KIÊN TRÌ LÀM VIỆC LÀ GỐC RỄ CỦA THÀNH CÔNG
11:12 - 02/05/2018
Kiên trì làm việc là đức tính vô cùng quí báu của con người. Nó là gốc rễ của mọi thành công. Dẫu biết rằng kiên trì phải kết hợp với nhiều yếu tố khác mới thu được kết quả khả quan, nhưng muốn thành công trong bất cứ công việc nào trước tiên bạn phải có đức tính kiên trì.
TỪ ƯỚC MƠ ĐẾN HIỆN THỰC
10 thói quen không sửa ngay đời bạn sẽ xuống dốc
Năm 2018, bạn trẻ hãy thay đổi thói qua loa
TIẾN TỪNG BƯỚC VỮNG CHẮC
Do sinh trưởng trong gia đình nghèo khổ, từ nhỏ tôi đã phải phụ giúp cha mẹ làm nhiều việc. Từ việc nhỏ đến việc lớn cha mẹ đều giao cho tôi làm. Làm riết tôi quen dần với lao động, từ đó xem lao động là chuyện rất đỗi bình thường; là bổn phận, trách nhiệm của con người khi sống trên đời. Bạn nào trưởng thành trong lao động, có tư tưởng xem lao động là gốc rễ của mọi thứ có nhiều khả năng khởi nghiệp. Trong đó mức độ kiên trì trong lao động là cơ sở đoán biết ai có thể khởi nghiệp thành công, thành công ở mức độ nào.
Kiên trì làm việc là đức tính vô cùng quí báu của con người. Nó là gốc rễ của mọi thành công. Dẫu biết rằng kiên trì phải kết hợp với nhiều yếu tố khác mới thu được kết quả khả quan, nhưng muốn thành công trong bất cứ công việc nào trước tiên bạn phải có đức tính kiên trì. Không có đức tính kiên trì bạn chỉ là kẻ tầm thường. Đừng cố chứng minh rằng bạn sẽ ra sao trong tương lai khi một chút kiên trì bạn cũng không có.
Trong mấy anh em trong nhà thì tôi là thằng kiên trì nhất. Nhiều lúc tôi tự hỏi: Tại sao cùng cha mẹ sinh ra, giáo dục … mà phẩm chất mỗi người mỗi khác? Phẩm chất sản sinh ra năng lực. Dù ban đầu tôi là người dở nhất, nhưng hiện tại lại hoàn toàn ngược lại. Đức tính kiên trì đã giúp tôi đạt được hết thành công này đến thành công khác. Nó đã đưa tôi từ một “kẻ không ra gì” thành một người được người khác tôn trọng, yêu thương. Tôi thường tự hào mình đã vươn lên bằng chính nghị lực của mình.
Đức tính kiên trì không sản sinh tự phát mà được hình thành từ quá trình lao động có mục đích, phương pháp, kỉ luật … Trước khi làm bất cứ việc gì tôi đều đi tìm hiểu; đề ra mục tiêu; phác thảo các hạng mục cần làm chi tiết, trình tự; đưa ra giải pháp; nghiêm túc thực hiện … Nếu công việc khó quá tôi sẽ hình dung ra những khó khăn, nguy hiểm … mà mình phải đối mặt. Việc hình dung này không phải để khiếp sợ mà để hạ quyết tâm cao hơn, tìm ra phương pháp tối ưu hơn chinh phục chúng. Điều khó khăn nhất khi bắt tay vào thực hiện kế hoạch đã đề ra đó là làm sao để duy trì nhiệt huyết, nhịp độ làm việc trên đường đi khi gặp nhiều cản trở. Khi đó bạn phải có phương pháp khích lệ mình, cũng như vượt qua khó khăn mới có thể tiếp tục tiến bước. Một trong những cách khích lệ mình hiệu quả nhất chính là thường xuyên nhắc nhở mình về mục tiêu và tiến độ công việc. Nhiều người tự thưởng cho mình món quà vật chất gì đó khi đạt được mục tiêu nhỏ (ở từng giai đoạn), riêng tôi, tôi chẳng cần gì cả! Tôi chỉ vui khi những gì đề ra đạt được, giúp ích được nhiều người khác. Bên cạnh đó, còn một lí do khác là tôi thích làm việc, thích làm điều ấy. Một trong những cách vượt qua khó khăn tốt nhất là nhìn thẳng vào khó khăn để tìm ra nguyên nhân gây ra khó khăn ấy, từ đó đưa ra phương pháp giải quyết nó. Mọi khó khăn đều dễ dàng vượt qua nếu bạn biết chia nhỏ rồi “đánh chiếm” từng “đơn vị” một. Đã gọi là khó khăn thì phải có cách giải quyết, còn không giải quyết nổi là bế tắc chứ không phải là khó khăn.
Gần đây tôi có đọc được tin tức trên một bài báo nói rằng một anh chàng vì hận vợ ngoại tình mà giết hai con nhỏ rồi tự tử. Chuyện xảy ra nếu không thể cứu vãn nổi thì cách tốt nhất là không cứu vãn nữa. Hãy để người vợ ra đi còn mình nuôi hai con nhỏ. Tình yêu mình vẫn dành cho con và người xứng đáng hơn (nếu có). Cớ gì phải hủy hoại đi bản thân mình và hai con khi kẻ kia có lỗi?
Tôi còn nhớ cái thời tôi chưa có nhà, việc đầu tiên tôi hỏi mình là liệu mình có thể mua nhà hay không. Khi trả lời là có, tôi bèn tìm cách đạt bằng được mục tiêu ấy. Đầu tiên tôi để dành tiền. Cố gắng nhiều năm trời tôi mới để dành được hơn hai trăm triệu đồng. Thế là tôi mua một miếng đất nhỏ. Bán miếng đất nhỏ ấy tôi lại mua hai miếng đất nhỏ khác. Bán hai miếng đất nhỏ đó tôi lại mua ba miếng đất nhỏ nữa … Cuối cùng tôi mua được nhà.
Đức tính kiên trì giống như máu chảy trong cơ thể. Nó âm ỉ chảy hoài và chỉ ngừng khi bạn chết đi. Khởi đầu làm bất cứ công việc gì có thể dễ, nhưng theo đuổi công việc ấy đến cùng là việc rất khó. Thật ra khả năng của con người không có giới hạn, có giới hạn chăng là do bạn đặt ra giới hạn ấy. Nếu mục tiêu mình có thể đạt được thì phải kiên trì đạt bằng được, còn nếu mục tiêu ấy quá xa vời với mình thì đó không phải mục tiêu của mình nữa. Ví dụ mục tiêu trúng tiền tỉ bằng cách mua vé số. Về lí thuyết mà nói thì nếu bạn mua vé số đến lần thứ n bạn sẽ trúng, nhưng tôi sợ đến lúc đó bạn đã … chết rồi. Bạn phải phân biệt đức tính kiên trì có hướng đích và đức tính kiên trì “đâm đầu vào đá”. Người cố “đâm đầu vào đá” khi mục tiêu đó mình không thể đạt được chỉ làm khổ mình và người khác. Người như vậy là kẻ liều mạng ngu dốt chứ không phải người kiên trì khôn ngoan.
Để đạt được mục tiêu trong thời gian ngắn nhất bạn phải huy động được nguồn lực từ nhiều người khác, chứ không phải một mình gánh vác. Chuyện làm sao để huy động được nguồn lực từ nhiều người khác phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Muốn trở thành doanh nhân thành đạt bạn phải tìm ra cách giải quyết vấn đề nhức đầu này.
Tôi có quen một người mở trang trại nuôi gà công nghiệp lấy trứng. Cả trang trại rộng lớn nuôi hàng nghìn con gà mà anh ta không mướn một người. Suốt ngày anh ta ở trong trang trại chỉ để cho gà ăn, hốt phân và lượm trứng … Khi được tôi khuyên làm như vậy là không nên, anh ta đưa ra đủ lí do để từ chối mướn người. Mỗi chúng ta chỉ có 24 giờ một ngày. Không phải tôi khuyên bạn nên mướn người, mà việc nào cần người thì nên mướn. Nếu người chủ có thể làm nhiều việc quan trọng hơn để doanh nghiệp phát triển, mà lại cắm đầu vào những việc chỉ cần lao động phổ thông thì phí hoài tài năng của người chủ đi. Kiên trì theo đuổi công việc nào đó không có nghĩa bạn phải đích thân xử lí công việc ấy khi bạn có thể dùng người, còn mình làm việc khác đem lại hiệu quả hơn.
Khi kiên trì phải hiểu qui luật lượng – chất. Trong mối quan hệ giữa chất và lượng thì chất là mặt tương đối ổn định, còn lượng là mặt biến đổi hơn. Sự vận động và phát triển của sự vật bao giờ cũng bắt đầu từ sự thay đổi về lượng. Song không phải bất kì sự thay đổi nào về lượng cũng dẫn đến sự thay đổi về chất ngay tức khắc, mặc dù bất kì sự thay đổi nào về lượng cũng ảnh hưởng đến trạng thái tồn tại của sự vật. So với lượng thì chất thay đổi chậm hơn. Chỉ khi nào lượng biến đổi đến một giới hạn nhất định (độ) thì mới dẫn đến sự thay đổi về chất, sự vật không còn là nó nữa, sự vật mới ra đời thay thế nó. Khi kiên trì chưa đủ mà cứ đòi “thành tiên” thì khác nào bạn chẳng hiểu gì về kiên trì.
Hồi tôi mới đưa ra ý tưởng viết cuốn Cẩm nang khởi nghiệp, một số người cho rằng đó là điều vớ vẩn, nhưng khi cuốn sách hoàn thành bạn thấy nó thế nào?
Khi bắt tay vào thực hiện bất cứ công việc gì, chỉ có người thực hiện là hình dung rõ nét nhất công việc ấy sẽ được tiến hành ra sao, kết quả đạt được sẽ như thế nào … Những kẻ ngồi ngoài chỉ là “ếch ngồi đáy giếng”. Chính vì vậy, bạn đừng quá bận tâm những kẻ ấy nói gì. Khen cũng được mà chê cũng không sao. Việc của bạn, bạn cứ làm vì đa số là những kẻ đố kị, còn người tốt họ sẽ đưa ra lời khuyên, đóng góp ý kiến…
Trên thế gian này biết bao nhiêu là việc khó. Chẳng việc nào có thể đạt được dễ dàng lại đến lượt bạn. Bạn nên hiểu điều này trước khi bắt tay vào khởi nghiệp. Nếu bạn không kiên trì thì đừng mơ có ngày thành công!
Trích sách Cẩm nang khởi nghiệp - Tác giả Chat Master (Anastar)
* Tải về Phần A - Hiểu biết để khởi nghiệp thành công để đọc thử cuốn Cẩm nang khởi nghiệp.
* Bạn nào có ý định tham khảo toàn bộ cuốn sách, xin vui lòng liên hệ với chúng tôi theo các địa chỉ email sau: (1) contact@anastar.vn;(2) anastar1512@gmail.com; hoặc BẤM VÀO link đăng kí nhận sách tham khảo sau đây: http://bit.ly/DangKiNhanSach