Điều kiện và hoàn cảnh của người khởi nghiệp
13:11 - 20/11/2019
Theo kinh nghiệm cá nhân tôi thì người khởi nghiệp dễ thành công khi khởi nghiệp vào đúng thời điểm các điều kiện chủ quan và khách quan đều thuận lợi, hoặc gần như thuận lợi, hoặc có cái thuận lợi có cái không thuận lợi nhưng có thể khắc phục được.
TỪ ƯỚC MƠ ĐẾN HIỆN THỰC
10 thói quen không sửa ngay đời bạn sẽ xuống dốc
Năm 2018, bạn trẻ hãy thay đổi thói qua loa
TIẾN TỪNG BƯỚC VỮNG CHẮC
Tôi nhận thấy hoàn cảnh và điều kiện ảnh hưởng rất lớn đến khả năng và tốc độ khởi nghiệp, chính vì vậy, tôi viết chuyên mục này để giúp những người khởi nghiệp có cái nhìn thấu đáo hơn, cũng như tìm ra cách vươn lên nếu hoàn cảnh, điều kiện của mình không cho phép.
Mặc dù hoàn cảnh và điều kiện rất quan trọng nhưng để khởi nghiệp thành công trước tiên bạn cần phải có tri thức về con đường mình đi, vì lí luận chỉ đạo thực tiễn, cho nên nếu bạn không có tri thức tốt bạn sẽ hành động sai, từ đó dẫn đến thất bại. Do vậy, khi muốn khởi nghiệp ở bất cứ lĩnh vực nào hãy tìm hiểu lĩnh vực đó thật kĩ, thậm chí phải đi thực tế, làm thử sao cho chắn chắn hướng đi ấy là đúng, cách làm ấy là hoàn hảo mới quyết định làm thật.
Tôi là nhà kinh doanh nhưng tôi không hề giấu giếm kiến thức về kinh doanh, nếu bạn nào muốn học thì cứ tìm cách liên lạc với tôi, nhưng nói trước là tôi chỉ dành thời gian cho bạn nào thật sự cầu thị.
Sau khi có tri thức đầy đủ về con đường mình đi, bạn hãy xem xét đến hoàn cảnh, điều kiện coi mình có đi được con đường đó hay không. Có hoàn cảnh không cho phép bạn đi con đường ấy, nếu cứ cố đi bạn sẽ thất bại hoặc gặt hái thành công không lớn. Trong trường hợp đó nếu bạn có chí bạn có thể tìm cách thay đổi hoàn cảnh sống. Một trong những cách thay đổi hoàn cảnh sống hay là đổi chỗ ở. Muốn giải bất cứ bài toán nào cũng cần có đủ điều kiện, nhưng bài toán làm giàu hoàn toàn khác bài toán trên sách vở. Nếu bạn không đủ điều kiện khởi nghiệp, bạn có thể chuẩn bị cho đủ hoặc thay đổi cách thức, lộ trình … khởi nghiệp. Trong trường hợp xét thấy mất quá nhiều thời gian mới đạt được mục đích bạn có thể thay đổi con đường đi hoặc lựa chọn dự án (làm giàu) khác. Hầu hết người khởi nghiệp phù hợp với vài con đường hoặc dự án. Đừng cho rằng mình chỉ phù hợp với duy nhất một con đường hoặc dự án nào đó. Cố chấp như thế bạn không thể khá hơn. Tuy nhiên, sẽ có con đường/dự án phù hợp với bạn hoặc bạn thích hơn cả, nhưng hoàn cảnh, điều kiện không cho phép bạn nhanh chóng đạt được ước mơ. Lúc đó bạn nên xem con đường/dự án phù hợp với bạn hoặc bạn yêu thích nhất là con đường/dự án mình phải phấn đấu suốt đời hoặc việc theo đuổi nó là niềm vui của bạn, và hãy chọn vài con đường/dự án khác thực hiện song song để làm nguồn nuôi. Trong cuộc sống không phải lúc nào cũng muốn là được. Bạn phải chấp nhận và sống chung với rất nhiều điều bạn không hài lòng.
Theo kinh nghiệm cá nhân tôi thì người khởi nghiệp dễ thành công khi khởi nghiệp vào đúng thời điểm các điều kiện chủ quan và khách quan đều thuận lợi, hoặc gần như thuận lợi, hoặc có cái thuận lợi có cái không thuận lợi nhưng có thể khắc phục được. Trên thực tế có rất ít trường hợp các điều kiện chủ quan và khách quan đều thuận lợi, chính vì vậy, bạn phải tìm cách khắc phục hoàn cảnh. Người khởi nghiệp thông minh và bản lĩnh là người có thể tìm ra cách biến hoàn cảnh từ gần như thuận lợi thành thuận lợi (nếu hoàn cảnh quá bất lợi e rằng người giỏi nhất cũng phải bó tay, trong trường hợp đó bạn nên tiếp tục chuẩn bị và chờ đợi). Phải có ý nghĩ “khởi nghiệp là phải thành công” (dù điều đó có thể không đạt được) để bắt mình khắt khe hơn với những quyết định. Tuyệt đối không nên khuyến khích mình khởi nghiệp bằng suy nghĩ “khởi nghiệp thất bại cũng được”. Tại sao phải khởi nghiệp thất bại? Tại sao phải trả giá khi mình không có nhiều thời gian sống trên đời? Ai có suy nghĩ như thế tôi dám cam đoan kết quả thu về chẳng ra gì. Khởi nghiệp tùy tiện là cách làm của những kẻ thiếu trách nhiệm, ngu dốt.
Khi hoàn cảnh và điều kiện chủ quan và khách quan thuận lợi nhưng năng lực, phẩm chất … của người khởi nghiệp chưa đáp ứng nhu cầu khởi nghiệp, người khởi nghiệp có thể tìm cách học hỏi dưới mọi hình thức, xin ý kiến của các chuyên gia hoặc tìm thầy tầm sư học đạo … để bổ khuyết. Trong trường hợp này, bạn nên tìm những người tài giỏi để hợp tác, học hỏi, tuyển dụng … Con người là yếu tố quyết định sự thành bại của bạn.
Khi hoàn cảnh và điều kiện chủ quan và khách quan thuận lợi nhưng bạn chưa tìm ra ý tưởng kinh doanh, vướng mắc này có thể là rào cản khiến bạn không thể khởi nghiệp được, hoặc khởi nghiệp thất bại vì nghĩ ra ý tưởng kinh doanh chẳng ra gì. Nhiều người coi thường việc nghiên cứu tìm ra ý tưởng kinh doanh, họ cho rằng có thể tìm kiếm những thông tin này trên mạng. Những người đó đã lầm vì cho dù họ có thể tìm thấy ý tưởng kinh doanh trên mạng họ cũng không biết cách thực hiện nó ra sao, bởi đã gọi là ý tưởng kinh doanh thì phải giải quyết được hai vấn đề là “Làm cái gì?” và “Làm thế nào?”. Bạn có thể biết “Làm cái gì?”, nhưng bạn không thể biết “Làm thế nào?” nếu không hỏi chính người nghiên cứu tìm ra ý tưởng kinh doanh đó, vì họ là người hiểu ý tưởng hơn ai hết. Lời khuyên cho bạn trong trường hợp này là nên tìm cách kết thân với người nghiên cứu tìm ra ý tưởng kinh doanh để nghe chính người ấy trình bày. Nếu xét thấy đó đúng là một ý tưởng kinh doanh đáng giá thì hãy tìm cách mua lại hoặc hợp tác cùng thực hiện. Người khôn ngoan là người biết trọng dụng nhân tài, đừng chơi trò cướp công người khác vì như vậy sẽ không có cái kết tốt đẹp đâu.
Cuối cùng, hoàn cảnh và điều kiện ảnh hưởng rất lớn đến sự thành bại của người khởi nghiệp, nhưng nhiều người khởi nghiệp đánh giá sai hoàn cảnh và điều kiện của mình. Một phần do họ thiếu tri thức, một phần do họ chỉ nhìn nhận ở khía cạnh nào đó … Cho rằng đó là khuyết điểm khi nó là ưu điểm hay ngược lại sẽ ảnh hưởng rất lớn đến quyết định kinh doanh của bạn. Bạn phải hiểu rằng: Phân tích là nền tảng của quyết định. Nếu phân tích sai bạn sẽ ra quyết định không đúng, từ đó dẫn đến hành động đáng tiếc. Hậu quả không chỉ mình bạn gánh chịu mà kéo theo rất nhiều người. Chính vì vậy, cần nghiên cứu, suy nghĩ, học hỏi … nhiều hơn trước khi ra quyết định. Thà mất nhiều thời gian nghiên cứu, suy nghĩ, học hỏi … trước khi ra quyết định còn hơn là quyết định thiếu chính xác.
Trích Cẩm nang khởi nghiệp - Chat Master (Anastar)
Tải về Phần A (Chương 1) - Hiểu biết để khởi nghiệp thành công