NÊN ĐẦU TƯ HỌC TIẾNG ANH HAY TOÁN?
11:05 - 21/09/2020
Tài năng có ý nghĩa quyết định trong việc định hướng nghề nghiệp sau này cho con bạn. Cho nên, con thích, con yêu, con giỏi … cái gì thì tập trung cho con học cái đó.
TỪ ƯỚC MƠ ĐẾN HIỆN THỰC
10 thói quen không sửa ngay đời bạn sẽ xuống dốc
Năm 2018, bạn trẻ hãy thay đổi thói qua loa
TIẾN TỪNG BƯỚC VỮNG CHẮC
Câu hỏi:
Chào Ban tư vấn Anastar!
Con gái tôi năm nay học lớp 9, tôi đang phân vân không biết nên đầu tư cho cháu học tiếng Anh hay toán. Mong Ban tư vấn Anastar cho lời khuyên để tôi biết cách đầu tư cho cháu tốt nhất!
Trả lời:
Tôi rất bận rộn nên không thể viết một lá thư dài, chỉ xin gửi đến bạn những dòng cô đọng nhất (nhưng đầy đủ những gì muốn nói) để qua đây bạn có thể quyết định được nên đầu tư cho con học cái gì, đầu tư như thế nào là tốt nhất.
Thưa bạn, công việc của tôi là giúp người khác thay đổi số phận. Mỗi câu hỏi nhận được từ độc giả tuy ngắn gọn nhưng để trả lời được nó không hề dễ dàng. Đặc biệt, tôi lại mang trong mình sứ mệnh lớn. Nếu không đủ tâm và tầm, tôi sẽ không làm tròn chức trách của mình. Đáng trách thay nếu độc giả dựa trên những câu trả lời chưa tốt của tôi để làm căn cứ quyết định. Sai sót nhỏ thì trả giá nhỏ, sai sót lớn thì trả giá lớn, thậm chí sẽ đẩy cuộc đời ai đó vào bất hạnh. Ngược lại, nếu tôi cung cấp cho bạn một câu trả lời xác đáng và qua đó giúp bạn tìm ra hướng đi, cách thức giải quyết tốt nhất, tôi có thể giúp bạn thay đổi số phận của bạn hoặc ai đó. Với lí do này, tôi mong bạn đọc lá thư này một cách thận trọng.
Trước khi trả lời câu hỏi của bạn, tôi muốn làm rõ khái niệm “đầu tư”. Tất cả những hành động bạn đang làm cho con, bạn hiểu là “đang đầu tư để con có cuộc sống tốt hơn”. Thế nhưng, bạn hiểu thế nào về đầu tư? Muốn đầu tư tốt bạn phải có kiến thức, kinh nghiệm … Tuy nhiên, nhiều người có kiến thức nhưng lại không có tầm nhìn. Nếu bạn không có tầm nhìn thì việc đầu tư của bạn phần lớn phụ thuộc vào may rủi. Bạn thấy người ta làm sao thì bạn bắt chước làm vậy. Bạn bắt con phải làm theo ý bạn để thỏa mãn tham vọng của bạn. Nghĩa là, con sẽ phải sống cuộc đời của nó theo suy nghĩ của bạn, chứ không phải sống cuộc đời của nó theo những gì phù hợp nhất với nó (không theo suy nghĩ của bạn cũng không theo suy nghĩ của con hay của ai mà theo những gì phù hợp nhất với nó). Ở đây, bạn chỉ đóng vai trò tìm hiểu, hướng đạo chứ không bắt ép con. Cha mẹ nào không hiểu được điều này là cha mẹ thiển cận và ích kỉ. Cha mẹ nào hiểu được điều này là cha mẹ sáng suốt và thương con. Chúng tôi mong bạn là người thứ hai của con mình.
Đầu năm cấp II, tôi chẳng mê học môn nào ngoài môn văn. Tôi mê đọc sách, làm thơ, viết văn … Có thể nói tất cả thời gian rảnh tôi đều dành cho môn văn. Thế nên tôi giỏi văn. Nhưng không hẳn vậy, vì để giỏi môn văn cần có chút năng khiếu. Hồi đó tôi chẳng biết học giỏi văn để làm gì, nhưng tôi cứ cắm đầu vào học vì đơn giản là tôi thích nó, nhưng đến bây giờ thì tôi đã biết: Để tôi có thể diễn đạt ý cho người khác hiểu tốt hơn nói riêng, và giao tiếp tốt hơn trong cuộc sống nói chung. Bởi giao tiếp rất quan trọng trong cuộc sống, ở khía cạnh nào đó, khả năng này còn quan trọng hơn cả khả năng chuyên môn. Ví dụ, dù bạn giỏi như thế nào, dù bạn yêu ai đến bao nhiêu, nhưng bạn không diễn đạt tốt thì ai biết là bạn giỏi, bạn yêu họ? Cũng giống như tôi đang trả lời câu hỏi của bạn, dù có rất nhiều kiến thức, tôi buộc phải chọn cách thức nào đó để diễn tả cho bạn hiểu. Rồi khi lớn lên, văn giúp tôi lập ra trang Anastar, viết sách … để kiếm sống và giúp đỡ nhiều người. Những cuốn sách tôi viết như Bí kíp giữ chồng, Cẩm nang khởi nghiệp, Nghệ thuật kinh doanh nhà phố, Làm chủ số phận … Và sẽ còn rất nhiều cuốn sách khác. Đến đây tôi mới vỡ ra việc học giỏi văn có tác dụng to lớn đến nhường nào. Thế mà ngày xưa khi tôi ngồi thả hồn theo những áng văn thơ, cô thầy và bạn bè đều bảo: “Thằng dở hơi!”. Mỗi người có “cái hốc” của mình. Là cha mẹ nên khuyến khích con phát huy những gì con yêu thích, tìm hướng đi và cách thức để con ứng dụng tài năng của mình rồi sẽ có ngày bạn cảm thấy tự hào về con. Giá mà cha mẹ, thầy cô, bạn bè tôi cũng cư xử với tôi như vậy …!
Do dành quá nhiều thời gian, công sức, tâm trí … cho môn văn, tôi bỏ qua tất cả môn khác. Đặc biệt là môn toán – một môn cũng rất quan trọng trong cuộc sống. Thế là tôi dốt toán. Kết quả toán cuối năm cấp II của tôi thật tệ. Tôi đã khóc khi xem kết quả trong sổ liên lạc. Và tôi tự hỏi: Chả lẽ nào tôi là một thằng ngu?!
Muốn học xuất sắc (tôi nói là xuất sắc) môn nào cũng cần chút năng khiếu cộng bỏ công thật nhiều. Tuy nhiên, với kinh nghiệm của bản thân, tôi biết, để học giỏi môn toán cần bỏ công nhiều hơn, thậm chí không cần năng khiếu cũng ổn, với điều kiện con bạn phải là người phát triển trí tuệ bình thường. Thế là lên cấp 3, tôi quyết tâm phải học tốt môn toán. Nhà tôi nghèo làm gì có tiền đi học thêm. Nhưng tôi cũng không cần học thêm, tôi ra tiệm mua vài cuốn sách toán nâng cao về giải. Như bạn biết đó, trong bất cứ sách toán nào họ cũng cho bài tập và cho lời giải luôn (nếu không thì cũng cho đáp số). Thế là tôi xem theo đó mà làm. Mới đầu tôi cũng không làm được, tôi ngó qua lời giải, à hiểu, tôi tiếp tục giải tiếp … Tôi làm đi, làm lại đến nỗi thuộc luôn tất cả các bài toán trong các cuốn sách đã mua. Nhờ ăn toán, ngủ toán, chơi toán … mà điểm số toán tôi đạt được ở các năm cấp ba gần như tuyệt đối. Nếu có cỗ máy thời gian của Doremon, tôi sẽ dẫn bạn về nhà tôi xem tôi học toán ra sao. Cả nền nhà trắng xóa giấy nháp. Tôi đã dùng không biết bao nhiêu giấy nháp để giải toán. Đó là bí quyết học giỏi toán của tôi: Làm thật nhiều toán, không chừa bài nào từ sách giáo khoa cho đến sách nâng cao. Sách là người thầy, không cần đi học thêm!
Thế nhưng, có một điều tôi còn thắc mắc khi ấy: Học toán giỏi để làm gì?
Nếu có dịp, tôi sẽ viết một cuốn sách chỉ cách học giỏi toán và nói lên tác dụng to lớn của toán học, nhưng trong lá thư này, tôi không thể làm được điều đó. Tôi chỉ xin nói ngắn gọn thế này: Toán giúp bạn tính toán nhanh và chuẩn xác. Và điều này rất cần để ra quyết định. Khi lớn lên, ra đời, mua bán cái gì, đặc biệt là bất động sản, tôi tính toán rất tốt. Tất nhiên, vì vậy mà tôi cũng “trúng đậm” nhiều thương vụ. Và vì thế cuộc sống của tôi cũng thay đổi từng ngày. Một người giỏi toán, biết dùng toán để ứng dụng trong cuộc sống của mình sẽ có số phận ngày càng tươi sáng hơn. Nhưng với điều kiện là bạn phải học toán để ứng dụng, chứ không phải học toán để chạy theo điểm số trong trường. Nếu học toán để ứng dụng thì bạn phải đánh giá đúng tầm quan trọng của môn toán, từ đó hình thành trong mình tình yêu toán và phải học toán để giỏi thật sự chứ không phải để đối phó. Muốn học giỏi toán để giỏi thật sự bạn phải tự mày mò học, còn đi học thêm thì thầy cô sẽ học thay bạn, lúc đó bạn sẽ thụ động ngồi ghi chép.
Môn văn cần chút năng khiếu, môn toán chỉ cần chăm chỉ, nhưng môn Anh văn thì … Đó là môn của xứ người ta, của nước ngoài, không phải của mình, nên việc tự học rất là vất vả, thậm chí đạt kết quả không cao. Muốn con giỏi Anh văn phải tìm giáo viên giỏi cho con học, học tới đâu thi lấy bằng đến đó để con càng nỗ lực học hơn …, thậm chí tìm những nơi dạy tiếng Anh tốt nhất cho con học, tìm môi trường tốt nhất cho con thể hiện … Vậy con mới giỏi tiếng Anh. Không đầu tư thì thôi, đã quyết định đầu tư rồi thì đầu tư cho tới mới “đáng đồng tiền bát gạo”.
Thế học Anh văn để làm gì?
Đó là cái ngày buồn nhất cuộc đời tôi. Tôi có bằng đại học, năng lực thì rất giỏi nhưng đành … bất lực trong một cuộc phỏng vấn tuyển Giám đốc nhà máy của một công ty Pháp. Đơn giản vì tôi không đủ “trình” tiếng Anh để nói cho ông chủ người Pháp hiểu. Nếu tôi mà đủ “trình” tiếng Anh thì …
Bạn là người giỏi. Tôi hiểu. Bạn có bằng cấp. Tôi biết. Nhưng bạn sẽ đi về đâu trong cuộc đời này? Khởi nghiệp ư? Bạn phải có đủ điều kiện mới khởi nghiệp được! Làm cho các công ty trong nước ư? Các công ty trong nước chưa đánh giá đúng nhân tài và không có nhiều cơ hội cho bạn thể hiện! Làm cho các công ty nước ngoài ư? Bạn phải giỏi ngoại ngữ. Ngoại ngữ sẽ cho bạn cái nghề (dạy tiếng Anh, phiên dịch, viết sách …), cho bạn cơ hội làm cho các công ty nước ngoài, đi ra nước ngoài … Ở thời buổi hội nhập, biến động này, nếu con bạn không biết ngoại ngữ, thậm chí biết ngoại ngữ mà không giỏi, thì bạn đã gián tiếp “chặt đi” cái chân, “đôi cánh” của con rồi!
Là một người từng trải, hiểu biết …, tôi cũng chia sẻ đôi chút về con đường học vấn của mình: Tôi thấy xã hội ai cũng cho con học đại học. Cố công, gắng sức cũng quyết tâm cho con lấy bằng được cái bằng đại học. Giờ trường đại học đầy rẫy. Nó như những “cái bẫy” giăng ra để bẫy những người muốn đầu tư cho con nhưng không hiểu gì về khái niệm đầu tư.
Tôi cũng là một người chui ra từ một trong những “cái bẫy” ấy. Lấy bằng đại học xong rồi trong đầu tôi không có chút kiến thức gì về cái ngành mình học. Tôi bèn vứt cái bằng vào một góc, bởi tôi không sống bằng cái bằng mà sống bằng tài năng của mình. Tài năng có ý nghĩa quyết định trong việc định hướng nghề nghiệp sau này cho con bạn. Cho nên, con thích, con yêu, con giỏi … cái gì thì tập trung cho con học cái đó. Rồi từ đó tìm cho con cái nghề … Tóm lại là có tài năng thì mới “múa may”, mới sống được. Chứ không phải cái bằng. Tài năng không chỉ giúp con bạn sống tốt, sống khỏe mà còn mang lại cho nó một cuộc đời ý nghĩa. Nhiều cha mẹ không đánh giá cao lời khuyên này nên chỉ chạy theo điểm số, bằng cấp … Do đó mới có chuyện nhiều người lấy bằng đại học xong rồi lại chẳng làm cái nghề mình học. Học để ứng dụng, không phải để khoe mẽ, sĩ diện … Nếu con không hiểu điều này, làm cha mẹ, bạn phải hiểu. Nếu như ngay cả bạn cũng không hiểu điều này thì gia đình bạn đúng là …
Chat Master (Anastar)