BIẾN NGHỊCH CẢNH THÀNH ĐỘNG LỰC

BIẾN NGHỊCH CẢNH THÀNH ĐỘNG LỰC

BIẾN NGHỊCH CẢNH THÀNH ĐỘNG LỰC

11:19 - 11/04/2020

Trong cuộc sống con người rất cần có động lực. Một người không có động lực sẽ không thể tồn tại!

GIÀU CÓ HẠNH PHÚC?
TỪ ƯỚC MƠ ĐẾN HIỆN THỰC
10 thói quen không sửa ngay đời bạn sẽ xuống dốc
Năm 2018, bạn trẻ hãy thay đổi thói qua loa
TIẾN TỪNG BƯỚC VỮNG CHẮC
BIẾN NGHỊCH CẢNH THÀNH ĐỘNG LỰC

Động lực là tất cả những gì thôi thúc/khuyến khích/động viên con người thực hiện những hành vi theo mục tiêu. Tạo động lực là tạo những thôi thúc/khuyến khích/động viên con người thực hiện những hành vi theo mục tiêu. Động lực xuất phát từ nhu cầu và sự thoả mãn nhu cầu của con người. Giữa nhu cầu và sự thoả mãn nhu cầu có một khoảng cách nhất định, và để rút ngắn khoảng cách đó luôn cần có động lực.

Sự thoả mãn nhu cầu được hiểu là sự đáp ứng nhu cầu đến một mức độ nào đó. Khi một nhu cầu được thoả mãn về cơ bản nó sẽ dần mất đi và nhu cầu mới nảy sinh. Con người không bao giờ hết nhu cầu, sự thoả mãn nhu cầu có ảnh hưởng tích cực đến động lực của mỗi người.

Nhu cầu luôn tồn tại nhưng nhu cầu không phải là yếu tố quyết định sự ra đời của động lực mà lợi ích mới thật sự là yếu tố quyết định sự ra đời của động lực. Giữa lợi ích và nhu cầu có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Nếu không có nhu cầu thì không thể thoả mãn nhu cầu và lợi ích cũng không xuất hiện. Khi nhu cầu xuất hiện, con người sẽ tìm cách thoả mãn nhu cầu, kết quả của sự thoả mãn nhu cầu là lợi ích đạt được. Khi sự thoả mãn nhu cầu càng lớn, khoảng cách giữa nhu cầu và sự thoả mãn nhu cầu càng được rút ngắn, thì lợi ích càng lớn. Lợi ích đạt được càng cao thì động lực thôi thúc càng mạnh. Khi khoảng cách giữa nhu cầu và sự thoả mãn nhu cầu chưa được rút ngắn thì nó còn thúc đẩy con người hành động để rút ngắn nó.

Trong sản xuất kinh doanh, muốn đạt được năng suất lao động cao thì tổ chức phải có đội ngũ nhân viên mạnh. Ngoài trình độ chuyên môn, đạo đức …, thì vấn đề động lực làm việc là một trong những yếu tố quyết định đến hiệu quả làm việc của người lao động. Muốn nhân viên vui vẻ, tích cực, sáng tạo … trong công việc thì phải có biện pháp tạo động lực hiệu quả. Thực hiện công tác tạo động lực tốt sẽ làm dịu đi những căng thẳng không cần thiết trong tổ chức, người lao động sẵn sàng cống hiến hết mình vì tổ chức …

Trong cuộc sống con người rất cần có động lực. Một người không có động lực sẽ không thể tồn tại!

Có một câu chuyện như sau:

Có một con lừa bị trượt chân rơi xuống một cái hố sâu, chủ của nó dù cố gắng mọi cách nhưng vẫn không tài nào cứu nó ra được, cuối cùng ông ta quyết định sẽ chôn sống nó.

Đất cát đổ xuống từ phía trên miệng hố. Mới đầu con lừa chỉ biết đứng im hứng chịu, sau đó, nó rũ sạch đất cát trên mình và giẫm lên đống đất cát ấy. Cứ thế nó liên tục đứng lên những đống đất cát vừa đổ lên người, càng nhiều đất được đổ xuống thì con lừa càng gần miệng hố hơn. Tới trưa thì con lừa thoát ra khỏi hố và ung dung gặm cỏ non.

Kết luận: Nếu khó khăn trong cuộc sống không “giết” nổi bạn thì nó sẽ làm bạn mãnh mẽ hơn!

Và một câu chuyện khác:

Năm 2011 là một năm u ám đối với Sarah Stevenson, khi trong tháng 7 cô tiễn đưa người cha của mình sang bên kia thế giới vì bệnh u não, nước mắt chưa kịp khô cô lại tiếp tục nhận cú sốc tiếp theo là mẹ cô – bà Diana cũng qua đời vì căn bệnh ung thư vào tháng 10. Sau một năm đầy nghịch cảnh, Sarah đã gạt nước mắt đứng dậy với quyết tâm sẽ giành HCV tại Olympic London ở hạng cân 67 kg.

Có lẽ đến tận bây giờ Sarah Stevenson vẫn không quên những cú sốc lớn mà cô trải qua. “Tôi biết rằng, cả bố lẫn mẹ tôi đều không muốn tôi biết sự thật. Khi gặp tôi, mẹ đã khóc. Bà không hề biết mình bị ung thư và sau đó, dù rất sợ hãi nhưng bà vẫn đến bệnh viện. Mẹ tôi nhìn tôi và nói, mẹ không muốn chết”. Dù bận rộn với công việc tập luyện và cuộc sống gia đình riêng, nhưng Sarah vẫn làm tròn bổn phận của một người con hiếu thảo. Hàng ngày cô đều có mặt ở bệnh viện để chăm sóc mẹ. Mẹ cô được hóa trị và nếu mọi thứ ổn thỏa bà hoàn toàn có thể phục hồi. Nhưng hi vọng vừa lóe lên thì ngay lập tức tắt ngúm bởi bố cô. “Vào tháng 4, người em họ đã gọi điện báo tin, bố tôi bị u não. Trời đất như sụp đổ, khi đó tôi chỉ muốn vứt bỏ tất cả để có những giây phút cuối cùng được ở bên cha mẹ của mình, nhưng họ đã khuyên tôi không được bỏ cuộc và mong muốn được nhìn thấy tôi chiến thắng”.

Sarah quyết định gạt bỏ đau thương, cô bay đến Hàn Quốc như ước muốn của bố mẹ với hi vọng sẽ giành ngôi quán quân thế giới. “Sự đau đớn lại trở thành động lực chứ không trì kéo tôi xuống”. Sau chiến thắng trước Guo Yunfei (Trung Quốc) ở trận chung kết giải VĐ Taekwondo thế giới, Sarah đã nức nở: “Tôi không thể ngừng khóc vì đã cố gắng kiềm chế lúc ở nhà. Chúng tôi đã làm tất cả để bố và mẹ không phải chết”.

Sau khi kết thúc giải, Sarah cùng chồng kiêm HLV của cô là Steve Jennings vội bay về Doncaster, nơi bố mẹ của cô đang điều trị. Vào tháng 7, 2 tháng rưỡi sau khi khối u được phát hiện, ông Roy Stevenson qua đời. Và sau đó 3 tháng, những hi vọng mong manh của bà Diana Stevenson cũng chấm dứt.

Điều đầu tiên mà mẹ của tôi nói khi bà biết mình bị ung thư: “Con phải đến với Olympic và giành chiến thắng”. Tương tự, bố tôi cũng thế. Tôi luôn nghĩ rằng, họ đang ở đâu đó để nhìn thấy tôi chiến thắng. Tôi đã nỗ lực từng ngày để mang về cho bố mẹ tấm HCV London 2012. Để sau đó, tôi mới nghĩ đến những nỗi buồn. Và tôi cũng muốn tất cả mọi người hiểu rằng, bất cứ điều gì cũng có thể xảy ra trong cuộc sống, khi đó bạn sẽ cảm nhận tốt hơn những giá trị đang diễn ra với mình …

Nếu bạn đã từng trải qua những nỗi đau thì không có gì đáng nói, nhưng nếu bạn chưa từng trải qua những nỗi đau thì bạn sẽ không thể nào cảm nhận hết được lời khuyên của tôi ở trang sách này: Hãy biến nghịch cảnh thành động lực để chiến thắng nghịch cảnh!

Ngày xưa, nhà tôi rất nghèo. Cha tôi dù cố gắng thế nào cũng không thể cho chúng tôi cuộc sống đầy đủ như người khác. Tôi còn nhớ như in những năm tháng tủi nhục khi gần hết năm học mà cha tôi vẫn chưa có tiền đóng học cho tôi. Dù cha tôi đã đến trường xin khất tiền học, nhưng mỗi ngày đến lớp tôi đều phải trải qua cảm giác “muốn chui xuống đất” vì bị bạn bè, thầy cô khinh miệt. Và hôm nay khi nhắc lại kỉ niệm này trong đầu tôi vẫn còn vang lên câu nói của thầy dạy toán: “Không ai như em …, ăn bánh mà không trả tiền!”. Nước mắt tôi đã không ngừng rơi. Xấu hổ lắm nhưng tôi vẫn bất chấp tất cả để học tốt …

Càng nhục nhã, càng khó khăn tôi càng cố tìm cách vươn lên để chứng minh với mọi người rằng tôi sẽ chiến thắng nghịch cảnh. Rồi sẽ có ngày những người khinh miệt tôi phải thua kém tôi ... Vì xác định như vậy nên tôi mới đứng vững trước “búa rìu dư luận”, tiếp tục phấn đấu để đạt được thành quả ngày hôm nay. Và tôi sẽ còn tiếp tục như thế cho đến khi nằm xuống …

Nhiều người viết sách có những lời lẽ rất hay như “đời thay đổi khi ta thay đổi”, “thay thái độ, đổi cuộc đời” …, nhưng nói thì dễ làm mới khó. Không phải ai cũng có thể vượt qua nghịch cảnh. Bạn phải mạnh mẽ hạ quyết tâm, khép mình vào kỉ luật và không được ngừng phấn đấu … Nhưng để làm được những điều này, trước tiên bạn phải có tính cách cứng rắn. Những người ỉu ỉu, xìu xìu chẳng bao giờ làm được cái gì ra hồn.

Muốn biến nghịch cảnh thành động lực, bạn phải phân tích xem khó khăn mà bạn đang gặp phải là gì. Đó có thể là những khó khăn rất cụ thể hoặc những khó khăn không thấy được. Đối với những khó khăn rất cụ thể, bạn cố gắng tìm ra cách khắc phục chúng. Thông thường, có hai cách vượt qua khó khăn. Đó là tìm cách đi vòng né tránh chúng hoặc nhằm thẳng vào chúng mà xông tới. Nếu chọn cách thứ nhất, có thể bạn sẽ mất nhiều thời gian hơn. Nếu chọn cách thứ hai, bạn cần phải xem mình có chiến thắng được chúng không và chiến thắng chúng bằng cách nào. Bằng cách phá vỡ từng phần khó khăn bạn có thể đạt được mục tiêu nhưng đôi khi điều này là không tưởng, khi đó bạn nên chọn cách thứ nhất hoặc dừng lại hoàn thiện bản thân, tìm thêm sự trợ giúp … Tìm ra những thiếu sót và hoàn thiện bản thân là một trong những cách giúp bạn chinh phục những thử thách. Dù bạn dở tới đâu, bạn vẫn có những ưu thế nào đó có thể tận dụng được. Cùng với đó, bạn phải biết kiên nhẫn chờ đợi đến thời điểm chín muồi, vì để giải được những bài toán khó khăn cần có điều kiện nhất định, nếu chưa đủ điều kiện mà manh động thì khả năng thua nhiều hơn thắng. Vấn đề không phải người khác bỏ xa bạn bao nhiêu, mà là bạn hay họ sẽ là người đến đích, nên đừng xao động nếu nhất thời họ vượt qua bạn. Một trong những cách giúp gia tăng sức mạnh cho bạn nữa là không ngừng học hỏi. Đừng ngại học hỏi bất cứ ai và bất cứ đâu, vì chỉ có học hỏi bạn mới tìm ra “ánh sáng” thoát ra khỏi “đường hầm”. Hãy tìm đến những người giỏi hỏi xin và lắng nghe ý kiến của họ, bởi kiến thức và kinh nghiệm của họ vô cùng quí báu. Mỗi nghịch cảnh đều có tính hai mặt. Nó đem đến rắc rối nhưng cũng đem đến cơ hội cho bạn. Quan sát bằng con mắt tinh tế bạn sẽ nhận ra đâu là cơ hội để chớp lấy thay đổi số phận của mình. Đối với những khó khăn không thấy được, ví dụ những khó khăn về mặt tinh thần, bạn phải “biến đau thương thành sức mạnh”, xem đó là lí do bạn phải sống tốt hơn.

Cuối cùng, dù cho xảy ra bất cứ điều gì, bạn cũng không được đầu hàng nghịch cảnh, bởi nghịch cảnh tạo ra là để thử thách con người chứ không phải là thứ biến con người thành hèn nhát. Nếu không được tôi luyện trong nghịch cảnh, bạn sẽ không thành công hoặc thành công không lớn. Bất cứ ai muốn trở thành người vĩ đại đều phải dũng cảm vượt qua mọi khó khăn.

Còn nhớ những ngày tháng tôi tập kéo xà đơn. Cái xà làm bằng inox nên khi mồ hôi tay ra việc kéo hàng chục cái là việc không hề đơn giản. Nó cứ trơn tuồn tuột. Lúc đó tôi chợt nghĩ: Hay mình đi mua cái găng tay? Nhưng tôi lại tự hỏi: Nếu không có găng tay thì mình sẽ không kéo được hay sao? Bằng sự nỗ lực không ngừng nghỉ, mỗi tháng tăng tiến từng chút một, cuối cùng tôi đã đạt được mục tiêu của mình.

Tôi luôn nhắc nhở mình rằng: Cuộc sống không dễ dàng, thành công chỉ đến với những ai quyết tâm và cố gắng, chính vì vậy, mình không được bỏ cuộc! Hạnh phúc đạt được sau những ngày tháng nỗ lực là thứ vô giá mà không tiền bạc nào mua được!

Bạn có bao giờ nghe đến cái tên Eliud Kipchoge – vận động viên điền kinh vừa lập kỉ lục thế giới nội dung marathon với 2 giờ 1 phút 39 giây?

Hồi còn bé, do nhà nghèo và ở xa, Eliud Kipchoge không có phương tiện đi lại phải đi bộ nhanh để tới trường. Cậu bé năm ấy không biết rằng những kilomet trên đường đi học mỗi ngày dần trở thành nền tảng cho sự nghiệp thi đấu marathon đỉnh cao về sau.

Kipchoge là con út trong gia đình có bốn người con ở Kapsisiywa, một ngôi làng nhỏ ở hạt Nandi. Mẹ anh là giáo viên, còn bố qua đời khi Eliud rất nhỏ. Sau khi rời trường học, Kipchoge giúp đỡ gia đình bằng cách ... đi buôn. Cậu bé mua sữa dê từ những người hàng xóm rồi mang ra chợ bán lại, ăn chênh lệch. Cuộc sống khó khăn, nhưng Kipchoge vẫn đam mê chạy bộ. Niềm đam mê ấy được nuôi dưỡng nhờ nguồn cảm hứng từ Patrick Sang - một đồng hương đáng kính bỏ học ở đại học Texas và sau đó giành HC bạc Olympic, trở về Kapsisiywa tổ chức các sự kiện thể thao. Kipchoge gặp Sang vào năm 2001, khi cậu bé mới 16 tuổi.

Kipchoge nhờ Sang giúp cậu trong việc lên kế hoạch tập luyện. Suốt nhiều tháng, cứ hai tuần một lần, Kipchoge lại tới xin Sang một giáo án tập luyện mới. Để rồi, ngay lần đầu tiên tham gia vào một cuộc đua ở địa phương, Kipchoge giành chiến thắng làm Sang ngạc nhiên. Hai người từ đó gắn bó, duy trì mối quan hệ thầy trò, HLV - VĐV. Sang thậm chí còn cho Kipchoge cả chiếc đồng hồ đeo tay mà ông đang dùng, để học trò có phương tiện căn chỉnh thời gian chính xác khi tập luyện. 

"Khi còn trẻ, bạn luôn mong một ngày mình sẽ trở thành ai đó. Và trong hành trình ấy, bạn cần một người dìu dắt. Không quan trọng người đó là ai, miễn là họ tin vào giấc mơ, hoài bão của bạn. Vì vậy, với tôi, khi thấy một người trẻ tuổi hừng hực đam mê, tôi không làm cậu ấy thất vọng. Tôi giơ tay ra giúp đỡ và nhìn cậu đi lên", Patrick Sang nói trên New York Time về cơ duyên với học trò. Còn Kipchoge thì nói ngắn gọn: "Nếu không gặp anh ấy cuộc đời tôi đã khác!".

Thành tích đầu tiên của VĐV Keyna là tại giải vô địch thế giới năm 2003 trên sân Stade de France, Saint Denis, ngoại ô Paris. Kipchoge giành HC vàng ở cự li 5.000m. Anh khi đó mới 18 tuổi. Anh sau đó nhận HC đồng tại Olympic 2004, HC bạc ở Olympic 2008, đều ở cự li 5.000m.

Khi sự nghiệp đang lên như diều gặp gió, Kipchoge đón nhận hụt hẫng lớn đầu đời tại cuộc tuyển chọn VĐV của Kenya dự Olympic 2012. Dù đứng thứ bảy trong số 5.000 người tham gia, anh vẫn không đủ tiêu chuẩn góp mặt trong đội tuyển quốc gia đi London tranh tài. Kipchoge xem đó là nỗi thất vọng lớn nhất đời anh. Nhưng như tính cách được trui rèn qua  nhiều năm, chân chạy này biến nỗi thất vọng ấy thành nỗ lực mới. Kipchoge quyết định chuyển sang các giải marathon chuyên nghiệp và có bước ngoặt lớn trong sự nghiệp.

Kipchoge luôn chọn lọc khi đăng kí các giải marathon, thường chỉ nhắm tới những giải lớn, uy tín tầm cỡ thế giới. Năm 2013, anh giành chiến thắng trong giải marathon đầu tiên ở Hamburg với thành tích 2 giờ 5 phút 30 giây. Vài tháng sau, Kipchoge về nhì tại Berlin Marathon, chỉ sau Wilson Kipsang, một đồng hương Kenya. Từ đó, Kipchoge bất bại trên mọi đường đua. Tính cả Berlin Marathon 2018 hôm 16/9, anh thắng chín trong chín giải marathon, trong đó bao gồm cả HC vàng Olympic 2016.

Theo phân tích của The New York Times, cách Kipchoge chạy tạo hiệu quả đáng kể. Vai anh hầu như không lắc lư và anh đáp chân bằng mũi. "Khi chạy, tôi cảm thấy rất tốt. Tâm trí tôi rất ổn", Kipchoge nói.

Năm ngoái, trên một đường đua ở Italy, Eliud Kipchoge đặt ra một mốc táo bạo: Chạy full marathon trong thời gian dưới hai tiếng đồng hồ - cột mốc mà con người chưa thể chạm tới. Dự án này do Nike tổ chức và lấy tên gọi "Breaking 2". Dù không đạt được mục tiêu, Kipchoge vẫn kết thúc chặng đua với thành tích 2 giờ 25 giây, nhanh hơn bất cứ VĐV nào trong lịch sử. Nhưng vì nhiều lí do, trong đó có việc sự kiện này không nằm trong hệ thống thi đấu của Liên đoàn Điền kinh Thế giới (IAAF), nên kết quả của Kipchoge không được công nhận. Nhưng nó cho thấy nỗ lực phi thường của chân chạy Kenya khi cố gắng vượt qua bản thân.

"Thời điểm tốt nhất để trồng một cái cây là 25 năm trước. Thời điểm tốt thứ hai là ngày hôm nay", là câu nói của người Do Thái mà Kipchoge tâm đắc. Hôm 16/9/2018, tại Berlin Marathon, chân chạy này đã trồng cây đại thụ cho sự nghiệp của chính anh - khi về nhất, trở thành người chạy full marathon (42,195 km) nhanh nhất thế giới với thành tích 2 giờ 1 phút 39 giây. 

Eliud Kipchoge

Eliud Kipchoge

Thông số trên giúp Kipchoge phá sâu kỉ lục cũ của đồng hương Dennis Kimetto bốn năm trước tới 1 phút 18 giây. Anh chạy 21 km đầu tiên trong 61 phút 6 giây, và mất thêm 60 phút 33 giây để hoàn thành 21 km còn lại. Trên trang web chính thức, ban tổ chức Berlin Marathon 2018 ghi nhận: "Kipchoge về đích với kỉ lục thế giới mới và sẽ được nhớ tới trong hàng thập kỉ tới. Đây là vận động viên chạy marathon hay nhất mọi thời đại".

Mục tiêu của  Kipchoge thời gian tới là bảo vệ chiếc HC vàng Olympic ở Tokyo 2020, và tiếp tục phá các kỉ lục của bản thân. Anh cũng muốn thử sức ở New York City Marathon và đi du lịch thế giới, truyền bá về tình yêu chạy bộ.

Kipchoge có thói quen mỉm cười mọi nơi, dù thân thể đau rã rời. Anh nói, nỗi đau chẳng khác gì một điều mặc định của trí óc. Kipchoge lựa chọn phân tâm bằng những suy nghĩ khác, như niềm vui khi chạy bộ, vạch đích phía trước, và cứ như thế, những cơn đau cũng mất dần.

Những VĐV điền kinh đỉnh cao như Kipchoge luôn bị vướng vào các nghi ngờ doping. Nhưng anh thuộc số hiếm những ngôi sao luôn có kết quả âm tính trong mọi cuộc kiểm tra. Kipchoge tâm niệm luôn muốn giữ các kỉ lục của anh "sạch" và tin rằng thành công chỉ đến từ nỗ lực, tận hiến chứ không bao giờ có đường tắt. 

"Tôi luôn nói với mọi người rằng thành công đơn giản chỉ là chăm chỉ hết sức. Nếu nỗ lực, theo sát những yêu cầu và đặt ưu tiên đúng, bạn thực sự có thể thể hiện mà không cần đi đường tắt. Nếu chọn đường tắt, bạn sẽ chẳng bao giờ có thể tự do", Kipchoge nhấn mạnh.

Con người luôn cần nỗ lực phi thường để đạt thành công vĩ đại!

Trích: Làm chủ số phận - Tác giả Chat Master (Anastar)

Bài liên quan:
1) Cơ hội trong nghịch cảnh

BÌNH LUẬN BẰNG MAIL

BÌNH LUẬN FACEBOOK