BIẾT QUÍ TRỌNG THỜI GIAN

BIẾT QUÍ TRỌNG THỜI GIAN

BIẾT QUÍ TRỌNG THỜI GIAN

02:58 - 02/05/2018

Tôi luôn muốn biết “Bây giờ là mấy giờ?” và cố gắng làm nhiều việc có ích nhất trong thời gian ngắn nhất.

GIÀU CÓ HẠNH PHÚC?
TỪ ƯỚC MƠ ĐẾN HIỆN THỰC
10 thói quen không sửa ngay đời bạn sẽ xuống dốc
Năm 2018, bạn trẻ hãy thay đổi thói qua loa
TIẾN TỪNG BƯỚC VỮNG CHẮC
Biết quí trọng thời gian

Có một câu chuyện như sau:

Có một người rất keo kiệt, lúc nào cũng chắt bóp chẳng dám tiêu gì. Tích cóp cả đời, anh ta để dành được một gia tài lớn. Không ngờ một ngày, Thần Chết đột nhiên xuất hiện đòi đưa anh ta đi. Lúc này anh ta mới nhận ra mình chưa kịp hưởng thụ gì từ số tiền kia. Anh ta bèn nài nỉ:

- Tôi chia một phần ba tài sản của tôi cho Ngài, chỉ cần Ngài cho tôi sống thêm một năm thôi!

- Không được - Thần Chết lắc đầu.

- Vậy tôi đưa Ngài một nửa, Ngài cho tôi nửa năm nữa được không? - Anh ta tiếp tục van xin.

- Không được - Thần Chết vẫn không đồng ý.

Anh ta vội nói:

- Vậy tôi xin giao hết của cải cho Ngài, Ngài cho tôi một ngày cũng được!

- Không được - Thần Chết vừa nói vừa giơ cao lưỡi hái trên tay.

Người đàn ông tuyệt vọng cầu xin Thần Chết lần cuối cùng:

- Thế thì Ngài cho tôi một phút để viết chúc thư vậy!

Lần này Thần Chết gật đầu. Anh run rẩy viết một dòng:

- Xin hãy ghi nhớ: Bao nhiêu tiền bạc cũng không mua nổi một ngày!

Không biết bạn có thói quen xem đồng hồ không chứ lúc nào tôi cũng xem đồng hồ. Một ngày có khi tôi xem đồng hồ hàng trăm lần. Tôi luôn muốn biết “Bây giờ là mấy giờ?” và cố gắng làm nhiều việc có ích nhất trong thời gian ngắn nhất.

Từ khi chúng ta sinh ra đến khi chúng ta chết đi, thời gian chúng ta còn sống trên đời bắt đầu ngắn lại. Lãng phí thời gian là lãng phí cơ hội sống trên đời của bạn. Quản lí thời gian là quản lí cuộc đời của bạn. Làm tốt hoạt động này sẽ giúp bạn đạt được các mục tiêu đề ra. Không ai biết mình được sống bao lâu nhưng người có ý thức về thời gian sẽ cố gắng làm nhiều việc có ích nhất, ngược lại, kẻ ích kỉ chỉ biết sống cho riêng mình. Quan điểm về cuộc sống của họ rất lệch lạc. Họ chỉ muốn ăn uống, chơi bời cho sướng, nói chung là tranh thủ hưởng thụ mọi thứ trên đời. Thật đáng chê trách!

Không có mục đích, lí tưởng sống cao đẹp, bạn sẽ không bao giờ nhận ra giá trị của thời gian, nhưng khi nhận ra giá trị của thời gian mà cơ hội sống không còn nhiều bạn sẽ cảm thấy vô cùng hối hận.

Khi tôi viết đến đây, con tôi chợt hỏi: “Một ngày có rất nhiều bài báo làm sao ba có thể đọc hết chúng?”. Tôi liền trả lời: “Ba chỉ đọc những bài báo mà ba quan tâm!”. Đúng như thế. Thời gian của mỗi người là có hạn, trong khi đó có rất nhiều việc đang xảy ra. Người quí trọng thời gian là người chỉ tập trung vào những gì mình quan tâm nhằm đạt bằng được mục đích của mình! Tôi không có thời gian ngồi nhâm nhi li cà phê ngoài phố, tôi chẳng có thời gian đọc những tin lá cải, thậm chí mỗi phút gọi điện thoại tôi đều cân nhắc điều mình muốn nói … Tất cả hành động, suy nghĩ của tôi đều phục vụ cho một ước muốn duy nhất. Hi vọng tôi sẽ giúp được nhiều người thay đổi cuộc sống của mình theo chiều hướng tốt đẹp hơn khi còn sống trên đời.

Nhiều người biết thời gian là rất quí, thậm chí họ còn nhắc nhở người khác phải tiết kiệm thời gian, nhưng họ lại chưa biết sử dụng thời gian làm sao cho hiệu quả và “kéo” thời gian của họ dài ra như thế nào. Dưới đây là một số cách thức tôi đúc kết được có thể giúp bạn trả lời hai câu hỏi này:

1) Xác định và điều chỉnh mục tiêu. Muốn tiết kiệm thời gian trước khi làm bất cứ việc gì bạn phải xác định mục tiêu mình muốn đạt đến và điều chỉnh mục tiêu sao cho hợp lí nhất. Mục tiêu ấy là gì? Mục tiêu ấy ra sao? Ví dụ, mục tiêu của bạn là viết cuốn sách với nội dung nói về khởi nghiệp, nhưng nội dung ấy chỉ gói gọn vào khoảng 500 – 700 trang. Mục tiêu quá lớn bạn sẽ không làm nổi, mục tiêu quá nhỏ bạn sẽ không phát huy hết năng lực của mình. Nhiều người vướng vào sai lầm là xác định mục tiêu quá chung chung, hay xác định quá nhiều mục tiêu. Ví dụ, viết cuốn sách nói về khởi nghiệp nhưng không định ra số trang để phấn đấu, hoặc đưa ra mục tiêu vừa viết cuốn sách về khởi nghiệp vừa viết nhiều cuốn sách khác.

2) Liệt kê những việc sẽ làm => chỉ chọn những việc cần làm => sắp xếp chúng theo thứ tự => tính toán, phân bổ thời gian => tìm cách rút ngắn thời gian => lên kế hoạch thực hiện ngay. Trong cuộc sống có rất nhiều việc nhưng việc nào không thật  sự cần làm thì hãy bỏ đi, sau đó sắp xếp chúng theo thứ tự quan trọng giảm dần, tính toán xem để hoàn tất mỗi việc cần bao nhiêu thời gian, cuối cùng là tìm cách rút ngắn thời gian dành cho mỗi việc và lên kế hoạch thực hiện chúng ngay. Trong trường hợp không thể thực hiện việc nào như kế hoạch đề ra thì phải lập kế hoạch khác rồi cố gắng thực hiện, nhưng nếu vẫn lỗi hẹn thì nên hủy thực hiện việc đó. Lập kế hoạch thực hiện tức là trả lời câu hỏi “Thực hiện khi nào?”, việc lập kế hoạch thực hiện chẳng có ý nghĩa gì nếu bạn không có ý thức, cố gắng và khả năng. Khi đó bạn phải chấp nhận cuộc sống thụt lùi hoặc giậm chân tại chỗ. Cuộc sống bắt bạn phải chọn lựa. Không có chuyện bạn không thực hiện được mà vẫn tiến lên.

3) Làm những việc quan trọng nhưng chiếm thời gian ít nhất trước. Sắp xếp việc cần làm theo thứ tự quan trọng giảm dần, nhưng khi thực hiện có thể chọn làm những việc quan trọng nhưng chiếm thời gian ít nhất trước. Với cách làm này bạn có thể thực hiện được nhiều việc trong thời gian ngắn nhất.

4) Giao việc cho người khác. Giao việc cho người khác khi mình không đủ thời gian và khả năng thực hiện sẽ tiết kiệm được nhiều thời gian. Tuy nhiên, cách làm này chỉ nên áp dụng khi bạn có thể giám sát, kiểm tra, hướng dẫn … người khác; nếu người được giao không đủ khả năng thực hiện thì kết quả sẽ tồi tệ hơn.

5) Liên tục tìm phương pháp rút ngắn thời gian (cải tiến máy móc …). Mặc dù bạn đã suy nghĩ cách rút ngắn thời gian rồi, nhưng trong quá trình thực hiện vẫn cần suy nghĩ rút ngắn thời gian thêm nữa. Có thời gian là có tất cả. Chính vì vậy, đừng bao giờ hài lòng với chính mình.

6) Nâng cao năng lực làm việc (hành động và suy nghĩ). Năng lực làm việc ảnh hưởng rất lớn đến hiệu suất làm việc. Người có năng lực làm việc lớn sẽ giải quyết được khối lượng công việc lớn hơn, do đó cần phải luôn nâng cao năng lực làm việc của bản thân.

7) Lấy tiền đổi thời gian. Thay vì bạn bỏ ra 20 năm để trồng cây me, bạn có thể bỏ ra vài triệu đồng để mua cây me ấy từ người khác. Bỏ tiền ra mua thời gian của người khác là cách làm rất khôn ngoan.

8) Thay đổi thói quen cũng là một cách tiết kiệm thời gian. Hàng ngày bạn phải thực hiện nhiều công việc thường xuyên, đôi khi thay đổi, rèn luyện thói quen giúp bạn rất nhiều trong việc tránh lãng phí thời gian. Đừng cứng nhắc mà hãy uyển chuyển vì cuộc sống cần như vậy!

9) Tần suất làm việc. Làm việc quá ít là không tốt nhưng làm việc quá nhiều đôi khi hiệu quả cũng kém đi. Phải biết lúc nào cần làm việc hết mình, lúc nào cần nghỉ ngơi thư giãn. Có làm, có nghỉ thì mới chạy bền.

Trích sách Cẩm nang khởi nghiệp - Tác giả Chat Master (Anastar)

*Tải Phần A - Hiểu biết để khởi nghiệp thành công

>> Ý thức về thời gian

BÌNH LUẬN BẰNG MAIL

BÌNH LUẬN FACEBOOK