Ý TƯỞNG THỨC ĂN CHO VẬT NUÔI (SNYT 32)

Ý TƯỞNG THỨC ĂN CHO VẬT NUÔI (SNYT 32)

Ý TƯỞNG THỨC ĂN CHO VẬT NUÔI (SNYT 32)

02:43 - 11/03/2018

Mỗi ngày ra đường bạn thấy người ta vứt đi bao nhiêu đồ ăn thừa? Mỗi vụ mùa đến bạn thấy người ta vứt đi bao nhiêu phế phẩm nông nghiệp?… Nếu biết tận dụng những thứ ấy để biến thành thức ăn cho vật nuôi thì sẽ đem lại bao nhiêu lợi ích cho thế giới này?

Ý TƯỞNG KHU VUI CHƠI GIẢI TRÍ (SNYT 1)
Ý TƯỞNG ẨM THỰC KIỂU MỚI (SNYT 2)
Ý TƯỞNG DỊCH VỤ QUẢNG CÁO (SNYT 3)
Ý TƯỞNG THIẾT KẾ CẢNH QUAN (SNYT 4)
Ý TƯỞNG CHUỖI ẨM THỰC NHANH (SNYT 5)
Ý TƯỞNG THỨC ĂN CHO VẬT NUÔI (SNYT 32)

VÀI NÉT SƠ LƯỢC VỀ Ý TƯỞNG

Mỗi ngày ra đường bạn thấy người ta vứt đi bao nhiêu đồ ăn thừa? Mỗi vụ mùa đến bạn thấy người ta vứt đi bao nhiêu phế phẩm nông nghiệp? Và còn gì nữa … Nếu biết tận dụng những thứ ấy để biến thành thức ăn cho vật nuôi thì sẽ đem lại bao nhiêu lợi ích cho thế giới này?

Trong mỗi bữa ăn hàng ngày, bạn có nhớ mình đã bỏ đi bao nhiêu thức ăn không? Có thể lượng thức ăn bỏ phí trong một bữa không đáng kể nhưng khi nhiều người trên thế giới cũng như bạn thì vô tình một lượng lớn thực phẩm đã bị bỏ đi. Trong khi đó ở nơi nào đó trên thế giới vẫn còn những em nhỏ đang cần lắm một bát cơm.

Theo thống kê năm 2012, trung bình con người đã lãng phí tới khoảng 40% lượng lương thực và thực phẩm trong quá trình vận chuyển từ trang trại tới bàn ăn. Nếu gom tất cả lại thì tổng lượng thực phẩm lãng phí lên tới 1,3 triệu tấn mỗi năm. Đáng ngạc nhiên hơn là tỉ lệ lãng phí thức ăn ở những nước nghèo và nước giàu là tương đương nhau. Nguyên nhân là ở các nước kém phát triển điều kiện thu hoạch, bảo quản và vận chuyển không tốt. Do đó, ở rất nhiều công đoạn thức ăn bị lãng phí vì hỏng và không thể sử dụng được.

Theo thống kê của Bộ Môi trường Hồng Kông, trong năm 2009, người Hồng Kông thải trung bình hơn 8.900 tấn rác thải rắn mỗi ngày, trong đó khoảng 3.200 tấn (chiếm 37%) là thức ăn thừa. Điều đó cũng có nghĩa một người ở đây vứt đi khoảng 0,5 kg thức ăn mỗi ngày.

Một điều tra của tổ chức môi trường "Người bạn của Trái đất" phát hiện ra rằng mỗi bữa tiệc cưới thải ra khoảng 105 kg thức ăn thừa, trong đó có những món không hề được thực khách đụng đũa vào. Michelle Au - một quan chức của tổ chức nói trên cho biết, số thức ăn đó có thể đủ cho khoảng 200 trẻ em đang bị đói.

Ước tính khoảng 1/3 lượng thực phẩm được các hộ gia đình mua về mỗi năm được đổ vào thùng, và việc lãng phí thức ăn càng tệ hơn vào các mùa lễ hội như năm mới, Giáng sinh … Điển hình như người dân Úc, mỗi năm nước này mất khoảng 5,2 tỉ đô Úc (khoảng 74.360 tỉ VNĐ) cho thức ăn thừa, nhiều hơn cả ngân sách chi tiêu cho quốc phòng trong nước năm 2012. Ở Mĩ, Canada, Australia và New Zealand, trung bình người dân lãng phí khoảng 50% lượng hải sản, 38% các loại ngũ cốc, 22% thịt và 20% sữa mỗi năm. Riêng Mĩ, thực phẩm lãng phí chiếm tỉ lệ cao nhất trong rác thải ở thành phố. Việc tiêu hủy thức ăn thừa chiếm khoảng ¼ lượng khí thải metan. Ví dụ: Ở chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh, khoai tây chiên và bánh kẹp chưa kịp bán hết phải bỏ đi lần lượt trong vòng 7 phút và 20 phút. Khoảng 10% thức ăn nhanh phải bỏ đi sau khi chế biến cũng đóng góp thêm vào tình trạng lãng phí thức ăn.

Trong khi đó, phần còn lại của thế giới đang bị nạn đói bao vây và đẩy tới bờ vực sống - chết. Theo thống kê, năm 2012 trên hành tinh có khoảng 870 triệu người đang chịu cảnh sống trong đói nghèo, không có đủ thức ăn. Nghiên cứu của Tổ chức Lương thực Thế giới (FAO) cho thấy, các nước ở thế giới thứ 3, đặc biệt là châu Phi, chính là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi nạn đói. Đây cũng là nhà của khoảng 30% người đói kinh niên trên trái đất. Theo thông tin từ Liên Hợp Quốc, năm 2011 có khoảng 12 triệu người đã bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng lương thực tại vùng Sừng châu Phi (bao gồm các nước như Somalia, Kenya, Ethiopia, Djibouti …) với tỉ lệ người suy dinh dưỡng và trẻ em tử vong cao đáng kinh ngạc. Nguyên nhân là do nạn hạn hán tồi tệ nhất trong 60 năm trở lại đây ở khu vực châu Phi diễn ra trước đó. Somalia là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Mỗi ngày có khoảng 4.000 người buộc phải di dời khỏi đất nước này và trở thành người tị nạn ở Kenya và Ethiopia. Từ tháng 6/2010 số người trên thế giới sống dưới mức nghèo khổ (dưới 26.000 VNĐ/ngày) đã tăng lên đến 44 triệu người. Giá cả lương thực, thực phẩm tăng cao đã kích động nhiều cuộc biểu tình ở Bắc Phi và Trung Đông. Đây là kết quả tất yếu của việc thiếu lương thực thực phẩm nghiêm trọng gây nên. Đối với mỗi cá nhân, không đủ thức ăn là nguyên nhân khiến cơ thể suy kiệt, mất dần sức đề kháng chống chọi với bệnh tật. Mỗi năm có khoảng 8 triệu người ra đi vì các căn bệnh như AIDS, lao, phong … trong đó suy dinh dưỡng và cái đói góp phần không nhỏ.

Nghị viện châu Âu đã lấy năm 2014 là "Năm châu Âu chống lãng phí thực phẩm" và quyết tâm giảm 50% lượng thức ăn thừa vào năm 2020. Quãng đường vận chuyển thức ăn từ trang trại tới bàn ăn qua rất nhiều công đoạn kém hiệu quả, trong khi chúng ta có thể cải thiện các khâu này mà không tốn mấy công sức và con người cần phải làm điều đó. Lãng phí thức ăn chính là tiếp tay giết chết đồng loại. Chúng ta hãy sống sao cho người khác cùng sống, cần biết tiết kiệm và trân trọng những gì mình đang có.

Đồ ăn thừa đang bị bỏ đi ở khắp nơi trên thế giới vì vô tình hay cố ý, và dường như chúng là “nguồn tài nguyên” vô tận. Chính vì vậy, đây là cơ hội cho những ai muốn khởi nghiệp với ý tưởng Thức ăn cho vật nuôi bằng cách thu gom đồ ăn thừa làm nguyên liệu chế biến khi ít vốn nhưng lại đầy nghị lực, đam mê và tình yêu … Ngoài thu gom đồ ăn thừa, bạn có thể thu gom luôn cả đồ ăn hư hỏng, bỏ đi. Tôi tự hỏi: Liệu có thể thành lập một chuỗi điểm thu gom đồ ăn thừa đặt khắp nơi để cung cấp nguyên liệu cho nhà máy sản xuất thức ăn cho vật nuôi qui mô lớn? Tôi tin sẽ có nhiều người đến ủng hộ và thông qua việc này ý thức tiết kiệm của người dân sẽ cao hơn.

Trên thế giới này không thiếu những tấm gương doanh nhân thành đạt bằng cách biến những thứ không ra gì thành những sản phẩm có giá trị. Vấn đề ở đây là: Làm sao để bạn có thể làm được điều đó? Thứ nhất, bạn phải thiết lập được một hệ thống thu gom đồ ăn thừa, phế phẩm … hiệu quả để phục vụ cho sản xuất. Trong trường hợp nguyên liệu thu gom không đủ bạn phải có những biện pháp dự phòng. Thứ hai, bạn phải trả lời được câu hỏi chế biến những nguyên liệu thu gom như thế nào, thành những sản phẩm gì? Ngoài phương pháp, công nghệ …, bạn còn phải biết xây dựng đầu ra vững chắc để “biến” những sản phẩm mình làm ra thành nguồn lợi to lớn cho mình. Có thể nói trong bối cảnh hiện nay và tương lai khi nguồn lương thực trở nên khan hiếm thì vấn đề thu gom đồ ăn thừa, phế phẩm … là một việc làm cần có sự đầu tư nghiêm túc. Hoạt động này không chỉ làm giảm lãng phí trong xã hội, nâng cao nhận thức của người dân, mà còn góp phần tạo ra công ăn việc làm, của cải vô tận cho những thế hệ sau …

Dưới đây là những câu chuyện tận dụng đồ ăn thừa, phế phẩm … đem lại nhiều lợi ích thiết thực:

Hàng ngày, bất kể vào thời điểm nào, trên các tuyến đường ở TP Đà Nẵng, dễ dàng bắt gặp nhiều người đi đường chở theo phía sau xe máy vài ba chiếc thùng nhựa được tận dụng từ những thùng sơn cũ. Họ là những người chuyên đi đặt thùng ở các quán ăn, nhà hàng để thu gom thức ăn thừa về chế biến thành thức ăn nuôi heo. “Đội quân” này chủ yếu ở H.Hòa Vang của TP Đà Nẵng và các huyện giáp ranh thuộc tỉnh Quảng Nam như Đại Lộc, Điện Bàn ... Có thể nói, tại nhiều khu vực trong thành phố các dịch vụ ẩm thực, ăn uống phát triển ngày càng mạnh, lượng thức ăn thừa tại các nhà hàng, khách sạn, quán ăn, quán nhậu trong nội thành rất lớn. Đây chính là điều kiện vô cùng thuận lợi để người dân ở những vùng nông thôn vốn chăm chỉ và chịu khó trong công việc sẵn sàng đi xa để tận thu thức ăn thừa về chăn nuôi lợn.

Tại nhiều vùng nông thôn của TP Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam, không ít gia đình có hoàn cảnh kinh tế khó khăn nhưng nhờ nuôi heo từ nguồn thức ăn dư thừa tận thu, sau vài năm kinh tế đã phát triển và thoát nghèo. Bà Cúc (H. Hòa Vang) tâm sự: “Trước đây gia đình tôi khó khăn lắm. Ở quê thì biết làm chi cho đủ để nuôi 4 đứa con ăn học, chồng thì thường xuyên ốm đau lại không có công việc ổn định, thu nhập chỉ biết trông chờ vào ruộng vườn. Quá khó khăn tôi mới liều vay vốn mua 5 con heo giống và hàng ngày đi xin thức ăn thừa ở các quán ăn, quán nhậu về cho heo ăn cộng thêm với rau, bèo trong vườn. Thấy việc nuôi heo có hiệu quả, dần dần tôi đầu tư số lượng nhiều hơn. Nhờ đó, kinh tế gia đình tôi đã được cải thiện, có điều kiện lo cho các con ăn học ...”. Bà Cúc cho biết thêm, mỗi năm gia đình bà nuôi 3 lứa heo, mỗi lứa khoảng 10 con, trừ chi phí mỗi tháng bà thu lãi hơn 3 triệu đồng. Nhiều hộ gia đình khác cũng thoát nghèo nhờ mô hình nuôi heo từ việc tận dụng thức ăn thừa.

Từ khi thành phố có qui định cấm chăn nuôi gia súc, gia cầm trong nội thị, thì thức ăn thừa từ các hộ gia đình, nhà hàng, quán ăn, quán nhậu chắc chắn sẽ thải ra môi trường và gây ô nhiễm nghiêm trọng. Vì thế việc thu gom, tận dụng thức ăn dư thừa để nuôi heo sẽ có lợi cho cả người thu gom và người cho hoặc bán, đặc biệt góp phần bảo vệ môi trường. Chủ một quán nhậu ở Q.Thanh Khê cho biết, lượng thức ăn thừa hàng ngày của quán chị cho một người nuôi heo ở tận H.Hòa Vang đến chở, việc này giúp cho quán xá chị sạch sẽ hơn và không phải lo lắng xử lí đồ thừa. Ông Hòa (H.Đại Lộc, Quảng Nam) hàng ngày cũng đi thu gom thức ăn thừa về nuôi heo cho biết: “Thời gian đầu, khi còn ít người đi thu gom thức ăn thừa thì phần lớn các chủ quán nhậu, quán ăn, nhà hàng chỉ mong chúng tôi đến lấy để đỡ phải đổ đi, ô nhiễm môi trường, nhưng sau này, khi có đông người đi chở thì họ bán để thêm tiền thu nhập. Tôi thì may mắn nên xin được một số quán nhậu để lấy thức ăn thừa cho heo, xem như lấy công làm lời và cũng như góp phần bảo vệ môi trường vậy ...”.

Theo những người nuôi heo theo hình thức tận dụng thức ăn thừa thì lợi nhuận mà người chăn nuôi thu được cao hơn, ổn định hơn so với nuôi bằng cám công nghiệp vì không phụ thuộc nhiều đến giá cả thức ăn chăn nuôi lên xuống thất thường, vừa tận dụng được nguồn nguyên liệu sẵn có, đỡ tốn kém, bên cạnh đó, họ cũng góp phần tích cực vào bảo vệ môi trường.

………………..

Một câu chuyện khác:

Ở tuổi 87 nhưng Meyer Luskin – CEO của Scope Industries, công ty chuyên tái chế các loại bánh quá hạn sử dụng tại Mĩ vẫn hăng hái bên công việc thường nhật của mình như thời trai tráng.

Scope Industries được thành lập vào năm 1950, mới nghe qua có vẻ như công việc của nó không mấy hãnh diện, nhưng đây là một công ty có tổng tài sản hàng tỉ USD với hàng chục nhà máy chế biến và tổng doanh thu hàng năm của Scope Industries lên tới 110 triệu USD.

Là một tỉ phú khá khiêm tốn, Meyer Luskin rất hiếm khi xuất hiện trên các phương tiện truyền thông, đặc biệt ông không bao giờ “ba hoa” về sự giàu có của mình. Lần xuất hiện và phát biểu trước công chúng gần đây nhất của Meyer là dịp ông tài trợ 100 triệu USD cho ngôi trường mà ông từng theo học trước đây – Đại học California – Los Angeles (UCLA), đó là vào năm 2011. Số tiền này cũng là tặng phẩm có giá trị cao nhất từ trước đến nay do một cá nhân hiến tặng cho một trường đại học.

Tại Mĩ, luật pháp qui định đến một giờ nhất định trong ngày, tất cả các loại bánh nướng, bánh mì, bánh ngọt … phải được đem bỏ, mặc dù chúng vẫn có thể dùng để làm thực phẩm. Để bảo vệ vệ sinh an toàn thực phẩm cho mọi người, luật pháp của nước Mĩ cũng không cho phép các cửa hàng thu gom số bánh “ế” của họ để giúp đỡ những người nghèo khó, cơ nhỡ.

Nên nhớ rằng, lượng bánh được loại bỏ hàng ngày trên toàn nước Mĩ rất lớn, kể cả tại những cửa hàng, tiệm bánh nhỏ lẽ qui mô gia đình. Phải tiêu huỷ một lượng lớn thực phẩm để tuân thủ các qui định của luật pháp quả thực là phí phạm, và đó cũng là lí do để Meyer Luskin thành lập công ty Scope Industries. Công việc của Scope Industries tuy đơn giản nhưng khá … béo bở. Từ những ý tưởng ban đầu, Meyer Luskin cho lắp đặt những chiếc máy ép “rác thải” có thiết kế đơn giản với chi phí đầu tư khá thấp tại những tiệm bánh, công việc còn lại của Scope Industries giờ đây chỉ là cho người đến thu gom “chiến lợi phẩm” mỗi tuần.  Meyer Luskin và công ty của mình chẳng những không mất tiền mua "nguyên liệu", mà họ còn thu được của các tiệm bánh một khoản phí gọi là “phí thu gom rác thải”.

Với số “rác thải” thu gom được, xe của Scope Industries sẽ chở chúng tới những nhà máy xử lí nằm rải rác trên khắp nước Mĩ. Tại đây, tất cả các loại bánh quá hạn được xay nhuyễn, nhào nặn và nướng thành một loại “thức ăn nhanh” để xuất khẩu ra khắp thế giới làm thực phẩm cho … gia súc, gia cầm và thú cưng.

Những tố chất thông minh, cần cù và khiêm tốn đã biến Meyer Luskin từ một chàng trai bình thường trở thành một trong những tỉ phú giàu có của nước Mĩ. Với ý tưởng kinh doanh độc đáo của mình, Meyer Luskin đã biến những thứ mà người khác bỏ đi thành vàng.

Đối tượng sử dụng sản phẩm của Scope Industries là gia súc, gia cầm và thú cưng, chúng là những khách hàng dễ tính, thị hiếu đơn giản và quan trọng là chúng luôn có nhu cầu.

Theo nhận định của rất nhiều người, sự thành công của tỉ phú Meyer Luskin khá bất ngờ và nó là nguồn cảm hứng kinh doanh để mọi người trên khắp thế giới khởi sự kinh doanh, chinh phục ước mơ và khát vọng thành công của mình bằng những ý tưởng sáng tạo, độc đáo.

……………….

Một câu chuyện khác nữa:

Nhà máy chế biến phụ phẩm nông nghiệp thành thức ăn công nghiệp của công ty TNHH Trại Việt (Vietfarm) đặt tại huyện Gò Dầu, Tây Ninh, đã đi vào hoạt động từ mấy năm nay. Nguyên liệu chính cho hoạt động của nhà máy là các phụ phẩm nông nghiệp trên địa bàn như bã sắn, rỉ mật, bã mía, bã bia, lõi bắp … Bên cạnh đó, nhà máy còn thu mua thêm phụ phẩm nông nghiệp từ Campuchia chở sang. Từ những phụ phẩm nói trên, Vietfarm đã chế biến ra nhiều loại thức ăn gia súc như lõi bắp viên, bã mía viên, rỉ mật ép viên, bã sắn viên, bã bia sấy, bã mía sấy, rỉ mật sấy, bã sắn bột, lõi bắp nghiền. Mỗi tháng, Vietfarm sản xuất được khoảng 6.000 tấn thức ăn gia súc dạng viên, sấy, bột, nghiền … các loại. Trong đó, 60% được tiêu thụ trong nước và 40% còn lại được xuất khẩu tới nhiều nước trên châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Bangladesh, Kuwait, UAE …

Ở thị trường trong nước, thức ăn dạng viên, sấy … từ phụ phẩm nông nghiệp, phù hợp cho các gia súc như bò, heo nái, heo thịt …, những khi cần bổ sung chất xơ. Còn những nước nhập khẩu rất cần loại thức ăn này để phục vụ chăn nuôi đại gia súc. Đặc biệt, các nước vùng Trung Đông do không khuyến khích trồng trọt bởi thiếu nguồn nước, nên luôn cần nhập khẩu số lượng lớn các loại thức ăn giàu chất xơ phục vụ chăn nuôi dê, cừu …

Các loại phụ phẩm nông nghiệp được chế biến thành thức ăn gia súc dạng viên rất được các nhà nhập khẩu ưa chuộng bởi giảm mạnh chi phí vận chuyển. Cụ thể, một container thức ăn dạng viên có thể chứa được 20 tấn, nhưng nếu là dạng bột thì chỉ được 10 tấn. Thức ăn dạng viên cũng có thời gian bảo quản lâu hơn.

Theo ông Đàm Văn Hoạt, TGĐ Vietfarm, với công nghệ hiện nay, hầu hết các loại phụ phẩm nông nghiệp đều có thể chế biến thành thức ăn cho gia súc. Có nhiều loại phụ phẩm sau khi chế biến thành thức ăn gia súc, đem lại giá trị kinh tế khá tốt. Chẳng hạn, tinh bột sắn hiện có giá 7.000 đ/kg, nhưng bã sắn tận dụng từ việc ép tinh bột, đem chế biến thành thức ăn gia súc, bán được giá 2.600 đ/kg, gần bằng 40% giá trị của sản phẩm chính. Như vậy, phụ phẩm nông nghiệp đem chế biến thành thức ăn gia súc đã làm gia tăng đáng kể giá trị nông sản.

Để tận dụng được nhiều hơn nữa nguồn phụ phẩm nông nghiệp trên địa bàn và đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng từ các nhà chăn nuôi đại gia súc trong nước và các nhà nhập khẩu, Vietfarm đang chuẩn bị đầu tư thêm một dây chuyền sản xuất với công suất 45 tấn/giờ (gấp 3 lần hiện nay). Vietfarm cũng đang chuẩn bị đưa thêm nhiều loại phụ phẩm nông nghiệp khác vào chế biến thành thức ăn gia súc.

…………………..

NHỮNG LƯU Ý TRƯỚC KHI THỰC HIỆN

+ Để thành công bạn cần chuẩn bị kĩ càng trước khi khởi nghiệp. Một trong những công việc bạn cần đầu tư kĩ lưỡng, bài bản là bản kế hoạch kinh doanh. Không có kế hoạch trước khi làm bất cứ điều gì bạn cũng khó thu lại kết quả cao. Khi bắt tay vào hoàn thiện bản kế hoạch kinh doanh của mình, bạn cần phải:

  • Liệt kê cụ thể những đối thủ cạnh tranh ở nơi bạn kinh doanh. Đó là những đối tượng cụ thể nào? Lập bảng so sánh điểm mạnh, điểm yếu của họ so với mô hình kinh doanh của bạn, để từ đó hoạch định ra sách lược đánh bại họ.
  • Liệt kê cụ thể những nhà cung cấp và những thông tin liên quan đến họ (ở đâu, cung cấp gì, kĩ thuật sản xuất ra sao, tiêu chuẩn chất lượng thế nào …?).
  • Lên danh sách tuyển dụng những người phù hợp.
  • Lên danh sách những nguồn lực tài chính. Chúng hiện có bao nhiêu? Và cách để huy động chúng? …
  • Lên danh sách những nguồn lực. Chúng là gì? Có bao nhiêu? Hiện trạng thế nào? …
  • Bạn cần soạn ra chính sách, lập ra sơ đồ quản lí nhân viên.
  • Bạn cần soạn ra chính sách đãi ngộ nhân viên. Lương? Ngoài giờ? Phụ cấp? Thưởng? Hỗ trợ? Phải thật cụ thể.
  • Bạn cần soạn ra những qui định làm việc: Giờ giấc? Đồng phục? Trang thiết bị? Thậm chí soạn cả những qui định chi tiết trong từng công việc cụ thể.

+ Chú trọng xây dựng thương hiệu ngay từ đầu. Xây dựng thương hiệu ở đây phải hiểu là xây dựng hình ảnh tổ chức từ những điều nhỏ nhất. Xây dựng thương hiệu phải gắn liền với xây dựng văn hóa tổ chức. Khi xây dựng thương hiệu, bạn phải làm cho khách hàng nhận ra bạn là ai, thế mạnh của bạn là gì (bạn đem lại lợi ích gì cho khách hàng mà những đối thủ khác không bằng bạn). Nói chung, bạn phải làm nổi bật thương hiệu của bạn trong tâm trí khách hàng ở những “điểm nhấn” do chính bạn tạo ra. Bạn nên định vị thương hiệu dựa vào những gợi ý dưới đây:

  • Sản phẩm của bạn đem đến cho khách hàng lợi ích gì?
  • Bạn phục vụ khách hàng như thế nào?
  • Khách hàng cảm nhận được điều gì khi đến với bạn?

+ Để giảm chi phí, tôi khuyến khích bạn phát huy thế mạnh từ những gì mình có; tìm những giải pháp tiết kiệm mọi thứ ngay từ đầu.

+ Chú ý kết nối với nhiều cá nhân, tổ chức để lấy đơn hàng. Bạn cũng nên dành nhiều ưu đãi cho những khách hàng sử dụng sản phẩm của bạn nhiều lần.

+ Theo thời gian các yếu tố như nhu cầu, tâm lí … của khách hàng thay đổi, bạn cần biết thay đổi cho phù hợp. Luôn luôn nghiên cứu phát triển thì sự nghiệp của bạn mới trường tồn.

+ Phải hiểu rõ nguồn lực của mình, đặt ra mục tiêu rõ ràng mà mình có thể đạt được, sau đó phân bổ nguồn lực của mình vào từng công việc cụ thể một cách hợp lí.

+ Để mô hình kinh doanh phát triển, ngay từ đầu phải chuẩn hóa tất cả các công việc, như là:

  • Chuẩn hóa sản phẩm. Ví dụ, các sản phẩm phải đạt những tiêu chuẩn nào? Các tiêu chuẩn đó nếu được các tổ chức uy tín chứng nhận thì càng tốt. Sau đó công bố các tiêu chuẩn này ra công chúng.
  • Chuẩn hóa dịch vụ. Ví dụ, phong cách, thái độ, cư xử, hành động … của nhân viên ở từng trường hợp cụ thể như thế nào. Không chuẩn hóa được dịch vụ sẽ không thể đảm bảo được chất lượng dịch vụ khi qui mô tổ chức ngày càng phát triển lớn mạnh.

Ngoài ra, còn phải chuẩn hóa tất cả công việc có liên quan đến mô hình kinh doanh này.

+ Tạo những nền tảng vững chắc ngay từ đầu để tổ chức phát triển lâu dài. Ví dụ:

  • Tìm kiếm, tạo ra nguồn nhân lực tốt nhất.
  • Tìm kiếm, tạo ra nguồn nguyên liệu, cơ sở vật chất … tốt nhất phục vụ mô hình kinh doanh. Kết nối mọi người (từ người bình thường đến người xuất sắc) để mô hình kinh doanh phát triển mạnh mẽ. Đầu tư mở ra các cơ sở/công ty thu mua hoặc thu mua – sản xuất tại chính các vùng nguyên liệu để cung cấp sản phẩm cho thị trường. Ngoài ra còn tăng cường đầu tư ngoài ngành để tài chính vững chắc.
  • Tìm kiếm, nghiên cứu, đầu tư vào nhân tài, công nghệ, sản phẩm, dịch vụ để luôn là người dẫn đầu trong lĩnh vực kinh doanh của mình.

+ Không phát triển ồ ạt mà chọn ra những “đại biểu” rồi tập trung vào phát triển chúng đạt đến mức độ nào đó mới chọn tiếp những “đại biểu” khác. Cách làm này sẽ giúp tổ chức vừa tinh nhuệ vừa tài hoa.

+ Đặt ra chỉ tiêu, lập ra kế hoạch, đưa ra phương pháp, hoạch định chiến lược, chuẩn bị nguồn lực, đầu tư kĩ càng … trước khi bán hàng. Chú trọng tìm kiếm, bồi dưỡng, đãi ngộ … đội ngũ bán hàng để tổ chức ngày càng phát triển. Nếu có thể hãy nghiên cứu viết ra các ứng dụng giúp cho việc bán hàng và mua hàng trở nên tiện lợi, nhanh chóng … hơn.

+ Đẩy mạnh quảng bá hình ảnh của tổ chức. Phải coi trọng hoạt động quảng bá và phải quảng bá tích cực, thường xuyên. Bên cạnh đó, bạn còn phải liên tục áp dụng các chương trình khuyến mãi. Làm sao để tổ chức của bạn có thể phục vụ được nhiều người là bạn thành công.

+ Trong buổi đầu khởi nghiệp bạn chú ý áp dụng 3 chính sách sau:

  • Tập trung phục vụ tốt khách hàng ở nơi kinh doanh.
  • Ưu tiên phát triển những sản phẩm có thể phục vụ tốt nhu cầu nhiều đối tượng, sau đó mới phát triển những sản phẩm chuyên biệt.
  • Phát triển đội ngũ bán hàng trực tiếp tấn công thị trường.

+ Để có thể trả lời được câu hỏi “Ngân sách marketing bao nhiêu?”, bạn cần phải liệt kê chi tiết mọi thứ, sau đó phân tích kĩ lưỡng trước khi quyết định. Trách nhiệm này thuộc về người đứng đầu doanh nghiệp.

Chủ doanh nghiệp giỏi sẽ trả lời được những câu hỏi:

  • Cần chi ở đâu? Hãy xác định những “điểm chi” hiệu quả và chỉ chi cho những “điểm chi” đó! Thậm chí tìm ra cách để không phải chi.
  • Chi bao nhiêu?
  • Chi như thế nào (lập kế hoạch chi)?

+ Dựa vào sách lược marketing đưa ra, bạn bắt đầu lên kế hoạch marketing cụ thể. Đầu tiên doanh nghiệp làm gì, sau đó làm gì nữa, chi phí cho những công việc ấy bao nhiêu …?

Marketing về cái gì? Ở đâu? Ra sao? Ba nguyên tắc cơ bản cần nắm trước khi lập một kế hoạch marketing là: Segment (phân loại khách hàng); Target (chọn khách hàng mục tiêu); Position (định vị thương hiệu của bạn trong tâm trí khách hàng). Khách hàng phải là điểm xuất phát đồng thời là điểm cuối cùng của mọi hoạt động marketing.

Nên lập kế hoạch marketing dựa theo 4P (Product (sản phẩm), Price (giá cả), Place (địa điểm), Promotion (xúc tiến)). Sản phẩm là cái bạn định đem bán. Nó có chất lượng, mẫu mã, màu sắc, kích cỡ, bao gói, dịch vụ kèm theo … như thế nào? Giá cả là số tiền bạn mong muốn khách hàng trả khi mua sản phẩm của bạn. Để định giá sản phẩm bạn phải nắm được nhiều vấn đề, trong đó có 3 vấn đề cơ bản là chi phí bạn phải bỏ ra, mức giá khách hàng chấp nhận, giá bán của các đối thủ. Giá bán sản phẩm của bạn có cạnh tranh nổi với giá bán sản phẩm của các đối thủ? Tại sao họ bán giá rẻ hay đắt hơn bạn? Địa điểm là nơi diễn ra hoạt động kinh doanh. Liệu địa điểm diễn ra hoạt động kinh doanh có đem lại hiệu quả kinh doanh như mong đợi? Nếu khách hàng ở xa thì bạn có giao hàng đến tay họ hay không? Xúc tiến là hoạt động lôi kéo khách hàng mua hàng của bạn. Bạn có những hoạt động xúc tiến nào để lôi kéo khách hàng?

+ Bạn hãy lên kế hoạch bán hàng dựa vào những câu hỏi dưới đây:

  • Mục tiêu của bạn là gì?
  • Bạn sẽ triển khai bao nhiêu kênh bán hàng, điểm … bán hàng? Ví dụ: Mở cửa hàng, mở điểm bán, lập trang web …
  • Những kênh bán hàng đó được triển khai cụ thể ra sao? Ví dụ: Làm cái gì? Tuyển những ai? Đào tạo ra sao? …
  • Trong thời gian bao lâu (đưa ra các mốc thời gian cụ thể cho từng công việc cụ thể)?
  • Chi phí để triển khai các công việc cụ thể?
  • Những hoạt động hỗ trợ bán hàng?
  • Cách thức phòng ngừa rủi ro?

+ Một trong những nguyên nhân hàng đầu khiến cho những người khởi nghiệp thất bại là không quản lí tài chính chặt chẽ. Muốn quản lí tài chính chặt chẽ bạn phải tuân thủ các nguyên tắc sau:

  • Trước khi chi tiêu bạn phải lập ra kế hoạch chi tiêu. Trong kế hoạch chi tiêu bạn phải trả lời được các câu hỏi: Chi tiêu vào cái gì? Tại sao lại chi tiêu vào cái đó? Có cách nào để không chi tiêu vào cái đó mà vẫn đạt được mục tiêu hay không? Nếu phải chi tiêu vào cái đó thì cách thức chi tiêu nào là tối ưu? Làm sao chi tiêu không gặp rủi ro, thu hồi được vốn và sinh lợi? Chi lúc nào? Chi bao nhiêu?
  • Khi đồng tiền chạy đến tay bạn phải lập ra kế hoạch quản lí đồng tiền sao cho không thất thoát. Trong kế hoạch quản lí đồng tiền bạn phải trả lời được các câu hỏi: Tại sao phải quản lí đồng tiền? Quản lí đồng tiền như thế nào, bằng phương pháp nào? Làm sao để quản lí đồng tiền không gặp rủi ro?
  • Cuối cùng, bạn phải có kế hoạch tái đầu tư đồng tiền sao cho hiệu quả. Bạn phải lập ra kế hoạch đầu tư đồng tiền. Trong kế hoạch đầu tư đồng tiền bạn phải trả lời được các câu hỏi: Đầu tư vào cái gì? Tại sao lại đầu tư vào cái đó (nếu đầu tư vào cái đó mà không đem lại hiệu quả sẽ không đầu tư nữa)? Làm sao đầu tư không gặp rủi ro, thu hồi được vốn và sinh lợi tối ưu? Đầu tư lúc nào? Đầu tư bao nhiêu?

*Bạn nào quan tâm đến Ý tưởng này, vui lòng liên hệ với chúng tôi theo địa chỉ email: contact@anastar.vn | anastar1512@gmail.com hoặc số điện thoại: 0928.53.80.89 | 0389.35.79.85 để biết thêm chi tiết! Hoặc cách khác, bạn cũng có thể gửi câu hỏi / yêu cầu cụ thể qua Bản đăng kí sau đây: http://bit.ly/TuVanKhoiNghiep

Chúc các bạn những điều tốt đẹp nhất trong cuộc sống!

BÌNH LUẬN BẰNG MAIL

BÌNH LUẬN FACEBOOK