Hãy thực tế khi nghĩ về kinh doanh

Hãy thực tế khi nghĩ về kinh doanh

Hãy thực tế khi nghĩ về kinh doanh

11:42 - 04/03/2019

Khi bạn chọn cho mình một con đường để đi suốt cuộc đời, trước tiên con đường đó phải phù hợp với hoàn cảnh, năng lực, phẩm chất của bản thân bạn, sau đó mới xét đến các yếu tố khác như con đường đó sẽ phát triển thế nào trong tương lai, lập kế hoạch kinh doanh ra sao … Việc bạn chọn một hướng đi không phù hợp sẽ làm cho bạn rất vất vả, không phát huy được tố chất bản thân, thành công không lớn, thậm chí thất bại.

GIÀU CÓ HẠNH PHÚC?
TỪ ƯỚC MƠ ĐẾN HIỆN THỰC
10 thói quen không sửa ngay đời bạn sẽ xuống dốc
Năm 2018, bạn trẻ hãy thay đổi thói qua loa
TIẾN TỪNG BƯỚC VỮNG CHẮC
Hãy thực tế khi nghĩ về kinh doanh

Câu hỏi:

Chào anh!

Em rất muốn được anh cho một vài lời khuyên cho bản thân mình. Em hiện là nhân viên văn phòng của một bệnh viện tư nhân và rất khao khát kinh doanh. Tuy nhiên kiến thức và kinh nghiệm của em trong lĩnh vực này không có nhiều vì em học trung cấp Y. Em luôn ấp ủ ước mơ kinh doanh nhưng chưa biết phải thực hiện như thế nào và có những khó khăn nhìn thấy:

– Bố mẹ em không thích kinh doanh chỉ muốn con cái làm chỗ ổn định rồi lập gia đình. Theo quan niệm bố mẹ em kinh doanh là cái gì đó mạo hiểm và không phù hợp với em.

– Vốn của em không có. Để huy động người thân giúp đỡ một số vốn khoảng 100 – 150 triệu là khó đối với một đứa con gái còn ít tuổi như em lại chưa có kinh nghiệm gì về kinh doanh. Bên cạnh đó, quen thân với những người có kinh tế sẵn sàng cho vay không có.

– Em định mở quán ăn nhanh (pizza, mì ý …) đối tượng phục vụ chủ yếu là tuổi teen. Địa điểm gần 3 trường học. Khu vực của em sống là ngoại thành nhưng cũng khá phát triển.

Em định đi học nấu ăn ngắn hạn hoặc làm tại một quán ăn nhanh nhỏ nào đó để học hỏi kinh nghiệm.

Rất mong anh cho em những lời khuyên.

Chân thành cám ơn anh!

Trả lời:

Chào bạn!

Khái niệm kinh doanh vô cùng rộng lớn. Để đạt được giấc mơ giàu có cũng có cả ngàn con đường. Khi bạn chọn cho mình một con đường để đi suốt cuộc đời, trước tiên con đường đó phải phù hợp với hoàn cảnh, năng lực, phẩm chất của bản thân bạn, sau đó mới xét đến các yếu tố khác như con đường đó sẽ phát triển thế nào trong tương lai, lập kế hoạch kinh doanh ra sao … Việc bạn chọn một hướng đi không phù hợp sẽ làm cho bạn rất vất vả, không phát huy được tố chất bản thân, thành công không lớn, thậm chí thất bại.

Theo kinh nghiệm của tôi thì lĩnh vực buôn bán đòi hỏi rất nhiều kĩ năng va chạm thực tế, nó là một ngành khởi đầu “trầy da tróc vẩy”. Hồi tôi bằng tuổi bạn, tôi cũng quyết định ra lập cửa hàng riêng khi đang có công ăn việc làm ổn định, lúc ấy tôi đã gặp một số khó khăn rất lớn xin kể bạn nghe để bạn rút kinh nghiệm:

Thứ nhất, về vốn. Tôi ví dụ sau khi tính toán bạn thấy số vốn cần phải bỏ ra ban đầu là 100 triệu VND cho một mô hình kinh doanh nào đấy. Thực tế là trong vòng 6 tháng đầu (đó là đối với người kinh doanh giỏi) hầu như doanh thu tăng tiến rất chậm, thậm chí lỗ. Chính điều này làm cho người vốn ít gặp rất nhiều khó khăn. Một số người sẽ chạy vạy mượn thêm, một số người cầm cố nhà cửa, một số người bán xe, bán vàng, một số người vay nặng lãi … Với cách làm này càng làm cho bạn ngập đầu vào nợ nần. Khi đó kinh doanh sẽ trở thành một gánh nặng. Ngày đó tôi còn gặp một khó khăn nữa là khi kinh doanh ế ẩm, gia đình, bạn bè mất niềm tin, khiến cho đầu óc tôi lúc nào cũng căng thẳng. Có hai cách để hạn chế tình trạng này xảy ra, đó là chuẩn bị vốn lớn gấp đôi số vốn tính toán cần phải bỏ ra, hoặc chọn con đường kinh doanh dài hơi, làm từng chút một …

Thứ hai, về mặt bằng. Buôn bán thì mặt bằng vô cùng quan trọng. Tôi chạy khắp thành phố tìm mặt bằng. Nơi thuận lợi thì mặt bằng không có, hoặc giá cho thuê quá cao (những người cho thuê dường như muốn ngồi mát ăn bát vàng, cứa cổ người thuê không thương tiếc). Vì kiếm mặt bằng không có nên cuối cùng tôi đành chấp nhận thuê phòng khách của một căn nhà nhỏ gần chợ. Vì chung đụng sinh hoạt với chủ nhà nên công việc kinh doanh của tôi gặp rất nhiều trở ngại. Một số chủ nhà xấu khi thấy mình kinh doanh được thì tìm cách lấy lại mặt bằng, hoặc tăng giá … Ôi nhức đầu! Tôi không cho rằng tất cả ai cũng cư xử như vậy, nhưng về nguyên tắc làm nhà đầu tư bạn phải lường trước tình huống này. Nếu không có phương án dự phòng thì hầu như bạn chết chắc. Người vốn ít không có nhiều lựa chọn nên khi bước vào kinh doanh rất liều lĩnh. Chỉ cần một “hạt sạn” nhỏ làm cho tính toán bạn bị sai lệch, lập tức dẫn đến phá sản. Người kinh doanh giỏi trước tiên phải có tầm nhìn, phương án dự phòng, cực kì sáng tạo, quyền biến, nghị lực … để vượt qua mọi trở ngại.

Thứ ba, về nguồn hàng. Mới đầu ra kinh doanh bạn chưa quen biết nhiều, và đôi khi chưa biết mối gốc, giá gốc … nên bạn luôn gặp phải cảnh lấy hàng kém chất lượng, mẫu mã không ưng ý, giá cao, giao hàng không đúng hẹn … Hồi đó một số chủ hàng còn gây áp lực bắt tôi phải thế chân trước mới được lấy hàng vì hàng khan hiếm. Cạnh tranh về chất lượng, giá cả là cuộc cạnh tranh khốc liệt nhất. Nếu bạn không lường trước bạn sẽ gục ngã. Hàng lấy về giá cao, chất lượng kém, buôn bán ế ấm, khiến cho bạn phải bán hàng quá hạn sử dụng. Điều này khiến cho tình trạng kinh doanh càng tồi tệ. Dù bạn có chạy đôn chạy đáo làm tất cả từ việc mua hàng, bán hàng, lau cửa hàng …, hoặc cắt giảm nhân viên, tiết kiệm nguyên vật liệu … cũng không thể bù vào chi phí mua hàng quá cao bạn bỏ ra. Bên cạnh đó, vì ít tiền nên bạn phải mua lẻ. Mua lẻ mà đòi bán giá thấp thì sao mà có lời đây? Giải được bài toán kinh doanh không phải đơn giản chút nào!

Thứ tư, về việc mua trang thiết bị, trang trí nội thất … Chi phí mà bạn bỏ ra cho những thứ này hầu như thời gian thu lợi lại rất lâu, hoặc mất trắng. Nó là chi phí làm cho đồng vốn bạn teo tóp lại. Chính vì vậy, khi ra kinh doanh phải cân nhắc đầu tư hợp lí, chọn những mặt bằng, mô hình nào mà gánh nặng chi phí này thấp nhất. Nói thì nói vậy thôi chứ đâu phải bạn muốn là được. Nhiều chủ nhà bắt bạn phải làm thế này thế kia. Muốn biết thực tế ra sao phải lao vào thực tế mới có câu trả lời chính xác!

Thứ năm, về nguồn nhân lực, chất lượng sản phẩm, dịch vụ … Hồi đó tôi đã tự tay đào tạo một số nhân viên, nhưng dường như “số phận” đã bắt tôi phải vất vả hơn. Nhân viên làm được một thời gian chê lương ít nên nghỉ. Bao nhiêu công sức đào tạo trôi theo dòng nước. Nói ra thì thấy hơi dã man, nhưng thực tế hầu hết các chủ doanh nghiệp coi nhân công như một công cụ. Họ luôn có kế hoạch để thay thế bất cứ ai nếu người đó ra đi. Đứng ở cương vị người làm thuê cũng vậy, bạn cũng sẽ rời bỏ chủ mình khi bạn không thích làm nữa. Cuộc sống là vậy, ai chủ động thì người đó giành thắng lợi. Bạn phải có phương pháp đào tạo bài bản nhưng nhanh nhất, liên tục tuyển người dự phòng, mở rộng qui mô … Khi nhân viên bạn ra đi, tức là họ mang theo cả bí mật công nghệ của bạn. Dù bạn không muốn nhưng điều này luôn xảy ra với mọi chủ doanh nghiệp. Một số công ty Nhật Bản có chính sách đào tạo trong công việc, đào tạo công khai … Đào tạo trong công việc nghĩa là bạn chỉ có thể nhận thức ra khi bạn làm một công việc nào đó mà thôi chứ không đào tạo phương pháp tư duy. Với cách làm này bạn mãi mãi là người làm thuê vì bạn không bao giờ có thể làm việc độc lập. Đào tạo trong công việc họ chỉ đem lại cho bạn những kĩ năng trong công việc để bạn áp dụng vào qui trình sản xuất của họ và chỉ áp dụng được trong qui trình sản xuất đó mà thôi. Đào tạo trong công việc không cung cấp cho bạn cái nhìn tổng thể, bao quát. Giả sử không giải thích cho bạn biết số liệu này từ đâu có mà bắt bạn thuộc rồi làm theo. Nói trắng ra họ coi bạn là robot chứ không phải con người. Đào tạo công khai tức là cung cấp kiến thức nào đó cho nhiều người. Tất nhiên, kiến thức chung mà họ cung cấp không phải là bí quyết hay công nghệ gì ghê gớm, mà nó là những nền tảng tư tưởng chung để làm nên một tập thể vững mạnh. Với cách đào tạo này họ luôn luôn chiếm ưu thế. Khi tôi nói vậy bạn sẽ thấy đứng ở phương diện người làm thuê muốn học hết bí quyết của người chủ thật khó. Bạn phải “giải mã” được nguồn gốc thông tin, nắm được phương pháp luận, tổng hợp, phân tích tốt, nhưng cuối cùng thì khi ra làm mỗi con đường đều khác nhau. Bạn không thể bê nguyên si công thức của họ vào sản phẩm của mình. Tư chất, phẩm chất người làm chủ không phải ai cũng có thể có được, đó là lí do mà người muốn làm chủ thì nhiều nhưng người thành công thì ít là vậy.

Hàng ngàn người đều sản xuất ra sản phẩm đó, hàng triệu người đều cung cấp dịch vụ như vậy, bạn phải cho ra một sản phẩm, dịch vụ ưu việt hơn họ. Tính ưu việt ở đây nhiều khi không phải là sản phẩm, dịch vụ của bạn tốt nhất, mà nó còn mang tính “độc”. Khách hàng có đủ loại khách hàng, nhu cầu của họ muôn hình vạn trạng. Một sản phẩm, dịch vụ ra đời không phải nó đáp ứng được nhu cầu tất cả mọi người (đó là điều không tưởng), mà chỉ cần nó được số đông người ưa chuộng là bạn thành công!

Còn rất nhiều bài học nữa, song không có thời gian nói ra hết. Bố mẹ bạn cho rằng kinh doanh là mạo hiểm, điều này không hề sai. Bởi người kinh doanh không chỉ đánh cược với bản thân mình, đánh cược với những gì mình cho là đúng, mà còn đánh cược khi đặt lòng tin vào người khác. Không phải chỉ học nấu ăn là ra làm chủ được. Thời buổi bây giờ làm gì cũng khó. Dù bạn mở cái quán cóc bên đường thôi bạn cũng phải chịu biết bao nhiêu sức ép. Khi đó cuộc sống của bạn có đảo lộn, hạnh phúc gia đình có còn nguyên vẹn? Đằng sau ánh hào quang trên sàn diễn của các siêu mẫu là những giọt nước mắt vì bị phụ tình. Có được đồng tiền phải đánh đổi rất nhiều, rất khó để có cả hai vừa hạnh phúc, vừa giàu có. Chính vì vậy, kinh doanh thế nào để có cuộc sống tốt đẹp luôn là câu hỏi đau đầu. Để trả lời được nó chắc cũng chỉ có vài người trên thế gian này mà thôi!

Theo như bạn trình bày thì tất cả những gì bạn biết về kinh doanh mới chỉ nằm trên ý tưởng, thậm chí ý tưởng đó được phác thảo trong đầu óc bạn rất sơ sài. Bạn cần ra thực tế khảo sát nhiều hơn trước khi quyết định. Bạn muốn kinh doanh mì ý nhưng khách hàng có thích ăn mì ý không? Một chiếc bánh pizza bao nhiêu tiền, có phù hợp với thu nhập người dân nơi bạn sống? … Kinh doanh không phải chỉ là cảm hứng đâu!

Điều bạn cần làm đầu tiên bây giờ là xem xét lại hoàn cảnh, năng lực bản thân mình trước khi ra thị trường tìm hiểu kĩ hơn về con đường mình sẽ chọn. Hi vọng lá thư sẽ giúp bạn hình dung ra một phần về những gì mình cần làm.

Chúc bạn khởi đầu tốt đẹp!

Chat Master (Anastar) - Tác giả cuốn sách Cẩm nang khởi nghiệp

Bài liên quan:

1) Làm gì khi muốn khởi sự kinh doanh nhưng không có vốn?

2) Nên nghỉ việc để kinh doanh nhà trọ?

3) Làm sao để tư duy sâu sắc một vấn đề?

BÌNH LUẬN BẰNG MAIL

BÌNH LUẬN FACEBOOK