Làm sao để tư duy sâu sắc một vấn đề?
01:35 - 11/03/2019
Làm thế nào để tư duy sâu sắc một vấn đề và từ đó xác định vấn đề đó là đúng hay sai để giải quyết là hai nội dung chính được thảo luận qua câu hỏi và câu trả lời dưới đây. Mời các bạn cùng tìm hiểu qua bài viết này.
*Ảnh: Jacek Yerka (Họa sĩ tranh siêu thực người Ba Lan)
TỪ ƯỚC MƠ ĐẾN HIỆN THỰC
10 thói quen không sửa ngay đời bạn sẽ xuống dốc
Năm 2018, bạn trẻ hãy thay đổi thói qua loa
TIẾN TỪNG BƯỚC VỮNG CHẮC
CÂU HỎI:
Chào chú Chat Master!
Làm thế nào để tư duy sâu một vấn đề để biết đấy là đúng hay sai?
Có một chuyện cháu đang phân vân xin chú cho cháu ý kiến. Việc kinh doanh đó có thể bắt đầu ở quê cháu được không nhỉ?
Bố mẹ cháu có căn nhà để không, giá trị bằng 1/20 ngôi nhà bố mẹ chồng cháu, nếu về đây thì cháu bắt đầu từ con số 0. Ở quê cháu người ta cũng không có ăn xài nhiều, muốn khá có phải nên ở Sài Gòn? Chồng cháu là người tốt bụng nhưng anh an phận và không giỏi xoay sở giao tiếp hay buôn bán, anh chỉ có chút khiếu về kĩ thuật và sau này sẽ phụ giúp cháu. Cháu phải lo kinh tế thôi. Gia đình chồng cháu có một chồng cháu là con trai, có 3 cô em chưa lấy chồng, còn 2 chị chồng thì đem chồng về nhà ở. Bố mẹ chồng cháu ngoài 70 tuổi rồi, mẹ vẫn lo việc nhà vì không có ai đụng chân tay vô làm bất cứ việc gì (vì đã quen như vậy, mẹ chồng cháu giành làm hết, vì mẹ chồng cháu cả đời không phải lo kiếm tiền, chỉ lo việc chăm con cái vì đã có tiền thuê nhà). Trước mắt 2 vợ chồng cháu không phải lo tiền ăn, ở Sài Gòn điều kiện tốt hơn cho con cái nữa, với lại để trở thành doanh nhân thành đạt. Cháu ở đó thì không biết là có thể phát triển được không hay phải gánh vác vì hoàn cảnh gia đình như vậy, cháu chỉ là con dâu, mặc dù muốn ở Sài Gòn nhưng cháu sợ. Cháu thật sự rất phân vân, về quê thì cháu ở riêng liền muốn làm gì thì làm và có sự giúp đỡ qua lại của bố mẹ ruột cháu và dĩ nhiên con cháu chẳng được gì từ nhà chồng cháu, chính bố mẹ cháu cũng hơi xấu hổ vì tưởng gả con được chỗ tốt hàng xóm người ta cũng nói ra vào. Bây giờ cháu nên thế nào? Cháu thích ở Sài Gòn vì cháu nghĩ có điều kiện cho cháu hoàn thiện bản thân để trở thành doanh nhân nhưng cháu không biết có cố gắng nổi không, vì cháu cũng hơi yếu đuối về mặt tình cảm, nếu cháu phải gánh vác gia đình thì cháu có nhẫn nhịn cả cuộc đời để sống vì chồng con được không? Cháu sợ không làm được, bản tính cháu hơi kiêu, phải khẳng định bản thân nếu không thì không ngẩng mặt lên với đời được!
Cháu muốn hoàn thiện bản thân để trở thành doanh nhân đúng nghĩa, không phải thương lái, không phải giàu mà dốt,….
T
TRẢ LỜI:
Chào cháu!
Thật sự không biết cháu trình độ học vấn thế nào, cháu đã biết sử dụng internet lâu chưa, và khả năng giao tiếp của cháu tới đâu, nhưng chú phải cố gắng lắm mới có thể sửa và đọc hết lá thư cháu viết (dù nó chỉ có mấy dòng ngắn ngủi). Chú tính để nguyên văn đưa lên web, nhưng nếu để vậy chắc rất ít người đọc hiểu cháu đang muốn hỏi cái gì, nên chú đành sửa lại lỗi chính tả. Một lá thư trình bày thiếu khoa học, lời văn rối rắm, sai hàng chục lỗi … cho thấy cháu là một người còn rất nhiều thiếu sót. Chính vì vậy, chú nghĩ những gì chú trả lời phần lớn là giúp cháu trấn an về mặt tâm lí, một phần nhỏ chỉnh sửa cách suy nghĩ, còn vấn đề giúp cháu thành đạt e rằng khó hơn mò kim đáy biển. Cháu còn thiếu nhiều quá, muốn đạt được mục tiêu e rằng phải nỗ lực lớn. Mà làm sao có thể cho cháu “lột xác” trở thành con người mới khi mọi thứ dường như đã ăn sâu vào máu thịt cháu rồi!
Làm thế nào để tư duy sâu một vấn đề để biết đấy là đúng hay sai? Trước tiên chú trả lời vế thứ nhất “Làm thế nào để tư duy sâu?”: Hồi những năm cấp hai chú học toán chỉ ở mức trung bình, sang năm cấp ba chú quyết tâm phải học thật giỏi môn này để thi vào đại học. Nhiều lúc ngồi suy nghĩ để giải một bài toán chú chỉ có thể suy nghĩ tới đó mà không suy nghĩ hơn được, chú cũng tự hỏi mình câu này. Rồi khi chú đi học võ, để chiến thắng một bạn trên võ đài chú cũng hỏi mình làm sao để tập trung sức lực. Nay với tất cả những gì chú đã trải qua, sự nghiền ngẫm về cuộc đời, tri thức, chú sẽ cho cháu câu trả lời. Để có thể tư duy sâu giải quyết một vấn đề, cháu cần các yếu tố cơ bản sau:
1. Cháu phải nắm được các qui luật suy nghĩ của con người (các môn triết học, logic học, lí luận học, khoa học tự nhiên … cung cấp cho cháu điều này), am hiểu nhất định về các môn khoa học liên quan (các môn tâm lí học, xã hội học, thẩm mĩ học … cung cấp cho cháu điều này).
2. Sau khi có tri thức của các môn khoa học soi đường, việc thứ hai cháu phải làm là có một khối lượng thông tin đủ phong phú để giải quyết vấn đề. Khi lượng thông tin không đủ hay khiếm khuyết, sẽ làm cháu nhìn nhận vấn đề thiếu sự chính xác. Nói chung, cả về lí thuyết lẫn thực tế cháu phải tích lũy được một lượng thông tin khá phong phú.
3. Dù nắm các qui luật suy nghĩ, có khối lượng thông tin đủ lớn, cháu cũng chưa đủ để vận dụng thành công khi trong đầu cháu các thứ ấy được sắp xếp rất hỗn loạn. Cháu phải làm sao cho đầu óc mình giống như một cái tủ, cái gì cất ở đâu thì cất ở đó, khi cần lấy cái nào ra nhưng cái khác vẫn không đụng tới. Cháu cũng phải làm sao cho đầu óc mình giống như một cái máy tính, có thể truy cập một lúc nhiều file dữ liệu rất nhanh chóng để tập trung giải quyết vấn đề. Nói về vấn đề này có rất nhiều phương thức tập luyện, và chỉ có khổ luyện trường kì mới đạt đến trình độ thượng thừa (chú sẽ chỉ trong một bài viết khác). Cháu cũng phải làm sao cho đầu óc mình giống như một cuốn sách, có nghĩa là những thông tin được cháu mã hóa thành các câu văn chính xác và dễ hiểu. Có những người học rất cao song không nói được một câu ý nghĩa lúc cần thiết, sở dĩ như vậy là do họ không biết cách diễn đạt ngôn từ. Mà điều này sẽ làm cho ta không thể suy nghĩ sâu được. Ví dụ, chú muốn trả lời cháu chú phải tách câu hỏi của cháu ra làm hai vế, điều đó cho thấy đầu óc chú rất tỉ mỉ. Một người đầu óc khoa học, chính xác thì khó ai có thể bắt bẻ được! Có những người viết cả bức thư dài nhưng đọc không ai hiểu, trong khi cũng có người chỉ nói một câu ai cũng hiểu hết. Muốn hành văn dễ hiểu thì nên dùng câu đơn nhiều hơn là câu ghép. Có những người lại thích dùng từ dao to búa lớn, trong khi có người chỉ dùng những từ đơn giản để diễn tả ý của mình. Cho nên khi giao tiếp phải trả lời được ba câu hỏi: Nội dung là gì? Đối tượng là ai? Cách thức như thế nào? Khi cháu suy nghĩ, trong đầu cháu sẽ ráp nối các khái niệm rời rạc lại với nhau để thành một cấu trúc có nghĩa, nếu cháu không có kĩ năng này thì việc cháu suy nghĩ sai là rất dễ xảy ra. Thông thường cháu không thể hiểu được người khác tốt nếu cháu không có khả năng diễn đạt tốt ý của mình. Để hiểu ý một câu người ta phải giải thích ý từng từ, mỗi từ là một khái niệm về thế giới xung quanh, cháu giải thích sai từ cũng làm cho cháu hiểu vấn đề theo hướng khác. Ngoài ra, đã là con người ai cũng có cái tôi, cái ích kỉ, với những người bình thường thì họ thường hiểu vấn đề theo ý họ muốn, hay bằng tri thức của họ. Chỉ có những người được rèn luyện và có ý thức cải tạo bản thân ghê gớm lắm, mới có thể nhìn nhận vấn đề ở nhiều khía cạnh khách quan hơn.
4. Một vấn đề nữa cần xem xét là bản thân và hoàn cảnh của chủ thể khi suy nghĩ. Ai cũng có một tư chất, thể trạng, tâm sinh lí, tính cách, sự giáo dục, lí tưởng, đạo đức …, hoặc chịu sự chi phối của ngoại cảnh khác nhau, những điều này làm nên sự khác biệt trong suy nghĩ mỗi chúng ta.
5. Và cuối cùng là sự khổ luyện, từng trải của bản thân mỗi người. Cùng nhau nói về mẹ, nhưng người nào bị mất mẹ sự cảm nhận về mẹ sẽ khác người chưa mất. Cùng nhau bàn về việc buôn bán quần áo, nhưng người đã đi buôn lậu sẽ bàn khác người mở công ty dệt. Vậy ai là người suy nghĩ đúng đây?
Bây giờ chú mới trả lời vế thứ hai “để biết đấy là đúng hay sai?”: Khi cháu học ở trường, các thầy cô dạy cháu rằng 1 + 1 = 2, nhưng ra ngoài cuộc sống ý nghĩa đúng sai dường như không tồn tại! Khi ta nói một người làm đúng, tức là đúng theo ý ta, chúng ta tự cho điều đó là đúng chứ thật ra nó có đúng hay không? Mọi người hay nhầm lẫm giữa khái niệm “đúng” trong sách vở và khái niệm “phù hợp” ngoài cuộc sống. Nói đến đây sẽ có một số người cho chú là nói sai. Tại sao họ lại nghĩ như vậy cháu có biết không? Tại vì chú nói không “phù hợp” với những gì mà họ tiếp thu được. Thay vì cháu nói chú nói “phù hợp”, thì cháu dùng từ “đúng”, vì đơn giản tại cháu quen và mọi người vẫn hay nói như vậy. Ý nghĩa đúng sai ngoài cuộc sống rất tương đối, chính vì vậy nhân loại luôn luôn đấu khẩu nhau hàng ngày. Nói đến đây có thể làm cháu hoang mang, hồi chú bằng tuổi cháu nhận thức ra điều này cũng hoang mang không kém. Nhưng sự hoang mang này không tồn tại lâu bởi chú đã tìm ra được một khái niệm “đúng” cho riêng mình. Khi chú nói “đúng” và nghĩ rằng mình “đúng” tức là điều đó đang được suy nghĩ và hành động phù hợp với hoàn cảnh của đối tượng. Khái niệm “đúng” ở đây chính là “đúng trong hoàn cảnh của đối tượng nào đó”. Khi suy nghĩ tách rời hoàn cảnh đối tượng sống là cháu đang mắc phải một sai lầm lớn trong nhận thức! Chính vì vậy, nhiều người khi học lịch sử đưa ra nhận xét này nọ mà không xem xét hoàn cảnh bấy giờ, đều là những người chưa phân biệt được khái niệm đúng sai!
Trong con mắt của cháu nếu không có tiền là không có gì cả, chính vì vậy mà cháu mới nói “Bố mẹ cháu có căn nhà để không, giá trị bằng 1/20 ngôi nhà bố mẹ chồng cháu, nếu về đây thì cháu bắt đầu từ con số 0”. Căn nhà không là một nguồn vốn để cháu bắt đầu sao? Nếu cháu suy nghĩ như vậy, e rằng khó tìm được cơ hội đi lên cho mình và người khác. Trong con mắt cháu chỉ nhìn thấy thị trường là những người hàng xóm, nên cháu mới nói rằng họ không ăn xài nhiều thì cháu không bán hàng được. Đọc câu này chú chợt nghĩ đến câu chuyện “Con cóc ngồi đáy giếng”. Khi con cóc ngồi dưới đáy giếng thì ngước mặt lên nhìn chỉ thấy trời bé bằng cái vung. Kiến thức cháu về thị trường còn hạn hẹp quá! Hiện nay có rất nhiều người lên Đà Lạt mua hoa, lên Bảo Lộc lấy trà, xuống Vĩnh Long thu gom trái cây …, và những người dân ở các vùng quê nghèo đã biết cách vươn mình ra biển lớn. Tại sao cháu lại nghĩ rằng ở quê thì không làm giàu nổi?
Cháu cứ luôn xem mình là vị cứu tinh cho gia đình, lo kinh tế về sau và chồng cháu chỉ phụ cháu thôi. Ừ thì đây cũng không phải ý nghĩ xấu và sai, điều này cũng tốt thôi, nhưng cháu có cơ sở gì để đảm bảo cho điều này sẽ xảy ra? Cho con cái ở Sài Gòn thì điều kiện về học hành, chăm sóc sức khỏe có khá hơn, tuy nhiên, suy nghĩ này không hẳn là đúng. Muốn biết đúng hay sai, cháu nên về quê xem xét lại các cơ sở vật chất. Liệu ở đó có trường cho con học hết cấp ba hay không? Có bệnh viện hay không? Chú thấy việc giáo dục những năm trước đại học hầu như chương trình trên cả nước đều giống nhau, ở quê thì học sinh không được học thêm một số phương pháp giải mới thôi. Nếu cháu biết cách dạy và bồi dưỡng cho con thì con cháu vẫn giỏi như thường. Lấy ví dụ là chú, chú cũng chỉ học ở trường làng, vậy mà đi nước ngoài như đi chợ đấy thôi. Chú thấy hầu như doanh nhân thành đạt ít ai học giỏi xuất sắc, mà họ chỉ giỏi dùng người khác. Học trong trường lớp, sách vở chưa đủ đâu cháu à!
Theo như chú nhận thấy thì hoàn cảnh gia đình chồng cháu, và hoàn cảnh cha mẹ cháu làm cháu hạn chế trong việc phát triển, nhưng điều hạn chế lớn nhất chính là bản thân cháu. Muốn làm doanh nhân thành đạt mà lại sợ gánh vác trách nhiệm? Có hai con đường cho cháu lựa chọn, một là ở lại Sài Gòn với lợi thế mặt bằng mở ra buôn bán, hai là về quê làm kinh tế trang trại rồi đưa hàng đi tiêu thụ khắp nơi. Cả hai con đường này đều cần phải có trách nhiệm, nghị lực và tri thức … mới làm được!
Bản tính cháu hơi kiêu ư? Tính kiêu căng có thể tước đoạt hạnh phúc và sự giàu có của mỗi con người. Cháu đừng lấy thước đo của thiên hạ mà đo cho bản thân mình. Lâu đài, châu báu … tất cả chỉ là phù du, chính cách sống mới đem lại cho cháu sự giàu có thật sự. Với 2.000 VND cháu có thể mua được cái chong chóng cho con, mua quả chanh pha nước cho chồng uống, nhưng với 2 tỉ cháu cũng không thể mua được một hạnh phúc gia đình! Kiếm tiền nhiều để làm gì, nếu điều đó không phục vụ cho cuộc sống hạnh phúc của mình và mọi người? Trên thế gian này điều gì quí hơn hạnh phúc gia đình hả cháu?
Doanh nhân hay thương lái? Giàu mà dốt ư? Khoác áo doanh nhân để tung ra thị trường bao nhiêu là hàng giả, làm sao có đạo đức bằng một chị bán rau trong sạch? Có thể cháu thành đạt khi cháu không được đến trường, nhưng không ai chê cháu dốt, bởi ít ra cháu cũng giỏi trong lĩnh vực cháu làm, chỉ có người thiếu chữ tâm mới bị người ta chê cười. Không biết có thể học, bằng cấp chỉ là bằng cấp, nhưng sống bất nhân tất yếu lãnh nhận những hậu quả không ra gì. Doanh nhân hay thương lái? Cháu đừng đánh giá con người qua hình thức bề ngoài!
Hãy dũng cảm lên để cuộc sống mình hạnh phúc, giàu có hơn!
CHAT MASTER (ANASTAR)
Bài liên quan: