Tạo dựng niềm tin ở người khác để tiến thân

Tạo dựng niềm tin ở người khác để tiến thân

Tạo dựng niềm tin ở người khác để tiến thân

15:20 - 25/12/2018

Chữ tín là một thương hiệu ngầm và công sức xây dựng thương hiệu này tốn kém nhiều nhất. Các công ty cạnh tranh nhau nhờ chữ tín, được hay mất cũng nhờ chữ tín, phát triển hay ì ạch cũng nhờ chữ tín. Khách hàng đến mua sản phẩm/dịch vụ giống như mua chữ tín, họ tin vào doanh nghiệp mới ra quyết định mua hàng.

GIÀU CÓ HẠNH PHÚC?
TỪ ƯỚC MƠ ĐẾN HIỆN THỰC
10 thói quen không sửa ngay đời bạn sẽ xuống dốc
Năm 2018, bạn trẻ hãy thay đổi thói qua loa
TIẾN TỪNG BƯỚC VỮNG CHẮC
Tạo dựng niềm tin ở người khác để tiến thân

Tín là chữ gốc Hán đã được Việt hóa từ lâu. Theo chiết tự, “cấu tạo” của chữ tín gồm:

  • Bên trái là chữ nhân đứng, nghĩa là người.
  • Bên phải là chữ ngôn: Chữ ngôn gồm chữ nhị ở trên, chữ khẩu ở dưới, ngụ ý tuy “hai miệng” nhưng có “một lời”, trước sau như một, không thiên lệch, không thay đổi. Suy rộng ra, chữ tín là để chỉ niềm tin, đức tin ... mà ai cũng phải nghiêm túc giữ gìn và làm theo. Trong truyện Kiều, khi Kim Trọng và Thúy Kiều thề thốt có câu “Đinh ninh hai miệng một lời song song” là để dặn nhau thủy chung như nhất, giữ lấy niềm tin suốt đời.

Chữ tín có vai trò “sống còn” đối với mỗi người, mỗi cơ quan, mỗi địa phương và cả quốc gia. Đạo Nho quan niệm: Người quân tử nhất định phải có Ngũ thường gồm: Nhân - Nghĩa - Lễ - Trí - Tín. Trong đó, nhân là lòng yêu thương đối với muôn loài; nghĩa là cách cư xử công bằng, hợp lẽ trong cuộc sống; lễ là sự tôn trọng, hòa nhã khi cư xử với mọi người; trí là sự thông hiểu lí lẽ, phân biệt thiện ác, đúng sai; tín là giữ đúng lời, đáng tin cậy. “Nhân bất tín bất lập” (người không có tín thì không thể tồn tại). Chữ tín coi như bảo bối của quốc gia (tín vi quốc chi bảo). Ai trị vì đất nước thì phải giữ bằng được bảo bối là chữ tín. Người bội tín nói lời rồi lại nuốt lời, tiền hậu bất nhất ... thì bản thân sẽ bị cô lập, mất hết tín nhiệm (nhất sự bất tín, vạn sự bất tin). Trong văn hoá giao tiếp, người ta quan niệm: Mất gì thì mất đừng để mất lòng tin, bởi vì mất của cải, mất thời gian là mất rất nhiều nhưng mất lòng tin là mất tất cả.

Chữ tín còn được ghép với nhiều từ khác để làm rộng khái niệm: Tin và giao nhiệm vụ gọi là “Tín nhiệm”, tin và dùng gọi là “Tín dụng”, tin vào việc phải gọi là “Tín nghĩa”.

Chữ tín thể hiện niềm tin của người khác đối với doanh nghiệp. Vũ khí bí mật của mọi doanh nghiệp tuy khác nhau nhưng đều nằm chung ở chữ tín. Đó là bán giá phải chăng, cân đong đầy đủ, có sao nói vậy, chất lượng phù hợp, hứa thế nào thực hiện thế nấy… Chữ tín xây dựng hàng chục năm nếu bị mất đi thì hàng trăm năm khó lấy lại được. Nói như vậy hơi quá nhưng sự thật là vậy, chữ tín không phải là cái đem ra rao bán, trao đổi hay đấu giá mà nó phải được truyền tụng, đào tạo, hướng dẫn, thực hiện và đánh giá. Thị trường càng tự do thì chữ tín càng được coi trọng vì quá nhiều hàng hóa đáng mua nhưng khách hàng chỉ chọn sản phẩm/dịch vụ có “uy tín”.

Chữ tín gắn với mọi hành xử trong xã hội vì đây là hành vi văn hóa. Giữa cha mẹ và con cái, chồng và vợ, thầy cô và học trò, chính quyền và nhân dân, doanh nhân và khách hàng ... Chữ tín gắn kết mọi người lại với nhau, ràng buộc họ vào các mối quan hệ lành mạnh. Nếu không có chữ tín, mọi quan hệ xã hội sẽ bị xóa bỏ khi đó hận thù, tức giận, bạo động, chiến tranh ... xảy ra khó mà dập tắt. Quyền lực mang tính tương đối nhưng chữ tín mang tính tuyệt đối. Ngàn lời nói bông đùa ai cũng nói được nhưng một lời nói có uy tín không phải dễ. Ông bà ta có dạy phải uốn bảy tấc lưỡi trước khi nói. Nếu thấy có khả năng mới hứa, không có khả năng thì đừng hứa. Doanh nhân phải cần mẫn và khéo léo trong việc xây dựng chữ tín, không xem chữ tín là trò đùa mà phải tích cực xây dựng nó mọi lúc, mọi nơi để sự nghiệp phát triển. Chữ tín cần thiết như không khí để thở.

Nhiều lần yêu cầu khách hàng có thái độ “thông cảm” với doanh nghiệp sẽ làm giảm uy tín. Cam kết đưa ra phải được thực hiện, mỗi nghiệp vụ kinh doanh đều phục vụ cho việc giữ chữ tín, mỗi lời nói là một lời hứa phải thực hiện bằng được. Cam kết kèm theo chứng minh, không nói suông. Luôn giữ lời tạo thành thói quen tốt. Thất hứa có thể trở thành thói quen xấu, nếu kéo dài sẽ ảnh hưởng đến uy tín và tạo ra kiểu hành xử không lành mạnh. Một khi đánh mất uy tín khó lòng gầy dựng lại được.

Chữ tín là một thương hiệu ngầm và công sức xây dựng thương hiệu này tốn kém nhiều nhất. Các công ty cạnh tranh nhau nhờ chữ tín, được hay mất cũng nhờ chữ tín, phát triển hay ì ạch cũng nhờ chữ tín. Khách hàng đến mua sản phẩm/dịch vụ giống như mua chữ tín, họ tin vào doanh nghiệp mới ra quyết định mua hàng. Mọi người phải tham gia vào quá trình xây dựng chữ tín cho doanh nghiệp bao gồm mọi thành viên từ giám đốc đến nhân viên, từ hội sở đến chi nhánh, từ cấp cao đến cấp thấp, từ người trẻ đến người già. Năng lực nội tại của doanh nghiệp cần phát huy kết hợp với tinh thần trách nhiệm của từng thành viên. Tất cả biểu tượng, hành vi hay chính sách đề ra đều góp phần xây dựng chữ tín cho doanh nghiệp. Kinh doanh mà trọng chữ tín giúp doanh nghiệp sống thọ và đi vào lòng người, lợi ích của nó không nói ai cũng biết. Trong thời đại toàn cầu hóa, phạm vi ảnh hưởng của chữ tín có sức lan tỏa mạnh, vượt ra khỏi phạm vi địa phương hay quốc gia. Chữ tín ảnh hưởng đến thương hiệu của doanh nghiệp, chỉ cần một hành vi lừa đảo hay gian dối ở cá nhân nào trong tổ chức hậu quả thật khó lường.

Phải xem việc xây dựng chữ tín là chiến lược phát triển. Kinh doanh có đạo đức đồng nghĩa với bảo hộ chữ tín. Chữ tín giúp doanh nhân vốn ít vẫn có thể vươn lên và tạo ra của cải dồi dào vì được người khác tín nhiệm. Doanh nghiệp nước ngoài bắt đầu làm ăn với doanh nghiệp trong nước qua việc tìm hiểu và khảo sát chữ tín bằng cách đặt hàng thử. Họ không bao giờ đặt quan hệ hợp tác hay kí hợp đồng dài hạn ngay, đồng thời cân nhắc kĩ lưỡng chữ tín khi muốn tiến tới hợp tác làm ăn lớn. Bạn cũng nên học theo cách làm này: Trước khi muốn làm ăn với ai phải xem chữ tín của họ ở mức độ nào đã. Người không có chữ tín là loại người vô liêm sỉ. Làm ăn với loại người này trước sau gì cũng bị họ lừa gạt. Mọi việc lớn bắt đầu từ việc nhỏ, những việc nhỏ đừng tưởng là không lớn mà coi thường. Việc xây dựng chữ tín là đặt nền móng đầu tiên cho sự nghiệp làm giàu. Người nào có uy tín người đó sẽ có sức mạnh để tiến bước.

Đức Phật dạy lời hứa phải giữ, tuy nhiên lời hứa đó phải chính đáng và việc thực hiện nó mang lại hạnh phúc cho bản thân cũng như mọi người. Lời hứa mà không giữ là nói dối, vọng ngữ, phạm giới. Trong Kinh Lời Nói, đức Phật giảng lời nói thiện lành liên quan đến thực tập chữ tín: Thực hiện được thì mới nói, đủ điều kiện thì mới nói, bình tĩnh thì mới nói, có lợi ích thì mới nói, cẩn trọng được thì mới nói ... Thứ nhất, bản thân thấy có khả năng làm được thì đưa ra lời hứa. Thứ hai, bản thân thấy mọi điều kiện đã hội tụ giúp phát sinh lời hứa thành công thì đưa ra lời hứa. Thứ ba, bản thân đang ở trạng thái bình thường, sáng suốt và phân biệt sự việc rõ ràng thì đưa ra lời hứa. Thứ tư, bản thân nhận thấy làm việc đó có lợi cho cả hai bên hay nhiều bên thì đưa ra lời hứa. Cuối cùng, bản thân sau khi xem xét kĩ lưỡng thấy lời hứa là cần thiết thì đưa ra lời hứa.

Tóm lại, giữ được chữ tín là điều vô cùng khó, lắm khi phải hi sinh của cải, thậm chí cả tính mạng, nhưng chính chữ tín mới giúp chúng ta phát triển bền vững.

Trích Cẩm nang khởi nghiệp - Tác giả Chat Master (Anastar)
*Tải Phần A - Hiểu biết để khởi nghiệp thành công (Cẩm nang khởi nghiệp)

BÌNH LUẬN BẰNG MAIL

BÌNH LUẬN FACEBOOK