Ý TƯỞNG LÀM GIÀU TỪ GIẤY (SNYT 27)
16:26 - 09/03/2018
Mỗi ngày chúng ta thải ra biết bao nhiêu là giấy vụn, rất nhiều giấy trong số đó được tái chế thành những nguyên vật liệu, đồ vật … giá trị. Tôi tự hỏi rằng: Liệu có ai nhận ra và tìm được hướng làm giàu từ giấy không?
Ý TƯỞNG ẨM THỰC KIỂU MỚI (SNYT 2)
Ý TƯỞNG DỊCH VỤ QUẢNG CÁO (SNYT 3)
Ý TƯỞNG THIẾT KẾ CẢNH QUAN (SNYT 4)
Ý TƯỞNG CHUỖI ẨM THỰC NHANH (SNYT 5)
VÀI NÉT SƠ LƯỢC VỀ Ý TƯỞNG
Mỗi ngày chúng ta thải ra biết bao nhiêu là giấy vụn, rất nhiều giấy trong số đó được tái chế thành những nguyên vật liệu, đồ vật … giá trị. Tôi tự hỏi rằng: Liệu có ai nhận ra và tìm được hướng làm giàu từ giấy không?
Câu chuyện thứ nhất:
Chưa kịp mừng vì con trai được nhận vào làm ở công ty tài chính Merrill (Mĩ) với mức lương 50.000 USD/năm thì đột ngột bố mẹ Phan Ngọc Minh nhận được tin: “Con sẽ trở về nước mở công ty kinh doanh ... giấy vụn!”. Đó là buổi tối mùa đông năm 2000, Minh mới bước sang tuổi 22 và vừa tốt nghiệp loại xuất sắc khoa quản trị kinh doanh ở Đại học Tổng hợp Virginia danh tiếng được ba tháng ...
Ý tưởng sản xuất và kinh doanh những sản phẩm làm từ giấy vụn của Minh xuất hiện tình cờ khi anh trông thấy hàng trăm khách du lịch vây quanh một bức thiệp giấy ngả vàng giữa Bảo tàng New York (Mĩ). Tò mò những buổi chiều sau đó Minh cứ quanh quẩn cái “vật lạ” ấy và tìm hiểu tại sao nó lại thu hút các du khách đến thế. “Mãi rồi cũng hiểu ra rằng nhiều người nước ngoài thích đồ kỉ niệm làm thủ công khéo léo và tinh tế” - Minh kể. Anh thử khảo sát thị trường đồ thủ công các nước và phát hiện: Người Anh mỗi năm bỏ ra 3 tỉ USD để mua bưu thiếp trong các dịp lễ tết. Ở Mĩ, Úc, Nhật ... con số cũng tương tự. Hơn một tuần sau Minh bỏ việc và đưa ra quyết định … “Đó là quyết định khó khăn nhưng không liều lĩnh - Minh nhớ lại - Chẳng dễ dàng khi từ bỏ công việc ổn định với mức lương cao để dấn thân vào công việc kinh doanh đầy bất trắc. Nhưng không thử thì làm sao biết mình đang đứng ở đâu”. Không vội vàng, chàng trai gốc Hà thành đi học thêm sáu tháng chuyên ngành kinh doanh các sản phẩm mang tính nghệ thuật ở Đại học Harvard. Trên đường về nước, trong cả giấc ngủ chập chờn Minh vẫn nghĩ đến những mảnh giấy vụn sẽ trở thành mặt hàng xuất khẩu trong tương lai. Suốt sáu tháng sau, Minh giam mình trong phòng mày mò cắt, dán, vẽ, làm thử những tấm bưu thiếp từ giấy vụn. “Nhật, Trung Quốc đã có những sản phẩm thủ công từ cách gấp hay cắt giấy. Muốn bán được thì mình phải làm khác đi” - Minh tự nhủ. “Những ngày ấy, mình như đang đi dưới đường hầm và dò dẫm lối ra. Càng đi càng sâu hun hút, càng đi ...” - Minh kể. Thế rồi ánh sáng lộ ra ở phía cuối đường hầm. Linh Đăng - người bạn thân thời phổ thông, tốt nghiệp chuyên ngành thiết kế - giúp Minh một tay khi sáng tạo thành công những mẫu bưu thiếp phù hợp với thị hiếu tiêu dùng. Năm 2003, Công ty TNHH Nhật Nguyệt (Sun & Moon) ra đời.
Cuối năm 2003, có trong tay những sản phẩm đầu tiên, Minh mạnh dạn đem chào hàng ở hội chợ hàng thủ công mĩ nghệ tại San Francisco. Điều bất ngờ đã xảy ra: Hơn 500 tấm thiệp làm từ giấy vụn (giá 1 USD/tấm) hết veo trong một ngày.
Lục tìm trên mạng, Minh có trong tay danh sách 2.000 công ty chuyên kinh doanh bưu thiếp và quà tặng từ giấy. Gửi đi 2.000 email kèm mẫu sản phẩm và đơn chào hàng, chờ đợi hằng tháng nhưng chỉ nhận được câu trả lời từ 30 công ty. “Họ nói rất thích những tấm thiệp tinh tế và khéo léo được làm thủ công từ giấy. Nhưng họ hỏi liệu có cạnh tranh được với những mặt hàng cũ không?” - Minh kể. Lập tức, Minh gửi email trả lời 30 thư để rồi nhận được ... một đơn đặt hàng trị giá 1.000 USD từ một công ty ở Anh. Lô hàng xuất khẩu bưu thiếp từ giấy vụn đầu tiên của Minh tìm được khách hàng. Hàng bán nhanh gấp đôi các loại thiệp khác, đối tác của Minh gật gù: “Anh sẽ nhận thêm các đơn đặt hàng khác chứ?”.
Các sản phẩm từ giấy vụn của Minh ngày càng đa dạng, từ bưu thiếp đến tranh treo tường hay những vật dụng tinh xảo như hộp đựng trà, đựng thuốc ... Có những sản phẩm phức tạp gồm rất nhiều chi tiết giấy ghép lại. Thị trường cũng dần rộng hơn, khách hàng từ châu Âu như Anh, Đức đến châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc cũng tìm đến với những đơn đặt hàng lớn.
Nhiều khách hàng nhận xét: “Những sản phẩm từ giấy vụn vừa đẹp vừa rẻ lại mang sự tài hoa và có hồn của người làm ra chúng”. Xưởng sản xuất của Minh ở Phú Xuyên (Hà Tây) luôn có 150 người làm, lúc nào cũng rộn ràng khách đến ...
.......................................
Câu chuyện thứ hai:
Công ty Flexoresearch đã chế tạo thành công một loạt dung dịch enzyme tổng hợp, được chiết xuất từ nấm, có thể biến giấy phế liệu thành những sản phẩm hữu ích.
Tại một phòng thí nghiệm nhỏ ở ngoại ô thủ đô Bangkok, tổng giám đốc của Flexoresearch, Paijit Sangchai, đã bỏ cuộn giấy phế liệu vào chiếc lọ đựng dung dịch màu xám. Sau đó anh đem miếng giấy đã thấm dung dịch rửa sạch dưới vòi nước. Chỉ ít phút sau như một phép màu nhiệm, cuộn giấy biến thành chất dẻo. Paijit Sangchai cho biết, đầu tiên một loại enzyme tấn công vào bề mặt có phủ chất chống nước của giấy và sau đó thấm vào các lớp giấy bên trong. Cuối cùng, tùy theo từng loại enzyme sử dụng, các miếng giấy này có thể sản sinh ra nhiều sản phẩm mới làm nguyên liệu cho việc sản xuất giấy hoặc tạo ra vật liệu xây dựng có thể thay thế amiăng. Không chỉ vậy, công nghệ này còn có thể tạo ra chất dẻo sạch để làm ra nhiều sản phẩm mới.
Chính việc tạo ra vật liệu xây dựng mới này đã giúp Flexoresearch được Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) vinh danh là một trong 31 công ty tiên phong về công nghệ. Trong khi đó, tạp chí “Time” cũng bình chọn Flexoresearch là một trong mười công ty có khả năng làm thay đổi cuộc sống của con người. Đây là một vinh dự lớn đối với Thái Lan nói chung và Flexoresearch nói riêng, bởi rất ít khi một doanh nghiệp “lùn” công nghệ như Thái Lan lại giành được sự tôn vinh của cộng đồng quốc tế.
Về lí do khiến anh nghĩ ra sáng kiến trên, Paijit Sangchai cho biết tại những nước đang phát triển như Thái Lan, giấy cuộn thường bị vứt bỏ và hầu hết người dân đều thiêu hủy chúng, khiến một lượng lớn khói độc thải ra môi trường gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe con người. Trong khi đó, ở những nước phát triển các loại giấy cuộn cũng chỉ được coi là phế liệu và chưa có ai quan tâm đến nguồn nguyên liệu khổng lồ này. Vì vậy, khi nhìn thấy một lượng lớn giấy cuộn bị thải ra và thiêu hủy tại các nước trên thế giới, Paijit đã nghĩ rằng đây là sẽ một thị trường lớn và anh bắt tay vào nghiên cứu để tái sinh chúng thành những vật liệu có ích.
Quả thật kể từ khi được WEF vinh danh là công ty tiên phong về công nghệ, Paijit đã nhận được hàng nghìn thư điện tử, chủ yếu đến từ các nước tư bản, mong muốn hợp tác và đầu tư với công ty của anh. Tuy nhiên, Paijit khẳng định anh không quan tâm đến việc huy động thêm tiền cũng như bán cổ phiếu cho các nhà đầu tư, anh chỉ quan tâm đến việc tìm các đối tác mong muốn cấp phép cho công nghệ này tại nước họ. Hiện nay, công nghệ của anh đã thu hút được sự quan tâm của nhiều nước trong đó có Malaysia, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc và Ấn Độ. Bên cạnh đó, người sáng lập ra công ty Flexoresearch còn nhấn mạnh mong muốn hợp tác với tất cả mọi người trên thế giới nhằm bảo vệ môi trường.
………………….
Giấy có thể làm được rất nhiều đồ vật khác nhau như đồ chơi, bưu thiếp, đồ đựng (li, chén, túi …), bao bì, bàn ghế, tranh giấy …, thậm chí cả vật liệu xây dựng bằng giấy.
Câu chuyện thứ ba:
Một ngày nào đó nếu có dịp tới Rockport ở bang Massachusetts, Mĩ, bạn đừng quên dành thời gian xuống phố Pigeon Hill và tìm biển hiệu chỉ dẫn về hướng Paper House” (ngôi nhà giấy). Đậu xe trên vỉa hè và lang thang tham quan, bạn sẽ không phí chuyến đi trải nghiệm của mình.
Ngôi nhà đặc biệt làm từ chất liệu giấy báo
Khác với những nguyên liệu thường thấy, ngôi nhà được làm từ giấy báo vào năm 1922 do Elis Stenman – một kĩ sư cơ khí tạo nên. Cũng giống như nhiều ngôi nhà trong vùng, nó được thiết kế với khung gỗ, tấm lợp mái nhà và sàn nhà, nhưng đến phần tường bao Stenman có ý tưởng khác lạ. Ông quyết định dùng giấy báo dán lại với nhau tạo thành lớp dính dày, bên ngoài phủ dầu bóng. Đó là nguyên liệu để làm tường nhà. Thậm chí, Stenman còn dùng giấy báo để làm ghế ngồi, kệ sách, rèm cửa và đồng hồ. Duy nhất chỉ có chiếc đàn piano làm bằng gỗ phủ bên ngoài lớp giấy và lò sưởi bằng gạch.
Không ai biết rõ nguyên nhân tại sao Stenman lại dùng giấy báo để xây nhà. Con cháu trong gia đình cho rằng, ông muốn thử loại vật liệu cách nhiệt giá rẻ và có sẵn trong giai đoạn suy thoái. Ngay cả keo dán cũng do ông tự sáng chế, làm từ bột, nước và vỏ táo. Stenman còn thiết kế loại máy kẹp giấy.
Ban đầu, Stenman có ý định thiết kế các bức tường ngoài phủ gỗ. Nhưng sau khi nhận thấy chất liệu giấy “sống sót” qua mùa đông đầu tiên, ông cho rằng lớp gỗ bảo vệ bên ngoài không cần thiết nữa. Căn nhà được hoàn tất sau 2 năm xây dựng. Stenman ở đó tới năm 1930 và tiếp tục mày mò những công việc sử dụng giấy tái chế. Trong vòng 20 năm, để thiết kế nhà và các vật dụng kèm theo, Stenman dùng tới hơn 100.000 tờ báo.
Sau gần 90 năm trôi qua, lớp ngoài cùng của bức tường bắt đầu bị nứt vỡ, để lộ những mảnh ghép là các bài báo cũ từ cách đây gần một thế kỉ. Những mẩu báo cũ, những dòng quảng cáo trên nền giấy đã ngả màu đưa du khách về cuộc sống của gần trăm năm trước. Sau cái chết của Stenman vào năm 1942, nơi này được chuyển thành nhà bảo tàng nhỏ.
…………………..
Câu chuyện thứ tư:
Năm 1986, khi rất ít người nói về các vấn đề môi trường hay các vật liệu tái chế, Shiregu Ban đã thử nghiệm sử dụng các ống giấy carton để làm vật liệu xây nhà. Ông nói: “Ban đầu việc thử nghiệm rất phức tạp, nhưng loại vật liệu này chắc hơn tôi tưởng và rất dễ để làm cho chúng không thấm nước. Thậm chí, trong công nghiệp, người ta có thể làm cho nó chống được lửa”.
Đến năm 1990, lần đầu tiên ông xây một ngôi nhà bằng giấy thật sự. Đó là lúc chính quyền thành phố Odawara (tỉnh Kanagawa, Nhật Bản) muốn kỉ niệm 50 năm thành lập, và họ muốn xây một hội trường tạm thời cho đợt kỉ niệm. Vị thị trưởng muốn xây tòa nhà đó bằng gỗ với giá rẻ và phải hoàn thành trong thời gian khá gấp. Shigeru Ban đã đề nghị xây tòa nhà bằng giấy. Cuối cùng, ông và các đồng sự đã xây hội trường đó bằng 330 ống giấy carton, đường kính 55 cm, ngoài ra có 12 ống giấy đường kính 120 cm. Ông nói đùa: “Lỡ bạn có hết giấy vệ sinh, bạn có thể xé ngay giấy trên tường cũng được”.
Vào năm 2000, khi tham gia một triển lãm Expo lớn ở Đức. Ông Ban được mời đến thiết kế một tòa nhà trong đợt triển lãm theo chủ đề về môi trường. Ông nói: “Thành quả của tôi không phải là khi tòa nhà được xây lên, mà là lúc nó bị phá sập đi. Có rất nhiều nước đến tham dự, sau khi hết kì triển lãm và dọn dẹp, đã thành một đống rác công nghiệp. Tòa nhà của tôi có thể tái chế hoặc sử dụng lại ngay. Nên đó là thành quả của thiết kế tôi tạo ra”.
Trong sự nghiệp kiến trúc của mình, Shigeru Ban đã làm ra rất nhiều công trình nổi tiếng và hoành tráng như bảo tàng Pompidou ở thành phố Metz (Pháp). Nhưng đấy lại không phải tất cả những gì ông mơ ước ... “Nhưng tôi đã rất thất vọng với nghề nghiệp của mình. Chúng tôi không giúp đỡ ai, chúng tôi không làm việc cho xã hội, mà chỉ làm việc cho những người quyền lực, giàu có, chính phủ, những nhà phát triển. Họ có tiền và sức mạnh. Những thứ đó không thấy được bằng mắt thường. Họ thuê chúng tôi để thể hiện quyền lực và sức mạnh của mình bằng cách xây những công trình hoành tráng. Nghề nghiệp của chúng tôi là vậy, trong lịch sử cũng vậy, giờ chúng tôi cũng y như vậy”, Shigeru Ban nói khi trò chuyện về nghề nghiệp của mình trong khán phòng của TED. “Tôi thất vọng vì chúng tôi không làm gì cho xã hội, ngay cả khi có rất nhiều người mất nhà cửa vì thảm họa thiên nhiên”, Ban nói về con đường dẫn ông đến với những thành tựu còn đáng kinh ngạc hơn những vẻ đẹp kì vĩ ông đã tạo ra trước đó.
Năm 1999, sau một thảm họa ở Rwanda, châu Phi, khi bộ tộc Hutu và Tutsi giao tranh, khiến hơn hai triệu người trở thành người tị nạn. Những căn lều trú trong trại tập trung đầy những người ngồi rét run trong tấm chăn của mình khi mưa đổ xuống. Khi đó, Liên Hiệp Quốc cung cấp những tấm bạt nhựa cho người dân làm lều bằng các nhánh cây chặt được. Tình hình nhếch nhác, dơ bẩn, lạnh cóng và thậm chí ... hai triệu người cùng chặt cây làm lều sẽ biến thành thảm họa phá rừng. Sau đó, Liên Hiệp Quốc tiếp tục cung cấp thêm các thanh thép để làm lều hoặc một số trại dựng bằng thép. Nhưng thép lại quá đắt tiền. Shigeru Ban đã đến và giới thiệu kết cấu lều bằng ống carton rất khỏe, chống nước và giá chỉ có 50 USD/lều.
Những căn lều thô sơ chống được gió lạnh, nước mưa và giá rẻ này sau đó đã trở thành bước ngoặt, theo ông Ban đi khắp thế giới và làm hồi phục “nỗi thất vọng” của ông. Shigeru Ban đã lao vào “tâm bão” của các thảm họa và khiến những ống giấy làm nên điều kì diệu.
Trong trận động đất năm 1995 tại Kobe (Nhật Bản), 7.000 người đã bị chết. Ở thành phố Nagata, tất cả bị thiêu rụi vì một trận hỏa hoạn sau động đất. Có rất nhiều người Việt Nam đã tụ tập trú ẩn ở một nhà thờ, trong khi nhà thờ đó gần như đã bị phá hủy hoàn toàn. Shigeru Ban đến gặp cha sứ và đề nghị: “Sao chúng ta không xây một nhà thờ mới bằng giấy carton?”. Cha sứ không đồng ý với ý tưởng đó vì lo sợ các cơn hỏa hoạn mới sau cơn động đất. Ban đã đến và gặp cộng đồng người Việt Nam. Mọi người phải sống trong những chiếc hộp giấy dựng tạm trong công viên vì nhà cửa bị phá hủy hết. Ông tự gây quỹ và xây một hệ thống những lều trú ẩn làm bằng carton cho những người Việt đang khổ sở trong động đất.
Khi vị cha sứ nhìn thấy những gì Ban làm, đã đồng ý cho phép ông xây lại nhà thờ, với một câu nói: “Nếu ông tự gom được tiền và mang sinh viên đến đây xây thì ông có thể làm”. Tất cả những thách thức đó chỉ khiến nhóm kiến trúc sư của Shigeru Ban mất 5 tuần để xây lại nhà thờ. Ông nói: “Tôi mong nó tồn tại được trong 3 năm”. Nhưng công trình kì lạ này đã đi vào lịch sử ngành kiến trúc vì cuối cùng nó tồn tại được ... 10 năm. Và thậm chí, sau 10 năm đó, ở Đài Loan có một trận động đất lớn, cộng đồng địa phương đã quyết định “tặng” cái nhà thờ này cho Đài Loan. Tòa kiến trúc đã được gỡ ra, mang đến Đài Loan, lắp lại và phục vụ những người nghèo khổ sở sau thảm họa. “Nhà thờ bằng giấy” đã trở thành biểu tượng của sự bình an ngay giữa thảm họa, để con người có thể dựa vào và tái thiết cuộc sống của họ sau những mất mát.
Năm 1999, Ban đến Thổ Nhĩ Kỳ, năm 2001 đến Tây Ấn độ, chỉ dẫn người địa phương dùng nguyên liệu tại chỗ xây những chiếc lều bằng giấy sau thảm họa. Ở Sri Lanka năm 2004, ông đã xây lều ở cho cả ngôi làng của những nạn nhân sóng thần và thảm họa. Năm 2008, ông giúp xây phòng học bằng giấy sau động đất giết chết 70.000 người ở Chengdu (Trung Quốc). Năm 2009, ông xây cho những nghệ sĩ Ý một phòng hòa nhạc bằng giấy L’Aquila sau khi nơi này sụp đổ vì thảm họa.
Và khi trận sóng thần xảy ra ở Nhật năm 2011, Ban đến các trại tị nạn, ông thấy người dân phải ở tạm bợ trong những trung tâm thể thao (là các tòa nhà lớn còn lại, không bị phá hủy), sinh hoạt chung, ăn ngủ chung, hoàn toàn không có chút không gian riêng nào. Ông nói: “Mọi người phải chịu đựng cả nỗi đau vật chất và tinh thần”. Các sinh viên và ông đã xây những vách ngăn bằng giấy và vải, một kết cấu cực kì đơn giản và rẻ tiền cho ngôi làng Onagawa ở Miyagi. Sân thể thao trong nhà đã trở thành những căn phòng rất bé, nhưng riêng tư và gọn gàng. Mọi người không gặp phải những sự khó xử vì đụng mặt nhau quá nhiều trong sinh hoạt hằng ngày. Đó là cách những ống giấy của Shigeru Ban trở thành hiện thực trong cuộc sống sau thảm họa.
Năm 2013, Shigeru Ban và các sinh viên của mình đã xây một công trình bằng giấy xinh đẹp, nhà thờ Christchurch, sau một trận động đất ở New Zealand. Nhà thờ xinh đẹp này đã nổi tiếng không chỉ vì nó xuất hiện đúng lúc để an ủi tinh thần cho những người dân New Zealand mất nhà cửa sau thảm họa, mà còn là một nơi để họ cầu nguyện, trú ẩn trong thời gian hồi phục. Ban nói: “Tôi muốn xây những tòa nhà hoành tráng được mọi người yêu qúi”.
Tháng 3.2014, Shigeru Ban đoạt giải Pritzker Architecture Prize, một giải thưởng kiến trúc được ví von như “Nobel kiến trúc”. Giờ đây, ông không còn đơn độc, tự ông đã sáng lập ra một tổ chức với tên gọi “Voluntary Architects' Network (VAN)” - Mạng lưới kiến trúc sư tình nguyện - và họ đang cùng ông đi khắp thế giới để xây nhà cho những người cần nhà nhất, lạnh nhất và cô đơn nhất. Đó là cách để ông vơi dần “nỗi thất vọng” với nghề nghiệp mà ông theo đuổi.
Shigeru Ban sinh năm 1957 tại Tokyo, Nhật Bản. Ông theo học kiến trúc tại Học viện kiến trúc Nam California, Mĩ. Trong quá trình làm việc, ông đã nghiên cứu sử dụng giấy carton vào việc xây nhà, bằng cách sử dụng các ống carton ghép lại. Ông là tác giả của nhiều công trình vĩ đại trên thế giới, như bảo tàng nghệ thuật Pompidou tại thành phố Metz (Pháp). Hiện nay, đây là một trong những bảo tàng độc đáo và có số lượng người đến tham quan đông nhất hàng năm tại Pháp. Năm 1995, ông thành lập mạng lưới kiến trúc sư tình nguyện (VAN) và cùng những kiến trúc sư trẻ đi đến những vùng có thảm họa và xây lại lều trú ẩn, nhà ở, trường học hoặc nhà thờ ... cho họ. Ông và các đồng sự tình nguyện có mặt ở rất nhiều thảm họa lớn trên thế giới như động đất ở Haiti, sóng thần Nhật Bản, động đất Chengyu, bão Haiyan ở Philippines ... và mang các kết cấu giấy thần kì đến để xây nhà cho người dân bị mất nhà cửa. |
Trong tất cả ứng dụng của giấy, tôi ấn tượng nhất ở ứng dụng làm vật liệu xây dựng, trang trí nội thất, vật dụng gia đình … Bằng cách kết hợp giấy với nhựa thải, cỏ/rơm khô, bùn cát, kim loại, phụ da (làm bóng, chống nước, chống cháy …), v.v…, chúng ta có thể làm ra những vật liệu, đồ vật … cực kì đẹp và bền.
NHỮNG LƯU Ý TRƯỚC KHI THỰC HIỆN
+ Để thành công bạn cần chuẩn bị kĩ càng trước khi khởi nghiệp. Một trong những công việc bạn cần đầu tư kĩ lưỡng, bài bản là bản kế hoạch kinh doanh. Không có kế hoạch trước khi làm bất cứ điều gì bạn cũng khó thu lại kết quả cao. Khi bắt tay vào hoàn thiện bản kế hoạch kinh doanh của mình, bạn cần phải:
- Liệt kê cụ thể những đối thủ cạnh tranh ở nơi bạn kinh doanh. Đó là những đối tượng cụ thể nào? Lập bảng so sánh điểm mạnh, điểm yếu của họ so với mô hình kinh doanh của bạn, để từ đó hoạch định ra sách lược đánh bại họ.
- Liệt kê cụ thể những nhà cung cấp và những thông tin liên quan đến họ (ở đâu, cung cấp gì, kĩ thuật sản xuất ra sao, tiêu chuẩn chất lượng thế nào …?).
- Lên danh sách tuyển dụng những người phù hợp.
- Lên danh sách những nguồn lực tài chính. Chúng hiện có bao nhiêu? Và cách để huy động chúng? …
- Lên danh sách những nguồn lực. Chúng là gì? Có bao nhiêu? Hiện trạng thế nào? …
- Bạn cần soạn ra chính sách, lập ra sơ đồ quản lí nhân viên.
- Bạn cần soạn ra chính sách đãi ngộ nhân viên. Lương? Ngoài giờ? Phụ cấp? Thưởng? Hỗ trợ? Phải thật cụ thể.
- Bạn cần soạn ra những qui định làm việc: Giờ giấc? Đồng phục? Trang thiết bị? Thậm chí soạn cả những qui định chi tiết trong từng công việc cụ thể.
- …
+ Chú trọng xây dựng thương hiệu ngay từ đầu. Xây dựng thương hiệu ở đây phải hiểu là xây dựng hình ảnh tổ chức từ những điều nhỏ nhất. Xây dựng thương hiệu phải gắn liền với xây dựng văn hóa tổ chức. Khi xây dựng thương hiệu, bạn phải làm cho khách hàng nhận ra bạn là ai, thế mạnh của bạn là gì (bạn đem lại lợi ích gì cho khách hàng mà những đối thủ khác không bằng bạn). Nói chung, bạn phải làm nổi bật thương hiệu của bạn trong tâm trí khách hàng ở những “điểm nhấn” do chính bạn tạo ra. Bạn nên định vị thương hiệu dựa vào những gợi ý dưới đây:
- Sản phẩm/dịch vụ của bạn đem đến cho khách hàng lợi ích gì?
- Bạn phục vụ khách hàng như thế nào?
- Khách hàng cảm nhận được điều gì khi đến với bạn?
+ Để giảm chi phí, tôi khuyến khích bạn phát huy thế mạnh từ những gì mình có; tìm những giải pháp tiết kiệm mọi thứ ngay từ đầu.
+ Chú ý kết nối với nhiều cá nhân, tổ chức để lấy đơn hàng. Bạn cũng nên dành nhiều ưu đãi cho khách hàng sử dụng sản phẩm/dịch vụ của bạn nhiều lần.
+ Theo thời gian các yếu tố như nhu cầu, tâm lí … của khách hàng thay đổi, bạn cần biết thay đổi cho phù hợp. Luôn luôn nghiên cứu phát triển thì sự nghiệp của bạn mới trường tồn.
+ Phải hiểu rõ nguồn lực của mình, đặt ra mục tiêu rõ ràng mà mình có thể đạt được, sau đó phân bổ nguồn lực của mình vào từng công việc cụ thể một cách hợp lí.
+ Để mô hình kinh doanh phát triển, ngay từ đầu phải chuẩn hóa sản phẩm/dịch vụ. Ví dụ, phong cách, thái độ, cư xử, hành động … của nhân viên khi tiếp khách hàng ở từng trường hợp cụ thể như thế nào. Không chuẩn hóa được sản phẩm/dịch vụ sẽ không thể đảm bảo được chất lượng sản phẩm/dịch vụ khi qui mô tổ chức ngày càng lớn mạnh. Ngoài ra còn phải chuẩn hóa tất cả công việc có liên quan đến mô hình kinh doanh này.
+ Tạo những nền tảng vững chắc ngay từ đầu để tổ chức phát triển lâu dài. Ví dụ:
- Tìm kiếm, tạo ra nguồn nhân lực tốt nhất.
- Tìm kiếm nhà cung cấp, tạo ra cơ sở vật chất … tốt nhất phục vụ mô hình kinh doanh. Kết nối mọi người (từ người bình thường đến người xuất sắc) để mô hình kinh doanh phát triển mạnh mẽ. Ngoài ra còn tăng cường đầu tư ngoài ngành để tài chính vững chắc.
- Tìm kiếm, nghiên cứu, đầu tư vào nhân tài, công nghệ, sản phẩm/dịch vụ để luôn là người dẫn đầu trong lĩnh vực kinh doanh của mình.
…
+ Đặt ra chỉ tiêu, lập ra kế hoạch, đưa ra phương pháp, hoạch định chiến lược, chuẩn bị nguồn lực, đầu tư kĩ càng … trước khi tiến hành. Chú trọng tìm kiếm, bồi dưỡng, đãi ngộ … đội ngũ mua và bán hàng để tổ chức ngày càng phát triển.
+ Đẩy mạnh quảng bá hình ảnh của tổ chức. Phải coi trọng hoạt động quảng bá và phải quảng bá tích cực, thường xuyên. Làm sao để tổ chức của bạn có thể phục vụ được nhiều người là bạn thành công.
+ Trong buổi đầu khởi nghiệp bạn chú ý áp dụng các chính sách sau:
- Tập trung phục vụ tốt khách hàng ở nơi kinh doanh.
- Ưu tiên phát triển những sản phẩm/dịch vụ có thể phục vụ tốt nhu cầu nhiều đối tượng, sau đó mới phát triển những sản phẩm/dịch vụ chuyên biệt.
- Phát triển nhiều kênh và phương pháp tấn công thị trường.
+ Để có thể trả lời được câu hỏi “Ngân sách marketing bao nhiêu?”, bạn cần phải liệt kê chi tiết mọi thứ, sau đó phân tích kĩ lưỡng trước khi quyết định. Trách nhiệm này thuộc về người đứng đầu doanh nghiệp.
Chủ doanh nghiệp giỏi sẽ trả lời được những câu hỏi:
- Cần chi ở đâu? Hãy xác định những “điểm chi” hiệu quả và chỉ chi cho những “điểm chi” đó! Thậm chí tìm ra cách để không phải chi.
- Chi bao nhiêu?
- Chi như thế nào (lập kế hoạch chi)?
+ Dựa vào sách lược marketing đưa ra, bạn bắt đầu lên kế hoạch marketing cụ thể. Đầu tiên doanh nghiệp làm gì, sau đó làm gì nữa, chi phí cho những công việc ấy bao nhiêu …?
Marketing về cái gì? Ở đâu? Ra sao? Ba nguyên tắc cơ bản cần nắm trước khi lập một kế hoạch marketing là: Segment (phân loại khách hàng); Target (chọn khách hàng mục tiêu); Position (định vị thương hiệu của bạn trong tâm trí khách hàng). Khách hàng phải là điểm xuất phát đồng thời là điểm cuối cùng của mọi hoạt động marketing.
Nên lập kế hoạch marketing dựa theo 4P (Product (sản phẩm), Price (giá cả), Place (địa điểm), Promotion (xúc tiến)). Sản phẩm/dịch vụ là cái bạn định đem bán. Nó như thế nào? Giá cả là số tiền bạn mong muốn khách hàng trả khi sử dụng sản phẩm/dịch vụ của bạn. Để định giá sản phẩm/dịch vụ bạn phải nắm được nhiều vấn đề, trong đó có 3 vấn đề cơ bản là chi phí bạn phải bỏ ra, mức giá khách hàng chấp nhận, giá của các đối thủ. Giá sản phẩm/dịch vụ của bạn có cạnh tranh nổi với giá sản phẩm/dịch vụ của các đối thủ? Tại sao họ bán giá rẻ hay đắt hơn bạn? Địa điểm là nơi diễn ra hoạt động kinh doanh. Liệu địa điểm diễn ra hoạt động kinh doanh có đem lại hiệu quả kinh doanh như mong đợi? Nếu khách hàng ở xa thì bạn có giao hàng đến tay họ hay không? Xúc tiến là hoạt động lôi kéo khách hàng mua hàng của bạn. Bạn có những hoạt động xúc tiến nào để lôi kéo khách hàng?
+ Bạn hãy lên kế hoạch bán hàng dựa vào những câu hỏi dưới đây:
- Mục tiêu của bạn là gì?
- Bạn sẽ triển khai bao nhiêu kênh bán hàng, web … bán hàng? Ví dụ: Mở cửa hàng, lập trang web …
- Những kênh bán hàng đó được triển khai cụ thể ra sao? Ví dụ: Làm cái gì? Tuyển những ai? Đào tạo ra sao? …
- Trong thời gian bao lâu (đưa ra các mốc thời gian cụ thể cho từng công việc cụ thể)?
- Chi phí để triển khai các công việc cụ thể?
- Những hoạt động hỗ trợ bán hàng?
- Cách thức phòng ngừa rủi ro?
+ Một trong những nguyên nhân hàng đầu khiến cho những người khởi nghiệp thất bại là không quản lí tài chính chặt chẽ. Muốn quản lí tài chính chặt chẽ bạn phải tuân thủ các nguyên tắc sau:
- Trước khi chi tiêu bạn phải lập ra kế hoạch chi tiêu. Trong kế hoạch chi tiêu bạn phải trả lời được các câu hỏi: Chi tiêu vào cái gì? Tại sao lại chi tiêu vào cái đó? Có cách nào để không chi tiêu vào cái đó mà vẫn đạt được mục tiêu hay không? Nếu phải chi tiêu vào cái đó thì cách thức chi tiêu nào là tối ưu? Làm sao chi tiêu không gặp rủi ro, thu hồi được vốn và sinh lợi? Chi lúc nào? Chi bao nhiêu?
- Khi đồng tiền chạy đến tay bạn phải lập ra kế hoạch quản lí đồng tiền sao cho không thất thoát. Trong kế hoạch quản lí đồng tiền bạn phải trả lời được các câu hỏi: Tại sao phải quản lí đồng tiền? Quản lí đồng tiền như thế nào, bằng phương pháp nào? Làm sao để quản lí đồng tiền không gặp rủi ro?
- Cuối cùng, bạn phải có kế hoạch tái đầu tư đồng tiền sao cho hiệu quả. Bạn phải lập ra kế hoạch đầu tư đồng tiền. Trong kế hoạch đầu tư đồng tiền bạn phải trả lời được các câu hỏi: Đầu tư vào cái gì? Tại sao lại đầu tư vào cái đó (nếu đầu tư vào cái đó mà không đem lại hiệu quả sẽ không đầu tư nữa)? Làm sao đầu tư không gặp rủi ro, thu hồi được vốn và sinh lợi tối ưu? Đầu tư lúc nào? Đầu tư bao nhiêu?
+ Để thành công ở ý tưởng này ngoài tính sáng tạo bạn cần phải nắm được kĩ thuật sản xuất/chế tác ra sản phẩm. Đây là mấu chốt giúp bạn biến “rác” thành tiền. Chính vì vậy, đừng tiếc tiền đầu tư cho điều này.
*Bạn nào quan tâm đến Ý tưởng này, vui lòng liên hệ với chúng tôi theo địa chỉ email: contact@anastar.vn | anastar1512@gmail.com hoặc số điện thoại: 0928.53.80.89 | 0389.35.79.85 để biết thêm chi tiết! Hoặc cách khác, bạn cũng có thể gửi câu hỏi / yêu cầu cụ thể qua Bản đăng kí sau đây: http://bit.ly/TuVanKhoiNghiep
Chúc các bạn những điều tốt đẹp nhất trong cuộc sống!