NHỮNG NGUỒN VỐN ĐANG CÓ

NHỮNG NGUỒN VỐN ĐANG CÓ

NHỮNG NGUỒN VỐN ĐANG CÓ

16:54 - 25/09/2018

Vốn (tiền) luôn là vấn đề đau đầu. Muốn làm gì đầu tiên đều phải hỏi “Tiền đâu?”. Có lẽ đó là suy nghĩ của phần đông người khởi nghiệp. Ở khía cạnh cá nhân, tôi lại có suy nghĩ khác: Tôi cho rằng vốn là quan trọng nhưng có những yếu tố còn quan trọng hơn vốn mà bạn nên tìm kiếm và tạo dựng khi khởi sự kinh doanh chính là “thế làm giàu” và “bạn đồng hành”.

GIÀU CÓ HẠNH PHÚC?
TỪ ƯỚC MƠ ĐẾN HIỆN THỰC
10 thói quen không sửa ngay đời bạn sẽ xuống dốc
Năm 2018, bạn trẻ hãy thay đổi thói qua loa
TIẾN TỪNG BƯỚC VỮNG CHẮC
Những nguồn vốn đang có

Vốn (tiền) luôn là vấn đề đau đầu. Muốn làm gì đầu tiên đều phải hỏi “Tiền đâu?”. Có lẽ đó là suy nghĩ của phần đông người khởi nghiệp. Ở khía cạnh cá nhân, tôi lại có suy nghĩ khác: Tôi cho rằng vốn là quan trọng nhưng có những yếu tố còn quan trọng hơn vốn mà bạn nên tìm kiếm và tạo dựng khi khởi sự kinh doanh chính là “thế làm giàu”“bạn đồng hành”.

“Thế làm giàu” ở đây được hiểu là những thế mạnh ở bản thân người khởi nghiệp và từ hoàn cảnh, điều kiện của họ sinh ra. Không có vốn làm giàu không đáng sợ bằng không có “thế làm giàu”.

Ví dụ 1: Bạn không có vốn nhưng bạn có tài viết lách và bạn có thể sử dụng cái tài này để viết những gì có thể kiếm ra tiền.

Ví dụ 2: Bạn không có vốn nhưng bạn có diện tích đất rất rộng lớn và bạn có thể phát triển những mô hình nông nghiệp xanh trên diện tích đất này.

Ví dụ 3: Nhiều người không có vốn nhưng người thân làm ở những vị trí có thể nhờ cậy được để kiếm ra tiền.

…………….

Nhiều người cứ than trời trách đất rằng mình không có vốn để khởi nghiệp mà không biết khai thác “thế làm giàu” của mình. Acsimet, một nhà cơ học thiên tài thời cổ, người đã khám phá ra các định luật về đòn bẩy, đã nói: “Hãy cho tôi một điểm tựa, tôi sẽ nhấc bổng trái đất lên!”. Người mạnh dùng sức, người yếu dùng thế (dùng mưu). “Thế làm giàu” là thứ có thể giúp bạn bước lên địa vị giàu có. Hãy tìm ra “thế làm giàu” của mình và khai thác nó triệt để!

Có lần tôi tình cờ đọc được một lá thư của một bạn ở một tờ báo, tôi nghĩ rằng vấn đề mà bạn này gặp phải cũng là vấn đề của đa số người khởi nghiệp nên quyết định trích đăng lá thư này để mọi người tham khảo (lá thư đã được tôi chỉnh sửa lại đôi chút cho dễ đọc):

Kính chào ban biên tập,

Từ ngày cầm tấm bằng đại học tới khi lập gia đình, tôi chỉ biết đi làm thuê ở các công ty, tôi làm ở công ty Việt Nam, rồi công ty nước ngoài. Tích lũy kinh nghiệm trong nhiều năm tháng, cộng với sự nhạy bén, nhiệt huyết trong công việc nên sau hai năm làm việc tôi đã được cất nhắc lên vị trí quản lí trong suốt nhiều năm (5 năm), rồi vị trí trưởng phòng ở một công ty nước ngoài, nhưng tôi muốn thay đổi nơi công tác để tiện chăm sóc gia đình của mình (tôi đã có vợ và hai con).

Trong thời gian dự tính chuyển công tác, trong đầu tôi luôn nảy ra ý nghĩ “mình sẽ tự kinh doanh”, hay nói đúng hơn là muốn mạo hiểm làm giàu. Với ý nghĩ “không muốn đi làm thuê”, tôi đã nhiều đêm suy nghĩ, tính toán để lên kế hoạch cho tương lai của mình. Hàng ngày, mỗi buổi chiều khi qua nhà mẹ vợ để đón hai con, tôi thường ngắm nghía sản phẩm mà mẹ vợ tôi lấy từ TP.HCM về bán. Tôi liên tưởng đến việc mình sẽ sản xuất ra được mặt hàng này. Tôi cặm cụi vào internet đọc tài liệu để tìm kiếm thông tin. Thế rồi tôi khăn gói đi học nghề để chế biến ra thành phẩm, với ý nghĩ mình phải có một nghề trong tay.

Thời gian trôi qua tôi mới hiểu để có thành phẩm mà mình không có kiến thức chuyên sâu về nó khó khăn như thế nào. Những ngày đầu tôi đã thất bại thảm hại vì thành phẩm mà mình tạo ra không đạt chất lượng. Có lẽ vợ tôi cũng không hiểu được tôi đau buồn và chán chường đến nhường nào (bởi tôi là người ít tâm sự chuyện buồn với vợ). Thế là tôi lại lên TP.HCM liên hệ một số công ty cung cấp nguyên liệu để nhờ họ tư vấn và chỉ dẫn thêm, thế nhưng đến nay tôi chỉ tạo ra được thành phẩm “tạm chấp nhận”.

Cho rằng mình đã thành công bước đầu, tôi đã đi tiếp thị “đứa con tinh thần của mình” tới một số người quen, một số tạp hóa nhỏ. Những ngày đầu, tôi rất háo hức nên đã thức đêm để làm. Cứ thế, sau khi hoàn tất công việc ở công ty, tôi về nhà tranh thủ đọc tài liệu để nâng cao kiến thức cũng như tạo ra chất lượng sản phẩm ngày một tốt hơn. Sau bao ngày vật lộn với khó khăn, sức khỏe của tôi giảm sút. Tôi mệt mỏi, sút cân …

Tôi chán công việc ở công ty, tôi nhận thấy mình say mê công việc của riêng mình hơn. Tôi quyết định nghỉ việc ở công ty để về nhà kinh doanh riêng. Và tôi đã gặp phải khó khăn về tài chính khi tôi nghỉ việc, nguồn thu nhập chính của gia đình cũng bị mất. Khi tôi ra kinh doanh riêng cũng là lúc việc kinh doanh của vợ tôi gặp phải khó khăn. Gia đình bắt đầu rạn nứt … Vợ chồng tôi thường lớn tiếng với nhau, chúng tôi thường hay cãi nhau để bảo vệ quan điểm của mình. Nàng nói tôi quyết định nghỉ việc ở công ty là quá vội vàng, nàng đề nghị tôi đi làm trở lại để kiếm thêm thu nhập cho gia đình, đồng thời để tích lũy vốn cho dự án kinh doanh của tôi. Tôi thì muốn bảo vệ quyết định của mình, tôi không thể một lúc ôm hai công việc …

Có lúc tôi tự hỏi: Phải chăng nàng đang giết chết ý tưởng kinh doanh của tôi ? Rồi tôi phân tích cho nàng hiểu về kế hoạch của mình. Kể từ ngày không còn lãnh lương công ty, hàng tháng tôi chỉ kiếm được khoảng hai triệu đồng, số tiền này quá nhỏ so với đồng lương trước đó của tôi. Nhưng tôi biết rằng điều đó không làm tôi chán nản, tôi tin rằng: Vạn sự khởi đầu nan, phi thương bất phú!

Kể từ ngày không còn làm ở công ty, tôi có nhiều thời gian rảnh. Mọi người xung quanh thường hỏi tôi: Hôm nay được nghỉ việc à? Rồi đến mẹ tôi cũng nói: Bao giờ con mới đi làm? Tôi bị một áp lực tâm lí ghê gớm.

Tôi liên tưởng tới việc thành lập doanh nghiệp. Tôi lên kế hoạch cho việc này, liên hệ một số cơ sở để cung cấp bao bì, tem nhãn, tôi nghiền ngẫm thêm kiến thức chuyên ngành để sản xuất chuyên sâu ... Tôi mong có một cộng sự chuyên ngành hóa học chỉ dẫn và giúp tôi tạo được sức bền về thời gian cho sản phẩm. Nhưng ngặt điều tài chính của tôi bị hạn hẹp nên hầu như mọi tính toán trong đầu tôi không trở thành hiện thực. Có lúc tôi suy nghĩ vẩn vơ, lấy xe đi tìm kiếm khách hàng nhưng lại không biết mình đang đi đâu. Hiện nay tôi chỉ sản xuất và tiêu thụ nhỏ giọt do chưa có nhãn hiệu, tôi chưa tường tận về thời hạn chất lượng của sản phẩm …

Đến nay hầu như khó khăn tài chính vẫn quanh quẩn, có lúc tôi muốn buông xuôi tất cả, tôi chán nản, tôi đi lang thang các nhà thờ để cầu nguyện. Rồi đến một ngày tôi chấp nhận và nghe góp ý của vợ để đi làm trở lại, đến nay có một số công ty đã mời tôi làm việc nhưng tôi vẫn còn đang phân vân, phải chăng máu kinh doanh vẫn đang tồi tại trong tôi. Tôi nên hành động như thế nào?

………………..

Đáng lẽ ra anh chàng trên phải tìm cách khai thác “thế làm giàu” của mình để thực hiện ước mơ giàu có, chứ không phải quyết định nghỉ việc ra kinh doanh riêng khi chưa có vốn liếng, kinh nghiệm, công nghệ, tay nghề … và thị trường để tiêu thụ sản phẩm, đáng tiếc hơn khi anh ta là người đem lại thu nhập chính cho gia đình. Theo đuổi hướng đi khi tất cả đều là ẩn số mà không biết khai thác “thế làm giàu” của mình là sai lầm rất phổ biến ở những người khởi nghiệp thiếu kiến thức.

Tại sao anh ta không biết giúp cho công việc kinh doanh của vợ phất lên, hoặc cả hai vợ chồng cùng bàn hướng kinh doanh tốt nhất rồi để cho vợ anh ta đảm nhiệm (còn anh ta vẫn đi làm)? Tùy vào “thế làm giàu” của bạn mà bạn có những bước tiến khác nhau. Có thể nhanh, có thể chậm, có thể nhiều, có thể ít … Không biết cân nhắc để điều chỉnh sách lược làm giàu cho phù hợp là nguyên nhân đưa bạn đến cảnh bi đát. Phải biết nhìn xa, chuẩn bị, hành động trước khi mình lâm vào thế khó, chứ lâm vào thế khó rồi thì có thần thánh cũng không giúp bạn thoát ra được. Đó là lợi ích của việc trang bị cho mình những kiến thức kinh doanh cần thiết.

“Nhưng tôi biết rằng điều đó không làm tôi chán nản, tôi tin rằng: Vạn sự khởi đầu nan, phi thương bất phú!”. => Anh ta có niềm tin nhưng niềm tin ấy lại không được xây dựng trên những nền tảng vững chắc. Bạn tin nhưng điều gì khiến bạn tin như thế? Niềm tin mà không được xây dựng trên những nền tảng vững chắc chính là sự mù quáng!

"Kể từ ngày không còn làm ở công ty, tôi có nhiều thời gian rảnh. Mọi người xung quanh thường hỏi tôi: Hôm nay được nghỉ việc à? Rồi đến mẹ tôi cũng nói: Bao giờ con mới đi làm? Tôi bị một áp lực tâm lí ghê gớm." => Áp lực là điều mà bất cứ người khởi nghiệp nào cũng phải trải qua. Bạn có hình dung ra các áp lực đó và bạn sẽ vượt qua chúng bằng cách nào …? Bạn phải có phương án giải quyết những tình huống này trước khi quyết định ra kinh doanh riêng.

"Tôi liên tưởng tới việc thành lập doanh nghiệp. Tôi lên kế hoạch cho việc này, liên hệ một số cơ sở để cung cấp bao bì, tem nhãn, tôi nghiền ngẫm thêm kiến thức chuyên ngành để sản xuất chuyên sâu ..." => Công việc thành lập doanh nghiệp đâu chỉ đơn giản như thế. Khi đầu óc bạn chỉ có hai phép tính cộng và trừ bạn lại dám ra thành lập doanh nghiệp? Thiếu kiến thức về khởi nghiệp là nguyên nhân chính khiến nhiều người khởi nghiệp thất bại.

"Tôi mong có được một cộng tác chuyên ngành hóa học chỉ dẫn và giúp tôi tạo được sức bền về thời gian cho chất lượng sản phẩm." => Bạn không thể đơn thương độc mã khởi nghiệp nếu không tìm được “người đồng hành”.

(Ảnh: pixabay.com)

Trước đây tôi có mua một miếng đất để thực hiện dự án trồng rau sạch, nhưng thuyết phục người thân trông coi khu vườn hoài không được nên tôi đành ngưng dự án này lại. Hiện nay tôi đang có và muốn triển khai nhiều dự án vào cuộc sống để giúp người dân, nhưng khó khăn lớn nhất khiến cho tôi chưa thể thực hiện được tâm nguyện của mình chính là nguồn nhân lực. Không phải cứ bỏ tiền ra là thuê được người phù hợp và đáng tin để giao trọng trách. Dù có tiền nhiều bao nhiêu bạn cũng không thể làm được những điều vĩ đại nếu không có những “người đồng hành”. “Thần thiêng nhờ bộ hạ”. Nếu không có “bộ hạ” thì “thần” không có “thiêng” đâu! Đó cũng là lí do mà bất cứ người lãnh đạo nào mới nhậm chức đều phải tìm được người phò tá mình.

Khi tìm “người đồng hành” bạn phải chú ý đến tính phù hợp. Tìm người phù hợp chứ không phải tìm người giỏi. Ví dụ: Nếu cần một người đứng quầy thu ngân thì bạn phải tìm được người biết tính toán, làm cẩn thận … Công việc đòi hỏi những gì, đến đâu phải tìm người phù hợp với cương vị đó. Không cần thiết phải tuyển người có những khả năng mà công việc không cần.

Trung Quốc có câu ngạn ngữ: “Tự lực tự cường”. Bạn chỉ có thể trở nên mạnh mẽ khi tự đứng trên chính đôi chân của mình. Tiền vay mượn từ người khác trước sau gì cũng phải trả. Trong trường hợp làm ăn thất bại trả không được sẽ mất uy tín. Bên cạnh đó, dưới áp lực nợ nần bạn không thể ra những quyết định chính xác. Quan điểm của tôi là không sử dụng tiền vay mượn để làm giàu, hoặc chỉ sử dụng khi tỉ lệ thành công khá cao. Hạn chế vay mượn ở mức tối đa là cách hay nhất để sự nghiệp làm giàu của bạn luôn cất cánh.

“Những người sống bằng tiền vay mượn và thẻ tín dụng sẽ không thể giàu được. Vì vậy, Warren Buffett không bao giờ vay mượn một khoản tiền lớn để tiêu dùng hay đầu tư. Ông cũng ghét thế chấp. Warren Buffett cho biết ông đã nhận được nhiều lá thư tâm sự đau lòng của những người cứ tưởng mình quản lí được nợ nần nhưng lại khốn đốn vì chúng. Lời khuyên của ông là chỉ mượn đến số tiền bạn có thể trả và hãy đầu tư bằng tiền tiết kiệm của chính mình”.

Nếu bạn muốn làm giàu khi trong tay chỉ có số tiền là A thì lời khuyên tốt nhất dành cho bạn là bạn hãy tìm đến những mô hình kinh doanh chỉ dùng số tiền xấp xỉ hoặc nhỏ hơn A để đầu tư. Tôi đã bắt gặp nhiều lời than đại loại như là: Tôi muốn làm cái này, cái kia nhưng không có vốn, không có ai đầu tư … Tôi không hiểu tại sao bạn lại theo đuổi những giấc mơ làm giàu bằng tiền vay mượn? Kinh nghiệm xương máu của tôi chỉ ra rằng: Không ai cho không bạn, càng vay mượn tiền thì càng “khát máu”, thiếu sáng suốt trong những quyết định kinh doanh. Và tôi đã bắt gặp rất nhiều người phải trả giá đắt bằng kiểu làm giàu trên, trong đó có người thân của tôi. Thật đau lòng!

Khi không có tiền bạn đừng nghĩ đến tiền. Sức ép của hai bàn tay trắng sẽ giúp bạn nghĩ ra cách kiếm tiền bằng chính năng lực bản thân, cắt giảm chi phí nhằm đạt bằng được mục đích của mình. Thực tế chứng minh con người là nhân tố quan trọng nhất chứ không phải tiền bạc!

Rất nhiều người đã “ôm” đất với hi vọng trở thành “đại gia”. Bằng mọi cách, họ đã vay mượn tiền, kể cả vay nặng lãi, thế nhưng với tình hình nhà đất như bây giờ thì giữ chẳng được mà bán cũng chẳng xong. Bài học cay đắng về việc dùng tiền vay mượn để làm giàu còn sờ sờ ra đó.

Những ai đang nghèo mà có tư tưởng vay tiền người khác để làm giàu hãy cân nhắc kĩ có nên vay hay không, nếu bắt buộc phải vay thì nên vay ở mức mình có thể trả được một cách dễ dàng trong thời gian ngắn, đừng vay những khoản vô tội vạ để cuối cùng thông báo vỡ nợ. Đồng tiền dính liền khúc ruột. Gia đình, người thân của bạn khó mà sống yên khi bạn lâm vào cảnh nợ nần. Vô tình bạn đã đẩy họ vào rắc rối, lo toan … Cha mẹ vay thì con phải nai lưng ra trả, con cái vay thì cha mẹ phải chạy vạy đầu này đầu kia. Cái vòng lẩn quẩn: Càng vay càng nợ, càng nợ càng vay. Suốt ngày trong đầu bạn chỉ nghĩ đến trả nợ, áp lực đó buộc bạn phải “bán đổ bán tháo” những sản phẩm mới chỉ “khai hoa”.

Bản chất làm giàu là thu về những giá trị vật chất, tinh thần cao hơn. Dẫu biết rằng không “bột” sao gột nên “hồ” nhưng ai bảo bạn rằng bạn không có “bột”? Biết khai thác những giá trị bản thân sẽ giúp bạn ngày càng trở thành người có năng lực thật sự.

Từ khi còn rất nhỏ tôi đã biết dành dụm tiền bạc phòng thân và làm vốn. Khi ở tuổi thanh niên tôi đã có một số vốn nhất định để khởi nghiệp. Tôi tin bất cứ ai dù đang nghèo hay thất nghiệp nếu có ý thức tiết kiệm cũng đều làm được như vậy.

Konozuke Matshusita là một trong những tỉ phú giàu nhất ở Nhật Bản, người sáng lập ra tập đoàn điện tử mang tên ông. Hồi còn nhỏ, gia đình Matshuhita rất nghèo, lại là con út trong một gia đình có 9 người con ở miền Trung Nhật Bản nên ông phải bỏ học lúc 19 tuổi, làm thuê ở một cửa hiệu sửa chữa xe máy kiếm sống. Ông đã tích góp từng xu để nuôi chí làm giàu. Để có tiền làm nhà xưởng, ông đã phải huy động vốn từ rất nhiều nguồn khác nhau, thậm chí bán cả tư trang của vợ mình. Đến nay, nhà máy của Matshusita phát triển thành tập đoàn Matshusita với những mặt hàng điện tử nổi tiếng mang nhãn hiệu Panasonic và National. Hiện nay Matshusita sử dụng hơn 190.000 nhân viên, có 200 nhà máy trên khắp thế giới và doanh thu riêng tại Mĩ đã đạt gần 60 tỉ USD.

Đồng tiền tiết kiệm từ mồ hôi nước mắt cho nên tôi vô cùng quí chúng. Trước khi làm bất cứ việc gì tôi đều tìm hiểu, nghiên cứu, tính toán thật kĩ. Tôi luôn tuân theo những nguyên tắc làm giàu của riêng mình: Không sử dụng tiền để làm giàu. Trong trường hợp phải sử dụng tiền thì tỉ lệ thành công phải cao, thời gian luân chuyển vốn phải nhanh. Và phải tuân theo những qui luật phân bổ đồng tiền nhất định.

Bạn cũng có thể kêu gọi góp vốn từ người khác, nhưng tỉ lệ thành công không cao do họ không mấy tin vào người mới khởi nghiệp. Bên cạnh đó, không ai bỏ đồng tiền ra mà không vụ lợi. Chính vì vậy, cầm được đồng tiền của họ không phải là điều dễ dàng. Hoặc bạn phải mất cái này cái kia, hoặc bạn chỉ tốn công thuyết phục họ vô ích. Nhiều người khuyên các bạn trẻ nên trình bày ý tưởng, dự án … của mình với các nhà đầu tư, mạnh thường quân … để được giúp đỡ. Tôi không tin trên đời này có loại người giúp đỡ người khác vô tư. Trong trường hợp phải kêu gọi vốn từ người khác bạn phải chấp nhận chia sẻ quyền lực hoặc lợi nhuận với người ta. Với tính cách của người chủ nếu không vì một lí do nào đấy không ai làm điều đó.

Có những người khôn ngoan đến độ có thể dùng tiền của người khác để làm giàu cho mình. Ở vào thời buổi văn minh này, bạn khó lòng áp dụng “chiêu thức” này một cách trơn tru, trừ khi bạn có cách nào đó làm cho người khác cần đến mình và xây dựng được uy tín nhất định trong lòng họ. Con người bây giờ ngày càng ranh ma, quỉ quyệt. Ai cũng tìm cách chiếm đoạt tiền bạc, thời gian, công sức, chất xám … của người khác. Đi đâu cũng thấy lừa đảo. Chính vì thế lòng tin giữa con người với con người ngày càng giảm sút.

Cuối cùng, lời khuyên tốt nhất dành cho ai khởi nghiệp mà ít vốn là nên khai thác vốn tự có nơi bản thân để làm giàu trước tiên, chỉ nên vay mượn một số tiền ở mức mình có thể trả được một cách dễ dàng sau khi mình đã có kinh nghiệm thương trường nhất định. Kiến thức, kĩ năng, thông tin …, tất cả đều có thể biến thành tiền nếu bạn biết cách bán nó đi. Hãy theo đuổi nhưng có lộ trình những lĩnh vực mà mình có thể phát huy hết năng lực, và luôn quản lí chặt chẽ từng đồng tiền kiếm được. Rồi sẽ có ngày bạn nhận ra chính bản thân là nguồn vốn quan trọng, quí báu nhất chứ không phải là tiền bạc.

Chat Master (Anastar)

>> Làm sao giàu từ tay trắng?

>> Con mắt của người làm giàu

>> Cố gắng dành dụm tiền, đừng bao giờ vay mượn

BÌNH LUẬN BẰNG MAIL

BÌNH LUẬN FACEBOOK