YT 29: MHKD TƯ VẤN, CHĂM SÓC SỨC KHỎE
11:33 - 20/07/2021
Nếu bạn là một điều dưỡng, y tá hoặc bác sĩ mà muốn khởi nghiệp với ý tưởng này thì gần như bạn đã chọn đúng hướng. Đây là con đường có thể giúp bạn vừa phát huy chuyên môn của mình vừa đem lại lợi ích to lớn cho nhiều người khác.
Ý TƯỞNG ẨM THỰC KIỂU MỚI (SNYT 2)
Ý TƯỞNG DỊCH VỤ QUẢNG CÁO (SNYT 3)
Ý TƯỞNG THIẾT KẾ CẢNH QUAN (SNYT 4)
Ý TƯỞNG CHUỖI ẨM THỰC NHANH (SNYT 5)
I - Nguồn gốc ý tưởng?
Nếu bạn là một điều dưỡng, y tá hoặc bác sĩ mà muốn khởi nghiệp với ý tưởng này thì gần như bạn đã chọn đúng hướng. Đây là con đường có thể giúp bạn vừa phát huy chuyên môn của mình vừa đem lại lợi ích to lớn cho nhiều người khác.
Tôi còn nhớ cách đây mười mấy năm, khi bà tôi còn sống bà thường xuyên gặp phải những vấn đề về sức khỏe. Do tuổi già sức yếu việc đến bệnh viện khám bệnh phải chờ đợi hàng tiếng đồng hồ là cả một vấn đề đối với bà. Những lúc như vậy tôi thường nhờ bác sĩ tư đến thăm khám cho bà. Như bạn biết đó, tuổi già thì chỉ quanh quẩn những bệnh về cao huyết áp, rối loạn tiền đình, chóng mặt, nhức đầu, xương khớp … và buồn chán vì không có người tâm sự. Vị bác sĩ tôi nhờ đôi khi đến chỉ để trấn an bà, đo huyết áp, cho uống vài viên thuốc đơn giản, truyền một chai nước biển rồi về, thế nhưng bà lại rất mang ơn.
Gần đây tôi nhận thấy lớp trẻ dường như yếu về khâu chăm sóc trẻ sơ sinh. Nhiều người tôi quen biết thường nhờ y tá tới nhà chăm sóc bé mới sinh ra cho đến khi bé rụng rốn hoặc sức khỏe ổn định …
Có một lần đưa mẹ đến bệnh viện cấp cứu, chứng kiến ở hành lang lớp lớp người vạ vật ở lại bệnh viện chăm sóc người bệnh tôi liền nhận ra nhu cầu này thật lớn. Tình cờ bắt chuyện với một người gần giường mẹ tôi nằm, cô ấy cho biết cô ấy chỉ là người được thuê chăm sóc bà cụ bên cạnh vì các con của bà cụ đều bận rộn. Cô ấy đã chăm sóc cho bà cụ được ba tháng nay. Nhìn cô ấy ngày nào cũng đổ bô, tắm rửa cho bà cụ ... tôi có cảm giác cô ấy giống như là con ruột của bà cụ vậy. Xã hội đang chuyển mình, chúng ta cũng phải dần quen với việc nhiều khi con mình đẻ ra lại không thể chăm sóc cho mình được.
Theo nghiên cứu của tôi, khi xã hội càng phát triển con người càng bị nhiều bệnh tật. Đặc biệt là những bệnh tật liên quan đến công việc (nghề nghiệp), xã hội … Thói quen không tốt sinh ra bệnh tật; thể trạng không tốt sinh ra bệnh tật; tâm lí không tốt cũng sinh ra bệnh tật … Tóm lại, có rất nhiều nguyên nhân sinh ra bệnh tật và bệnh tật ngày càng nhiều.
Nhu cầu việc làm ở lĩnh vực chăm sóc sức khỏe đang có xu hướng gia tăng ở nhiều nước với mức lương cao. Theo dự báo trong tương lai, nhu cầu này tiếp tục tăng mạnh.
Vai trò của cử nhân điều dưỡng ngày càng trở nên quan trọng trong việc làm gia tăng chất lượng cuộc sống, điều mà quốc gia nào cũng hướng tới khi phát triển chính sách. Tại Mĩ, cử nhân khoa học điều dưỡng xếp thứ hai trong tốp 20 ngành phổ biến được trả lương cao, với mức lương khởi điểm 52.700 USD/năm, theo tạp chí giáo dục The Princeton Review.
Tạp chí này cũng nhận định: “Triển vọng nghề nghiệp cho các nhân viên điều dưỡng không chỉ phong phú mà còn rất đa dạng, có sẵn trong các lĩnh vực lão khoa, thần kinh, ung thư, sản khoa và nhi khoa”. Trong dự báo 10 xu thế ngành nghề trong tương lai của tạp chí Entrepreneur (Mĩ), ngành chăm sóc trẻ em và người lớn tuổi trước đã mạnh, sắp tới còn mạnh hơn bởi nhóm đối tượng khách hàng ngày càng đông.
Còn tại Úc, nhu cầu việc làm trong lĩnh vực chăm sóc người cao tuổi trong các năm qua tăng trưởng 102% so với mức trung bình 13% của các ngành khác. Báo cáo việc làm năm 2011 của chính phủ Úc cho thấy ngành dịch vụ chăm sóc sức khỏe là lĩnh vực số một trong giai đoạn 2015 - 2016. Trong đó, ngành chăm sóc người cao tuổi và bệnh nhân sẽ thu hút nhu cầu nhân lực lớn nhất tại Úc.
Việt Nam là một đất nước đang phát triển với tổng dân số hơn 90 triệu người. Hiện tại cấu trúc dân số Việt Nam thuộc loại trẻ, song người già có xu hướng tăng nhanh, dự báo 30 năm tới tăng từ 6,19 triệu (1999) lên 16,49 triệu người (2029). Nhóm người rất già tăng từ 0,71 triệu (1999) lên 1 triệu (2009) và 1,5 triệu (2029) chiếm 1,5% dân số. Tuổi thọ trung bình của nam sẽ tăng 5,2 năm (từ 67,4 lên 72,6 tuổi), nữ tăng 4,6 năm (từ 74 lên 78,6 tuổi). Như vậy 30 năm tới, người già sẽ tăng 166% (bình quân 3,26%/năm). Đứng trước số lượng người già tăng nhanh trong những thập kỉ qua và còn tiếp tục tăng trong những năm tới, vấn đề chăm sóc sức khỏe cho đối tượng này đã trở thành nhiệm vụ cấp bách. Nhà nước đã ban hành nhiều chỉ thị, qui định, đặc biệt tháng 4 - 2000, ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Pháp lệnh người cao tuổi và ngày 26/3/2002, Chính phủ đã ban hành Nghị định qui định và hướng dẫn thực hiện Pháp lệnh người cao tuổi: “Đảm bảo nhu cầu cơ bản của người cao tuổi về ăn, mặc, ở, đi lại, sức khoẻ, học tập, văn hoá, thông tin, giao tiếp và được chăm sóc sức khoẻ ban đầu tại nơi cư trú”. Mỗi năm Việt Nam có khoảng một triệu em bé được sinh ra. Với đà tăng dân số như thế, sự phát triển hệ thống chăm sóc sức khỏe là điều tất yếu. Tuy nhiên, theo bản báo cáo từ Hiệp hội sức khỏe thế giới, Việt Nam đang bị tụt hậu so với khu vực về nguồn doanh thu lẫn chi phí trong ngành y tế. Lí do là Việt Nam thiếu dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Theo Bộ Y Tế, 4/5 nhu cầu sức khỏe ở Việt Nam đến từ vùng nông thôn trong khi lực lượng lao động lành nghề ở những nơi này không nhiều. Thêm vào đó, bệnh viện đang không đủ chỗ chứa, việc đào tạo nhân viên chăm sóc sức khỏe đạt trình độ, tay nghề vẫn còn khan hiếm. Sau nhiều năm, lĩnh vực chăm sóc sức khỏe ở Việt Nam vẫn còn bị quản lí gắt gao bởi luật lệ chính phủ thì nay đã dần được gỡ bỏ. Trong tương lai lĩnh vực chăm sóc sức khỏe ở Việt Nam sẽ tăng trưởng mạnh và thu hút sự đầu tư của nước ngoài.
Có thể nói phạm vi hoạt động của dịch vụ chăm sóc sức khỏe vô cùng rộng lớn. Nó không chỉ gói gọn ở khái niệm khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe tại những nơi tập trung và tại nhà; mà còn bao gồm những hoạt động như là tư vấn chăm sóc sức khỏe, hỗ trợ chăm sóc sức khỏe, lập kế hoạch chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhân … Đối tượng mà ý tưởng nhắm đến là người bệnh, trong đó nhóm người cao tuổi, trẻ sơ sinh, người bị các chứng bệnh bẩm sinh, nan y, mãn tính … luôn là nhóm người có nhu cầu cao nhất.
Trước thực trạng nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng lớn nhưng chưa có nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này, tôi mong muốn có nhiều người khởi nghiệp trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe. Nếu điều đó xảy ra thì người dân sẽ được chăm sóc sức khỏe tốt hơn trong tương lai.
II - Ý tưởng ra sao?
Chúng ta sẽ cung cấp tất cả dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho con người nhưng tập trung vào các bệnh như rối loạn tiền đình, cao huyết áp, chóng mặt, nhức đầu, xương khớp … Bên cạnh đó, chúng ta sẽ cung cấp thêm các dịch vụ chăm sóc sức khỏe khác như chăm sóc trẻ sơ sinh, phụ nữ mang thai, người già, người bệnh … Ngoài ra, chúng ta còn phát triển thêm các dịch vụ phổ cập kiến thức bổ ích, tư vấn chăm sóc sức khỏe, huấn luyện kĩ năng cần thiết … Chúng ta cũng có thể kinh doanh thêm dụng cụ, thiết bị, thuốc men, thực phẩm … liên quan đến việc chăm sóc sức khỏe. Các dịch vụ này chủ yếu phục vụ từ xa và tận nơi.
Ban đầu chúng ta sẽ mở một hoặc một vài trang web cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Chúng ta sẽ tìm kiếm khách hàng qua internet là chủ yếu, sau đó tới khai thác các mối quan hệ cá nhân cũng như tiếp cận trực tiếp khách hàng.
Khi công tác chuẩn bị hoàn thiện, tất cả các loại hình dịch vụ chăm sóc sức khỏe được triển khai, dự án vận hành có hiệu quả … thì nên xúc tiến thành lập thí điểm vài vệ tinh (điểm chăm sóc sức khỏe). Chỉ khi nào nhận thấy nhu cầu chăm sóc sức khỏe quá cao mà vệ tinh không thể đáp ứng nổi mới thành lập trung tâm chăm sóc sức khỏe để ảnh hưởng của dự án tới cộng đồng lớn hơn.
Có thể kể một số dịch vụ chăm sóc sức khỏe triển khai trong giai đoạn đầu:
+ Dịch vụ chăm sóc trẻ sơ sinh: Dịch vụ chăm sóc trẻ sơ sinh có thể tiến hành tại nơi mà người thân yêu cầu, bao gồm một số dịch vụ sau đây: Tắm và rửa, chăm sóc rốn, chăm sóc da, vệ sinh mũi, cho trẻ ăn, chơi với trẻ, luyện kĩ năng …
+ Dịch vụ chăm sóc thai, sản phụ: Những ai lần đầu mang thai thường nghĩ rằng sinh nở xong xem như đã trút được gánh nặng. Thực tế hoàn toàn ngược lại, "hành trình" thực sự chỉ vừa mới bắt đầu khi em bé chào đời. Chăm sóc cả mẹ lẫn bé sau khi sinh là một hành trình dài cần rất nhiều kiến thức, kĩ năng, kiên nhẫn ... Chúng ta vừa chăm sóc vừa hướng dẫn khách hàng thật tỉ mỉ các việc cần làm trong giai đoạn này để họ có thể tự tin chăm sóc bản thân một cách chu đáo nhất.
+ Dịch vụ chăm sóc người cao tuổi.
+ Dịch vụ chăm sóc người ốm đau: Bệnh nhân nằm bệnh viện (BV) dài ngày, mọi chuyện từ vệ sinh, ăn uống … rất cần bàn tay điều dưỡng viên, nhưng hiện nay những việc này đều do người nhà làm. Không có thời gian để chăm người thân nên nhiều người chọn cách kiếm người thay mình. Điều đáng lo là nhiều người nuôi bệnh là bác xe ôm, cô bán nước, người nhà của nhân viên lao công … không được đào tạo qua trường, lớp chuyên môn nào.
+ Dịch vụ chăm sóc người khuyết tật.
+ Dịch vụ chăm sóc người khỏe mạnh: Nghe ra có vẻ buồn cười nhưng thực tế người khỏe mạnh cũng cần phải chăm sóc để có sức khỏe tiếp tục làm việc, cống hiến. Chúng ta có thể mở các dịch vụ như chăm sóc răng, chăm sóc da, chăm sóc mặt, chăm sóc chân, tay …
+ Dịch vụ tư vấn về sức khỏe: Nhiều người khi đứng trước bệnh tật của bản thân và gia đình không biết cách xử trí. Họ muốn tham khảo ý kiến của các chuyên gia tư vấn về chăm sóc sức khỏe. Chúng ta có thể thu phí hoặc miễn phí đối với một số trường hợp nào đó. Phát triển dịch vụ này không những thu lại lợi nhuận mà còn giúp chúng ta gây dựng được tiếng tăm, uy tín.
+ Dịch vụ huấn luyện những kĩ năng: Một số người hoặc người nhà của bệnh nhân … có nhu cầu được huấn luyện các kĩ năng chăm sóc bản thân/người khác. Nhu cầu này đang rất lớn trong xã hội. Để khai thác tốt mảng này chúng ta sẽ mở các lớp huấn luyện những kĩ năng chăm sóc sức khỏe cho học viên. Đối tượng theo học có thể là những người sẽ làm công tác chăm sóc người khác tự do hoặc có tổ chức. Thông qua các lớp học này chúng ta sẽ tạo ra một nguồn nhân lực lớn để phục vụ dự án.
+ Dịch vụ hỗ trợ khám chữa bệnh: Trong danh sách các dịch vụ mà chúng ta sẽ phát triển trong dự án có dịch vụ hỗ trợ khám chữa bệnh. Nhân viên của dự án có thể chỉ dẫn cho bệnh nhân hay người nhà của họ biết cách dưỡng bệnh, chăm sóc vết thương (bao gồm những chăm sóc cần thiết tại nhà sau điều trị), chế độ dinh dưỡng, chương trình luyện tập, uống thuốc theo đơn và phương pháp điều trị vật lí … Ngoài ra, nhân viên của dự án cũng có thể đưa đón bệnh nhân đi khám bệnh, làm thủ tục khám bệnh, nhập viện thay người nhà …
+ Dịch vụ hỗ trợ sớm phục hồi: Trong Y khoa, thuật ngữ phục hồi chức năng là phục hồi khả năng hoạt động của một cơ quan, một bộ phận cơ thể người bị suy giảm, rối loạn, bị mất đi, có nguy cơ làm cho người trở thành một người tàn tật, tàn phế ... Do nhu cầu phục hồi chức năng lớn nên nhiều bệnh viện đã mở chuyên khoa phục hồi chức năng để người bệnh có điều kiện tập luyện, nhưng người hỗ trợ cho bệnh nhân tập luyện vẫn còn thiếu. Chúng ta có thể khai thác mặt này để làm cho danh sách dịch vụ của mình thêm phong phú.
+ Dịch vụ hỗ trợ về tâm lí: Dịch vụ hỗ trợ về tâm lí sẽ nhắm vào các đối tượng khách hàng là người bị chấn động, người cao tuổi, trẻ tự kỉ …
+ Dịch vụ hỗ trợ lập kế hoạch: Tên đầy đủ là dịch vụ hỗ trợ lập kế hoạch chăm sóc sức khỏe. Phát triển dịch vụ này chúng ta sẽ hỗ trợ người thân hay bệnh nhân lập kế hoạch để có cuộc sống tốt nhất.
Để sống vui, sống khỏe mỗi ngày, bạn cần phải biết lên kế hoạch cho một chương trình chăm sóc sức khỏe cá nhân theo từng độ tuổi của mình.
Chẳng hạn ở độ tuổi 20 bạn quan tâm đến trình trạng sức khỏe của mình ở mức độ nào; khi bước vào độ tuổi 30 bạn cần chương trình chăm sóc y tế cung cấp cho mình những dịch vụ gì; và lúc tuổi 40 ngấp nghé, bạn mong muốn bảo hiểm y tế đảm bảo những gì cho sức khỏe của bạn. Đây là một trong những chương trình khung có thể giúp bạn biết được điều này.
+ Dịch vụ hỗ trợ về kiến thức: Nhiều người có nhu cầu cung cấp kiến thức, thông tin về loại bệnh nào đó, cách chữa trị nó … Chúng ta có thể cung cấp cho họ dịch vụ này miễn phí hoặc lấy phí (nếu cần). Mục đích chính của hoạt động này là nhằm lôi kéo thêm nhiều khách hàng.
+ Dịch vụ du lịch khám chữa bệnh: Khái niệm du lịch chăm sóc sức khỏe không phải là mới. Du lịch chăm sóc sức khỏe xuất hiện hàng nghìn năm trước khi những người hành hương Hi Lạp đi từ vùng Địa Trung Hải rộng lớn đến vùng lãnh thổ nhỏ bé thuộc vịnh Saronic có tên gọi Epidauria. Vùng đất này vốn là nơi thờ vị thần chữa bệnh Asklepios. Epidauria trở thành điểm du lịch chăm sóc sức khỏe đầu tiên. Các suối nước khoáng cho bệnh nhân đến nghỉ ngơi, tắm và hồi phục cũng có thể được coi là dạng dầu tiên của loại hình du lịch này.
Các nhân tố dẫn tới xu hướng phát triển gần đây của du lịch chăm sóc sức khỏe bao gồm chi phí phải trả, thời gian chờ đợi …; sự thuận tiện, dễ dàng của du lịch quốc tế; những cải thiện trong lĩnh vực công nghệ và các tiêu chuẩn chăm sóc sức khỏe ở nhiều quốc gia trên thế giới.
Về website chăm sóc sức khỏe: Bạn hãy hình dung website chăm sóc sức khỏe là nơi cung cấp tất cả các dịch vụ về chăm sóc sức khỏe. Để làm được điều này chúng ta phải cộng tác với rất nhiều người giỏi chuyên môn cũng như tuyển chọn, đào tạo được đội ngũ nhân lực hùng hậu.
Bên cạnh đó, chúng ta cần phải đầu tư nghiên cứu chuyên sâu về các bệnh tật thường hay xảy ra trong cuộc sống đối với nhiều người như rối loạn tiền đình, tăng huyết áp, cao huyết áp, xương khớp … để phát triển những kênh chuyên trị những bệnh tật đó. Làm sao để chỉ có chúng ta mới có thể điều trị những căn bệnh đó hiệu quả mà thôi. Điều đó khiến cho chúng ta phát triển bền vững.
Trên website chăm sóc sức khỏe cũng triển khai thêm nhiều hoạt động như phổ cập kiến thức chăm sóc sức khỏe, phòng ngừa bệnh tật; giới thiệu các địa điểm chăm sóc sức khỏe uy tín; giới thiệu các dụng cụ khám chữa bệnh; giới thiệu bài thuốc hay …; giải đáp, tư vấn chăm sóc sức khỏe; huấn luyện các kĩ năng chăm sóc sức khỏe, cứu hộ cứu nạn … Và trên website cũng có thể đăng bán dụng cụ, thiết bị, thuốc men, thực phẩm … liên quan đến việc chăm sóc sức khỏe …
Về trung tâm chăm sóc sức khỏe: Bạn hãy hình dung trung tâm sức khỏe là một tòa nhà tạo lạc trong một khuôn viên khá đẹp. Nơi này có chỗ để xe, tản bộ, tập thể dục ngoài trời … Có thể bố trí nhiều hàng ghế ngồi ngắm cảnh cho khách tới liên hệ ngồi nghỉ hoặc nhiều dụng cụ tập những động tác vận động đơn giản … Trung tâm chăm sóc sức khỏe được xây ít nhất một trệt, hai lầu, một sân thượng. Trệt là nơi tiếp khách, giao dịch, bán thuốc, thực phẩm chức năng … Lầu một là nơi chăm sóc sức khỏe. Ở đây chia làm nhiều khu vực/phòng. Mỗi khu vực/phòng sẽ phục vụ một hoặc một vài nhu cầu tương tự nhau. Ví dụ, khu vực chăm sóc sắc đẹp; khu vực xoa bóp, bấm huyệt, tắm, xông hơi; khu vực tập các động tác để hoàn thiện các chức năng về xương khớp; khu vực khám chữa những bệnh đơn giản như đo huyết áp, khám răng, xông mũi … Lầu hai là nơi tổ chức các trò vận động để tăng cường sức khỏe như tập yoga, nhịp điệu, thể dục thể hình, múa, dưỡng sinh … Sân thượng là nơi bán các đồ ăn tốt cho sức khỏe; nơi tư vấn, hướng dẫn, trao đổi kiến thức chăm sóc sức khỏe; thư viện có thể đọc sách miễn phí …
Về vệ tinh (điểm) chăm sóc sức khỏe: Giống như trung tâm chăm sóc sức khỏe, chỉ khác là ít loại hình dịch vụ hơn.
Về vấn đề đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho dự án: Nguồn nhân lực quyết định sự thành bại của mô hình kinh doanh. Chính vì vậy, để cho mô hình kinh doanh vận hành tốt, chủ đầu tư cần phải hoạch định những chính sách chiêu mộ, tuyển dụng, đào tạo nhân tài. Làm sao ngay từ đầu có được những người cộng tác tốt, nhân viên giỏi … Chủ đầu tư phải kiên trì theo đuổi những kế hoạch đã đặt ra từ trước để tạo ra hình ảnh, phong cách phục vụ chuyên nghiệp.
Có ba dạng nguồn nhân lực sẽ sử dụng trong mô hình kinh doanh, đó là: Nguồn nhân lực làm việc cho dự án (nhân viên); nguồn nhân lực cộng tác thường xuyên, lâu dài với dự án; nguồn nhân lực cộng tác tự do với dự án. Nguồn nhân lực làm việc cho dự án là nguồn nhân lực giữ vai trò chủ chốt. Cần có những chính sách tuyển dụng dự phòng, cập nhật kiến thức chuyên môn, công nghệ mới nhất cho họ. Tóm lại, phải tạo điều kiện cho nguồn nhân lực này phát triển về mọi mặt để sự nghiệp làm giàu ngày càng vững chắc.
Về vấn đề chữ tín (thương hiệu): Đa phần người sử dụng dịch vụ chăm sóc sức khỏe là người có nhu cầu, khả năng (chi trả). Một khi chúng ta chiếm được cảm tình của họ chúng ta sẽ có tất cả. Chính vì vậy, phải xác định là chỉ cung cấp những dịch vụ, dụng cụ, thuốc men, thực phẩm chức năng … đạt chất lượng, có nguồn gốc. Ví dụ, bán sữa ong chúa phải bán sữa ong chúa tốt. Hãy chứng minh cho khách hàng thấy điều này để họ tin tưởng dùng dịch vụ, sản phẩm của chúng ta. Phải xây dựng được ý niệm tốt trong đầu óc khách hàng khi nghĩ đến chúng ta!
Về vấn đề thời gian: Hầu hết khách hàng muốn được phục vụ tốt, tiết kiệm thời gian mới tìm đến chúng ta. Chính vì vậy, phải huấn luyện cho nhân viên nắm vững nghiệp vụ để thao tác nhanh, gọn. Thời gian là vàng bạc. Tốc độ làm việc càng nhanh càng sinh ra nhiều lợi nhuận (điều này không có nghĩa là làm ẩu).
Về vấn đề thông tin: Cung cấp thông tin về sản phẩm một cách đầy đủ là cách làm thể hiện tinh thần trách nhiệm. Chúng ta sẽ cung cấp những thông tin cần thiết về dịch vụ, sản phẩm cho khách hàng biết mà lựa chọn. Ví dụ, dịch vụ, sản phẩm ấy được làm ra sao, công dụng thế nào, cách dùng chi tiết … Để kích thích nhu cầu của khách hàng cao hơn nữa nên biên tập sách báo, băng đĩa, tờ rơi … hướng dẫn khách hàng sử dụng sản phẩm hàng ngày trên website hay phát cho khách hàng. Tất cả nhân viên đều có khả năng hướng dẫn khách hàng lựa chọn sản phẩm phù hợp nhu cầu của họ.
Về vấn đề bày trí: Vấn đề bày trí điểm bán là một vấn đề vô cùng quan trọng (mục này tôi nói riêng cho việc bán hàng bằng cách mở gian hàng). Nó quyết định doanh thu, thậm chí thành bại trong công tác bán hàng. Sau đây tôi sẽ lần lượt giới thiệu những lưu ý cần thiết trong bày trí gian hàng:
+ Để khách hàng biết và nhớ đến gian hàng thì việc thiết kế biển quảng cáo, mặt tiền ấn tượng, phù hợp là rất quan trọng.
+ Thiết kế nội thất bên trong cũng như sử dụng trang thiết bị, dụng cụ … gì phải phù hợp với loại hình kinh doanh. Tất cả phải phối hợp hài hòa với nhau để chuyển tải những thông điệp ý nghĩa đến khách hàng.
+ Nếu không gian hẹp, hãy cân nhắc dùng tranh vẽ trên tường hay vật dụng có thể gấp nhỏ vào được để đỡ tốn diện tích.
+ Khi trưng bày sản phẩm trong gian hàng cần phải chú ý đến tính thẩm mĩ và an toàn. Đối với những sản phẩm cần bảo quản trong tủ kiếng thì nên trưng bày sản phẩm trong tủ kiếng …
+ Có thể trưng bày sản phẩm theo chủ đề. Các chi tiết trưng bày phải luôn xoay quanh chủ đề. Ví dụ, sản phẩm làm từ mật ong tập trung ở một chỗ; sản phẩm làm từ thảo dược tập trung ở một chỗ ...
+ Để khách hàng nhận biết ra từng chủng loại sản phẩm một cách nhanh nhất rất cần phải “ghi chủ đề” nổi bật tại nơi trưng bày sản phẩm đó. Có thể dùng giấy viết (đánh máy), có thể dùng mô hình … Hãy phát huy hết mức sức tưởng tượng của bạn, nhưng nhớ là không được vượt khỏi mục tiêu chính của việc trưng bày. Hãy thu hút khách hàng nhờ những kiểu trưng bày thật mới mẻ, sáng tạo và phá cách. Thay đổi hình thức trưng bày thường xuyên sẽ khiến gian hàng của bạn luôn mới mẻ.
+ Trưng bày sản phẩm trong gian hàng phải thật khoa học. Sản phẩm nào trước, sau đó đến sản phẩm nào; sản phẩm nào ở trên, sản phẩm nào ở dưới; sản phẩm nào chính, sản phẩm nào phụ … Trong chiêu thức bán hàng có một chiêu thức làm mờ mắt khách hàng. Đó là cách thức trưng bày nhiều sản phẩm cùng loại ở một chỗ nhưng giá cả khác nhau để khách hàng có sự so sánh. Trong đống sản phẩm trưng bày có những sản phẩm giá cao ngất ngưởng nhưng thực tế chất lượng không hề khác những sản phẩm cùng loại. Đây là kiểu trưng bày để dẫn dụ khách hàng đưa ra quyết định mua hàng nhanh chóng đối với sản phẩm giá thấp hơn. Đôi khi cũng có khách hàng chơi ngông dính bẫy, nhưng đối tượng khách hàng này không nhiều.
+ Tránh loè loẹt, nhiều chi tiết. Ít chi tiết trang trí rườm rà để khách hàng nhận ra chủ đề chính. Trưng bày lộn xộn với nhiều chi tiết thừa khiến khách hàng khó nhận ra mặt hàng đang cần giới thiệu.
+ Tập trung vào sản phẩm. Sản phẩm cần được làm nổi bật nhất mới thu hút được sự chú ý của khách hàng. Nếu sản phẩm chỉ ở một góc nhỏ của nơi trưng bày nó cần được rọi nhiều ánh sáng. Nếu nơi trưng bày chú trọng vào hình ảnh/nhãn hiệu hơn sản phẩm thì ánh sáng cần được bố trí hài hoà.
+ Xếp sản phẩm ấn tượng. Gây sự chú ý của người mua hàng bằng cách sắp xếp hài hoà các sản phẩm ở nơi trưng bày theo độ cao hoặc chiều sâu khác nhau để tạo được một tổng thể bắt mắt.
+ Sử dụng công nghệ thông tin. Việc sử dụng công nghệ thông tin trong bán hàng là việc làm hết sức cần thiết. Ví dụ, khách hàng có thể chọn sản phẩm, dịch vụ trên màn hình máy vi tính. Sau khi đồng ý khách hàng điền thông tin vào phiếu mua hàng trong máy, hoặc liên hệ trực tiếp với nhân viên. Với cách làm này chúng ta có thể rút ngắn thời gian phục vụ, cắt giảm chi phí in ấn, giấy tờ … mà vẫn đạt được hiệu quả trong công tác phục vụ khách hàng.
Về vấn đề mở rộng qui mô: Khi đưa ra ý tưởng Tư vấn, chăm sóc sức khỏe tôi đã nghĩ đến việc mở rộng mô hình này ra phạm vi toàn quốc, thậm chí trên khắp thế giới. Như bạn biết, để mở rộng phạm vi hoạt động trên toàn thế giới với chi phí thấp nhất thì không phương tiện nào hiệu quả hơn web. Hãy lập vài trang web (đừng lập một trang) rồi tiến hành hàng loạt các phương pháp bán hàng, quảng bá qua web. Mặc dù bán hàng, quảng bá thông qua web khá lí tưởng nhưng vẫn phải đề phòng internet bị gián đoạn hay trang web bị hack. Chính vì vậy, cần phải bảo mật, lưu giữ thông tin đầy đủ. Song song với đó, hãy tiến hành tấn công trực tiếp thị trường bằng việc lập hàng loạt vệ tinh (tiến tới lập trung tâm chăm sóc sức khỏe). Thương trường là chiến trường. Mọi thứ có thể thay đổi bất ngờ. Do vậy nếu cần hãy sử dụng những vật dụng ở vệ tinh gọn nhẹ, linh hoạt … để có thể ứng phó khi cần thiết. Với chiến lược bán hàng thực tế (rải vệ tinh) chúng ta cũng không cần “cố đấm ăn xôi” khi một vệ tinh nào đó không đem lại hiệu quả như mong đợi. Hãy mạnh dạn thay đổi để có cuộc sống tốt đẹp hơn. Vì hoạt động chủ lực trên website nên sẽ ít tốn chi phí, nhưng cũng cần có những phương án đề phòng nếu chẳng may internet bị gián đoạn.
III - Thực hiện thế nào?
Bạn liên hệ tác giả ý tưởng nhé!