BỨC TRANH GIÀU CÓ
11:39 - 15/01/2020
Trên đời không thiếu lí thuyết về làm giàu, không thiếu kinh nghiệm kinh doanh, và lại càng không thiếu tấm gương thành đạt, song vì sao bạn vẫn còn loay hoay trong cuộc sống nghèo nàn? Biết bao bạn đã đặt ra câu hỏi về con đường giàu có cho riêng mình, nhưng đâu là câu trả lời đầy đủ và chính xác nhất? Hôm nay cảm thấy tâm hồn mình than thản, tôi mời bạn cùng uống trà đàm đạo về làm giàu.
TỪ ƯỚC MƠ ĐẾN HIỆN THỰC
10 thói quen không sửa ngay đời bạn sẽ xuống dốc
Năm 2018, bạn trẻ hãy thay đổi thói qua loa
TIẾN TỪNG BƯỚC VỮNG CHẮC
Thế là một tuần đầy vất vả nữa lại kết thúc. Hôm nay dành chút thời gian rảnh rỗi, ngồi viết ra những tri thức của mình về con đường làm giàu để chia sẻ với cộng đồng. Tôi không biết bạn là ai, và chẳng thể hình dung được một cách cụ thể, chính vì vậy tôi đã viết bài này như nói với chính tôi.
Một tuần qua bạn làm việc, học tập như thế nào? Riêng tôi, “mỗi ngày là một cố gắng”. Tôi luôn tự nhủ và nhắc nhở mình như vậy. Từ cái ngày tôi sinh ra, từ cái ngày tôi nhận thức rằng “cuộc sống có ích là cuộc sống không ngừng vươn lên”, tôi đã luôn phấn đấu hết mình. Tôi rất hay khóc trong tâm, chính vì vậy tâm hồn tôi cực kì nhạy cảm. Lòng yêu con người, yêu cuộc sống có ích đã cho tôi một sức mạnh vô biên. Cái chết ư? Tầm thường! Tôi không nghĩ cái chết là điều làm tôi sợ, mà điều sợ nhất của tôi là không thực hiện được ước nguyện của mình khi còn sống trên đời.
Mỗi ngày tôi lại sờ tay lên ngực xem trái tim mình còn đập, còn nóng không. Nó đang bốc lửa và tôi biết mình vẫn còn sức mạnh để đương đầu với mọi rào cản. Chắc bạn sẽ chẳng thể nào phân biệt được nếu gặp tôi ở ngoài đời, vì bạn chỉ thấy bề ngoài mà không nhìn thấu trái tim. Trái tim bạn, trái tim tôi vì sao chúng khác nhau? Và vì sao tôi có trái tim như bây giờ? Câu trả lời sẽ rất dài dòng, nhưng nếu nói một cách ngắn gọn thì đó là: Tình yêu con người!
Mỗi chúng ta có tuổi thọ khác nhau, và thời gian có ý nghĩa gì đây trong cuộc đời mỗi con người? Có ai đoán được mình sống bao nhiêu tuổi, và sẽ chết khi đang làm gì? Chính vì vậy, hãy sống trọn vẹn để cuộc đời ý nghĩa!
Trên đời không thiếu lí thuyết về làm giàu, không thiếu kinh nghiệm kinh doanh, và lại càng không thiếu tấm gương thành đạt, song vì sao bạn vẫn còn loay hoay trong cuộc sống nghèo nàn? Biết bao bạn đã đặt ra câu hỏi về con đường giàu có cho riêng mình, nhưng đâu là câu trả lời đầy đủ và chính xác nhất? Hôm nay cảm thấy tâm hồn mình than thản, tôi mời bạn cùng uống trà đàm đạo về làm giàu.
Trước tiên chúng ta hãy cùng nhau thưởng thức trà trong một khung cảnh thật yên tĩnh, sau đó kiếm giấy bút để họa bức tranh giàu có.
Sao tôi kêu bạn chuẩn bị giấy mà bạn cứ loay hoay hoài chưa có giấy là sao? Mỗi chúng ta có hoàn cảnh khác nhau, trí tuệ khác nhau, sức khỏe khác nhau, tâm sinh lí khác nhau …, và bao nhiêu cái khác nhau nữa. Chính vì vậy, mỗi chúng ta đều có cách riêng, cần thời gian riêng để bắt đầu vẽ bức tranh giàu có của mình. Bạn thì lấy nước mưa, ngồi bệt xuống đất, vẽ nguệch ngoặc trên nền đất; bạn thì ngồi trên sân thượng, pha cà phê sữa, vẽ trên cái giá sang trọng … Tất cả chúng ta đều bắt đầu vẽ bức tranh giàu có của mình với những điều kiện hoàn toàn khác nhau. Chính sự khác nhau này đã đem lại cho người vẽ sự thuận lợi, hay khó khăn nhất thời. Tuy nhiên, để hoàn thành bức tranh chúng ta phải tuân theo những nguyên tắc chung.
Muốn vẽ tranh bạn phải có kiến thức về hội họa! Bạn muốn làm giàu ư? Vậy phải đi tìm hiểu về giàu có! Có rất nhiều cách để tích lũy tri thức, kinh nghiệm, kĩ năng … cho mình, nó phụ thuộc vào tư chất của mỗi người. Tôi không biết bạn làm thế nào để có những tri thức, kinh nghiệm, kĩ năng … đó, và tôi cũng không biết đó có phải là cách sai hay không (bởi đúng sai chỉ biết khi kết quả xảy ra), tôi chỉ nói kinh nghiệm của riêng mình cho bạn tham khảo. Tôi không cho rằng kinh nghiệm này là đúng với bất cứ ai, và càng không phải là kinh nghiệm hay nhất, nhưng có thể sẽ giúp ích cho ai đó nếu cũng đam mê làm giàu như tôi.
Trước ngưỡng cửa đại học, tôi đã mất rất nhiều đêm để suy nghĩ xem mình nên thi vào trường nào. Tôi đam mê kinh tế, đó là một điều không thể phủ nhận. Mỗi tế bào cơ thể tôi dường như đều có phân tử “khát khao giàu có” bên trong. Thế nhưng, tôi lại quyết định thi vào một trường kĩ thuật. Việc thi vào một trường mà mình không có năng khiếu và yêu thích, đã khiến tôi gặp rất nhiều khó khăn trong vấn đề học tập. Thời gian cứ thế trôi qua, cuộc đời tôi cứ thế tiến lên, và cho đến bây giờ tôi mới biết quyết định ngày hôm đó là chính xác. Sự chính xác đó có rất nhiều nguyên nhân. Song tôi xin kể ra vài nguyên nhân chính. Thứ nhất, với nền giáo dục nặng về lí thuyết của nước ta thì một sinh viên kinh tế tốt nghiệp ra trường trong đầu óc chỉ toàn là lí thuyết, mà lí thuyết thì tôi có thể tự học được. Thứ hai, nếu nhìn ở tầm vĩ mô thì người có trình độ quản lí rất cần, song để đi vào chi tiết thì kĩ năng lao động cần thiết hơn. Sản nghiệp của chúng ta sẽ không thể phát triển lớn nếu chúng ta thiếu tầm nhìn, song nếu để đứng vững và tồn tại thì trình độ kĩ thuật, tay nghề (kĩ năng lao động) quan trọng không kém. Một ví dụ cụ thể là khi bạn đi làm hòn non bộ. Những phác thảo dự án bạn đã viết thành sách, song khi bắt tay vào làm hòn non bộ thì bạn lại tạo ra một hòn non bộ rất thô thiển. Tôi muốn một hòn non bộ hình cái ốc đảo, hình thiếu nữ …, và hàng ngàn người đều làm ra hòn non bộ hình ốc đảo, thiếu nữ …, nhưng tại sao chỉ có hòn non bộ của anh A bán được? Bởi nó mang tính nghệ thuật, bởi nó tinh tế … Sự tinh tế đó (hay nói cách khác là kĩ thuật chế tác, kĩ năng lao động) không ai giống ai. Chính sự khác biệt này làm nên thành công hay thất bại của bạn. Từ nhỏ tôi đã biết muốn làm giàu là phải chuyên nghiệp, phải có kĩ thuật hơn người. Thứ ba, là người đam mê kinh tế song có đầu óc kĩ thuật tôi luôn nhìn sự vật, hiện tượng ở cả hai khía cạnh. Chính điều này đã đem lại cho tôi nhiều cơ hội. Thứ tư, đầu óc của một người có trình độ kĩ thuật thường thực tế hơn. Đó là điều vô cùng quan trọng khi bạn quyết định làm một việc gì. Thứ năm, với một tấm bằng kĩ thuật tôi đã dễ dàng xin việc, tiếp cận nhiều công ty, thậm chí ra nước ngoài để học hỏi nhiều tri thức mới, do đó cơ hội làm giàu đến với tôi cũng nhiều hơn.
Ngay từ nhỏ tôi đã mê đọc sách, tất nhiên không phải sách nào tôi cũng mê. Tôi mê đọc nhất là sách về các môn khoa học chung (như triết học, tâm lí học, logic học, lí luận học …), sau đó là sách về kinh tế, tiếp đến là sách về kĩ thuật, rồi sức khỏe, văn hóa … Người ta hay nói học từ sách chỉ là học được cái “tao phách” của sách mà thôi, để biến những cái “tao phách” này thành cái của mình tôi đã tập viết sách, và áp dụng vào thực tế rất là nhiều. Với hàng ngàn cuốn sách tôi đọc được đã cho tôi một kiến thức khổng lồ về thế giới xung quanh, với sự khát khao thành đạt đã thôi thúc đầu óc tôi không ngừng sáng tạo. Đối với ai đó có thể nghĩ ra một sáng kiến, một ý tưởng … là khó khăn, song tôi sẽ không sống được nếu một ngày không nghĩ ra cái gì mới. Giữa muôn trùng khó khăn, giữa muôn vàn nguy hiểm, thì ai sẽ giúp bạn thoát ra khỏi tai họa đó? Không thể phủ nhận trí sáng tạo rất quan trọng đối với mỗi chúng ta!
Tôi lần lượt thay đổi và làm rất nhiều nghề, đi rất nhiều nơi để có cái nhìn bao quát, sâu sắc hơn trước khi xác định cho mình một hướng đi chuẩn xác. Ngày xưa có vài lần tôi đi xem bói, người ta nói rằng tôi thích hợp với nghề này nghề nọ, nhưng ngày hôm nay tôi thật sự biết mình có thế mạnh trong lĩnh vực nào. Tôi hiểu mình đến nỗi khi quyết định làm một việc gì đó tôi có thể đoán chắc mình thành công bao nhiêu phần trăm. Sự hiểu biết về bản thân là vô cùng quan trọng giúp bạn giành chiến thắng trên đường đời. Từ sự nhận thức ra điều này là cần thiết, có lần tôi từng mơ ước sẽ thành lập một trường chuyên phát hiện và đào tạo kĩ năng cho con người. Nhiều bạn trẻ bây giờ không biết mình muốn gì. Từ sự không biết hay biết mơ hồ đó bạn sẽ thiếu tự tin. Mà bạn biết không, niềm tin nơi bản thân giống như một chất xúc tác không thể thiếu giúp tinh thần bạn ngày càng mạnh mẽ.
Tôi sẽ vẽ cái gì? Chà! Câu hỏi này khó nhe! Tôi có đi xem tranh vài lần, tôi thấy một bức tranh để mọi người khen đẹp ngoài tài năng của người họa sĩ, điều rất quan trọng là bố cục bức tranh. Nghĩa là bức tranh đó vẽ gì, có ý nghĩa như thế nào?
Nếu không xác định được chủ đề vẽ hay bạn sẽ không thể vẽ nên một bức tranh đẹp.
Có nhiều bạn lại xác định vẽ biển, vẽ chim … Vẽ biển như thế nào? Vẽ mấy con chim? … Phải có một dàn ý cụ thể trong đầu thì hành động mới không lạc lối. Đây là nhiệm vụ của nhà hoạch định chiến lược, dự án, kế hoạch … Hồi đi học đại học, nhiều bạn coi thường các môn học như kinh tế vĩ mô, kinh tế quốc tế, triết học … Thậm chí có bạn chẳng hiểu những môn đó học để làm gì. Mà thầy cô bây giờ đâu phải ai cũng có tâm và có tầm để giải thích cho sinh viên hiểu. Chính vì vậy, nhiều bạn chỉ học thi cho qua. Tôi lăn lộn thương trường nhiều, chứng kiến rất nhiều thất bại chỉ vì thiếu những nền tảng suy nghĩ rất cơ bản, thiếu tầm nhìn trong việc hoạch định cho mình một con đường đúng. Nhiều bạn lập trang web quăng truyện, thơ của người ta lên cứ tưởng làm như vậy là hay ho, đến khi trang web phát triển thì lại bị tác giả kiện tiền bản quyền. Nhiều người mở quán không xem xét chỗ đậu xe cho khách, đến khi có chính sách của nhà nước về chấn chỉnh lòng lề đường thì gặp cảnh ế ẩm thấy thương tâm. Nhiều nhà chăn nuôi thì vật vã vì dịch bệnh, xuất khẩu thì gặp cảnh kiện phá giá … Nhà hoạch định thì không thiếu, xong người giỏi thì thật hiếm hoi. Tôi nghĩ rằng phải có một tập thể mới có thể làm được điều này. Có lẽ nào trong tương lai tôi sẽ thành lập một trung tâm tập hợp những người chuyên hoạch định như vậy?
Tôi thấy con người làm giàu bằng đủ loại nghề. Có người nuôi bò rồi nhân ra hàng trăm con, có người lượm rác rồi thành lập một nơi thu gom rác, lại có người làm giàu bằng buôn bán trao tay … Còn bạn? Bạn sẽ làm gì? Sẽ vẽ cái gì?
Trong tay bạn chỉ có một cây viết chì, và một cuốn tập, bạn sẽ vẽ cái gì đây?
Chúng ta làm giàu để giàu có, không ai làm giàu để ngập vào cảnh nợ nần. Chính vì vậy, rất cần thiết bạn phải phác thảo ra một bức tranh giàu có hợp với hoàn cảnh và bản thân mình. Bạn hỏi tôi nếu vẽ bức tranh bằng viết chì, bằng giấy tập thì ai sẽ mua hả? Khoan hãy nói đến điều đó, bởi giá trị của sự vật đôi khi do chúng ta tưởng tượng ra. Bạn không tin sao? Tôi xin kể cho bạn nghe vài câu chuyện rất thật như thế này về kinh doanh:
Ở Trung Quốc có một viện bảo tàng cho người xem mướn quần áo của vua chúa để chụp hình làm kỉ niệm. Một bộ quần áo mặc chỉ vài phút chụp hình mà phải chi ra rất nhiều tiền. Khi chứng kiến cảnh ấy tôi tự hỏi hàng hóa mà họ bán ở đây là gì vậy? Và câu trả lời là “cảm giác”. Giá trị thật của một li cà phê đôi khi chỉ vài ngàn, nhưng “cảm giác” mà nó đem lại có giá trị lớn hơn nhiều lần. Chúng ta phải tạo ra được một hàng hóa phục vụ được cái “cảm giác” của khách hàng, chỉ có như vậy bạn mới nhanh chóng giàu có. Với cây viết chì và mảnh giấy tập, bạn phải vẽ gì, vẽ như thế nào, vẽ ở đâu … để đem lại cái “cảm giác” đó? Nói đến đây chắc bạn phải cầu cứu khả năng sáng tạo của mình. Tôi thấy có người viết thư pháp trên tờ giấy bán vài ngàn có kẻ chê mắc, tôi thấy có người viết thư pháp lên vỏ trứng bán vài ngàn có người tò mò xem, tôi thấy có người viết thư pháp lên vỏ trái dưa nhiều người hiếu kì bu lại … Có ai viết thư pháp trên bóng đèn, dưới hồ cá … không nhỉ?! Bạn phải trả lời được câu hỏi bạn sẽ vẽ cái gì, vẽ như thế nào, vẽ ở đâu …?
Có một chuyện lạ lùng như thế này ở Nhật: Một công ty hoa quả tại Nhật Bản đã sử dụng các bản nhạc không lời của Mozart trong quá trình rấm chuối, khẳng định phương pháp này khiến những quả chuối trở nên ngọt hơn.
Mặc dù lập luận cho rằng nghe nhạc của Mozart có thể giúp tăng IQ của người nghe đã được khẳng định là không đúng nhưng ảnh hưởng của nhạc Mozart lên những quả chuối vẫn còn gây tranh cãi.
Hồi tháng 7, Toyoka Chuo Seika, một công ty hoa quả tại tỉnh Hyogo, đã bắt đầu bày bán tại các siêu thị một sản phẩm mới có tên gọi “Chuối Mozart”. “Chuối Mozart” ban đầu là những quả chuối xanh thông thường được nhập khẩu từ Philippines. Sau khi tới Nhật, công ty Toyoka Chuo Seika đưa chuối vào phòng rấm, nơi những chiếc loa phát ra âm thanh của các bản nhạc như “String Quartet 17” và “Piano Concerto 5 in D major”, cùng các tác phẩm khác, liên tục khoảng một tuần trong quá trình chuối chín. Qui trình này nghe có vẻ lạ lẫm, nhưng đó không phải là những quả chuối đầu tiên tại Nhật Bản “được nghe” các bản nhạc của nhà soạn nhạc nổi tiếng người Áo thế kỉ 18. Một công ty hoa quả tại tỉnh Miyazaki đã bắt đầu phương pháp đó cách đây 3 năm. Trên thực tế, trong vài thập niên qua, một loạt các loại thực phẩm và đồ uống ở Nhật đã được … nghe nhạc. Phải kể đến trong số đó là nước tương ở Kyoto, mì udon ở Tokyo, nước tương miso tại tỉnh Yamagata, nấm hương ở tỉnh Ishikawa, “Bánh mì Beethoven” ở Nagoya, tỉnh Aichi. Câu hỏi đặt ra là: Liệu các nhà sản xuất có thực sự nghiêm túc về những ích lợi của âm nhạc cổ điển đối với thực phẩm và đồ uống? Một đại diện từ công ty hoa quả Hyogo, Isama Okuda, cho hay đó không phải là chuyện đùa và họ tin rằng nhạc Mozart giúp chuối trở nên ngọt hơn. “Chúng tôi cho rằng đó là một sự đầu tư tốt, giúp chúng tôi trở nên khác biệt so với các công ty khác”, Okuda nói. “Chuối Mozart” được bán tại Toyoka với giá 300 yên một nải. So với chuối chín bình thường năm ngoái, giá bán này cao hơn. Công ty Hyogo đang lên kế hoạch đưa “chuối Mozart” tới các chuỗi siêu thị lớn trong tương lai.
Một công ty khác cũng sử dụng âm nhạc để gia tăng chất lượng là Ohara Shuzo, một hãng rượu sake ở tỉnh Fukushima. Giám đốc quản lí, bà Fumiko Ohara, cho biết công ty đã bắt đầu phương pháp này cách đây 20 năm, khi vị Chủ tịch Kosuke Ohara tình cờ đọc một cuốn sách nói về âm nhạc và rượu. Họ đã thử nghiệm với nhạc jazz, nhạc không lời của Mozart, Bach, và Beethoven cùng các nhà soạn nhạc khác. “Chúng tôi phát hiện ra rằng các tác phẩm của Mozart là tốt nhất cho rượu sake và đó là lí do chúng tôi chỉ sử dụng âm nhạc của ông”, bà Ohara nói. Trong khoảng từ 24 – 30 ngày, khi ở giai đoạn 2 của quá trình làm rượu, các bản nhạc của Mozart như “Symphony 41″ và “Piano Concerto 20″ sẽ được mở một tiếng vào buổi sáng và một tiếng vào buổi chiều khi rượu sake lên men. “Phương pháp này giúp rượu sake thơm và ngon hơn”, bà Ohara cho biết. Rượu sake của công ty Ohara Shuzo có giá từ 1.000 – 5.000 yên. Từ khi cho ra đời loại rượu Mozart lần đầu tiên năm 1989, công ty đã tiêu thụ khá tốt, kể cả bán tại địa phương và đặt hàng qua thư từ.
Cho tới nay vẫn chưa có nghiên cứu khoa học nào chứng minh rằng âm nhạc của Mozart có ảnh hưởng tới thực phẩm và các loại đồ uống. Nhưng một giải thích đã tập trung vào các giả thuyết về “âm thanh 1/f” hay “âm thanh hồng”, một âm thanh nổi được cho là có tác dụng tích cực đối với con người. Các bản nhạc của Mozart nhiều những âm thanh như thế, và đó là lí do tại sao liệu pháp âm nhạc thường có khuynh hướng sử dụng nhạc của ông. Tuy nhiên, ai có thể chứng minh được rằng âm nhạc có lợi cho con người cũng có lợi cho thực thẩm, đồ uống và cây cối? Nhà thực vật học nghiệp dư Dorothy Retallack đã trả lời một phần câu hỏi trên trong cuốn sách của bà viết năm 1973: “Âm nhạc và cây cối”. Sau khi cho cây nghe các loại nhạc khác nhau 3 tiếng mỗi ngày, bà phát hiện ra rằng cây cối “thích” nhạc cổ điển êm dịu, vốn làm chúng trở nên khỏe mạnh. Trong khi đó, nhạc rock và country lại có ảnh hưởng tiêu cực hoặc là không ảnh hưởng gì.
Nhiều nhà khoa học thực phẩm đã từ chối trả lời phỏng vấn vì chưa có nhiều nghiên cứu về đề tài này. Nhưng điều này không gây ảnh hưởng tới Hiroko Harada, quản lí của công ty Harada Tomato chuyên về cà chua tại tỉnh Tokushima. Cà chua được nghe nhạc Mozart, tên gọi Star Drops, đã cung cấp tất cả các bằng chứng mà bà cần. Bà Harada bắt đầu nghĩ đến ý tưởng sử dụng nhạc Mozart 15 năm trước sau khi biết thông tin rằng bò sản sinh sữa tốt hơn sau khi nghe nhạc Mozart. (Một nông dân ở Tây Ban Nha khẳng định những con bò nghe nhạc Mozart sản sinh nhiều hơn từ 1 – 6 lít sữa so với những con bò khác. Một nông trại ở Aichi tên gọi Dairy Paradise cũng sử dụng phương pháp này để thúc đẩy sản lượng sữa). Tại nông trường của bà Harada, những chiếc loa được lắp đặt tại toàn bộ 9 nhà kính trồng cà chua. Loa sẽ phát ra những bản nhạc êm dịu của Mozart khoảng 10 tiếng mỗi ngày, từ tháng 10 năm trước tới tận tháng 5 năm sau. “Điều quan trọng nhất là âm nhạc tạo ra môi trường thư giãn và thoải mái để chúng tôi làm việc trong các nhà kính và âm nhạc cũng có ảnh hưởng tốt đối với những quả cà chua”. Bà Harada cho hay cà chua Star Drops ngon và ngọt hơn. Còn theo viện nghiên cứu Tokushima Kogyou Shikenjyo, cà chua Mozart có hàm lượng sắt và vitamin C nhiều gấp 3 lần cà chua thông thường. Hiện mỗi túi cà chua Star Drops 350 gram có giá 750 yên.
Bạn có tin không? Bạn tin cũng được, không tin cũng được, nhưng bạn phải thừa nhận con người không hẳn sống vì những thứ hiện hữu, mà đôi khi những thứ vô hình làm họ chết mê chết mệt. Kinh doanh là tìm ra hướng đi riêng trong hoàn cảnh của mình chứ không phải những thứ mình không bao giờ với tới được.
Bạn nuôi cá kiểng, bán từng con từng con ư? Vậy thì chỉ là bán cá đơn thuần mà ăn thôi! Giá như có một cái ao xung quanh cái nhà sàn nho nhỏ bằng thủy tinh đủ màu sắc, và bạn thả con cá vàng vào đó nhỉ? Tôi nghĩ giá trị con cá ấy sẽ tăng lên gấp trăm lần hiện tại!
Đúng như bạn nói là muốn bán gì cũng phải xem khách hàng có nhu cầu hay không! Tôi cũng học như bạn, đọc bao nhiêu sách cũng thấy nói câu này, đọc riết rồi tôi đâm ra hoang mang. Nhu cầu là gì, và làm sao biết được bạn có nhu cầu về con cá vàng bơi trong cái ao của nhà sàn bằng thủy tinh đủ màu sắc hay không? Sách vở mãi mãi là sách vở, muốn biết đúng hay sai bạn hãy làm thử nghiệm!
Người ta hay nói “Thất bại là mẹ thành công!”. Câu này chỉ đúng khi sau thất bại bạn rút ra một điều gì đó để tiến vững chắc hơn trong tương lai. Một lời khuyên tốt nhất trong trường hợp này là: “Tiến từng bước vững chắc!”. Bạn nghĩ là mai mua vải vụn may gối bán hả? Đừng ngần ngại hãy làm thử từng chút một, làm thật cẩn thận, làm tốt nhất, luôn suy nghĩ sáng tạo … để tiếp cận thị trường. Thất bại ư? Trước tiên khoan trách mình, mà hãy xem xét lại hướng đi, sản phẩm, cách hành động … của mình đúng chưa? Người ta mua tức là người ta có nhu cầu, bạn không bán được tức là bạn làm dở hơn người khác. Trong một tình huống nào đó hãy xem xét luôn chi phí phải đầu tư để làm tốt hơn đối thủ. Người giỏi trên thương trường là người vừa bao quát, vừa chuyên sâu!
Như vậy, để vẽ được bức tranh giàu có, chúng ta phải:
+ Có kiến thức về hội họa.
+ Bố cục, dàn ý bức tranh. Hay nói cách khác là lập dự án, kế hoạch, hoạch định sách lược kinh doanh … cụ thể.
+ Bức tranh vẽ trong hoàn cảnh nào? Qui mô làm giàu phải phù hợp với hoàn cảnh làm giàu!
+ Cảm hứng để vẽ bức tranh có đủ lớn để vượt qua những gian khó, cay đắng, thất bại nhất thời? Luôn giữ tâm thật tốt, tạo động lực mạnh mẽ, đúng hướng để quyết tâm cao độ, trường tồn.
+ Xác định người vẽ. Để xem xét, hoàn thiện người ấy (hoàn thiện cả kĩ năng lao động và tư duy). Nếu cần nhiều người vẽ thì phải chuẩn bị nguồn nhân lực lớn.
+ Dụng cụ vẽ gồm những gì? Chuẩn bị như thế nào?
+ Phương pháp vẽ.
+ Vẽ cho ai xem? Tiếp cận người xem ra sao?
Để kết thúc bài viết, tôi xin kể cho các bạn nghe một câu chuyện nữa. Có một gia đình nông dân trồng cải để bán. Họ chỉ nghĩ đơn giản rằng trồng cải để có thêm thu nhập nuôi mấy con ăn học. Chẳng may năm ấy cải không bán được, cả luống cải nở hoa vàng rực. Các thiếu nữ thấy hoa cải đẹp nên lũ lượt rủ nhau về chụp ảnh. Ban đầu họ còn để cho chụp không, về sau thấy nhiều người có nhu cầu quá họ nảy ra ý định thu tiền. Gửi xe thì 10.000 VND/xe, vào chụp thì 10.000 VND/người. Nhờ cải không bán được mà nay gia đình họ trở nên dư dả.
Trong quá trình bạn vẽ bức tranh giàu có, có thể tầm nhìn bạn còn hạn hẹp, kĩ năng bạn chưa đủ, nhưng điều đó không quan trọng, quan trọng là trái tim của bạn có giàu nhiệt huyết hay không. Nhiều người đi tìm giấc mơ giàu có nơi xứ người, nhiều kẻ lại bỏ quê lên tận thành phố lập nghiệp, mà không biết rằng có thể giàu có đang ở rất gần. Tay trắng không đáng sợ, điều đáng sợ là không dám nghĩ dám làm, và khi làm thì lại làm bằng trái tim nguội lạnh!
Chat Master (Anastar)
Bài liên quan: