Năm vấn đề cần chú trọng khi khởi nghiệp kinh doanh

Năm vấn đề cần chú trọng khi khởi nghiệp kinh doanh

Năm vấn đề cần chú trọng khi khởi nghiệp kinh doanh

17:00 - 25/11/2021

Một số người có chí hướng lập nghiệp cho riêng mình từ nhỏ đã nung nấu trong lòng nhiều trăn trở. Những trăn trở này là những lo toan về mọi vấn đề từ nhu cầu của bản thân, bức xúc từ hoàn cảnh sống. Mỗi người sống trong một hoàn cảnh khác nhau, được giáo dục khác nhau, tiếp thu văn hóa và kiến thức khác nhau, nên có nhiều tâm trạng thật khó tả. Dù tâm trạng này như thế nào nhưng nếu mưu cầu hạnh phúc, giàu có chính đáng cho mình và đồng loại đều đáng được trân trọng.

GIÀU CÓ HẠNH PHÚC?
TỪ ƯỚC MƠ ĐẾN HIỆN THỰC
10 thói quen không sửa ngay đời bạn sẽ xuống dốc
Năm 2018, bạn trẻ hãy thay đổi thói qua loa
TIẾN TỪNG BƯỚC VỮNG CHẮC
NĂM VẤN ĐỀ CẦN CHÚ TRỌNG KHI KHỞI NGHIỆP KINH DOANH

Một số người có chí hướng lập nghiệp cho riêng mình từ nhỏ đã nung nấu trong lòng nhiều trăn trở. Những trăn trở này là những lo toan về mọi vấn đề từ nhu cầu của bản thân, bức xúc từ hoàn cảnh sống. Mỗi người sống trong một hoàn cảnh khác nhau, được giáo dục khác nhau, tiếp thu văn hóa và kiến thức khác nhau, nên có nhiều tâm trạng thật khó tả. Dù tâm trạng này như thế nào nhưng nếu mưu cầu hạnh phúc, giàu có chính đáng cho mình và đồng loại đều đáng được trân trọng.

Song tùy vào năng lực, phẩm chất của mỗi người, họ đã đưa ra những suy nghĩ, quyết định, chuẩn bị … rất khác nhau. Dẫu có hàng ngàn con đường làm giàu, nhưng chúng đều tuân theo những qui luật nhất định. Ai không nắm vững các qui luật phát triển tất sẽ bị đào thải. Dưới đây là năm vấn đề quan trọng nhất giúp bạn khai sinh, duy trì, phát triển doanh nghiệp của mình:

1. Khảo sát thực tế, đưa ra ý tưởng, lập dự án kinh doanh

Tôi cũng đã trải qua một thời tuổi trẻ, con tim tôi cũng từng đập những nhịp đập rộn ràng và hi vọng về những gì tốt đẹp nhất khi mình ra kinh doanh, nhưng tôi cũng vướng phải rất nhiều sai lầm. Sai lầm của tôi là nghĩ rằng sáng tác một ý tưởng kinh doanh giống như sáng tác thơ văn. Tôi ngồi nghĩ nghĩ suy suy, rồi đưa ra ý tưởng. Tôi cũng có khảo sát thực tế đó, cũng hỏi ý kiến người này người nọ đó, nhưng quả thật tôi chỉ làm cho qua chuyện. Đầu óc tôi cứ quay cuồng với những ý tưởng trên trăng sao, tôi cho rằng mình đúng và luôn luôn đúng, tôi chủ quan bỏ qua mọi lời khuyên chân thành, sai lầm nhất là tôi không lăn vào thực tế tìm hiểu. Tôi xin kể cho bạn nghe một sai lầm trong rất nhiều sai lầm mà tôi vướng phải để bạn rút kinh nghiệm:

Có một thời tôi nghĩ ra ý tưởng mở một shop hoa. Tôi ra chợ hỏi mua hoa thấy người ta bán mấy ngàn đồng một bông, tôi nghĩ rằng bán hoa lời thật và quyết định ra mở một shop hoa để kinh doanh. Trước khi kinh doanh tôi cũng làm vài công tác khảo sát thị trường cơ bản, song vì hồi đó tri thức về kinh doanh của tôi còn yếu, nên công tác khảo sát thị trường chưa thật đầy đủ.

Tôi muốn khảo sát nguồn cung hoa trước khi mở shop. Tôi lục tung các danh bạ điện thoại, tìm đọc đủ loại sách báo, hỏi đủ mọi loại người, gọi điện cho cả tổng đài nhờ tư vấn …, nhưng hầu như trong họ không ai cho tôi biết chính xác nơi nào bán hoa rẻ nhất, tốt nhất, mua như thế nào … Sau này ra kinh doanh tôi mới biết, những thông tin này gần như là thông tin mật. Người kinh doanh phải trả giá rất nhiều để có kinh nghiệm mua hàng tốt nhất, điều này không ai cho không bạn cả.

Sau khi tìm hiểu biết ở thành phố Hồ Chí Minh có vài chợ sỉ cung cấp hoa, nhưng tôi muốn mua hoa tận gốc để giá rẻ hơn nữa. Sau này ra kinh doanh tôi mới biết, muốn mua được hoa tận gốc không phải dễ. Bạn có vốn bao nhiêu mà đòi mua hoa tận gốc? Bạn có làm ăn lâu với người ta chưa mà đòi người ta cung cấp cho bạn số lượng và chất lượng hàng thường xuyên? Và còn rất nhiều lí do khác nữa.

Sau khi biết Đà Lạt là nơi cung cấp hoa chính cho thành phố Hồ Chí Minh, tôi bắt chuyến xe tốc hành lên Đà Lạt tìm hiểu về nguồn cung. Đi đến Đà Lạt rồi, tôi ngó ngang ngó ngửa chẳng thấy hoa đâu. Vào chợ Đà Lạt thì thấy người ta bán toàn hoa xấu, giá cả cũng mắc (chỉ rẻ hơn thành phố Hồ Chí Minh một chút), tôi tự hỏi: Vậy nguồn cung hoa ở đâu? Hỏi thăm hàng trăm người dân, người thì nói chỗ này, người nói chỗ kia, thậm chí có người không biết, tôi vô cùng ngạc nhiên. Chả lẽ nào người dân nơi đây mà cũng không hề biết đâu bán hoa rẻ và đẹp nhất sao?

Chính xác! Vì ai làm nghề đó, họ không trong nghề làm sao mà biết được, còn người trong nghề liệu họ có chỉ cho tôi không? Một số người cho tôi biết một số địa điểm trồng hoa vòng quanh thành phố Đà Lạt như Thái Phiên …, tôi đến ngắm thử.

Ừ, thì đúng là họ trồng hoa thật, hoa hồng có, cúc có, đồng tiền có, … nhưng tôi đâu phải thằng ngu, với trình độ đại học tôi có thể nhẩm tính được lượng hoa một ngày thành phố Hồ Chí Minh tiêu thụ là bao nhiêu, làm sao với lượng hoa nhỏ như thế này có thể cung cấp cho toàn thành phố được? Tôi hình dung ra một thung lũng toàn hoa hồng, tôi biết chắc phải có một nơi như vậy mới có thể cung cấp đủ hoa cho thành phố, thế là tôi kiên trì tìm hiểu. Lang thang trên từng con phố Đà Lạt, giả bộ uống cà phê trong quán này, ăn sáng trong quán kia, bắt chuyện với người dân để tìm hiểu, tôi nghe một người chỉ nơi trồng hoa nhiều không nằm trong thành phố mà cách thành phố khoảng 12 km. Tôi mướn một anh xe ôm bản xứ chở đi tìm thung lũng hoa hồng. Anh ta chở tôi gần một tiếng đồng hồ trên đường thì phía trước mặt tôi hiện ra một thung lũng hoa hồng thật, từng ruộng trồng hoa hồng, hoa cúc bạt ngàn làm tôi phải thốt lên vì sung sướng.

Tôi vào một nhà vườn, đặt vấn đề cung cấp hoa xuống thành phố Hồ Chí Minh. Chuyện mua bán không suông sẻ như các bạn nghĩ đâu, họ có mối lái hết rồi, biết bạn là ai mà họ giao hàng cho bạn chứ … Người nông dân hiện nay không chất phác như thời xưa nữa, họ cũng lắm mưu mô thủ đoạn không ai lường hết được. Cuối cùng để thỏa thuận mua bán thành công, tôi đành chịu thiệt thòi, nghĩa là đưa tiền mua hoa trước.

Cuộc sống không như là mơ, cho đến bây giờ tôi nghĩ như vậy. Lần đầu tiên tôi nhận hoa của anh ta gửi xuống, tôi hoàn toàn không hài lòng về chất lượng. Anh ta gửi cho tôi hoa ngắn, xấu, thậm chí dập nát … Gọi điện phàn nàn về chất lượng hàng, tôi tiếp tục nhận thêm vài đợt giao hàng nữa, nhưng tình hình vẫn không cải thiện, trong khi giá cả mà anh ta đưa ra gần như bằng chợ sỉ dưới thành phố Hồ Chí Minh … Hủy việc mua hàng từ anh ta tôi đến mua hoa tại chợ sỉ, như vậy việc kinh doanh của tôi ban đầu đã gặp sóng gió về nguồn cung.

Rồi tiếp theo là chuyện mặt bằng, nhân viên, tìm mua nguyên liệu, bán hàng … Bạn nào đã ra kinh doanh rồi sẽ biết, chuyện mướn được mặt bằng ưng ý về vị trí và giá cả là vô cùng khó khăn. Thậm chí khi bạn mướn được rồi, người chủ lại là người không tốt. Những tráo trở trong việc lên giá hợp đồng, lấy lại mặt bằng để kinh doanh giống mình khi công việc kinh doanh của mình đang phất lên … đều là chuyện không hiếm gặp. Thế là công việc kinh doanh của tôi lại một lần nữa điêu đứng. Tất nhiên, tôi là người nghị lực, và tôi luôn nói với bản thân mình rằng: Người giỏi là người biết tìm ra giải pháp khi gặp khó khăn! Nhưng khó khăn quá thì phải làm sao? Tôi muốn mình là người giỏi chứ không muốn mình là người ngu!

Hồi nhỏ tôi luôn ước mơ là mình sẽ làm nên một sản nghiệp lớn, chứ không ước mơ là mình kiếm sống qua ngày. Khi đi mở shop hoa, tôi chỉ lấy đó làm tiền đề để mở một siêu thị hoa trong tương lai, thế nhưng qua một thời gian kinh doanh thử nghiệm tôi có nhiều nhận xét sâu sắc hơn về cái ngành này và con đường làm giàu. Sở dĩ tôi gặp khó khăn như vậy là do tôi chưa chuẩn bị tốt!

Những sinh viên các chuyên ngành kinh tế học rất nhiều môn, song không có môn nào dạy chúng ta làm thế nào khảo sát được thực tế trước khi ra kinh doanh, làm sao đưa ra được ý tưởng kinh doanh sát với thực tế, muốn lập một kế hoạch, dự án kinh doanh thì làm thế nào. Hồi còn học ở đại học, tôi hay vào các giảng đường kinh tế tranh luận gay gắt với thầy cô. Có nhiều thầy cô đã phải ngưng buổi giảng, hoặc khóc khi không có lí lẽ sắc bén trả lời những câu hỏi của tôi. Tôi không chê thầy cô kinh tế, nhưng tôi biết thầy cô chỉ là con mọt sách, họ đọc sách rồi dạy sinh viên. Nhiều cuốn sách kinh tế dịch từ nước ngoài không đúng với hoàn cảnh đất nước, thế nhưng những “tiến sĩ giấy” đó vẫn thao thao bất tuyệt. Họ chỉ nói theo những gì sách viết, một lần cảm nhận thất bại trong kinh doanh họ cũng không có. Cần những người nói ra những kinh nghiệm thật của mình cho giới trẻ biết.

Tôi không nhận mình là người kiệt xuất, tôi cũng không bắt buộc bạn phải áp dụng những gì tôi đã chỉ vào cuộc sống, và điều cuối cùng nếu bạn không thích đọc thì đừng đọc những gì tôi viết ra. Tôi cũng muốn trong tương lai mình sẽ viết những bài chỉ về cách khảo sát thực tế, nghiên cứu thị trường để đưa ra một ý tưởng hay (các qui luật suy nghĩ như thế nào để có một ý tưởng tốt), rồi chỉ cách lập kế hoạch, dự án kinh doanh … Nhưng tôi e rằng các bài viết ấy sẽ rất dài, liệu tôi có đủ thời gian? Nói là nói vậy, song việc làm đó rất cần thiết, nếu không biết cách suy nghĩ đúng để đưa ra một ý tường, khảo sát thực tế, lập kế hoạch, dự án kinh doanh thì sẽ còn khối kẻ phải ngậm đắng nuốt cay khi lao vào con đường làm giàu.

Con đường làm giàu không trải thảm nhung, đắng cay, nhục nhã, đầy nước mắt, nhưng nó cũng chính là con đường hoàn thiện chính mình, đem lại hạnh phúc, ấm no cho người khác. Đằng sau khó khăn là phần thưởng quí giá về tinh thần, hạnh phúc mà ta được thụ hưởng. Ý nghĩa cuộc sống sẽ dừng lại nếu ta ngừng phấn đấu!

2. Sản xuất hàng loạt

Tôi qua Nhật thấy trong nhiều công ty có ghi khẩu hiệu: Cạnh tranh về thời gian để chiến thắng đối thủ! Tôi thấy đây là một khẩu hiệu rất đúng và thực tế!

Trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày, nếu cùng làm một công việc mà bạn làm thua người khác về thời gian, tức là bạn đã thua người ta! Ở đây tôi chưa nói về chất lượng, mà chỉ nói riêng về vấn đề số lượng, và trong khía cạnh kinh doanh.

Tôi là một thằng điên, từ nhỏ đến giờ trong đầu tôi luôn vang câu hỏi: Tại sao không thể làm nhanh hơn? Hồi mở shop hoa, quan sát thấy người khác cắm nửa tiếng mới được giỏ hoa tôi rất bực mình. Đành rằng bạn làm đẹp, đành rằng bạn làm thủ công, nhưng tôi muốn làm nhanh hơn nữa, muốn sản xuất hàng loạt … Tại sao chúng ta phải làm trong vòng một tiếng nếu chúng ta có thể làm trong một phút?

Thời buổi ngày nay cạnh tranh rất khắc nghiệt, bạn sẽ hiểu tại sao các nước giàu ngày càng giàu nếu hiểu hết ý nghĩa về thời gian. Người ta luôn tìm cách đầu tư vào con người, khoa học kĩ thuật, cải tiến sản xuất, phát kiến, phát minh … để làm cho công việc của người ta nhanh hơn, còn chúng ta?

Sang các nước phát triển bạn ngạc nhiên vì nhiều công việc nhà mà họ cũng đem ra tiệm như giặt ủi, hấp tẩy … Ở nước ta việc cơ khí hóa máy móc trong từng công việc hàng ngày ở nhiều gia đình còn trở nên khá xa lạ. Với một chiếc máy giặt bạn có thể giải phóng người phụ nữ thoát khỏi cảnh nô lệ trong công việc nhà, làm cho vợ chồng có nhiều giây phút bên nhau. Với một chiếc nồi cơm điện, chúng ta có thể tiết kiệm thời gian biết bao nhiêu cho mẹ, cho em … Vậy tại sao chúng ta lại không làm? Xét ở phạm vi cá nhân thì một ngày tiết kiệm được vài giờ, nhưng xét ở phạm vi xã hội thì hiệu quả như thế nào? Có phải sẽ tạo nên một làn sóng phát triển ghê gớm không?

Cần phải làm mọi cách để tiết kiệm thời gian, đó là chính sách thứ hai mà mọi doanh nghiệp phải hướng tới!

3. Nâng cao chất lượng sản phẩm

Hồi nhỏ tôi có hỏi bản thân một câu là: Trí tuệ của con người tới đâu? Và tôi đã trả lời rằng: Vô cùng!

Bạn đang bằng lòng với chính bạn ư? Bạn đang bằng lòng với những sản phẩm bạn sản xuất ra ư? Đó không phải là tính cách tốt của một chủ doanh nghiệp.

Không phát triển tức là đang suy vong! Trong nhiều tình huống câu nói này hoàn toàn chính xác. Trong tình yêu cũng vậy, nếu ngày nào bạn cũng nói một câu như vậy, cũng thể hiện cử chỉ như vậy, tạo vẻ bề ngoài như vậy … mối tình của bạn sẽ ngày càng nhạt nhẽo.

Luôn cố gắng nâng cao chất lượng sản phẩm là việc làm thể hiện ý chí quyết thắng của một doanh nghiệp!

Cạnh tranh, đã gọi là cạnh tranh tức là rất khắc nghiệt. Anh sống tức là tôi phải chết. Trên thương trường không có chính sách thỏa hiệp với đối thủ. Trong cuộc sống hàng ngày cũng vậy, có những trường hợp ta phải loại bỏ người khác để bước lên bục vinh quang. Việc cạnh tranh ở đây không có gì là xấu và nó hoàn toàn hợp qui luật. Những gì tốt đẹp phải được duy trì, những gì xấu xa phải bị loại bỏ.

Chúng ta hay phê phán gạo Thái Lan bán tràn lan trên thị trường, rau Trung Quốc tràn ngập các chợ Việt Nam…, tại sao lại như vậy? Bởi đơn giản chất lượng rau, gạo … của chúng ta ngày càng xuống cấp. Nếu chất lượng, số lượng, giá cả, cung cách bán hàng … của chúng ta vượt trội, thì liệu có xảy ra hiện tượng trên không?

Người nào bằng lòng với bản thân, người đó đang tự đào thải mình!

4. Phong phú, đa dạng về chủng loại

Ở Trung Quốc có một cửa hàng bán gạo. Khi bạn bước vào cửa hàng đó bạn sẽ bị hoa mắt bởi sự phong phú, đa dạng của sản phẩm gạo, và tôi dám cam đoan bạn sẽ bước ra với vài bịch gạo trên tay. Gạo xanh gạo đỏ, gạo ngắn gạo dài, gạo nấu rồi và chưa nấu …, ôi thôi muôn hình vạn trạng. Sự phong phú, đa dạng về chủng loại sản phẩm làm cho người tiêu dùng hoa mắt, và khi họ đã lọt vào ma trận ấy bạn rất dễ móc túi người ta. Tại sao cũng là hàng hóa đó mà người ta dán mác này mác kia? Người tiêu dùng đa phần có kiến thức kém về hàng hóa khi mua, chính vì vậy sẽ không phân biệt được đâu là hàng thật hàng giả.

Ở Nhật có một chuyện phổ biến như thế này về hàng hóa trong siêu thị:

Thỉnh thoảng bạn bước vào siêu thị Nhật, ngó vào kệ trưng bày các hàng giảm giá bạn sẽ thấy có hàng giá còn cao hơn hàng chưa giảm. Trong đầu óc bạn lúc đó rất thắc mắc? Tại sao cũng quả chuối ấy mà họ bán giá 200 yên, trong khi chuối còn tươi thì chỉ có 150 yên thôi. Bạn chẳng đắn đo chọn mua ngay quả chuối 150 yên vì nghĩ rằng giá chuối 150 yên là hợp lí. Trong đầu óc người tiêu dùng họ luôn có sự so sánh, thậm chí rất cặn kẽ, từng li từng tí về mọi khía cạnh của sản phẩm. Có người khi mua cái áo 50.000 VND cho rằng áo rẻ như vậy thì chắc không tốt và đẹp, nên tìm mua cái áo thật mắc tiền. Có người thấy cái áo mắc tiền cùng chủng loại bên cạnh cái áo rẻ tiền liền chọn mua cái áo rẻ tiền, vì nghĩ rằng nó giống nhau và giá đang bán cái áo rẻ tiền là rẻ. Thật sự thì giá như vậy vẫn mắc!

Đa dạng hóa sản phẩm sẽ dẫn người tiêu dùng vào một mê cung không có ánh sáng. Trong cái mê cung ấy họ sờ soạng và ra quyết định trong một tâm thế không kiểm soát. Thế là bạn bán được hàng!

Câu chuyện này có lẽ không liên quan đến kinh doanh, nhưng có lẽ cũng giúp các bạn có một cái nhìn khác: Tôi quen rất nhiều bạn, trong số họ có người có nhiều biệt tài. Khi đứng trước hai người để bạn quyết định xem mình sẽ yêu ai, khi đứng trước một cái iphone xem quyết định sẽ mua cái nào, bạn sẽ căn cứ vào điều gì nếu chúng hoàn toàn giống nhau về chất lượng? Câu trả lời đó là sự phong phú, đa dạng. Anh chàng kia có nhiều biệt tài hơn, ở bên anh bạn cảm thấy vui nhiều hơn … Chiếc Iphone kia có nhiều màu sắc, chức năng hơn, cầm trên tay bạn thấy như mình sở hữu cả thế giới. Nhiều khi chính những yếu tố nhỏ nhặt lại làm nên chuyện.

Nhưng, … lại nhưng, vì cuộc sống luôn có tính hai mặt. Cái gì phong phú thì có khi lại không chuyên sâu. Một cái điện thoại không thể nào cho ta âm thanh hay bằng thiết bị chuyên nghe nhạc. Cuộc sống thì ta không thể bắt ai cũng như ta, có những kẻ dị hợm, có những kẻ khờ khạo, và có những kẻ chạy theo đám đông …

Cái dại của người này là cái khôn của kẻ khác. Nghiên cứu thị hiếu khách hàng để đưa ra những sản phẩm đa dạng về chủng loại, hay chuyên sâu về lĩnh vực nào đó là công việc của doanh nghiệp.

5. Quảng cáo, bán hàng, hậu mãi

Bạn ước mơ gì thì ước mơ, bạn nghĩ gì thì nghĩ, bạn làm gì thì làm, nhưng nếu bạn không bán được hàng thì sự nghiệp của bạn chỉ là con số 0!

Tất cả 4 hoạt động trên đều phải tập trung cho công tác bán hàng. Tuy nhiên, công tác bán hàng không thể tốt được nếu 4 hoạt động trên là tồi. Kinh doanh là một quá trình, nó vận hành như một guồng máy, trong đó mọi hoạt động phải ăn khớp với nhau. Bạn sẽ không đủ tự tin để bán hàng nếu sản phẩm của bạn chẳng ra gì, không đem lại lợi ích cho khách hàng.

Hoạt động quảng cáo hiệu quả nhất khi dùng chính khách hàng quảng cáo cho sản phẩm của mình. “Hữu xạ tự nhiên hương” (tiếng lành đồn xa) là vậy. Trong hoạt động quảng cáo thì có cả tỉ chính sách, phương kế, tùy hoàn cảnh cụ thể của từng doanh nghiệp mà áp dụng. Tuy nhiên, chính sách quảng cáo nào cũng cần thực tế, tiết kiệm. Nếu bạn chi phí cho quảng cáo quá nhiều, giá thành sản phẩm sẽ tăng lên, lợi nhuận giảm đi, như vậy doanh nghiệp của bạn sẽ gặp nhiều khó khăn.

Hiện nay các phương tiện truyền thông, internet … là những công cụ đắc lực cho quảng cáo. Chỉ cần bạn dắt một con bò đi ra phố là ngày mai sẽ có người chụp hình con bò đó tung lên mạng. Nếu giả sử trên lưng con bò đó viết tên một hãng sữa nào đó thì sao nhỉ?

Ở nước ngoài chuyện lăng xê, tạo xì căng đan … luôn được các nhóm có hiểu biết, tay nghề nhất định thực hiện. Họ coi đó là một công việc, và là một công việc hái ra tiền. Chúng ta làm kinh tế mà không am hiểu luật pháp, xã hội, tâm lí, xu hướng … thì rất khó vươn đến một tầm cao mới.

Hậu mãi thực ra cũng là một hoạt động bán hàng, quảng cáo. Có hậu mãi tốt thì khách hàng mới trở lại, mới giới thiệu nhiều khách hàng khác cho ta. Hình như chúng ta chưa biết và chưa chú trọng công tác này!

Trên đây là năm vấn đề cần chú trọng đặc biệt nếu như bạn muốn đi lập nghiệp riêng. Năm vấn đề này không có bất cứ cuốn sách nào đề cập mà nó chỉ là kinh nghiệm của bản thân tôi. Trong năm vấn đề trên tôi không nói đến vấn đề pháp luật, bởi tôi muốn dành nó cho một bài viết khác. Tuy nhiên, nếu như muốn làm giàu mà không nắm rõ pháp luật thì sẽ sớm thất bại thôi. Sau khi đọc xong bài viết này, bạn hãy xem xét lại toàn bộ quá trình kinh doanh của mình, nếu như còn gì thiếu sót thì hãy nhanh chóng mà chỉnh sửa. Nếu bạn không làm được, không làm hơn người năm vấn đền này thì bạn chẳng có cơ may thành đạt đâu!

Chat Master (Anastar) – Tác giả cuốn sách Cẩm nang khởi nghiệp

BÌNH LUẬN BẰNG MAIL

BÌNH LUẬN FACEBOOK