.

Các tổ chức, cá nhân kinh doanh thời trang luôn cần hoàn thiện sản phẩm như in, thêu, đính … Bạn có thể đầu tư máy móc, nhân lực đáp ứng nhu cầu này. Có lần tôi dẫn người nhà đi may chiếc áo dài. Để chiếc áo dài trở nên đẹp thợ may phải gắn lên chiếc áo một bông hoa nổi. Giá một bông hoa đó là mấy trăm nghìn đồng. Tôi nghĩ bạn cũng có thể đầu tư sản xuất những phụ kiện như thế, nếu biết cách và chuyên tâm thế nào bạn cũng kiếm bộn tiền.

Một số trang phục cao cấp khá đắt tiền khách hàng không mua nổi hay không muốn mua, bạn có thể kinh doanh thêm mảng cho thuê những trang phục như vậy.

Có rất nhiều quần áo cũ còn tốt được bán với giá rẻ, với đầu óc và tay nghề thiết kế bạn có thể biến những bộ quần áo đó trở nên giá trị hơn. Thậm chí bạn có thể thành lập cơ sở gia công để cung cấp quần áo cũ đã thiết kế lại với số lượng lớn, rẻ ra thị trường.

Mặc đồng phục đang thịnh hành. Bạn có thể thiết kế, sản xuất đồng phục cho trường học, nhà máy, công ty …, thậm chí cho những cá nhân, tổ chức khởi nghiệp, đội bóng địa phương, tổ chức từ thiện … Để chào hàng họ, bạn phải thiết kế mẫu sẵn cho họ xem. Nếu may mắn nhận được những đơn hàng khổng lồ bạn sẽ không hết việc.

Song song với những dịch vụ trên, bạn có thể nhận thêm dịch vụ thiết kế, sửa chữa những bộ quần áo chưa phù hợp với khách hàng. Nhiều người muốn cho người thân, bạn bè quần áo cũ nhưng người đó mặc không vừa; nhiều bộ quần áo khách hàng mua về chỉ còn size đó; hoặc khách hàng là người có thân hình không chuẩn … đều có thể tìm đến bạn để có một bộ quần áo vừa vặn, đẹp đẽ hơn.

Kinh doanh thời trang là hướng đi đã giúp ông chủ Amancio Ortega, chủ tịch tập đoàn Inditex, công ty mẹ của nhiều thương hiệu nổi tiếng như Zara, Massimo Dutti và Pull & Bear, trở thành người giàu có đứng thứ hai thế giới (sau Bill Gates). Ở hoàn cảnh, điều kiện Việt Nam, việc chọn hướng đi này là không sai, nhưng để thành công lớn cần có cách làm “sắc sảo”. Mặc dù Việt Nam có nhiều nhà thiết kế tài ba nhưng họ lại không tạo ra sự thay đổi lớn cho đất nước bởi họ chỉ suy nghĩ nhỏ hẹp, cá nhân. Chỉ khi bạn thật sự muốn “cháy” hết mình cho lí tưởng cao đẹp thì bạn mới có cơ may được thế giới biết đến.

NHỮNG LƯU Ý TRƯỚC KHI THỰC HIỆN

+ Để thành công bạn cần chuẩn bị kĩ càng trước khi khởi nghiệp. Một trong những công việc bạn cần đầu tư kĩ lưỡng, bài bản là bản kế hoạch kinh doanh. Không có kế hoạch trước khi làm bất cứ điều gì bạn cũng khó thu lại kết quả cao. Khi bắt tay vào hoàn thiện bản kế hoạch kinh doanh của mình, bạn cần phải:

  • Liệt kê cụ thể những đối thủ cạnh tranh ở nơi bạn kinh doanh. Đó là những đối tượng cụ thể nào? Lập bảng so sánh điểm mạnh, điểm yếu của họ so với mô hình kinh doanh của bạn, để từ đó hoạch định ra sách lược đánh bại họ.
  • Liệt kê cụ thể những nhà cung cấp và những thông tin liên quan đến họ (ở đâu, cung cấp gì, kĩ thuật sản xuất ra sao, tiêu chuẩn chất lượng thế nào …?).
  • Lên danh sách tuyển dụng những người phù hợp.
  • Lên danh sách những nguồn lực tài chính. Chúng hiện có bao nhiêu? Và cách để huy động chúng? …
  • Lên danh sách những nguồn lực. Chúng là gì? Có bao nhiêu? Hiện trạng thế nào? …
  • Bạn cần soạn ra chính sách, lập ra sơ đồ quản lí nhân viên.
  • Bạn cần soạn ra chính sách đãi ngộ nhân viên. Lương? Ngoài giờ? Phụ cấp? Thưởng? Hỗ trợ? Phải thật cụ thể.
  • Bạn cần soạn ra những qui định làm việc: Giờ giấc? Đồng phục? Trang thiết bị? Thậm chí soạn cả những qui định chi tiết trong từng công việc cụ thể.

+ Chú trọng xây dựng thương hiệu ngay từ đầu. Xây dựng thương hiệu ở đây phải hiểu là xây dựng hình ảnh tổ chức từ những điều nhỏ nhất. Xây dựng thương hiệu phải gắn liền với xây dựng văn hóa tổ chức. Khi xây dựng thương hiệu, bạn phải làm cho khách hàng nhận ra bạn là ai, thế mạnh của bạn là gì (bạn đem lại lợi ích gì cho khách hàng mà những đối thủ khác không bằng bạn). Nói chung, bạn phải làm nổi bật thương hiệu của bạn trong tâm trí khách hàng ở những “điểm nhấn” do chính bạn tạo ra. Bạn nên định vị thương hiệu dựa vào những gợi ý dưới đây:

  • Sản phẩm/dịch vụ của bạn đem đến cho khách hàng lợi ích gì?
  • Bạn phục vụ khách hàng như thế nào?
  • Khách hàng cảm nhận được điều gì khi đến với bạn?

+ Để giảm chi phí, tôi khuyến khích bạn phát huy thế mạnh từ những gì mình có, tìm những giải pháp tiết kiệm mọi thứ ngay từ đầu.

+ Chú ý kết nối với nhiều cá nhân, tổ chức để lấy đơn hàng. Bạn cũng nên dành nhiều ưu đãi cho khách hàng sử dụng sản phẩm/dịch vụ của bạn nhiều lần.

+ Theo thời gian các yếu tố như nhu cầu, tâm lí … của khách hàng thay đổi, bạn cần biết thay đổi cho phù hợp. Luôn luôn nghiên cứu phát triển thì sự nghiệp của bạn mới trường tồn.

+ Phải hiểu rõ nguồn lực của mình, đặt ra mục tiêu rõ ràng mà mình có thể đạt được, sau đó phân bổ nguồn lực của mình vào từng công việc cụ thể một cách hợp lí.

+ Tạo những nền tảng vững chắc ngay từ đầu để tổ chức phát triển lâu dài. Ví dụ:

  • Tìm kiếm, tạo ra nguồn nhân lực tốt nhất.
  • Tìm kiếm, tạo ra nguồn nguyên vật liệu, cơ sở vật chất … tốt nhất phục vụ mô hình kinh doanh. Đầu tư vào các mô hình phục vụ trực tiếp và hỗ trợ gián tiếp mô hình kinh doanh này. Ngoài ra còn tăng cường đầu tư ngoài ngành để tài chính vững chắc.
  • Tìm kiếm, nghiên cứu, đầu tư vào nhân tài, công nghệ, sản phẩm, dịch vụ để luôn là người dẫn đầu trong lĩnh vực kinh doanh của mình.

+ Đặt ra chỉ tiêu, lập ra kế hoạch, đưa ra phương pháp, hoạch định chiến lược, chuẩn bị nguồn lực, đầu tư kĩ càng … trước khi tấn công thị trường. Chú trọng tìm kiếm, bồi dưỡng, đãi ngộ … đội ngũ bán hàng để tổ chức ngày càng phát triển.

+ Đẩy mạnh quảng bá hình ảnh của tổ chức. Phải coi trọng hoạt động quảng bá và phải quảng bá tích cực, thường xuyên. Bên cạnh đó, bạn còn phải liên tục áp dụng các chương trình khuyến mãi. Làm sao để tổ chức của bạn có thể phục vụ được nhiều người là bạn thành công.

+ Trong buổi đầu khởi nghiệp bạn chú ý áp dụng 3 chính sách sau:

  • Tập trung phục vụ tốt khách hàng ở nơi kinh doanh.
  • Ưu tiên phát triển những sản phẩm/dịch vụ có thể phục vụ tốt nhu cầu nhiều đối tượng, sau đó mới phát triển những sản phẩm/dịch vụ chuyên biệt.
  • Phát triển đội ngũ bán hàng trực tiếp tấn công thị trường.

+ Để có thể trả lời được câu hỏi “Ngân sách marketing bao nhiêu?”, bạn cần phải liệt kê chi tiết mọi thứ, sau đó phân tích kĩ lưỡng trước khi quyết định. Trách nhiệm này thuộc về người đứng đầu doanh nghiệp.

Chủ doanh nghiệp giỏi sẽ trả lời được những câu hỏi:

  • Cần chi ở đâu? Hãy xác định những “điểm chi” hiệu quả và chỉ chi cho những “điểm chi” đó! Thậm chí tìm ra cách để không phải chi.
  • Chi bao nhiêu?
  • Chi như thế nào (lập kế hoạch chi)?

+ Dựa vào sách lược marketing đưa ra, bạn bắt đầu lên kế hoạch marketing cụ thể. Đầu tiên doanh nghiệp làm gì, sau đó làm gì nữa, chi phí cho những công việc ấy bao nhiêu …?

Marketing về cái gì? Ở đâu? Ra sao? Ba nguyên tắc cơ bản cần nắm trước khi lập một kế hoạch marketing là: Segment (phân loại khách hàng); Target (chọn khách hàng mục tiêu); Position (định vị thương hiệu của bạn trong tâm trí khách hàng). Khách hàng phải là điểm xuất phát đồng thời là điểm cuối cùng của mọi hoạt động marketing.

Nên lập kế hoạch marketing dựa theo 4P (Product (sản phẩm), Price (giá cả), Place (địa điểm), Promotion (xúc tiến)). Sản phẩm/dịch vụ là cái bạn định đem bán. Nó có chất lượng, hình thức, dịch vụ kèm theo … như thế nào? Giá cả là số tiền bạn mong muốn khách hàng trả khi mua sản phẩm/dịch vụ của bạn. Để định giá sản phẩm/dịch vụ bạn phải nắm được nhiều vấn đề, trong đó có 3 vấn đề cơ bản là chi phí bạn phải bỏ ra, mức giá khách hàng chấp nhận, giá bán của các đối thủ. Giá bán sản phẩm/dịch vụ của bạn có cạnh tranh nổi với giá bán sản phẩm/dịch vụ của các đối thủ? Tại sao họ bán giá rẻ hay đắt hơn bạn? Địa điểm là nơi diễn ra hoạt động kinh doanh. Liệu địa điểm diễn ra hoạt động kinh doanh có đem lại hiệu quả kinh doanh như mong đợi? Nếu khách hàng ở xa thì bạn có phục vụ họ hay không? Xúc tiến là hoạt động lôi kéo khách hàng mua hàng của bạn. Bạn có những hoạt động xúc tiến nào để lôi kéo khách hàng?

+ Bạn hãy lên kế hoạch bán hàng dựa vào những câu hỏi dưới đây:

  • Mục tiêu của bạn là gì?
  • Bạn sẽ triển khai bao nhiêu kênh bán hàng, web … bán hàng?
  • Những kênh bán hàng, web … bán hàng đó được triển khai cụ thể ra sao?
  • Trong thời gian bao lâu (đưa ra các mốc thời gian cụ thể cho từng công việc cụ thể)?
  • Chi phí để triển khai các công việc cụ thể?
  • Những hoạt động hỗ trợ bán hàng?
  • Cách thức phòng ngừa rủi ro?

+ Một trong những nguyên nhân hàng đầu khiến cho những người khởi nghiệp thất bại là không quản lí tài chính chặt chẽ. Muốn quản lí tài chính chặt chẽ bạn phải tuân thủ các nguyên tắc sau:

  • Trước khi chi tiêu bạn phải lập ra kế hoạch chi tiêu. Trong kế hoạch chi tiêu bạn phải trả lời được các câu hỏi: Chi tiêu vào cái gì? Tại sao lại chi tiêu vào cái đó? Có cách nào để không chi tiêu vào cái đó mà vẫn đạt được mục tiêu hay không? Nếu phải chi tiêu vào cái đó thì cách thức chi tiêu nào là tối ưu? Làm sao chi tiêu không gặp rủi ro, thu hồi được vốn và sinh lợi? Chi lúc nào? Chi bao nhiêu?
  • Khi đồng tiền chạy đến tay bạn phải lập ra kế hoạch quản lí đồng tiền sao cho không thất thoát. Trong kế hoạch quản lí đồng tiền bạn phải trả lời được các câu hỏi: Tại sao phải quản lí đồng tiền? Quản lí đồng tiền như thế nào, bằng phương pháp nào? Làm sao để quản lí đồng tiền không gặp rủi ro?
  • Cuối cùng, bạn phải có kế hoạch tái đầu tư đồng tiền sao cho hiệu quả. Bạn phải lập ra kế hoạch đầu tư đồng tiền. Trong kế hoạch đầu tư đồng tiền bạn phải trả lời được các câu hỏi: Đầu tư vào cái gì? Tại sao lại đầu tư vào cái đó (nếu đầu tư vào cái đó mà không đem lại hiệu quả sẽ không đầu tư nữa)? Làm sao đầu tư không gặp rủi ro, thu hồi được vốn và sinh lợi tối ưu? Đầu tư lúc nào? Đầu tư bao nhiêu?

+ Để nhãn hiệu thời trang phát triển bạn không cần phải tốn chi phí thuê những tên tuổi thiết kế thời trang đình đám, hãy học cách lắng nghe ý kiến nhiều người, điều nghiên thị trường thật kĩ, định giá sản phẩm/dịch vụ chính xác … bạn sẽ có nhiều khách hàng.

+ Trong mỗi sản phẩm thời trang đều ẩn chứa tài năng của bạn. Hãy nhớ rằng tài năng là thứ đem lại cho bạn lợi nhuận lớn. Chính vì vậy, bạn chỉ sản xuất mẫu và trưng bày một hoặc một số mẫu thời trang trong cửa hàng thời trang, chứ không sản xuất hàng loạt và trưng bày ken đặc. Khách hàng cứ xem mẫu, khi đồng ý bạn sẽ sản xuất và giao hàng cho họ. Điều này sẽ giúp bạn giảm chi phí tồn kho đến mức thấp nhất.

+ Phần lớn khách hàng bước vào cửa hàng thời trang quyết định mua hàng vì ấn tượng với phong cách phục vụ, mẫu mã … Hãy luôn hoàn thiện cửa hàng thời trang để có khách hàng.

+ Mẫu mã đa dạng, luôn mới … tại cửa hàng thời trang là vô cùng quan trọng. Chính điều này quyết định tần suất khách hàng bước vào cửa hàng thời trang của bạn. Hãy ra những mẫu mới hợp xu hướng càng nhanh càng tốt.

+ Cửa hàng ở vị trí thuận lợi sẽ có doanh số áp đảo cửa hàng thời trang ở vị trí bất lợi, vì vậy đừng mở cửa hàng theo trào lưu, mục tiêu hay sĩ diện mà chỉ mở cửa hàng ở vị trí bán được nhiều hàng nhất. Tuy nhiên, để có mặt bằng tốt không phải chuyện đơn giản, đôi khi bạn phải rất vất vả.

+ Phản hồi ngay lập tức với những yêu cầu hay phàn nàn của khách hàng là rất cần thiết. Bạn phải thiết lập được “đội phản ứng nhanh” 24/7 thì mới giữ chân được khách hàng.

+ Phần lớn doanh thu thời trang đến từ nữ giới, sau đó tới trẻ em, cuối cùng là nam giới. Chính vì vậy, khách hàng nữ giới phải ưu tiên số một.

+ Muốn thăng tiến trong nghề cần cái duyên, năng khiếu (thiết kế, thẩm mĩ …), tay nghề, kiến thức và kinh nghiệm. Cho dù bạn dở cỡ nào nhưng không ngừng nỗ lực cũng sẽ có ngày bạn có một vị trí nhất định.

*Bạn nào quan tâm đến Ý tưởng này, vui lòng liên hệ với chúng tôi theo địa chỉ email: contact@anastar.vn | anastar1512@gmail.com hoặc số điện thoại: 0928.53.80.89 | 0389.35.79.85 để biết thêm chi tiết! Hoặc cách khác, bạn cũng có thể gửi câu hỏi / yêu cầu cụ thể qua Bản đăng kí sau đây: http://bit.ly/TuVanKhoiNghiep

Chúc các bạn những điều tốt đẹp nhất trong cuộc sống!

BÌNH LUẬN BẰNG MAIL

BÌNH LUẬN FACEBOOK