PHẢI TIẾT KIỆM TỪNG ĐỒNG ĐỂ TRỞ NÊN GIÀU CÓ
09:44 - 17/04/2018
Tôi luôn nhắc nhở mình không được sử dụng bất cứ cái gì một cách phung phí, phải biết tận dụng mọi khía cạnh để phát huy tính năng của đồ vật ở mức cao nhất. Điều này không chỉ áp dụng đối với những đồ vật của mình mà của ai cũng vậy. Tôi không hề sĩ diện hão, ai chê tôi nghèo tôi chỉ cười và nói rằng “Ừ, tôi nghèo!”. Tiết kiệm vừa làm giàu cho mình vừa làm giàu cho người khác, điều đó không có gì phải xấu hổ.
TỪ ƯỚC MƠ ĐẾN HIỆN THỰC
10 thói quen không sửa ngay đời bạn sẽ xuống dốc
Năm 2018, bạn trẻ hãy thay đổi thói qua loa
TIẾN TỪNG BƯỚC VỮNG CHẮC
Muốn nhanh giàu có bạn phải đầu tư tốt, tiết kiệm nhiều. Muốn công ty phát triển phải tăng doanh thu, giảm chi phí. Tăng doanh thu mất rất nhiều công sức, trong khi đó tiết kiệm vừa đơn giản vừa dễ thực hiện.
Tôi thấy nhiều người có lối sống rất hoang phí, nhưng cứ mở miệng ra là than mình nghèo, mình không có cơ hội vươn lên. Thật là đáng trách! Một số bạn trẻ khởi nghiệp lập công ty, cửa hàng … vì sĩ diện hay nhận thức thấp về vấn đề tiết kiệm đã coi tiền như rác. Sau một thời gian công ty gặp khó khăn, khủng hoảng mới nghĩ đến chuyện tiết kiệm từng tờ giấy, cây viết … Bạn không thể làm điều đó ngay từ đầu sao?
Tôi luôn nhắc nhở mình không được sử dụng bất cứ cái gì một cách phung phí, phải biết tận dụng mọi khía cạnh để phát huy tính năng của đồ vật ở mức cao nhất. Điều này không chỉ áp dụng đối với những đồ vật của mình mà của ai cũng vậy. Tôi không hề sĩ diện hão, ai chê tôi nghèo tôi chỉ cười và nói rằng “Ừ, tôi nghèo!”. Tiết kiệm vừa làm giàu cho mình vừa làm giàu cho người khác, điều đó không có gì phải xấu hổ.
Trong đời sống, công việc … hàng ngày, có những việc đâu cần đến tiền, tại sao bạn cứ cho rằng phải có tiền mới giải quyết được? Nhiều người hàng tháng phải trả tiền internet mà mỗi khi ngồi lên chiếc máy tính là chơi game online, bạn không thể học tập hữu ích, kiếm tiền từ internet ư? Đơn giản hóa cuộc sống cũng giúp bạn tiết kiệm được rất nhiều tiền bạc. Cạnh nhà tôi có bà xây nhà ba tầng nhưng chỉ có hai người ở. Tiết kiệm đúng là chỉ bỏ ra đồng tiền khi mình có thể phát huy hết tác dụng của nó. Theo tôi, một đồng tiết kiệm bằng hai đồng làm ra. Bởi khi tiết kiệm bạn sẽ trở nên khôn ngoan hơn trong đầu tư, điều đó vừa giúp bạn tìm ra cách bảo vệ đồng tiền của mình vừa nghĩ ra sách lược gom tiền từ tay người khác. Bỏ tiền ra khi cái lợi thu về không cân xứng là khờ khạo. Khi được hỏi về tiền mọi người thường tự hào rằng mình làm một tháng bao nhiêu tiền, riêng tôi lại tự hào một tháng số tiền trong ngân khố của mình tăng lên bao nhiêu. Làm giàu là tích tiểu thành đại. Ông bà ta có câu: “Buôn thuyền bán bè không bằng ăn dè hà tiện”.
Có một câu chuyện đau lòng mà tôi vẫn nhớ mãi: Ngày đó cha tôi bán toàn bộ đất để dồn tiền xây một căn nhà. Vì cha tôi tính toán dở nên khi xây xong thì gia đình tôi lâm vào cảnh nợ nần. Mẹ tôi phải tìm đến tận nhà bác để vay tiền trả nợ nhằm giữ căn nhà. Bác tôi hồi đó là chủ doanh nghiệp rất giàu có, ấy vậy mà ông vẫn không cho vay một xu. Quan điểm của đa phần người giàu là họ không cho ai vay khi người đó không có khả năng chi trả. Tôi không hoan nghênh quan điểm đó vì trên đời đâu phải lúc nào tiền cũng là số một, nhưng đó lại là sơ hở của những người sống nghiêng về tình cảm khi quyết định chi tiền.
Con đường làm giàu rất dài, trước khi bạn chạm tay vào giàu có bạn phải học cách tiết kiệm từng đồng tiền, thời gian, công sức … Hãy tập trong ý thức và hành động, cũng như giáo dục cho thế hệ sau cùng noi theo. Vì chỉ có những người biết yêu quí sức lao động của mình mới thành công trên con đường đầy gian truân này.
Khi nhắc đến tỉ phú Warren Buffett, chủ tịch kiêm giám đốc điều hành của Berkshire Hathaway, có thể nhiều người sẽ nghĩ ngay đến thành công trong kinh doanh mà ông đã tích lũy được trong nửa thế kỉ qua. Tuy nhiên, điều khiến Warren Buffett tự hào nhất lại chính là lối sống giản dị và chi tiêu tiết kiệm của mình.
Khi vợ Warren Buffett sinh đứa con đầu tiên cách đây hàng chục năm, ông đã tự tay "chế" một chiếc nôi sơ sinh cho con từ ngăn kéo cũ của tủ quần áo, thay vì sắm ở ngoài cửa hàng. Đến đứa thứ hai, ông cũng tận dụng phương châm "tăng xin giảm mua", dùng lại cũi của người khác cho chứ không mua mới.
Một lần khác khi ở khách sạn trong chuyến công tác, ông đặt mua đồ uống từ bên ngoài mang vào vì không muốn bị tính phí phục vụ phòng. Ông cũng từng lái một chiếc Volkswagen cũ cho đến khi vợ ông buộc chồng phải nâng cấp hình ảnh với một chiếc xe Cadillac mới. Trên đây chỉ là vài ví dụ nhỏ minh họa cho tính tiết kiệm nổi tiếng của người giàu thứ ba thế giới.
Dù đang điều hành một tập đoàn đa ngành trị giá hàng chục tỉ USD, và có trong tay khối tài sản cá nhân rất lớn, Warren Buffett vẫn luôn cho rằng không nên bỏ qua những đồng bạc lẻ vì tích tiểu mới thành đại. Cứ mỗi đồng bạc lẻ không tiêu pha phung phí là có thêm một đồng để tái đầu tư.
Theo danh sách "15 tỉ phú giản dị có cuộc sống như người bình thường” của Business Insider thì Warren Buffett không sở hữu một chiếc du thuyền hoặc một mặt hàng xa xỉ nào bởi vì như ông nói: "Hầu hết đồ chơi chỉ là một cơn đau ở cổ". Thật ra việc sở hữu chúng chỉ nhằm thỏa mãn ham muốn tầm thường, chứ giá trị sử dụng mà chúng đem lại thấp hơn rất nhiều. Hãy học tập Warren Buffett là không bỏ tiền mua một chiếc xe thể thao mới hoặc những bộ quần áo đắt tiền... Thay vào đó hãy giúp tiền mặt của bạn sinh lời.
Buffett đã nói nhiều lần rằng ông yêu công việc ông làm, có nghĩa là ông sẽ không cần phải chi tiêu nhiều tiền vào du lịch hoặc giải trí. Mặc dù bạn có thể không yêu công việc của bạn như Buffett, bạn vẫn có thể tìm thấy một sở thích không tốn kém mà bạn có thể thưởng thức. Thậm chí bạn có thể kiếm thêm thu nhập từ sự tiết kiệm, thay vì chi tiêu nhiều tiền vào khách sạn, quán spa… đắt đỏ để xả stress.
Nợ tốt là động lực thúc đẩy bạn làm việc để đạt được mục đích. Nó không gây ra những tác động tiêu cực đến tài chính của bạn. Nó đưa bạn vào vị trí tốt hơn. Ngược lại, nợ xấu là gánh nặng về mặt tài chính. Nó gây ra những tác động tiêu cực đến tài chính của bạn. Nó bòn rút hết tài chính và không tạo ra tiềm năng phát triển tài chính cho bạn. Ví dụ, một khoản vay để mua một TV màn hình lớn là nợ xấu. Nếu bạn phải vay tiền hãy đảm bảo dùng tiền để đầu tư và phi vụ đầu tư này chắc chắn sinh lợi.
"Đừng tiết kiệm những gì còn lại sau khi chi tiêu mà hãy chi tiêu sau khi tiết kiệm". Trả công cho bản thân bạn trước tiên là để ưu tiên tiết kiệm tiền trước khi sử dụng chúng cho những mục tiêu khác. Hãy định ra một khoản tiền mà bạn muốn tiết kiệm mỗi tháng trước khi chi tiêu hết số tiền đó. Số tiền này bạn nên đầu tư cho giáo dục, sức khỏe hoặc cái gì có thể sinh lợi.
"Những thói quen quá khó để nhận ra cho đến khi quá khó để phá vỡ". Phần lớn thành công về tài chính là vấn đề tư duy. Hiểu rõ điều này giúp bạn ngăn những thói quen xấu về tiền bạc từ trong trứng nước, trước khi nó vượt ra khỏi tầm kiểm soát của bạn. Cách tốt nhất để thay đổi chúng là thay thế những thói quen xấu bằng những thói quen tốt.
Giá cả là cái bạn phải trả, giá trị là cái bạn nhận được. Dù nói đến giấy vụn hay cổ phiếu, bạn nên mua những hàng hóa chất lượng khi nó bị định giá thấp. Căn cơ không có nghĩa là hà tiện. Sự căn cơ là không trả tiền cho những thứ bị định giá quá cao. Điều này không có nghĩa khuyên bạn nên mua những thứ gì đó chỉ bởi vì nó rẻ. Mua một hàng hóa tuyệt vời với mức giá bình thường sẽ tốt hơn rất nhiều so với mua một hàng hóa bình thường với mức giá tuyệt vời. Chìa khóa để đưa ra những quyết định tiêu tiền thông minh không chỉ nằm ở giá cả mà còn nằm ở giá trị. Vì vậy, khi bạn có cơ hội đầu tư đừng quên xét đến giá trị mà bạn có thể thu được.
Một số vật chất sẽ làm cuộc đời chúng ta hạnh phúc hơn nhưng không phải lúc nào cũng như vậy. Rất nhiều tài sản cuối cùng nuốt chửng chủ sở hữu. Tài sản đáng giá cao nhất bên cạnh sức khỏe là tình bạn lâu dài. Tiền đem lại rất nhiều lựa chọn, nhưng cần phải nhớ những điều thực sự có ý nghĩa nhất trong cuộc sống.
Lỗi lớn nhất mà chúng ta hay mắc phải là không tạo được thói quen tiết kiệm từ sớm nhưng lại muốn trở nên giàu có nhanh chóng. Từ từ trở nên giàu có là điều khá dễ dàng nhưng bỗng chốc trở nên giàu có là điều không hề dễ dàng chút nào.
Còn nhớ những năm mới ra trường đi làm, dù đồng lương được trả lúc bấy giờ rất bèo bọt, nhưng do không chi tiêu vào bất cứ thứ gì không cần thiết, nên chỉ sau vài năm tôi đã có số vốn kha khá để làm nhiều việc. Tiết kiệm đối với nhiều người là chuyện rất xa vời, riêng tôi, không những tiết kiệm mà đôi khi tôi còn “không chi tiêu bất cứ đồng nào ngay cả khi có nhu cầu thật sự”. Khái niệm tiêu dùng trong tôi là đầu tư (sinh lợi), chứ không phải đơn thuần là mua hàng. Nghe vậy chắc hẳn nhiều bạn cho rằng tôi keo kiệt, sự thật tôi lại không phải người như thế. Tôi đã tiết kiệm từng tờ giấy khi viết bản thảo cuốn sách này, nhưng sẵn sàng chi số tiền lớn để giúp đỡ nhiều người khác. Tôi quan niệm: Điều gì không đáng chi tiền thì một đồng cũng không chi, nhưng điều gì đáng chi tiều cho dù phải dùng hết số tiền mình có, thậm chí vay mượn thêm cũng phải chi cho bằng được. Từ nhỏ đến giờ chưa bao giờ tôi chi sai một đồng, bởi tôi nhận thấy kiếm đồng tiền chân chính khó khăn nhưng sử dụng chúng còn khó khăn gấp bội. Kiếm tiền là việc phải làm nhưng nghiêm ngặt trong chi tiêu là việc chúng ta phải thực hành trước tiên. Nhiều lúc nhận thấy mình không có nhu cầu như người bình thường, gặp người như tôi chắc những người bán hàng giải nghệ sớm.
Hàng xóm cạnh nhà tôi bán cà phê, người ấy bán cà phê đã bao năm rồi mà tôi chưa bao giờ uống ủng hộ một li. Không phải vì tôi không có tiền mà chuyện ngồi hàng giờ để nhâm nhi li cà phê là điều gì đó rất xa xỉ đối với tôi. Không những phải tiết kiệm tiền bạc mà bạn phải tiết kiệm nhiều thứ khác. Chúng ta chẳng có nhiều tài nguyên để phung phí. Có thể đối với nhiều người điều tôi vừa nói ra thật kinh khủng. Họ có thể làm bất cứ điều gì để đáp ứng nhu cầu của mình chứ nhất định không bao giờ tiết kiệm, bởi họ xem chuyện mua những hàng hóa không tương xứng với giá trị của nó như là một cách hưởng thụ cuộc sống. Nếu tôi khuyên những người như vậy tiết kiệm có thể họ sẽ phản ứng rất gay gắt, cho rằng tôi… khác người. Thế nhưng một khi tiết kiệm trở thành thói quen bạn sẽ cảm thấy việc mình làm rất đỗi bình thường. Tiết kiệm là hành động chân chính có thể giúp bạn làm được nhiều việc tốt. Nếu làm điều ác để có đồng tiền trước sau gì bạn cũng gặp quả báo, với lối sống tiết kiệm cuộc sống của bạn sẽ trở nên nhẹ nhàng hơn.
Nói như trên không có nghĩa khuyên bạn nên ích kỉ, keo kiệt. Khái niệm tiết kiệm để có nhiều tiền bạc, thời gian… đầu tư mang lại lợi ích to lớn hơn cho cộng đồng, hoàn toàn khác khái niệm phung phí tài nguyên (của mình và những người liên quan) để phục vụ cho lợi ích cá nhân. Tôi thấy nhiều người bỏ ra hàng chục nghìn đồng chỉ để nhâm nhi li cà phê, nhưng khi gặp người khốn khó lại không biết giúp đỡ dù chỉ là một chút. Xã hội không thiếu loại người như vậy. Điều này khiến chúng ta mất hết niềm tin vào cuộc sống.
Nói như trên không có nghĩa khuyên bạn chỉ chú ý đến số tiền mình chi ra. Ví dụ, bạn quyết định mua xe hơi và tìm mua chiếc xe hơi nào rẻ nhất. Quan điểm này hoàn toàn sai lầm. Giá cả món hàng muốn mua phải phù hợp với mục đích sử dụng và tương xứng với giá trị món hàng đó đem lại thì việc sử dụng đồng tiền mới hợp lí. Có thời gian tôi chạy chiếc xe Wave bởi công việc của tôi chỉ đòi hỏi như vậy, nhưng khi phải chở vợ con tôi nhận ra chiếc xe này không thích hợp. Tôi mua chiếc SH, nhưng khi con tôi lớn tôi lại nhận ra chiếc Sh không thích hợp. Tôi mua xe ô tô… Bạn nào có tầm nhìn xa thì việc sử dụng đồng tiền sẽ hiệu quả gấp bội. Khi đó đồng tiền bạn chi ra sẽ mang lại nhiều giá trị xuyên suốt và lâu dài. Đây là lí do khiến bạn trở nên giàu có nhanh chóng và giúp đỡ được nhiều người khác.
Dưới đây là một số lời khuyên tiết kiệm mà tôi đúc kết được muốn chia sẻ với bạn:
1. Đừng mua quá những gì bạn cần và hãy luôn khuyến khích con cái bạn suy nghĩ, hành động như thế.
2. Không nên phí tiền vào những thứ không cần thiết, lúc nào cũng phải nhắc nhở mình chi tiêu hợp lí.
3. Hãy sống giản dị, thanh đạm.
4. Đừng bao giờ phô trương, khoe khoang.
5. Nên hạn chế các khoản vay ở mức thấp nhất!
6. Đầu tư khôn ngoan nhất là đầu tư vào bản thân, nên nhớ rằng tiền không bao giờ tạo ra con người mà con người mới tạo ra tiền.
7. Đừng bao giờ chạy theo những món đồ xa xỉ, đắt tiền … Hãy mặc những loại quần áo khiến bạn cảm thấy thoải mái, hãy sử dụng những vật dụng hữu ích cho công việc, học tập … Những người hạnh phúc nhất không nhất thiết phải có những thứ tốt nhất. Họ chỉ cần vui vẻ thưởng thức những gì họ đang có.
8. Không nên hoặc hạn chế ăn ngoài.
9. Mua hàng đúng thời điểm. Ví dụ, mua thực phẩm theo mùa.
10. Mua hàng ở những nhà cung cấp lớn và mua hàng với số lượng hợp lí để được giá rẻ nhất!
11. Không nên mua hàng theo cảm tính.
12. Luôn chi tiêu dưới mức nhu cầu.
13. Lên kế hoạch trước khi chi tiêu. Ví dụ, lên danh sách cần trước khi đi mua sắm và chỉ mua đúng những thứ đó.
14. Chuẩn bị đồ ăn sẵn khi cần.
15. Không lãng phí!
16. Mua hàng nhiều công dụng, chức năng, lợi ích… thậm chí có thể bán được dễ dàng…
17. Tận dụng đồ cũ và nếu có thể mua đồ cũ về dùng.
18. Qui định trước số tiền sẽ chi tiêu.
19. Lập nhiều quĩ tiết kiệm dưới mọi hình thức để dành tiền.
Trích sách Cẩm nang khởi nghiệp - Tác giả Chat Master (Anastar)
*Tải Phần A - Hiểu biết để khởi nghiệp thành công, Cẩm nang khởi nghiệp