Tìm cách hiểu người khác trước khi thuyết phục họ
10:37 - 21/03/2019
Muốn thấu hiểu người khác bạn không chỉ cần nghe bằng tai, phân tích bằng óc mà còn cảm nhận bằng cả trái tim!
TỪ ƯỚC MƠ ĐẾN HIỆN THỰC
10 thói quen không sửa ngay đời bạn sẽ xuống dốc
Năm 2018, bạn trẻ hãy thay đổi thói qua loa
TIẾN TỪNG BƯỚC VỮNG CHẮC
Muốn thấu hiểu người khác bạn không chỉ cần nghe bằng tai, phân tích bằng óc mà còn cảm nhận bằng cả trái tim!
Bạn không thể thành công nếu không giao tiếp với thế giới bên ngoài dưới hình thức này hay hình thức khác. Trong giao tiếp, lắng nghe (hoặc tìm cách thấu hiểu) người khác giữ vai trò quyết định thành công của bạn, bởi giao tiếp là để đạt được mục đích, nếu không lắng nghe bạn không thể “biên tập” được nội dung mình cần giao tiếp với người khác. Đó là nhiệm vụ quan trọng nhất của giao tiếp. Bên cạnh đó, việc lắng nghe người khác còn thể hiện bạn đang quan tâm, tôn trọng họ.
Để có thể lắng nghe người khác đầy đủ bạn phải có đức tính kiên nhẫn và khiêm tốn. Điều này không phải ai cũng làm được, bởi có những chi tiết bạn không hề quan tâm. Trường hợp cần cắt ngang chí ít bạn cũng phải lắng nghe được nội dung chính. Để cho thật hiểu nội dung câu chuyện mà người khác chia sẻ, bạn nên lắng nghe tích cực, tức là chủ động, tập trung nghe người khác nói và nắm bản chất của sự việc để giải quyết vấn đề, không nên nghe người khác với một tâm thế bị động. Bạn nên tập thói quen ghi chép khi nghe, thuật lại thông tin và hỏi lại khi không hiểu trước khi trả lời.
Trong quá trình lắng nghe bạn nên tạo ra những tín hiệu để người khác biết rằng bạn đang lắng nghe họ một cách tích cực:
• Nên nhìn thẳng (không nhìn chằm chằm) vào người nói. Mọi người thường căn cứ vào thái độ này để phán đoán rằng ai đó có đang lắng nghe hay không.
• Đối với những câu chuyện cần sự liền mạch, bạn nên để cho đối tượng nói hết ý. Thông thường ngắt lời sẽ làm người khác phật lòng, mất hứng thú, quên nội dung cần trình bày …
• Nói những câu đại loại như là “Vâng, tôi hiểu!”, “Thế à?”, “Ra vậy!” …, khiến người nghe cảm thấy họ đang được tôn trọng.
• Đừng phân tán sự tập trung của người nói hoặc mình bằng các hành động như xoay bút chì, lắc qua lắc lại chùm chìa khóa … Lắng nghe bằng thái độ thờ ơ cũng nên tránh như: Mắt nhìn đi nơi khác, khoanh tay trước ngực, gãi đầu gãi cổ, đưa tay lên mặt … Những hình ảnh này sẽ làm người nói cảm thấy khó chịu. Bạn nên nhớ, quá trình nghe người khác nói là quá trình bạn và người đó đang tương tác qua lại với nhau.
• Ngôn ngữ cơ thể cũng rất quan trọng khi đang lắng nghe. Ví dụ như mỉm cười, gật đầu, nghiêng đầu qua phải hoặc qua trái … dễ chiếm lấy cảm tình của người nói hơn.
Nhắc nhở:
• Nên có sự tương tác qua lại với người nói bằng lời nói chứ đừng để họ nói luông tuồng vì như thế sẽ làm cho cả hai nhàm chán.
• Khi nói hãy nói chậm rãi, vừa phải … Nếu bạn có chất giọng ấm thì đây là một lợi thế giúp bạn chiếm cảm tình của người khác nhanh chóng.
• Phê phán, chỉ trích … là hành động không thích hợp, nhất là đối tượng của bạn là khách hàng…
• Nên chọn hoàn cảnh giao tiếp thích hợp với nội dung câu chuyện.
• Chuẩn bị trước khi nghe nếu có thể.
Tôi phải nói với bạn rằng: Đôi khi lắng nghe có thể cứu sống người khác! Bạn không tin nhưng đó là sự thật. Nhiều cha mẹ không chịu lắng nghe con cái, từ đó không hiểu con, dẫn tới giáo dục con không tốt, đẩy con vào bước đường cùng. Khi trong bạn còn tồn tại sự ích kỉ, ấu trĩ… thì bạn không thể lắng nghe người khác tốt được. Nếu như bạn muốn đem lại nhiều điều tốt đẹp cho người khác bạn phải học cách lắng nghe họ.
Trích Cẩm nang khởi nghiệp - Chat Master (Anastar)