Có mặt bằng rộng nên kinh doanh gì?

Có mặt bằng rộng nên kinh doanh gì?

Có mặt bằng rộng nên kinh doanh gì?

10:05 - 02/04/2019

Cái lợi lớn nhất khi mặt bằng của mình là mình chủ động về thời gian, kế hoạch khi theo đuổi một mô hình kinh doanh nào đó. Nhưng muốn biết mô hình kinh doanh nào thích hợp thì ta phải xem xét một số yếu tố sau: tố chất bản thân, hoàn cảnh sống, hoàn cảnh khách quan, tính toán kinh doanh thử nghiệm...

GIÀU CÓ HẠNH PHÚC?
TỪ ƯỚC MƠ ĐẾN HIỆN THỰC
10 thói quen không sửa ngay đời bạn sẽ xuống dốc
Năm 2018, bạn trẻ hãy thay đổi thói qua loa
TIẾN TỪNG BƯỚC VỮNG CHẮC
Có mặt bằng rộng nên kinh doanh gì?

CÂU HỎI:

Chào bạn!

Mình đang có ý định kinh doanh nhưng không biết nên kinh doanh gì? Hiện tại gia đình của anh chị mình có một nhà nghỉ với mặt bằng tương đối rộng nên mình muốn lợi dụng nó để kinh doanh nhưng thật sự mình không biết nên bắt đầu từ đâu, ngành nghề gì. Lúc thì nghĩ nên mở quán cafe, lúc lại nghĩ nên mở quán ăn sáng, hay là một quán rượu nhỏ. Mình thật sự khó lựa chọn. Hi vọng bạn cho mình một lời khuyên với mặt bằng sẵn có đó mình có thể làm được gì.

Rất mong nhận được tư vấn từ bạn. Cảm ơn bạn nhiều!

TRẢ LỜI:

Chào bạn!

Dường như bạn là người kiệm lời, bạn muốn tôi tư vấn chính xác mô hình kinh doanh cho bạn, nhưng bạn lại không thể viết một lá thư dài mô tả cụ thể hơn về hoàn cảnh của mình. Với cách hỏi như vậy bạn vô tình đánh đố người trả lời, buộc tôi phải trả lời chung chung, và có khi đọc xong bài viết này bạn cũng chưa thể tìm ra giải pháp cụ thể.

Đặt một giả thuyết tôi có một mặt bằng thì tôi sẽ kinh doanh gì?

Hai từ kinh doanh nghe thì dễ mà quả thực không dễ chút nào. Nó không dành cho những người có đầu óc đơn giản. Dù mặt bằng đó là của mình cũng phải nghĩ rằng mình đi thuê nó. Doanh thu thu được phải trừ ra chi phí thuê mặt bằng xem mình làm vậy có lời chưa. Nếu tự mình làm mà không có lời thì tốt nhất nên cho người khác thuê.

Cái lợi lớn nhất khi mặt bằng của mình là mình chủ động về thời gian, kế hoạch khi theo đuổi một mô hình kinh doanh nào đó. Nhưng muốn biết mô hình kinh doanh nào thích hợp thì ta phải xem xét một số yếu tố sau:

1. Tố chất bản thân: Có người cái gì cũng biết nhưng lại không biết về bản thân mình. Loại người này thất bại phần nhiều. Tuy nhiên, để biết chính xác tố chất trong cơ thể mình thích hợp với ngành nghề kinh doanh gì là điều không phải dễ dàng chút nào. Trong phạm vi bài viết nhỏ tôi không thể nào chỉ hết các cách phát hiện ra tố chất của bản thân, trừ khi phải tiếp xúc với bạn vài lần. Đây quả thực là một ẩn số, và hầu hết nguyên nhân thất bại nằm ở đây.

Một số câu hỏi cơ bản khi bạn muốn tìm hiểu về tố chất bản thân mình là:

+ Mình sinh trưởng trong một hoàn cảnh như thế nào?

+ Mình đã tiếp thu, rèn luyện được những gì từ hoàn cảnh sống đó?

+ Mục đích sống của mình là gì?

+ Trình độ nhận thức và năng khiếu của mình ra sao?

+ Mình thích gì nhất?

+ Mình có những đức tính gì nổi bật?

+ Mình có bao nhiêu vốn, bao nhiêu bạn bè, họ là ai?

+ Nghề nghiệp hiện tại của mình là gì? Chúng có kết hợp hay phát huy được khi mình ra kinh doanh không?

……………

Tố chất trong cơ thể gồm hai loại. Một loại đã thể hiện ra, một loại đang ủ mầm. Những câu hỏi trên bạn chỉ có thể phát hiện ra những tố chất đã bộc lộ, mà không thể phát hiện ra những tố chất đang tiềm ẩn. Bên cạnh đó, tố chất có được phần lớn là do rèn luyện đúng. Rèn luyện đúng là rèn luyện có phương pháp và kỉ luật. Một khi bạn chưa làm thì không thể biết bạn có năng khiếu về điều đó hay không!

Nếu như ngành kinh doanh nào đó bạn chọn không phát huy được các tố chất trong cơ thể, nó sẽ không biến thành niềm đam mê, sức mạnh để từ đó giúp bạn gặt hái được nhiều kết quả tốt đẹp, mà chỉ là cảm hứng nhất thời.

Bên cạnh đó, khái niệm thành công khác nhau tùy từng người. Có người cho rằng ra mở một tiệm phở, mỗi tháng thu nhập vài triệu VND đã là thành công, nhưng có người lại cho rằng phải ảnh hưởng toàn cầu và giàu cỡ tỉ phú thì mới thỏa lòng. Khái niệm thành công của bạn ở mức nào?

Khái niệm thành công sẽ ảnh hưởng đến tầm nhìn. Người có chuẩn mực thành công không lớn tầm nhìn sẽ bị bó hẹp, chính vì vậy khi tính toán họ không lường hết những tác động vĩ mô ảnh hưởng đến con đường họ chọn.

Tôi giả sử những lí thuyết trên bạn thông suốt và bạn đã chọn ra được 5 ngành nghề kinh doanh phù hợp với mình nhất là A, B, C, D, E. Từ đây chúng ta sẽ bước sang bước thứ hai là xem xét hoàn cảnh sống.

2. Hoàn cảnh sống: Chúng ta là con người xã hội. Mọi hoạt động của chúng ta đều có liên quan đến nhiều người khác. Nếu như bạn biết phát huy các yếu tố xã hội này, thành công của bạn sẽ lớn hơn vì trên đường đời ai cũng phải cần nhiều người hỗ trợ, giúp đỡ.

+ Gia đình bạn phản ứng như thế nào khi bạn quyết định ra kinh doanh riêng? Tôi không muốn câu trả lời chung chung mà muốn biết cụ thể. Trong tình huống kinh doanh thất bại gia đình có thể cùng hợp sức với bạn để giải quyết hậu quả không?

+ Mối quan hệ xã hội của bạn có rộng không? Đối tượng bạn bè của bạn nằm trong thành phần nào? Họ có giúp gì cho bạn khi bạn ra kinh doanh không?

Thành công hay thất bại được quyết định bởi con người. Chính vì vậy nếu như nguồn nhân lực không chuẩn bị chu đáo, thì coi như thất bại là điều không tránh khỏi.

Sau khi đem 5 ngành nghề kinh doanh bạn chọn ra bàn bạc với mọi người thì mọi người cho ý kiến tùm lum. Sau khi nghe ý kiến mọi người xong bạn cân nhắc thấy chỉ có 2 ngành nghề D, E khi mình ra làm thì nhân tố con người sẽ được phát huy cao nhất. Khi đó bạn hãy đi xem xét tiếp hoàn cảnh khách quan tác động đến ngành nghề kinh doanh bạn chọn.

3. Hoàn cảnh khách quan: Để xem xét chính xác hoàn cảnh khách quan là điều vô cùng khó khăn mà tôi nghĩ rằng không nhiều người có thể làm được điều này.

Ngành nghề bạn chọn sẽ phát triển như thế nào trong tương lai? Tầm ảnh hưởng ra sao?

Để trả lời được câu hỏi này đòi hỏi bạn phải có rất nhiều thông tin, kinh nghiệm sống, tri thức sâu sắc, vũng vàng về các môn học như triết học, lí luận xã hội, kinh tế học, logic học, tâm lí học, phương pháp luận nghiên cứu khoa học, lịch sử … Không những thế bạn phải có một tư duy tổng hợp, phân tích … sắc bén, một khả năng cảm nhận thiên phú, một trực giác nhạy bén hơn người, khả năng phán đoán với xác suất chính xác cao …

Tại sao có người nhìn đống rác cho rằng nó là đồ vứt đi, trong khi đó lại có người nhìn ra cơ hội kinh doanh hấp dẫn? Tại sao có người đi mở tiệm internet, nhưng có người lại cho rằng ngành này sẽ bão hòa khi mức thu nhập người dân tăng cao? …

Khả năng nhận định, sáng tạo, phát hiện ra vấn đề … không phải tự dưng mà có. Cũng như những gì tôi trình bày trong bài viết này, bạn chỉ có thể cảm nhận mà không thể làm được. Muốn kinh doanh thành công phải lao vào khổ luyện!

Mặt bằng của bạn có thích hợp để kinh doanh ngành nghề đó hay không?

Để trả lời được câu hỏi này bạn phải biết rõ diện tích, lịch sinh hoạt của những người sống trong mặt bằng đó, nó nằm ở vị trí địa lí nào, hướng nào, con đường nào (một chiều hay hai chiều, bên phải hay bên trái đường, đầu đường hay cuối đường …), mật độ dân cư nơi đó ra sao, độ tuổi dân cư, giới tính thế nào, những ngành nghề gì tập trung quanh đó, những tụ điểm lợi thế như trường học, chợ, công viên … có hay không, tâm lí người dân nơi đó thế nào, ở đó có hay kẹt xe không, có bị nước ngập không, có dự án mở đường không, cách trung tâm bao xa, … Vô vàn câu hỏi. Những câu hỏi này từ đâu có và nó có theo trình tự nào không? Xin thưa rằng để có bản câu hỏi này bạn phải có những kiến thức nhất định về nghiên cứu thị trường, phong thủy, … Chúng được lập theo trình tự và được đánh giá mức độ quan trọng khác nhau. Tôi giả sử bạn đã hoàn tất bước này, chúng ta hãy bước sang bước kế tiếp.

4. Tính toán kinh doanh thử nghiệm: Tôi giả sử bạn chọn ngành nghề kinh doanh là uốn tóc đi, bây giờ chúng ta sẽ tiến hành tính toán và kinh doanh thử nghiệm.

Đầu tiên bạn phải có kiến thức về ngành tóc, có tay nghề xuất sắc để cạnh tranh, cũng như đào tạo được đội ngũ nhân viên chuyên nghiệp. Bạn bắt đầu từ việc tìm đọc các tạp chí, sách báo về tóc, sau đó lân la đến các tiệm uốn tóc học nghề. Nhiều bạn nghĩ rằng bỏ hàng chục triệu ra học nghề uốn tóc ở các tiệm nổi tiếng là tay nghề mình thế nào cũng cao. Suy nghĩ này là sai lầm! Bạn học người ta chắc chắn bạn không thể làm hơn người ta được, để làm hơn người ta bạn phải có khả năng sáng tạo và nỗ lực nhiều hơn. Không phải kiểu tóc bạn học là mới, là độc mà là phù hợp. Nó phải phù hợp với môi trường kinh doanh của bạn thì khi áp dụng vào tỉ lệ thành công mới cao.

Tiếp theo học nghề bạn phải học về cung cách phục vụ; trang trí, trưng bày tiệm; tiếp cận, mở rộng thị trường; quản lí nguồn vốn sao cho hiệu quả; mua hàng thế nào …

Chỉ nói riêng về phần mua hàng thôi đã nhức đầu. Trên thị trường hiện nay có hàng ngàn sản phẩm đủ mọi chủng loại và xuất xứ. Vậy mua loại nào, ở đâu để chất lượng phục vụ cao nhất, lời nhất không phải là dễ. Bạn phải lê la hàng tháng trời ở các chợ mĩ phẩm, thử nghiệm hết các loại mĩ phẩm này đến loại mĩ phẩm nọ mới vỡ òa cái gì đó … Chi phí bỏ ra cho những gì học được không phải nhỏ, ngoài tiền bạc, thời gian, đôi khi còn là sức khỏe, tính mạng nữa!

Cuối cùng trải qua bao nhọc nhằn bạn cũng chuẩn bị xong. Bạn thấy mình thật sự hợp với ngành uốn tóc và quyết định ra làm. Bạn hãy khoan đầu tư rầm rộ sửa sang mặt bằng, mà hãy sắm một số dụng cụ cơ bản để hành nghề thôi. Ngày đầu tiên mở tiệm bạn hãy làm cho người thân, bạn bè, những người xung quanh với giá huề vốn. Thời gian này kéo dài bao lâu còn tùy thuộc tình hình kinh doanh cụ thể. Nếu sau một khoảng thời gian X nào đó bạn thấy ngành có thể phát triển được thì mới đầu tư lần thứ hai. Lần này bạn sửa tiệm lại đàng hoàng hơn nhưng cũng đừng quá lố đến mức làm chi phí sản phẩm tăng cao hơn mặt bằng thị trường.

Giai đoạn kinh doanh thử nghiệm 2 kéo dài khoảng 6 tháng. Theo tôi 6 tháng là đủ cho một kết luận có nên đi theo ngành này hay không. Đây có thể nói là giai đoạn kinh doanh gian khổ nhất. Tất cả mọi thứ đều mới mẻ, đều phải xây dựng từ đầu, và chi phí bỏ ra cho giai đoạn này cũng thật nhiều. Bạn phải nát óc để cân bằng bài toán bỏ ra và thu về sao cho hiệu quả đầu tư cao nhất. Một số người không chịu nổi sự lỗ lã, hay nóng vội … đã tăng giá, làm ẩu … càng làm cho nguy cơ phá sản hiện ra trước mắt. Dù ăn mắm ăn muối cũng phải giữ giá đến cùng, theo đuổi một phong cách phục vụ chuyên nghiệp, xây dựng được chữ tín lâu dài trong lòng khách hàng … Chỉ có như vậy con đường kinh doanh của bạn mới phát triển.

Trong trường hợp trải qua 6 tháng kinh doanh mà kết quả thu được không như dự tính ban đầu, tới đây bạn hãy ngồi xem xét lại. Nguyên nhân thất bại có rất nhiều nhưng chủ yếu nằm ở hai nguyên nhân chính:

+ Khi đưa ra mô hình kinh doanh trên lí thuyết bạn đã tổng hợp, phân tích, suy luận, tính toán … sai. Đây là nguyên nhân đầu tiên dẫn đến thất bại!

+ Năng lực điều hành, khả năng tay nghề, kĩ năng lao động, giao tiếp … yếu kém. Nghĩa là năng lực thực tế của bạn thiếu. Bạn phải biết rằng giữa lí thuyết và thực tế luôn có khoảng cách và sai lệch. Nhiều khi điều đó dường như 100% là thế nhưng khi ra làm vẫn có sự sai khác.

Tôi xin kể cho bạn nghe một câu chuyện nhỏ về bản thân tôi. Có một lần tôi chế tạo một chi tiết máy. Theo tính toán là cái lỗ đó phải khoan rộng với đường kính 3 mm, và cái trục nhét vào nó cũng có đường kính 3 mm. Thế nhưng khi tôi chế xong thì không tài nào nhét vào được mặc dù lấy thước đo mọi thông số đều chính xác. Khi đó một người thợ già tiến đến và nói với tôi rằng: Sở dĩ cậu không nhét nó vào được là do giữa chúng có lực ma sát, cậu phải bôi nhớt hay khoan rộng ra chút nữa. Khi nghe câu nói ấy tôi chợt nhận ra rằng tôi đã không nắm vững lí thuyết hơn nữa. Thực tế những gì người thợ già nói cũng chỉ là lí thuyết, nhưng lí thuyết ấy đã được ông ta vận dụng nhuần nhuyễn đến nỗi thành nhận thức lí tính, cụ thể. Nói nôm na là tinh hoa.

Có thể tôi dạy bạn phải nói chuyện với khách hàng thế này thế này, nhưng khi ra thực tế khách hàng có đủ loại người, và phản ứng của họ cũng vô cùng biến hóa. Sự phức tạp đến nỗi nhiều người phải thốt lên rằng “kinh doanh không có nguyên tắc nào hết!”. Có khi bạn chẳng khuyến mãi mà họ lại thích, có khi bạn phải lau chân thay vì lau đầu cho họ … Nói ra thì buồn cười nhưng đó lại là một sự thật trong kinh doanh. Thất bại phần lớn là do không nắm vững lí thuyết và kĩ năng lao động chưa hoàn hảo!

Giả sử như nhận thức ra rằng bạn đã đi sai đường. Khi đó cách khôn ngoan nhất là nên dừng công việc kinh doanh lại. Nhiều người ra làm thì dám nhưng thất bại lại không dám dừng, chấp nhận. Họ sợ xấu hổ, mang tiếng … Thật ra, những gì bạn bỏ ra không bao giờ là lãng phí. Ít ra bạn cũng có kiến thức về những gì mình đã trải qua, nó làm phong phú cho cuộc sống tâm hồn, tri thức của bạn, và biết đâu sau này bạn vẫn phải dùng đến nó để kiếm tiền. Những thất bại làm cho kho kinh nghiệm của bạn đầy lên, cho đến một ngày nào đó chỉ cần một cố gắng nhỏ bạn sẽ biến chúng thành kho vàng trong hiện thực. Câu nói “Thất bại là mẹ thành công!” được hiểu là sau mỗi thất bại ta sẽ nhận thức ra cái mới ưu việt hơn cái cũ.

Khi phân tích thất bại của mình bạn phải chú ý đến điều này: Có những thất bại là giả tạo! Có nghĩa là bạn đang thất bại giả chứ không phải thật, khi đó giai đoạn mà bạn bị khủng hoảng chính là dấu hiệu của khó khăn chứ không phải là dấu hiệu của sự sụp đổ. Có nhiều người bán bánh cuốn vắng khách không phải vì bánh cuốn dở, cũng không phải vì cung cách phục vụ tồi mà là chén nước mắm họ pha làm khách không thích. Có nhiều người bán kem ế lại cho rằng mình làm kem không ngon, hay ngành kem là ngành không hấp dẫn, mà không hiểu rằng mùa lạnh nên người ta ít ăn kem! …

Giả sử trải qua hết những gian truân kể trên bạn vẫn không tìm ra hướng đi cho riêng mình, khi đó thật sự là bạn thiếu sức sáng tạo. Hồi nhỏ tôi cũng luôn đau đầu vì câu hỏi “Mình nên kinh doanh cái gì?”, và cuối cùng tôi tìm ra câu trả lời ngoài thị trường. Đừng ngồi đó mà hỏi mình nên kinh doanh cái gì, rồi suy đoán bậy bạ, mà hãy lao ra thị trường tìm hiểu. Đi một vòng các chợ bạn sẽ thấy cơ man nào là ý tưởng kinh doanh được thiên hạ thử nghiệm. Thành công có, thất bại có, đang ngắc ngoải cũng có …

Ý tưởng kinh doanh không thiếu, thậm chí nó cũ rích, nhưng phương pháp làm và năng lực người thực hiện giữ vai trò quyết định. Người chủ trước tiên phải là người có trình độ nhận thức cao, năng lực hơn người, biết quản lí chi phí hiệu quả, khả năng kết nối các mối quan hệ xã hội tuyệt vời …

Có mặt bằng hay không có mặt bằng không quan trọng. Đường đời có hàng ngàn lối đi, và mỗi người cũng có khi thích hợp với nhiều ngã rẽ … Có khi bạn kinh doanh ngay chính trên mặt bằng của mình, nhưng có khi bạn lại quyết định cho mướn nó rồi lấy tiền đi thuê chỗ khác …

Nếu cần sự trợ giúp trong những bước đi cụ thể thì hãy liên hệ với chúng tôi. Thư không nói hết lời, chúc bạn thành công!

Chat Master (Anastar)

Bài liên quan:
1) Nên nghỉ việc để kinh doanh nhà trọ?

2) Hãy thực tế khi nghĩ về kinh doanh

3) Làm sao để tư duy sâu sắc một vấn đề?

4) Có động lực đúng sẽ mạnh mẽ hơn

BÌNH LUẬN BẰNG MAIL

BÌNH LUẬN FACEBOOK