CON MẮT CỦA NGƯỜI LÀM GIÀU
13:29 - 18/07/2018
Bạn làm giàu cho bản thân, gia đình, quê hương, dân tộc? Mong muốn này là chính đáng, nhưng giàu có không phải chỉ kiếm nhiều tiền là được, những giá trị mà bạn gặt hái mới quyết định bạn có trở thành người giàu có, hạnh phúc thật sự hay không!
TỪ ƯỚC MƠ ĐẾN HIỆN THỰC
10 thói quen không sửa ngay đời bạn sẽ xuống dốc
Năm 2018, bạn trẻ hãy thay đổi thói qua loa
TIẾN TỪNG BƯỚC VỮNG CHẮC
Giấc mơ làm giàu đã có từ rất lâu đời. Xã hội loài người càng phát triển càng làm cho nhu cầu của con người tăng cao. Chúng ta hết tham vọng, khát khao, mong ước … cái này đến cái khác. Mặc dù không hẳn có tiền là có tất cả, song tiền bạc giữ một vai trò quan trọng trong việc thực hiện các ước mơ của cuộc đời. Chính vì vậy cần có tiền! Quan điểm này tôi không phủ nhận, vấn đề là bạn kiếm tiền như thế nào mà thôi!
Chúng ta kiếm tiền để phục vụ cho cuộc sống của mình, ấy vậy mà nhiều kẻ mất hết gia đình, anh em, vợ/chồng … khi giàu có. Họ bán rẻ tất cả những thứ được coi là thiêng liêng, cao quí nhất của con người chỉ vì đồng tiền. Họ tiêu xài phung phí, chơi bời phóng đãng, vênh mặt khinh đời … để cuối cùng họ ngậm ngùi, chua chát mình họ. Đồng tiền giống như con dao giết người hàng loạt, chỉ với 5.000 VND bạn có thể cứu một mạng người, làm nhiều việc có ích, nhưng có khi vài tỉ VND cũng không thể mua nổi một hạnh phúc giản đơn. Giàu có chân chính nằm trong tâm hồn, trí tuệ của mỗi người, chứ không phải cái vỏ bề ngoài. Nhà cao cửa rộng ư? Xe hơi sang trọng ư? Quần áo diêm dúa ư? Tất cả để làm gì chứ? Cuối cùng thì câu hỏi “Để làm gì?” cũng vang lên. Đó là mục đích cuối cùng và duy nhất của con người. Giàu có sẽ không đi đôi với bất hạnh nếu bạn không biến mình thành nô lệ của đồng tiền!
Hiện nay trào lưu làm giàu đang nở rộ như hoa trong giới trẻ. Nhà nhà làm giàu, người người làm giàu, và tôi tự hỏi trong số đó có mấy người thành công thật sự? Làm giàu chứ không phải kiếm sống cho nên không biết cách thì chỉ vật lộn mưu sinh. Muốn trở thành người giàu có thật sự bạn phải học cách làm giàu một cách bài bản, khoa học, chân chính!
Thứ nhất, phải có tầm nhìn!
Muốn đi hết con đường nào bạn phải ngước mặt lên nhìn con đường đó một lần. Cúi mặt xuống đi là hành động của kẻ thiếu khôn ngoan!
Hồi nhỏ tôi và lũ trẻ trong xóm hay hát bài:“Con kiến mà leo cành đa leo phải cành cụt leo ra leo vào, con kiến mà leo cành đào leo phải cành cụt leo vào leo ra”. Ông bà ta thì có câu: “Ai giàu ba họ ai khó ba đời?”. Bạn không phải là con kiến đúng không? Bạn hoàn toàn có thể nhìn được đâu là “cành cụt” cơ mà! Bất cứ lĩnh vực nào cũng có lúc suy thoái và khủng hoảng, vì vậy ông bà ta mới dám khẳng định chắc như đinh đóng cột là “Ai giàu ba họ ai khó ba đời?”. Dù không thể nhìn sang đến đời con cháu chí ít bạn cũng nhìn hết cuộc đời của mình!
Không giống như việc chọn cha mẹ, tất cả chúng ta đều có thể chọn cho mình một con đường để theo đuổi. Bạn chọn con đường sai, không những bạn thất bại mà còn rất cay đắng. Đất nước phát triển phần lớn nhờ những chính sách vĩ mô, vì vậy vai trò của người hoạch định chiến lược vô cùng quan trọng. Muốn chọn đúng con đường bạn phải có tri thức sâu sắc về bản thân, ngoại cảnh, dự đoán được xu hướng vận động của xã hội, vật chất. Nếu là một đất nước thì “bản thân” ở đây chính là “hoàn cảnh đất nước”, còn “ngoại cảnh” chính là “môi trường quốc tế”. Ba yếu tố này mà sai thì định hướng sai là tất yếu!
Nhiều bạn coi thường những gì tôi nói ở trên, nhưng không biết rằng đây là những yếu tố quyết định thành bại. Nhiều bạn mướn tôi hoạch định con đường phát triển, tôi hỏi bạn ấy có thể trả bao nhiêu tiền? Nếu bạn đủ tri thức để hiểu ra điều này là chân lí, trong trường hợp nào đó tôi có thể tặng không bạn, nhưng nếu bạn không hiểu ra thì cuộc đời của bạn cũng giống như con kiến mà thôi! Bò qua bò lại, bò tới bò lui không biết bò đi đâu. Một khi định hướng đúng, cơ hội sẽ ào đến như thác đổ, làm đêm làm ngày cũng không đáp ứng đủ nhu cầu khách hàng. Lao động không chỉ đem đến cho chúng ta của cải vật chất, mà còn đem đến cho chúng ta nhiều giá trị tinh thần vô giá. Bạn sẽ thấy đời mình rất ngắn!
Có một bạn sinh viên được tôi hướng dẫn làm một dự án, khi anh ta đặt địa chỉ mail cho công ty lại lấy tên anh ta, khi đó tôi mới hỏi: Nếu mai mốt khách hàng hỏi địa chỉ mail đó có ý nghĩa gì, thì bạn trả lời như thế nào? Nếu mai mốt người liên hệ với khách hàng là nhân viên của bạn, thì anh ta có cảm thấy khó chịu khi liên hệ với khách qua tên bạn không? … Nếu mai mốt bạn chết đi, con bạn sẽ tiếp quản công ty, thì vẫn dùng mail đó à? … Làm giàu là làm đại nghiệp, không phải chuyện của một cá nhân, lấy tri thức hẹp hòi để hoạch định con đường phát triển cho tổ chức là thiển cận. Thất bại dường như chắc chắn xảy ra!
Một tiệm kia bán cháo vịt rất nổi tiếng. Công việc làm ăn suôn sẻ đến nỗi chủ tiệm không quan tâm đến việc thiết lập mạng lưới cung cấp vịt, chú ý các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, đăng kí thương hiệu …, thế rồi đùng một cái dịch cúm gia cầm xảy ra. Bây giờ ghé lại tôi thấy tiệm ấy đóng cửa im ỉm.
Nhu cầu đi lại của người dân đang tăng cao, làm cho nhiều người tính đến việc kinh doanh ngành vận chuyển. Nhiều công ty vận chuyển bằng máy bay, tàu điện, xe buýt, taxi, xe máy … ra đời. Họ không lường trước được mối đan xen lợi ích khi có quá nhiều tổ chức/cá nhân cạnh tranh với nhau, họ không nhìn thấy được xu hướng qui hoạch đất nước, họ không dự đoán được nguồn năng lượng cung cấp, nền kinh tế thế giới, họ không thể ước lượng được chi phí bán hàng, doanh thu … và thế là thất bại! Thất bại nhỏ thì tiêu vốn, thất bại lớn thì đi tù, thất bại thảm hại làm ảnh hưởng đời sống biết bao người!
Đất nước chúng ta đang phát triển. Điều này là hiển nhiên ai cũng biết. Ra đường chúng ta gặp rất nhiều cảnh nhức mắt, nào là đào đường, kẹt xe, dây điện giăng ngang, giăng dọc … Ai cũng la lối, báo chí thì bức xúc, dân tình thì khốn khổ …, nhưng mấy ai biết nguyên nhân từ đâu ra. Bạn thử đi một vòng các nước Châu Âu xem hệ thống ống cống của người ta như thế nào, khi sửa có cần đào lên như vậy không? … Người lãnh đạo thiếu tầm nhìn, giống như con tàu không bánh lái, bất giác đâm phải đá ngầm thì số phận phụ thuộc vào may mắn. Lối giáo dục giáo điều, tâm lí chạy theo bằng cấp, tư tưởng duy ý chí, bảo thủ, gia trưởng … đã sản sinh ra những người tồi. Chúng ta không thiếu những người học vị cao, chúng ta không thiếu những ngành mũi nhọn …, thế nhưng khi làm đều phải nhờ cậy, nhập khẩu từ nước ngoài. Đất nước chúng ta thiếu trầm trọng những người giỏi thật sự biết hoạch định chính sách phát triển.
Nhìn sang các nước như Thái Lan, Nhật Bản … thấy mọi điều kiện của họ đều thua chúng ta, vậy mà tại sao họ giàu có hơn chúng ta? Bạn nào có dịp sang Nhật một lần mới hay những điều tôi nói là chính xác, từ tài nguyên, con người phải nói rằng Nhật không thể nào sánh được với Việt Nam, vậy do đâu? Ai cũng bảo nước Nhật nhiều xe hơi, họ sản xuất xe hơi như sản xuất kẹo, mà không biết rằng nếu sống ở Nhật không có xe hơi thì chỉ có nước chết! Thời tiết thì khắc nghiệt, tài nguyên thì không có, bạn chỉ còn cách phát triển giao thương, sản xuất công nghệ cao. Nếu không có xe hơi, không có các nhà máy thì họ phải làm gì? Con đường phát triển này ai tìm ra cho nước Nhật nếu không phải là những người lãnh đạo cấp cao? Còn Việt Nam …? Nghe những gì tôi nói bạn buồn bã, thất vọng ư? Bạn đừng có như vậy, bởi bạn cũng là một tế bào của đất nước! Nếu có tài năng hãy đứng ra làm những việc thiết thực để thay đổi đất nước ngay đi! Thái độ chỉ phê phán là thái độ sai cần phải được loại bỏ!
Thứ hai, phải lập kế hoạch!
Nhìn thấy con đường rồi, vấn đề tiếp theo là lập kế hoạch. Xây dựng bản kế hoạch chi tiết giúp người thực hiện nắm bắt, dự đoán cụ thể hơn những gì họ phải phân bổ, phân bổ như thế nào cho hợp lí để đạt được mục tiêu. Thực hiện những cái gì, cái nào thực hiện trước, cái nào thực hiện sau, thực hiện như thế nào, với thời lượng ra sao … tất cả phải thể hiện trong bản kế hoạch. Bản kế hoạch giống như cuốn sách hướng dẫn, dàn ý, bản đồ … Thiếu nó bạn sẽ nhớ trước quên sau, làm lung tung beng … và cuối cùng lạc hướng. Con đường ngắn nhất luôn là đường thẳng. Bản kế hoạch còn giúp người thực hiện tập trung khả năng, nguồn lực mà họ có để công việc đạt kết quả cao nhất. Bản kế hoạch là lời tuyên bố đanh thép của những người muốn thành đạt thật sự!
Thứ ba, phải chuẩn bị kĩ!
Muốn ăn quả thì phải trồng cây, muốn đi mưa phải mặc áo mưa … đó là một phản xạ rất tự nhiên, ấy vậy mà nhiều người không hiểu điều đơn giản này!
Bạn muốn thành nhà thơ khi năng lực còn quá thấp ư? Bạn hãy đọc khoảng 10.000 bài thơ, và nhớ vài trăm bài xem bạn có biết làm thơ không biết liền! Chúng ta không phải là thiên tài, mà có là thiên tài đi nữa thì cũng phải lao động cật lực mới thành công. Hãy bắt chước làm giống người ta trước, sau đó mới “buông phao”.
Nhiều người muốn kinh doanh gạo mà tôi hỏi đất nước ta có bao nhiêu loại gạo, đâu là đầu mối của các loại gạo, giá cả gạo ở đâu là rẻ nhất … lại không biết. Nhiều người muốn kinh doanh cây xanh, nhưng tôi hỏi cây bạn kinh doanh có bao nhiêu chủng loại, giá cả như thế nào, nguồn cung cấp ở đâu, tạo dáng ra làm sao, chăm sóc có khó không … thì ú ớ …
Một khi bạn thiếu kiến thức, thông tin, nguồn lực … liệu bạn có tới được bên kia sông? Thời gian chuẩn bị bao lâu, chuẩn bị như thế nào phụ thuộc tri thức, năng lực của mỗi người, nhưng nhất thiết phải chuẩn bị. Chuẩn bị càng chu đáo thì thắng lợi càng vẻ vang. Hãy nhớ “chuẩn bị chu đáo” chứ không phải “chuẩn bị dư thừa”. Chuẩn bị dư thừa chỉ tốn công sức, tiền của và thời gian!
Thứ tư, nhắm đến bền vững!
Nhiều bạn kinh doanh theo kiểu chụp giật, vội vàng, thấy người ta bán bán buôn buôn là lao vào buôn buôn bán bán, mà không hiểu rằng đó chỉ là cách kiếm tiền sơ đẳng! Có một câu nói đại loại như thế này: Dù làm việc nhỏ nhưng phải làm tốt nhất!
Có một câu chuyện về kinh doanh như sau: Một anh chàng kia muốn kinh doanh heo. Anh ta mua nhầm một con heo bệnh. Xót tiền bỏ ra anh ta nghĩ thôi bán đại may ra người ta không biết thì mình có tiền. Thế là anh ta đem ra chợ bán. Miếng thịt heo bệnh vô tình được một cậu bé nhà nghèo mua về ăn. Nhà cậu nghèo mà còn ăn phải miếng thịt heo bệnh nên càng cùng cực. Vì lợi ích trước mắt mà anh chàng bán thịt heo đã hủy hoại đi sức khỏe của người khác, và chắc chắn hủy hoại đi sự nghiệp của anh ta!
Tôi muốn nói với bạn rằng: Đồng tiền mồ hôi nước mắt của ai cũng quí như nhau, nếu bạn muốn thật sự giàu có bạn phải học cách bảo vệ lợi ích của khách hàng! Hãy coi mình như người mua miếng thịt heo kia, bạn phải làm sao có miếng thịt heo ngon nhất, rẻ nhất cho khách! Dù bán chỉ một mớ rau, nhưng phải có trách nhiệm với mớ rau đó, nếu mớ rau đó hư sẵn sàng bỏ cả vốn liếng để đền cho khách. Bạn có làm vậy được không? Nếu làm vậy được thì bạn có thể bắt tay vào kinh doanh rồi đó!
Một cậu bé nói với tôi, cháu thấy người ta cần mua cây cảnh nên cháu đi mua rồi bán cho người ta. Tôi hỏi cậu bé: Vậy cháu có đảm bảo cây cảnh đó là rẻ nhất? Khi khách hàng muốn biết thêm kiến thức về chăm sóc cây cháu có thể đáp ứng không? … Đành rằng thời gian đầu bước vào kinh doanh nhiều cái chưa chuyên nghiệp, nhưng với cách làm “ăn xổi ở thì” chắc chắn bạn sẽ gặp nhiều gian nan. Hãy vươn đến sự chuyên nghiệp trong mọi công việc!
Ai cũng nghĩ muốn giàu có phải lừa gạt, điều đó thật sai lầm! Làm giàu là cái nghề, nhưng cái nghề này không phải ai cũng làm được!
Thứ năm, tìm cách phát triển!
Mặt trận kinh doanh giống như chiến trường. Một khi đã bước vào chiến trường mà bạn không tấn công đồng nghĩa với thất bại. Trăm ngàn công ty thành lập đều có một điểm chung: Sẽ thất bại khi không tìm ra cách phát triển!
Dòng sông kinh doanh có khúc êm ả, có khúc thác ghềnh, nếu ai nghĩ rằng kinh doanh là một cuộc chơi, giàu có chỉ lo hưởng thụ, tất yếu sẽ sụp đổ. Khi nghèo cần phải sống đúng với hoàn cảnh của mình, khi giàu càng lo giàu thêm, đó là cách nghĩ của kẻ mạnh. Người nghèo thì nghĩ khác, họ nghĩ làm giàu để ăn chơi cho sướng! Giàu có là một quá trình gian nan gấp khúc, nhưng trắng tay thì chỉ xảy ra trong tích tắc! Bạn nên biết rằng nhu cầu của con người luôn luôn thay đổi không ngừng. Ăn hoài một loại rau khách hàng sẽ chán, họ luôn muốn thưởng thức loại rau ưu việt hơn. Chính vì vậy, sáng tạo là “vũ khí” để phát triển. Người chủ không có phẩm chất sáng tạo mà còn không biết trọng dụng người như vậy, thì một ngày nào đó sẽ tụt hậu lại phía sau rồi “biến mất”.
Bạn làm giàu cho bản thân, gia đình, quê hương, dân tộc? Mong muốn này là chính đáng, nhưng giàu có không phải chỉ kiếm nhiều tiền là được, những giá trị mà bạn gặt hái mới quyết định bạn có trở thành người giàu có, hạnh phúc thật sự hay không!
Chat Master (Anastar)
(Ảnh: Internet)
Bài viết chủ đề liên quan: