Nếu không chấp nhận rủi ro thì không thể giàu!

Nếu không chấp nhận rủi ro thì không thể giàu!

Nếu không chấp nhận rủi ro thì không thể giàu!

08:47 - 23/07/2019

Đừng để sự hiện diện của rủi ro làm bạn chùn bước mà phải đánh giá một cách cẩn trọng sự tồn tại của mỗi loại rủi ro, và mức độ của nó trong mỗi cơ hội. Miễn là xác suất thành công đủ cao và bạn có kiến thức, kĩ năng kiểm soát rủi ro thì nên hành động chớp nhoáng để nắm lấy cơ hội.

GIÀU CÓ HẠNH PHÚC?
TỪ ƯỚC MƠ ĐẾN HIỆN THỰC
10 thói quen không sửa ngay đời bạn sẽ xuống dốc
Năm 2018, bạn trẻ hãy thay đổi thói qua loa
TIẾN TỪNG BƯỚC VỮNG CHẮC
Nếu không chấp nhận rủi ro thì không thể giàu!

Mặc dù tôi từng khuyên bạn là hãy chọn hướng đầu tư mà rủi ro thấp nhất, nhưng nếu muốn giàu (nhanh và nhiều) mà bạn không chấp nhận rủi ro thì không thể giàu nổi! Điều này không có ý muốn khuyên bạn làm giàu liều mạng!

"Con người không bao giờ khám phá ra đại dương mới nếu không đủ dũng khí giong buồm ra khỏi đất liền” - Andre Gide (nhà văn Pháp, tác giả đoạt giải Nobel văn học).

Thực tế là bạn không thể giàu nếu không mạo hiểm. Rủi ro và thành quả luôn đi đôi với nhau. Đôi khi phải chấp nhận rủi ro ở mức độ nào đó nếu bạn kì vọng gặt hái được nhiều thành công hơn.

Tôi cũng rất mạo hiểm trong đầu tư, nhưng là mạo hiểm có tính toán. Hồi tôi mới tham gia thị trường kinh doanh bất động sản do vốn ít nên tôi chọn mua những mảnh đất, căn nhà nằm trong khu qui hoạch. Nhiều người nghe nói đến qui hoạch thì chạy mất dép, nhưng “nơi nguy hiểm nhất lại là nơi an toàn nhất”. Khu vực nào đó qui hoạch không có nghĩa tất cả các căn nhà đều bị giải tỏa, tất cả các căn nhà bị giải tỏa không có nghĩa là giải tỏa ngay, là mất hết. Tìm được vị trí “an toàn” và tính toán được khung giá hợp lí tôi tiến hành thương lượng để mua lại những căn nhà nằm trong khu qui hoạch. Sau khi mua được những căn nhà như thế tôi khai thác chúng rồi chờ đền bù hoặc bán đi (nếu bỏ qui hoạch). Hầu hết những thương vụ như thế tôi đều thắng đậm.

Khi bạn có những phương pháp phòng ngừa hay hạn chế rủi ro thì mới nên mạo hiểm. Trong thuật ngữ tài chính, rủi ro có nghĩa là khả năng thu hồi lãi thấp hơn kì vọng, hay không có lãi, hoặc thậm chí không thu hồi đủ vốn bỏ ra (lỗ). Mỗi cơ hội đầu tư luôn song hành với những rủi ro tiềm ẩn. Thường trong một thương vụ đầu tư, một hoặc một vài loại rủi ro có thể chiếm ưu thế hơn một hoặc một vài rủi ro khác. Hiểu đầy đủ về những loại rủi ro có thể ảnh hưởng đến thương vụ đầu tư là cần thiết trước khi đưa ra quyết định đầu tư.

Dưới đây là một số loại rủi ro phổ biến:

  • Rủi ro vỡ nợ: Đây là loại rủi ro khủng khiếp nhất trong tất cả các loại rủi ro. Rủi ro không trả được nợ (cả vốn và lãi suất) đối với tất cả các khoản vay không đảm bảo là rất cao. Do không được đảm bảo, bạn không thể làm được gì ngoại trừ việc đi kiện khi tình trạng mất khả năng trả nợ xảy ra. Tuy nhiên, cho dù bạn có kiện ra tòa và thắng thì bạn vẫn chưa chắc thu hồi được nợ. Chính vì vậy, cần phải xem xét thật kĩ trước khi cho ai vay tiền hoặc đầu tư vào cá nhân, tổ chức nào đó.
  • Rủi ro trong kinh doanh: Giá trị thị trường của cổ phiếu phụ thuộc kết quả hoạt động kinh doanh của công ty bạn đầu tư vào. Nếu tình trạng kinh doanh của công ty bất ổn giá trị của cổ phiếu mà bạn đang nắm giữ có thể giảm giá trị nhanh chóng. Tình trạng này luôn xảy ra trong trường hợp cổ phiếu của công ty lập kỉ lục trên thị trường IPO, phát hành với lãi suất cao khi nền kinh tế đang trong tình trạng tốt và thị trường chứng khoán đang làm tăng giá cổ phần. Vì thế khi công ty hoạt động không tốt giá cổ phiếu của họ sẽ giảm trầm trọng.

Khi bạn đầu tư vào các cá nhân hay tổ chức cho dù là thương mại, hay sản xuất luôn tồn tại khả năng hướng kinh doanh đó thất bại; và sau đó có thể bạn sẽ không thu được gì, hoặc thu được rất ít, trên cơ sở phân chia theo tỉ lệ khi công ty bị phá sản. Chính vì vậy, cần có thỏa thuận rõ ràng về tình huống này trước khi quyết định đầu tư. 

  • Rủi ro thanh khoản: Tiền bạc sẽ trở thành thứ không có giá trị hoặc giá trị hạn chế nếu nó không sẵn sàng trong túi khi bạn cần nó. Theo thuật ngữ tài chính, tính sẵn sàng sử dụng của đồng tiền được gọi là khả năng thanh khoản. Một vụ đầu tư không chỉ đòi hỏi phải an toàn, có khả năng sinh lời, mà còn đòi hỏi cả tính thanh khoản hợp lí nữa.

Một tài sản hay một vụ đầu tư được coi là có khả năng thanh khoản nếu có thể chuyển đổi sang dạng tiền mặt một cách nhanh chóng, và chỉ bị mất một phần nhỏ giá trị. Rủi ro thanh khoản là khi nhà đầu tư không thể thấy rõ giá trị của vụ đầu tư khi cần. Tình trạng này có thể xảy ra khi cổ phiếu không thể bán trên thị trường hoặc bị mất giá quá lớn.

Tài khoản vãng lai và tài khoản tiết kiệm ở ngân hàng, có thể chủ động mua bán cổ phiếu và giấy nợ đều là những vụ đầu tư tương đối thanh khoản. Trong trường hợp bạn có tài khoản cố định tại ngân hàng nhưng bạn có thể tăng số tiền vay lên tới 75% hay 90% giá trị tài khoản cố định này thì trường hợp này cũng là một vụ đầu tư thanh khoản. Tuy nhiên, không nên khẳng định rằng tất cả cổ phiếu và giấy nợ niêm yết đều là những tài sản có khả năng thanh khoản. Trong số 8.000 cổ phiếu được niêm yết, thì khả năng mua bán chủ động chỉ giới hạn cho khoảng 1.000 cổ phiếu mà thôi. Nhóm cổ phiếu loại A thanh khoản hơn nhóm cổ phiếu loại B. Đôi khi, thị trường thứ cấp dành cho giấy nợ cũng không quá thanh khoản.

  • Rủi ro sức mua hay rủi ro lạm phát: Lạm phát có nghĩa là bạn rơi vào tình trạng túng quẫn mặc dù có rất nhiều tiền trong túi. Khi giá cả leo thang mạnh sức mua của đồng tiền giảm. Một số nhà kinh tế học coi lạm phát là một loại thuế trá hình. Xu hướng tốc độ lạm phát ngày càng gia tăng trên toàn cầu đang đặt ra thách thức lớn cho chính phủ các quốc gia cũng như các ngân hàng trung ương. Giá dầu thô tăng mạnh đột biến trên thị trường quốc tế cũng như các mặt hàng thực phẩm trong thời gian qua là hai mối quan ngại lớn mà nền kinh tế toàn cầu đang phải đối mặt. Điều trớ trêu là những vụ đầu tư có lợi tức cố định được xem là tương đối an toàn như tài khoản tại ngân hàng và các công cụ tiết kiệm nhỏ lẻ lại rất dễ vấp phải rủi ro lạm phát bởi vì giá cả leo thang làm tàn phá sức mua của nguồn vốn. Những vụ đầu tư được coi là rủi ro hơn như cổ phiếu lại có khả năng giữ được giá trị đồng vốn trong trung hạn.
  • Rủi ro lãi suất: Trong kỉ nguyên mới với qui định luật pháp dường như cởi mở hơn, sự biến động thất thường của tỉ lệ lãi suất là một hiện tượng phổ biến, kèm theo là tác động hậu quả lên giá trị đầu tư và lợi nhuận. Rủi ro lãi suất ảnh hưởng tới các chứng khoán lợi tức cố định và dùng để chỉ rủi ro xảy ra khi giá trị khoản đầu tư thay đổi theo sự thay đổi mức lãi suất. Ví dụ như bạn đầu tư vào một chứng khoán có mức sinh lợi là 8% trong vòng ba năm. Nếu tỉ lệ lãi suất tăng lên 9% một năm, một chứng khoán tương tự có thể được phát hành với mức lãi suất 9% một năm. Do mức sinh lợi thấp hơn, nên giá trị chứng khoán của bạn cũng bị giảm theo.
  • Rủi ro chính trị: Chính phủ có quyền lực đặc biệt tác động tới nền kinh tế; chính phủ có thể đưa ra đạo luật tác động tới ngành công nghiệp hoặc công ty mà nhà đầu tư đang đầu tư vào; hoặc chính phủ có thể ban hành luật mới điều chỉnh trần lãi suất ngân hàng, xoá nợ cho một số nhóm ngành cụ thể của xã hội.

Khi quốc gia có một vị thủ tướng hay tổng thống mới, họ có những hệ tư tưởng kinh tế và chính trị khác nhau. Trong quá trình này, vận mệnh của nhiều ngành và nhiều công ty có thể trải qua một sự thay đổi lớn lao. Thay đổi các chính sách mới cũng là một nguyên nhân của rủi ro chính trị.

Sự biến động của tình hình chính trị quốc tế cũng gây ảnh hưởng tới bối cảnh kinh tế trong nước, đặc biệt là trong giai đoạn toàn cầu hóa. Điều này đã được minh chứng cụ thể sau sự kiện ngày 11/9 tại Hoa Kì và sau khi cuộc chiến tranh Iraq nổ ra vào đầu năm 2003, khi đó nền kinh tế của rất nhiều quốc gia trên thế giới bị ảnh hưởng, từ quốc gia kém phát triển tới những quốc gia phát triển nhất.

  • Rủi ro thị trường: Rủi ro thị trường là rủi ro dao động giá cả do những nhân tố ảnh hưởng tới thị trường nói chung. Thảm họa tự nhiên cũng có thể là một trong những nhân tố này.

Thị trường chứng khoán và thị trường trái phiếu bị ảnh hưởng do giá cả tăng và giảm. Vì vậy:

- Thị trường cổ phiếu đang trong giai đoạn giảm giá thường dự đoán các cuộc khủng hoảng kinh tế.

- Thị trường trái phiếu giảm giá thường là do kết quả từ lãi suất thị trường cao, ngược lại, do mức lạm phát cao thúc đẩy.

- Thị trường chứng khoán tăng giá thường thấy trong giai đoạn nền kinh tế phục hồi và bủng nổ.

- Thị trường chứng khoán tăng giá là kết quả của tỉ lệ lãi suất thấp và tỉ lệ lạm phát thấp.

Không phải tất cả các loại rủi ro trên đồng thời xảy ra tại một thời điểm và cùng một vụ đầu tư. Bên cạnh đó, các loại rủi ro khác nhau có mối liên hệ với nhau. Vì vậy, đầu tư vào một công ty đang phải đối mặt với rủi ro kinh doanh cao cũng có nghĩa là nhà đầu tư gặp phải rủi ro thanh khoản cao hơn so với việc đầu tư vào một công ty khác có mức độ rủi ro kinh doanh thấp hơn.

Đừng để sự hiện diện của rủi ro làm bạn chùn bước mà phải đánh giá một cách cẩn trọng sự tồn tại của mỗi loại rủi ro, và mức độ của nó trong mỗi cơ hội. Miễn là xác suất thành công đủ cao và bạn có kiến thức, kĩ năng kiểm soát rủi ro thì nên hành động chớp nhoáng để nắm lấy cơ hội.

Chat Master (Anastar) - Tác giả cuốn sách Cẩm nang khởi nghiệp

Tải về Phần A (Chương 1) - Hiểu biết để khởi nghiệp thành công

BÌNH LUẬN BẰNG MAIL

BÌNH LUẬN FACEBOOK